Yên Thế giàu lên từ rừng

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Thế (Bắc Giang) nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu độ che phủ rừng toàn huyện đạt 40%. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, sau hơn hai năm triển khai thực hiện, chỉ tiêu này đã hoàn thành, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị rừng.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế hướng dẫn người dân xã Đồng Vương chăm sóc rừng gỗ lớn.

Nâng cao hiệu quả kinh tế

Đến nay, độ che phủ rừng toàn huyện chiếm 40%, đạt 100% chỉ tiêu Đại hội. Giá trị kinh tế rừng không ngừng tăng, tổng thu nhập khoảng 230 tỷ đồng/năm. Không chỉ quan tâm trồng rừng, việc nâng cao giá trị lâm sản cũng thu được nhiều kết quả. Hiện toàn huyện có 109 cơ sở băm dăm, ván bóc và xẻ gỗ, tổng công suất chế biến hàng chục nghìn m3/năm, bảo đảm chế biến 100% sản lượng gỗ trên địa bàn, đồng thời thu hút lượng lớn gỗ nguyên liệu từ các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và một số tỉnh lân cận chế biến tại huyện, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Quá trình thực hiện, nhiều tổ chức, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo trong phát triển rừng, nổi bật là Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Yên Thế. Ông Nguyễn Văn Chúc, Giám đốc Công ty chia sẻ: “Để rừng trồng phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao, đơn vị luôn xác định việc chuyển đổi cơ cấu giống là quan trọng nhất. Với tinh thần đó, Công ty đã phối hợp với một số viện nghiên cứu giống cây lâm nghiệp của Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai các đề tài nghiên cứu, lai tạo, đưa các loại bạch đàn, keo lai thế hệ mới vào trồng thay thế giống cũ, chậm phát triển”. 

Nhờ đó, hơn 2 nghìn ha rừng trồng của Công ty sinh trưởng, phát triển tốt, doanh thu hai năm gần đây luôn đạt hơn 30 tỷ đồng, cao hơn 10 tỷ đồng so với năm 2015. Công ty trở thành một trong những DN đầu tiên trong cả nước đạt chứng chỉ rừng quốc tế với ưu đãi giá gỗ xuất khẩu cao hơn 15% so với các đơn vị khác.

Cùng với các DN, người dân trong huyện cũng chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng rừng. Gia đình ông Đỗ Văn Tiến, thôn Song Sơn, xã Tiến Thắng vừa khai thác 0,9 ha keo, bạch đàn, thu gần 300 triệu đồng. Hiện, gia đình còn khoảng 2 ha keo đang trong chu kỳ phát triển tốt, khách hàng trả giá hơn 500 triệu đồng nhưng gia đình chưa bán.

Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế, có được kết quả trên là do các cấp ủy đảng, chính quyền đã chú trọng quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện về phát triển rừng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Quan tâm xây dựng chính sách, triển khai các chương trình hỗ trợ cây giống, tập huấn kỹ thuật hiệu quả. Xác định rừng trồng là kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân, UBND các xã đều tập trung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chủ trương, chính sách liên quan.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, hơn hai năm qua, toàn huyện trồng mới hơn 3 nghìn ha rừng tập trung và gần 1 triệu cây phân tán, duy trì độ che phủ rừng ở mức 40%, đạt 100% chỉ tiêu đề ra. Toàn huyện có 6 tổ chức và hơn 7,7 nghìn hộ đang canh tác hơn 16,6 nghìn ha rừng trồng.

Ông Thân Nhân Khuyến, Chủ tịch UBND xã Xuân Lương thông tin, xã đã tổ chức hàng chục hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết; đồng thời lồng ghép nội dung này vào các cuộc họp xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ, phát triển rừng tại các thôn, bản. Từ đó, thúc đẩy phong trào phát triển rừng rộng khắp trên địa bàn. Tận dụng lợi thế diện tích rừng lớn, nhiều hộ kết hợp chăn nuôi dê, gà đồi cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Hay như UBND xã Tiến Thắng chú trọng vận động, định hướng người dân chuyển đổi, nâng cao chất lượng hơn 400 ha rừng trồng, kết hợp nuôi hơn 180 nghìn con gà đồi thương phẩm cho thu nhập cao.

Ông Nguyễn Văn Thành, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế cho rằng, qua kiểm điểm, mặc dù đã đạt mục tiêu đề ra song kinh tế rừng của huyện vẫn còn những vấn đề đặt ra. Nổi bật là một số cánh rừng kém chất lượng, sản lượng gỗ thấp. Để khắc phục, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham mưu với Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và PTNT) và UBND huyện triển khai các đề án hỗ trợ người dân đưa giống cây lâm nghiệp mới, hiệu quả vào sản xuất. Đồng thời cử cán bộ kiểm lâm địa bàn thường xuyên bám địa bàn hướng dẫn nhân dân; duy trì, nhân rộng các mô hình trồng rừng gỗ lớn góp phần nâng chất lượng, sản lượng và giá trị gỗ rừng trồng.

Trung bình (0 Bình chọn)