Đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai, xử lý nghiêm các vi phạm khai thác khoáng sản lòng sông, bãi sông

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 21/4, đồng chí Lê Ô Pích - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến với UBND huyện, thành phố nhằm tổng kết công tác PCTT&TKCN năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh.

Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2022 trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng gián tiếp từ hoàn lưu bão số 1, 4, 6 và áp thấp nhiệt đới số 1 gây mưa rào và dông. Ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 2, 3 gây mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa dao động từ 1440,2 mm - 1659,7 mm, cao hơn trung bình nhiều năm. Bên cạnh đó, các sông trong tỉnh đã xảy ra 7 trận lũ, cao hơn trung bình nhiều năm 2 trận.

Thiên tai năm 2022 đã làm 1 trẻ em bị chết, 14 nhà bị thiệt hại, 168 hộ phải di dời do ngập lụt, 140 nhà dân nằm ngoài đê bị ngập, làm tốc mái hàng nghìn m² mái vòm sân trường, trạm y tế, nhà văn hóa, gãy đổ hàng trăm cây xanh, cột điện, vành lao và nhiều tài sản khác. Đáng quan tâm là có 9 sự cố sạt trượt về công trình đê điều, kè cống xảy ra do mưa bão trong năm 2022.

Thiên tai cũng làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp với gần 1.900 ha lúa, 462 ha ngô, rau, hoa màu, 267 cây ăn quả, 704 ha cây khác bị thiệt hại; hơn 27 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập úng… giá trị thiệt hại lên tới 63,4 tỷ đồng, tăng 46,2 tỷ đồng so với năm 2021.

Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 6 đến tháng 10/2023 xuất hiện khoảng 10- 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, có khả ảnh hưởng ảnh hưởng đến Việt Nam từ 5 - 6 cơn bão. Tại Bắc Giang, có ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp từ 2 - 3 cơn bão, có khoảng 9 - 10 đợt mưa lớn, xuất hiện chủ yếu vào các tháng chính mùa. Trong năm cũng xuất hiện khoảng 10 - 11 đợt nắng nóng diện rộng, các đợt nắng nóng có cường độ khá gay gắt với nhiệt độ trung bình từ 41 - 42°C và kéo dài hơn mùa hè năm 2022…

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Ngô Văn Xuyên đề ra một số giải pháp trong công tác quản lý khai thác cát lòng sông.

Tại hội nghị, sau khi phân tích làm rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác PCTT&TKCN năm 2022; các đại biểu tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả nhiệm vụ PCTT&TKCN năm 2023 theo phương châm “4 tại chỗ”; trong đó chú trọng chuẩn bị nguồn vật tư, nhân lực sẵn sàng ứng phó kịp thời ngay khi có sự cố xảy ra.

Trước tình trạng một số địa phương vẫn để xảy ra khai thác trái phép cát lòng sông, làm sạt lở bờ sông ảnh hưởng đến an toàn đê điều, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Ngô Văn Xuyên đề nghị các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về công tác quản lý khai thác cát, sỏi và bảo vệ lòng, bờ bãi sông.

UBND huyện, thành phố khẩn trương kiện toàn các tổ giám sát cộng đồng, kịp thời phát hiện vướng mắc, sai phạm tại các điểm khai thác. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về khai thác, tập kết cát, sỏi lòng sông cho các tổ chức, cá nhân được biết, chấp hành.

Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ công khai, minh bạch trong công tác cấp Giấy phép khai thác khoáng sản lòng sông và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nắm bắt, xử lý kịp thời theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm.

Để thực hiện tốt công tác PCTT&TKCN, Thượng tá Vũ Quang Phước - Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn 3, Quân khu I cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác PCTT&TKCN, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, chủ động phòng tránh, chuẩn bị chu đáo lực lượng, phương tiện, trang bị, hậu cần cho các đơn vị được giao nhiệm vụ ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

Tại điểm cầu UBND huyện, thành phố, đại diện lãnh đạo các địa phương báo cáo nhanh về công tác công tác PCTT&TKCN năm 2022 và đưa ra các giải pháp, phương án năm 2023.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác PCTT&TKCN của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh năm 2022.

Trước dự báo thời tiết thủy văn trên địa bàn tỉnh năm 2023 sẽ diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều thiên tai và các hiện tượng thời tiết khí hậu cực đoan khó lường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của UBND tỉnh; thực hiện lồng ghép nội dung công tác PCTT&TKCN vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội của địa phương.

Chủ động bố trí nguồn lực thực hiện nhiệm vụ PCTT, ứng phó sự cố thiên tai và TKCN. Nâng cao năng lực công tác theo dõi, tập trung giám sát, dự báo thiên tai, đảm bảo công tác dự báo đủ độ tin cậy và chính xác; triệt để thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Tập trung đầu tư nâng cao năng lực PCTT đủ mạnh cả về bộ máy, con người và trang thiết bị.

Các địa phương, đơn vị kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình PCTT; đặc biệt là hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng chống sạt lở, tiêu thoát nước, hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc, khai thác khoáng sản. Tập trung kiểm tra, rà soát, xác định các trọng điểm xung yếu, bố trí nguồn lực để xử lý đảm bảo an toàn, tổ chức tuần tra canh gác, phát hiện, giải quyết kịp thời các sự cố hư hỏng có thể xảy ra. Sẵn sàng các phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của Nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng.

Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp thông tin về thiên tai, cách thức, kỹ năng PCTT đến từng người dân trong vùng bị ảnh hưởng..../.

Nguyễn Miền

Trung bình (0 Bình chọn)