Đại biểu HĐND tỉnh bàn giải pháp đấu tranh, ngăn chặn tội phạm đa lĩnh vực

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng 12/12, trong phiên thảo luận tại hội trường, các đại biểu HĐND tỉnh Bắc Giang thảo luận sôi nổi, thẳng thắn về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm các lĩnh vực.

Giải pháp ngăn ngừa tham nhũng tiêu cực

Thảo luận về công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, đại biểu Nguyễn Đăng Số - Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Lục Ngạn cho biết trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đã được Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; HĐND tỉnh giám sát thường xuyên; UBND tỉnh và các ngành, lực lượng chức năng tích cực, kiên quyết trong phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Những năm gần đây, nhiều vụ án tham nhũng được điều tra, làm rõ và xét xử nghiêm minh, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Đại biểu Nguyễn Đăng Số - Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Lục Ngạn đề xuất giải pháp ngăn ngừa tham nhũng tiêu cực.

Tuy nhiên, công tác phòng ngừa tham nhũng những năm gần đây, mặc dù đã có một số chuyển biến, nhưng tồn tại, hạn chế đó là: Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai chưa đồng bộ; việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập ở một số cơ quan, đơn vị chưa đúng quy định; công tác tự kiểm tra trong nội bộ tại một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện thường xuyên, hiệu quả chưa cao; một số vụ việc xử lý, giải quyết chậm, kéo dài. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt” trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được phát hiện và xử lý. Việc triển khai thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn vướng mắc, lúng túng như xác minh tài sản, thu nhập.

Tình hình tội phạm liên quan đến TNTC vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp như: Lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, quy hoạch, đất đai, đấu thầu, đấu giá, mua sắm tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội gây ra những thiệt  hại về kinh tế.

Để từng bước khắc phục, tiến tới đẩy lùi TNTC, đại biểu Nguyễn Đăng Số cho rằng tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, sâu rộng các quy định của Đảng và Nhà nước về PCTNTC. Từng sở, ngành, địa phương từ tỉnh đến cơ sở tích cực triển khai, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác PCTNTC; chú trọng công tác quản lý kinh tế, tài chính, thực thi chính sách, pháp luật và những lĩnh vực nhạy cảm, nhất là những lĩnh vực, công việc giải quyết liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thường xuyên sâu sát cơ sở, gần dân, sát dân, tăng cường đối thoại, lắng nghe và kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc, những nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: Lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, xây dựng cơ bản, quản lý thu, chi ngân sách, quản lý tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tổ chức cán bộ. Tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng.

Đấu tranh có hiệu quả với tội phạm công nghệ cao

Thảo luận về tình hình tội phạm trên không gian mạng, tội phạm công nghệ cao, đại biểu Lê Thu Hà - Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Lạng Giang cho biết, thời gian qua, tội phạm liên quan đến sử dụng công nghệ cao và mạng viễn thông tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng không gian mạng và mạng viễn thông quốc tế để mạo danh tài khoản, lừa đảo với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi. Việc các loại tội phạm này ngày càng nhiều, số nạn nhân ngày càng tăng, việc đưa ra xử lý đối với loại tội phạm này không nhiều là do tình trạng quản lý, sử dụng tài khoản của cá nhân, tổ chức tín dụng chưa chặt chẽ. Hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế. Khuôn khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ, chế tài chưa nghiêm khắc. Khung luật Việt Nam liên quan đến an ninh thông tin chưa quy định rõ ràng và cụ thể các điều kiện thu thập thông tin, mức độ hay biện pháp tiến hành…

Đại biểu Lê Thu Hà - Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Lạng Giang đề xuất giải pháp đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong thời gian tới đại biểu đưa ra một số giải pháp như tiếp tục ban hành chính sách, văn bản, chế tài, quy định cụ thể điều kiện thu thập thông tin, chế tài khi có hành vi vi phạm an toàn thông tin cá nhân. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phát huy vai trò của người dân trong phòng ngừa, phát hiện các vi phạm pháp luật (VPPL) và tội phạm trên không gian mạng.

Cơ quan chuyên trách triển khai biện pháp nghiệp vụ để thu thập thông tin, tài liệu về tình hình có liên quan nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và VPPL khác có sử dụng công nghệ cao; tăng cường lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ ở tất cả các cơ quan bảo vệ pháp luật. Trang bị máy móc thiết bị hiện đại để đấu tranh với các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi. Tăng cường quản lý dịch vụ viễn thông, dịch vụ trung gian thanh toán. Quản lý chặt chẽ tài khoản ngân hàng, mạng xã hội, phương tiện trung gian thanh toán, thẻ sim điện thoại và xử lý nghiêm các đối tượng thực hiện các hành vi mua bán dữ liệu cá nhân.

Các cá nhân có trách nhiệm tham gia phòng ngừa tội phạm và VPPL khác có sử dụng công nghệ cao; phát hiện, kịp thời tố giác tội phạm và VPPL khác có sử dụng công nghệ cao với cơ quan Công an hoặc chính quyền cơ sở gần nhất.

Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm chưa thành niên

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Thu Hà - Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Việt Yên cho biết xu hướng trẻ hóa trong tình hình tội phạm và VPPL, tỉ lệ người phạm tội dưới 18 tuổi ngày càng tăng. Ngoài ra, một số trường hợp người dưới 14 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, tuy nhiên do không đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên không được coi là tội phạm.

Đại biểu Phạm Thu Hà - Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Việt Yên thảo luận về xu hướng trẻ hóa trong tình hình tội phạm và VPPL.

Đại biểu cho biết tình hình trên do người dưới 18 tuổi ở độ tuổi chưa thành niên tâm, sinh lý chưa hoàn thiện, có những xúc động mạnh, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc dẫn đến thực hiện những hành vi có tính chất bột phát, thiếu sự điều khiển của lý trí; tâm lý bốc đồng, hiếu thắng, thích thể hiện bản thân.

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm và VPPL liên quan đến người chưa thành niên, đại biểu đưa ra một số giải pháp quan trọng và then chốt. Đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục, chú trọng giáo dục đạo đức; kết hợp với giáo dục pháp luật và kỹ năng sống. Nhà trường tổ chức giáo dục, quản lý khoa học, chặt chẽ đối với học sinh; tăng cường tuyên tuyền, giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống. Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình trong trao đổi thông tin. Đẩy mạnh giáo dục trong gia đình. Gia đình phải là chủ thể quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh lệch lạc, sai trái. Giới thiệu kiến thức pháp luật có lựa chọn, có hệ thống.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật cho đối tượng thanh, thiếu niên. Cơ quan bảo vệ pháp luật cần xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi phạm tội của thanh, thiếu niên. Tổ chức xét xử lưu động những vụ án điển hình, dư luận xã hội quan tâm; tăng cường tổ chức phiên tòa giả định được xây dựng dựa trên vụ án có thật xảy ra./.

Nhóm PV

Trung bình (0 Bình chọn)