Đặc sản bánh dầy của người Tày, Nùng

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Bánh dầy là món ăn truyền thống của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, bánh mỗi vùng miền lại có mùi vị, cách chế biến khác nhau. Bánh dầy của người Tày và người Nùng, huyện Lục Ngạn cũng có những đặc trưng rất riêng biệt.

 

Bánh dầy Lục Ngạn ăn vào thấy vị thanh, mát.

Nguyên liệu làm bánh gồm gạo nếp nương, các loại củ quả, lá cây trên rừng như củ nghệ, lá cây kim lông. Bánh dầy của người Nùng, Tày có rất nhiều màu sắc, hương vị: màu trắng, vàng, đỏ. Nếu để làm bánh dầy đơn giản từ gạo, có màu trắng thì lựa gạo nếp nương loại ngon để làm. Còn nếu muốn tạo ra bánh màu vàng, đỏ thì dùng củ nghệ, lá cây kim lông đem giã hoặc đun sôi lọc lấy nước. Đem nước này ngâm với gạo đã vo sạch, ngâm qua đêm. Sáng hôm sau đem gạo đã ngấm màu nước nghệ, lá kim lông đi đồ kỹ. Khi được đem giã trong cối đá, dùng chày tre để giã. Đây là công việc đòi hỏi sức vóc, muốn giã được phải 2 người cùng đứng giã. Nếu giã không nhuyễn ăn thấy hạt gạo, sẽ mất ngon. Khi giã bánh xong, người ta đem nặn bánh thành nhiều hình thù, kích thước khác nhau, có cái to bằng bàn tay, có cái to bằng cái đĩa, có cái hình tròn, có cái dài hình bầu dục...

Bánh dầy nơi đây được làm hoàn toàn thủ công từ bàn tay khéo léo của người dân tộc Tày, Nùng. Bánh có mùi thơm của gạo, màu sắc bắt mắt của các loại rau, củ, quả. Khi ăn vào thấy vị thanh thanh, thơm mát.

Bánh thể hiện lòng biết ơn của người dân tộc vùng cao đối với cha ông và đất trời xứ sở. Đồng thời mang ý nghĩa tổng kết sau một năm thu hoạch. Mỗi gia đình đều làm bánh mời các nhà khác đến ăn, chúc tụng nhau một năm làm ăn thắng lợi./.

Trung bình (0 Bình chọn)