> Điểm báo ngày 02/07/2009.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

I. Qua báo in, tạp chí:

> Báo Người đại biểu Nhân dân (số 182, ngày 01-7-2009) đưa tin: 6 tháng đầu năm, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 740 tỷ đồng, bằng 72,6% dự toán năm. Trong đó, thu nội địa 520 tỷ đồng, bằng 57,8% dự toán năm, tăng 25,9% so cùng kỳ, còn lại là thuế xuất khẩu, nhập khẩu. Được biết, các chỉ tiêu đạt khá so với dự toán năm là thuế nhà, đất; thuế thu nhập cá nhân; thu tiền sử dụng đất; lệ phí trước bạ; thu từ khu vực công thương nghiệp – ngoài quốc doanh; thu phí xăng dầu. Riêng chỉ tiêu thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã hoàn thành dự toán năm. Theo đó, 6 tháng cuối năm, ngành thuế tập trung rà soát các khu vực, sắc thuế, địa bàn thu, tăng cường thu nợ đọng tiền sử dụng đất, thu thuế xây dựng cơ bản…

> Báo Nông nghiệp Việt Nam (số 130, ngày 01-7-2009) cho biết: Trong ngày khánh thành nhà mới, anh Nguyễn Văn Hải ở phố Chùa, xã Xương Lâm, huyện Lạng Giang, Bắc Giang tổ chức bữa tiệc hơn 100 mâm với gần 600 lượt khách được mời. Tuy nhiên sau gần 2 giờ ăn đã có một số cháu nhỏ xuất hiện các triệu chứng như nôn, đau đầu, đau bụng đi ngoài, sốt cao và được trạm y tế xã cấp cứu. Số người ngộ độc thực phẩm lên tới 22 người, rất may không có ai tử vong.

> Báo Giao thông vận tải (số 78, ngày 01-7-2008) đưa tin: Ngành GTVT Bắc Giang đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng 4 tuyến đường GTNT với tổng chiều dài gần 40km trong chương trình thực hiện năm thứ nhất của Dự án GTNT 3, tổng vốn đầu tư gần 45 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn đói ứng của Chính phủ Việt Nam. Đây là các tuyến đường GTNT được đầu tư cải tạo, nâng cấp, nhằm cải thiện hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn nông thôn, miền núi của tỉnh, gồm: tuyến Phương Đông - Bến Chăm (Yên Thế), tuyến Thắng - Gầm (Hiệp Hòa), tuyến từ Quốc lộ 31 đến thôn Đồng Bộp (Lục Nam), tuyến Cung Kiệm – Yên Tập – Minh Phượng (Yên Dũng).

II. Qua internet:

> Báo dddn.com.vn đưa tin: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa thông qua khoản cho vay nhằm thực hiện dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và Phát triển chương trình khí sinh học của Việt Nam.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 110,4 triệu USD, trong đó vay ADB khoảng 95 triệu USD với thời hạn vay 32 năm, trong đó 8 năm ân hạn, lãi suất cho vay 1%/năm trong thời gian ân hạn và 1,5% trong những năm tiếp theo. Vốn đối ứng trong nước khoảng 15,4 triệu USD. Dự án do Bộ NN&PTNT là Cơ quan chủ quản và thực hiện từ 2009 – 2015, được triển khai tại 16 tỉnh và thành phố trong đó có Bắc Giang.

> Báo dddn.com.vn cho biết: Tại Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng “Chuỗi trường học hữu nghị Canon” năm 2009. Tổng Giám đốc Sachio Kageyama đã khẳng định dự án sẽ cung cấp 4 trường cho các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Ninh, Bắc Giang và Phú Thọ với mức tài trợ 1.920 tỷ VND.

> Báo hanoimoi.com.vn cho biết: Việc bàn giao lưới điện nông thôn đến nay vẫn chậm, vì nhiều lý do, tập trung chủ yếu ở các HTX đã bỏ vốn đầu tư, nâng cấp lưới điện, đang hoạt động ổn định, hiệu quả, đủ điều kiện theo quy định.

Trường hợp của ông Thân Quang Vàn, Chủ nhiệm HTX điện thôn Như Thiết (xã Hồng Thái - tỉnh Bắc Giang). Ngày 7-4-2009, HTX đã bàn giao lưới điện cho ngành điện quản lý, việc chốt chỉ số công tơ đã xong. Nhưng việc xử lý tài sản còn lại của lưới điện vẫn chưa thống nhất. Năm 2007, được sự nhất trí của đại hội xã viên, HTX đã cải tạo hệ thống đường dây hết hơn 26 triệu đồng. Gia đình ông Vàn đã thế chấp "giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" vay hộ HTX số tiền trên. Do ngân hàng không đồng ý cho vay để cải tạo lưới điện, nên ông ghi trong hợp đồng vay vốn với mục đích sản xuất khác. Khi bàn giao lưới điện, ông Vàn đã đề nghị ngành điện thanh toán giá trị còn lại của đường dây mà HTX đã đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết ...

Những vướng mắc trên đang là trở ngại cho việc thực hiện mục tiêu tiếp nhận lưới điện nông thôn vào năm 2010. Do đó, ngoài sự nỗ lực của các HTX, rất cần sự đồng thuận, hỗ trợ tích cực của ngành điện và các cấp lãnh đạo địa phương để việc giao - nhận lưới điện đạt hiệu quả.

> Báo Tienphong online cho biết: Chiều 1/7, Công an Hà Nội phát lệnh khám xét khẩn cấp trụ sở làm việc và chỗ ở của ông Trần Ngọc Hương - Giám đốc Cty TNHH Sinh thái Việt Nam (Vineco) vì liên quan lừa đảo xuất khẩu lao động.
Tại đây, các điều tra viên tìm thấy danh sách 86 lao động đang làm thủ tục để đưa sang Hàn Quốc và danh sách một số lao động chuẩn bị sang Canada và một số nước khác. Tại buổi làm việc với cơ quan điều tra, ông Hương thừa nhận, toàn bộ các giao dịch với phía đối tác Hàn Quốc đều do vợ là bà Phương (Phó Giám đốc Vineco) thực hiện, sau khi chuẩn bị hồ sơ, ông Hương sẽ ký.

Qua Tiền Phong, PC 15 – Công an Thành phố Hà Nội gửi đến người lao động thông báo sau:  PC 15 đang điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người lao động xin đi làm việc ở nước ngoài tại Cty VINECO. Lao động đã nộp tiền cho Cty VINECO để được đi làm việc tại Hàn Quốc và các nước khác, đề nghị liên hệ với PC15, địa chỉ: 40B Hàng Bài, Hà Nội, điện thoại 043.9396202 (gặp anh Tùng).

Chiều 1/7, toà soạn đã nhận được nhiều điện thoại của người lao động từ các tỉnh Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Nghệ An… Đa số lao động lo lắng không biết khoản tiền đóng cho Cty VINECO và các cò sẽ thu hồi bằng cách nào. Người lao động hãy liên hệ và hợp tác với công an để tránh thiệt thòi thêm.

> Báo Laodong.com.vn đưa tin: Trong khi DN xuất khẩu (XK) nông sản đều có nhu cầu cao về XK sản phẩm với lượng hàng lớn thì một nghịch lý là nông sản trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu. Một trong những nguyên nhân khiến nông sản Việt khó "xuất ngoại" là khâu bảo quản. Tại miền Bắc, nhãn và vải là hai mặt hàng có lợi thế về XK, song cũng khiến nhiều DN đau đầu bởi đây là hoa quả "khó tính" nhất trong việc bảo quản.  Được biết, xây kho bảo quản chỉ là liệu pháp tạm thời, về lâu dài, muốn hoa quả trong nước XK ổn định với quy mô lớn thì việc quy hoạch vùng nguyên liệu phải được làm ngay, theo đó công tác bảo quản mới đạt đúng quy trình. Tại miền Bắc, quy mô vùng nguyên liệu mới chỉ được thành hình: Vùng vải Lục Ngạn (Bắc Giang) chỉ vỏn vẹn 2.500/18.500 hécta quy hoạch theo tiêu chuẩn VietGAP, vựa nhãn lồng Hưng Yên cũng chỉ khiêm tốn với khoảng 10% diện tích đảm bảo theo tiêu chuẩn vùng nguyên liệu an toàn...

Trung bình (0 Bình chọn)