Đà Nẵng: Điều chỉnh quy hoạch dài hạn để phát triển bền vững

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Đó là khẳng định của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng tại buổi “Toạ đàm mùa Xuân”, tổ chức vào chiều 8/3.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Đây là buổi tọa đàm mà Thành ủy Đà Nẵng đối thoại với gần 500 doanh nghiệp (DN) đang đầu tư trên địa bàn. Nhiều ý kiến, đề xuất, sáng kiến của DN đã được Thành phố ghi nhận, lấy đó làm cơ sở cho những định hướng và quyết sách mới, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Rà soát quy hoạch du lịch, quỹ đất, cải thiện môi trường đầu tư

Theo ông Peter Ryder, Tổng Giám đốc Indochina Capital Đà Nẵng, du lịch đang đóng góp 25% vào nền kinh tế của địa phương. Bởi vậy, Thành phố cần hỗ trợ sự phát triển du lịch theo hướng thân thiện môi trường, phát triển bền vững. Trong đó, nước sạch, biển sạch… là những yếu tố quan trọng ngành du lịch cần có. Những công trình tác động hoặc gây hại đến thiên nhiên, môi trường sống, nhất là môi trường biển cần được hạn chế.

“Nhiều người nói đường phố Đà Nẵng ngày càng đông đúc và chật chội, khó mà đi bộ trên đường ở Đà Nẵng. Đà Nẵng cần nghiên cứu tập trung nguồn lực cho xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững. Bên cạnh tác động vật lý, cần có quy hoạch tổng thể toàn bộ, không thể xây dựng các tòa nhà 40-50 tầng bên bãi biển. Cần thu hút những thiết kế kiến trúc đẹp, phù hợp”, ông Peter Ryder nói.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhận định, du khách đến Đà Nẵng vì vẻ đẹp thiên nhiên, vì ẩm thực, văn hoá... chứ không phải những tòa nhà chọc trời tráng lệ. Thế nhưng gần đây, Đà Nẵng đang dần đánh mất những vẻ đẹp hoang sơ vốn có, thay vào đó là những tòa nhà cao tầng, bê tông cốt thép, thiên nhiên bị xâm hại. Đà Nẵng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng du lịch đang phát triển thiếu bền vững. Nếu không giữ màu xanh cho Thành phố thì những năm sau nữa, du khách đến Đà Nẵng vì lý do gì?

Theo ông Nguyễn Tiến Quang, Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng, Đà Nẵng được biết đến với 7/12 năm đứng vị trí thứ nhất về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), không thể phủ nhận những nỗ lực của chính quyền Thành phố trong thời gian qua trong cải thiện môi trường kinh doanh nhưng Đà Nẵng vẫn còn đó những hạn chế cần sớm khắc phục. Một số vấn đề nổi cộm đã bộc lộ trong thời gian qua nếu không được giải quyết sớm thì niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư về môi trường kinh doanh của Đà Nẵng sẽ đặt trước thách thức không hề nhỏ, nguy cơ bị tụt lại phía sau là điều không thể tránh khỏi.

Do đó, Thành phố cần rà soát và hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội để định vị, tạo động lực, xác lập không gian phát triển mới và nguồn lực để hiện thực hóa quy hoạch, định hướng phát triển bối cảnh mới; rà soát lại quỹ đất công; thực trạng sử dụng đất tại tại các khu, cụm công nghiệp, cương quyết thu hồi đối không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả để giao cho các doanh nghiệp có nhu cầu thực sự. Thành phố cần có chính sách ổn định và tiến tới giúp DN giảm chi phí đầu vào để tạo lợi thế cạnh tranh; cần có chiến lược tạo nguồn nhân lực cho khu vực doanh nghiệp…

Doanh nghiệp là trụ cột trong mô hình phát triển mới

Ghi nhận các đóng góp của cộng đồng DN, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa thừa nhận kinh tế của Đà Nẵng đang đối mặt với những khó khăn, thách thức. Sự phát triển của ngành du lịch chưa thật bền vững, vấn đề bảo vệ môi trường chưa được chú trọng đúng mức. Đặc biệt, vẫn chưa thu hút được những nhà đầu tư chiến lược có khả năng tạo động lực cho sự phát triển bền vững của kinh tế Thành phố.

"Đà Nẵng thấy rằng mình cần phải bình tĩnh nhìn lại một cách trách nhiệm về những gì Thành phố đã làm trong những năm qua. Chúng tôi cũng sẽ dành mọi nguồn lực để giải quyết vấn đề môi trường, xả thải ra biển… Những dự án cao tầng, bây giờ chưa cấp phép sẽ dừng để có thời gian lựa chọn những phương án tốt hơn, nhất là các dự án ven biển”, ông Nghĩa cho biết.

Thành phố sẽ xây dựng lại quy hoạch phát triển tổng thể Thành phố đến 2030, tầm nhìn đến 2050. Quan điểm của chúng tôi là bản quy hoạch này sẽ để các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá lại nguồn lực con người, đất đai, tài chính và cả những vấn đề thách thức khác..., đánh giá toàn diện quy mô, năng lực toàn bộ doanh nghiệp trên địa bàn, trên cơ sở đó sẽ tiến hành lựa chọn mô hình phát triển mới cho Thành phố, toàn diện cả về kinh tế, xã hội, môi trường, mà trong đó DN là trụ cột chính để xây dựng mô hình phát triển mới, năng động, kinh tế, bản sắc văn hoá và bền vững với môi trường.

Về tầm nhìn, Đà Nẵng phải là thành phố thông minh, điểm đến du lịch ưu tiên được lựa chọn đáng sống, đáng đầu tư, kinh doanh hiệu quả. Đà Nẵng phải là đô thị thông minh với chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân. Đây là tầm nhìn chiến lược cần những nhà đầu tư lớn, tài giỏi, cần cộng đồng DN có tầm nhìn xa, năng lực vượt trội cùng đồng hành với lãnh đạo chính quyền thành phố để hiện thực hoá khát vọng này.

“Để đạt được mục tiêu, khát vọng thì cả hệ thống chính trị cùng với nhân dân, DN cần đồng lòng, hỗ trợ nhau để cùng vượt qua mọi khó khăn, thách thức”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh.

Trung bình (0 Bình chọn)