> Điểm báo ngày 01/07/2009.

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

I. Qua báo in, tạp chí:

> Báo Người đại biểu Nhân dân (số 179, ngày 28-6-2009) đưa tin: Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bắc Giang đã triển khai chế độ điều dưỡng năm 2009 cho 5.630 người có công với tổng kinh phí 4,9 tỷ đồng. Trong đó có 3.130 người hưởng chế độ điều dưỡng tại nhà, 2.500 người điều dưỡng tại các trung tâm điều dưỡng trong, ngoài tỉnh. Được biết, các đối tượng đều được điều dưỡng đúng chế độ, chính sách. Cũng trong dịp này, ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp với BHXH tỉnh làm thủ tục cấp 3.000 thẻ BHYT cho các đối tượng tham gia kháng chiến và người có công mới được hưởng trợ cấp hàng tháng.

> Báo Người đại biểu Nhân dân (số 180, ngày 29-6-2009) cho biết: 6 tháng đầu năm 2009, tại Bắc Giang, hệ thống thư viện của tỉnh đã được đầu tư, bổ sung gần 12.000 bản sách. Trong đó có hơn 2.700 bản sách dành cho Thư viện tỉnh; 3.390 bản cho thư viện 10 huyện, thành phố và hơn 5.600 bản cho 15 thư viện xã, phường, thị trấn. Việc bổ sung số sách cho hệ thống thư viện đã góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, nâng cao kiến thức của đông đảo bạn đọc trong tỉnh; thực hiện có hiệu quả chủ trương đưa văn hóa thông tin về cơ sở.

> Báo Bạn đường (số 52, ngày 29-6-2009) đưa tin: Một số xe khách chạy tuyến Sơn Động (Bắc Giang) – Gia Lâm (Hà Nội) luôn chở quá số người quy định. Nhiều lúc hành khách không chỉ ngồi 2-3 người một ghế mà số còn lại phải đứng bám như trên xe buýt.

> Báo Giao thông vận tải (số 5, ngày 29-6-2009) cho biết: Theo kết quả khảo sát mới đây, toàn tỉnh Bắc Giang đã cứng hóa được hơn 2.530 km, chiếm trên 41% tổng chiều dài các tuyến đường GTNT của tỉnh. Các địa phương có tỷ lệ cứng hóa cao là: TP Bắc Giang (85%), Hiệp Hòa (73%), Việt Yên và Yên Dũng (61%). Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2010 cứng hóa 50% chiều dài các tuyến đường huyện, 20-30% chiều dài đường xã, 53-54% chiều dài đường thôn, bản. Để thực hiện mục tiêu trên, ngành chức năng đang quy hoạch hệ thống GTNT, xác định tỷ lệ đầu tư phù hợp giữa nhà nước và nhân dân, tăng mức hỗ trợ đối với các địa phương miền núi, quan tâm giữa đầu tư mới, nâng cấp với quản lý khai thác, duy tu, bảo trì các tuyến đường; thực hiện có hiệu quả nguồn vốn kích cầu của Chính phủ về đầu tư hạ tầng nông thôn.

II. Qua internet:

> Các báo: nhandan.com.vn, chinhphu.vn, atpvietnam.com, cafef.vn đồng thời đưa thông tin: Tại Công văn số 4299 và 4230/VPCP-KTN, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch địa điểm nhà máy nhiệt điện Bắc Giang, công suất khoảng 600 MW tại tỉnh Bắc Giang và nhà máy nhiệt điện Long An, công suất khoảng 1.200 MW tại tỉnh Long An.

Dự kiến, nhà máy nhiệt điện Bắc Giang đặt phía nam núi Nham Biền, ven đê tả sông Cầu, trên địa bàn xã Yên Lư, huyện Yên Dũng; là khu vực có cảnh quan sinh thái nên chủ đầu tư phải có giải pháp vận hành bảo đảm môi trường.

> Báo Dantri.com.vn đưa tin: Theo tổng hợp của Bộ KH-ĐT về tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài 6 tháng đầu năm 2009, có tới 42 địa phương không thể thu hút được dự án FDI nào mới trong 6 tháng đầu năm. Như tại 10 địa phương thuộc vùng Đông Bắc, chỉ có duy nhất Bắc Giang có thêm 3 dự án mới. Cả vùng Tây bắc và Bắc Trung Bộ cũng chỉ có duy nhất Thừa Thiên- Huế có thêm 1 dự án mới…

> Theo nguoilaodong.com.vn: Ngày 25-5, Bộ NN- PTNT đã có văn bản hướng dẫn thực hiện các quy trình cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà nhập khẩu ở TQ, bắt đầu từ hôm nay, 1-7, 5 loại trái cây: dưa hấu, nhãn, vải, chuối và thanh long khi xuất sang Trung Quốc (TQ) buộc phải kê khai nguồn gốc (nơi trồng và đóng gói). Song thực tế mới chỉ một số DN lớn đã thực hiện quy trình này để bảo đảm hàng hoá giao dịch tốt, không bị ép giá. Thực tế đang diễn ra tại cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn cho thấy các chủ hàng nhỏ, lẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trước quy định này. Anh An, một chủ hàng ở Bắc Giang, cho biết “Tôi chưa nghe gì về quy định kê khai nguồn gốc 5 loại trái cây sang TQ. Nếu quả vậy, những người thu mua nhỏ, lẻ như tôi sẽ gặp nhiều khó khăn vì không dễ làm giấy tờ xuất xứ, đóng gói”. Theo ông Vũ Việt Dũng, kiểm dịch viên Trạm Kiểm dịch Thực vật Tân Thanh, nhiều xe trái cây tại miền Bắc thu mua nhỏ, lẻ tại các hộ gia đình, gom hàng ở nhiều địa phương khác nhau nên rất khó để chứng nhận nguồn gốc. Trong khi đó, một số người dân sống xung quanh cửa khẩu Tân Thanh đã sẵn sàng đón mốc 1-7. Nếu xe trái cây nào không chứng minh được nguồn gốc và không đóng gói, họ sẽ làm “cửu vạn” đưa hàng qua biên giới (Hiện dân cư biên giới được phép mua bán hàng hoá tương đương 2 triệu đồng/ngày mà không cần phải xuất trình giấy tờ).

> Theo vietnamnet.vn: Hiện nay, đã có 43 tỉnh kê khai trái cây xuất sang TQ. Cụ thể, dưa hấu được các tỉnh đăng ký nhiều nhất với 43 tỉnh. Với mặt hàng vải, có 14 tỉnh, thành đăng ký, trong đó các vùng trồng nhiều vải nhất thuộc các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc...; vùng trồng nhãn có 28 tỉnh đăng ký; chuối 30 tỉnh và thanh long là 3 tỉnh. Danh sách các cơ sở thu gom, xuất khẩu (hàng rời): với vải thiều có 1 DN, 56 cơ sở; nhãn có 9 DN và 137 cơ sở; chuối có 1 DN và 5 cơ sở; dưa hấu có 1 DN và 19 cơ sở; thanh long có 44 DN và 14 cơ sở.

> Theo nhandan.com.vn: Ngày 30-6, Thống đốc NHNN VN Nguyễn Văn Giàu và Giám đốc quốc gia, Trưởng Văn phòng đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại VN Ayumi Konishi ký Hiệp định vay cho dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học với số vốn tương đương 95 triệu USD từ nguồn vốn vay ưu đãi. Dự án được thực hiện trên địa bàn ba thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh có số lượng sản xuất rau, quả, chè chiếm tỷ trọng lớn, gồm: Bắc Giang, Bến Tre, Bình Thuận, Hải Dương, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, Yên Bái. Hoạt động chính của dự án được thực hiện thông qua bốn hợp phần là: Phát triển khung quy chế và thiết lập hệ thống an toàn chất lượng sản phẩm nông nghiệp hoạt động hiệu quả; đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hỗ trợ cho sản phẩm nông nghiệp an toàn chất lượng; g iảm nguy cơ từ chất thải chăn nuôi thông qua việc phát triển khí sinh học và q uản lý dự án.

> Bài “Bàn giao lưới điện hạ áp khu vực nông thôn: còn nhiều vướng mắc” trên báo hanoimoi.com.vn cho biết: Việc bàn giao lưới điện nông thôn đến nay vẫn chậm, vì nhiều lý do. Với các HTX không bỏ vốn đầu tư, nâng cấp lưới điện, bán điện giá cao và chưa đủ điều kiện theo các tiêu chí quy định của Bộ Công thương thì việc bàn giao đơn giản. Nhưng với các HTX đã bỏ vốn đầu tư, nâng cấp lưới điện, đang hoạt động ổn định, hiệu quả, đủ điều kiện theo quy định lại nảy sinh nhiều vướng mắc. Cụ thể, khi bàn giao, các HTX chưa được hoàn trả phần vốn mà HTX đã huy động để đầu tư vào hệ thống lưới điện. Có những HTX phải thế chấp vay vốn ngân hàng bằng "giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" của xã viên, nay đối mặt với nguy cơ không có khả năng thanh toán. Trường hợp của ông Thân Quang Vàn, Chủ nhiệm HTX điện thôn Như Thiết (xã Hồng Thái - tỉnh Bắc Giang). Ngày 7-4-2009, HTX đã bàn giao lưới điện cho ngành điện quản lý, việc chốt chỉ số công tơ đã xong. Nhưng việc xử lý tài sản còn lại của lưới điện vẫn chưa thống nhất. Năm 2007, được sự nhất trí của đại hội xã viên, HTX đã cải tạo hệ thống đường dây hết hơn 26 triệu đồng. Gia đình ông Vàn đã thế chấp "giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" vay hộ HTX số tiền trên. Do ngân hàng không đồng ý cho vay để cải tạo lưới điện, nên ông ghi trong hợp đồng vay vốn với mục đích sản xuất khác. Khi bàn giao lưới điện, ông Vàn đã đề nghị ngành điện thanh toán giá trị còn lại của đường dây mà HTX đã đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Ở một số địa phương khác lại xảy ra tình trạng, trong quá trình vận hành quản lý lưới điện, các cá nhân có vay vốn hoặc tự bỏ vốn để đầu tư, song do hạn chế về nghiệp vụ, không có đủ chứng từ, nên thiếu căn cứ để hoàn trả vốn. Bên cạnh đó, cách xác định giá trị còn lại của tài sản lưới điện chưa có sự thống nhất giữa bên giao, bên nhận; việc giải quyết lao động làm dịch vụ điện của HTX sau khi bàn giao...

Những vướng mắc trên đang là trở ngại cho việc thực hiện mục tiêu tiếp nhận lưới điện nông thôn vào năm 2010. Do đó, ngoài sự nỗ lực của các HTX, rất cần sự đồng thuận, hỗ trợ tích cực của ngành điện và các cấp lãnh đạo địa phương để việc giao - nhận lưới điện đạt hiệu quả.

Trung bình (0 Bình chọn)