Xây dựng Vĩnh Phúc sớm trở thành TP trực thuộc Trung ương

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 15/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã khai mạc với sự tham dự của 348 đại biểu, đại diện cho hơn 63.000 đảng viên của Đảng bộ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị dự và chỉ đạo đại hội. Ảnh: Vinhphuc.gov.vn

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị dự và chỉ đạo đại hội. Dự đại hội còn có đồng chí Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đồng chí Vũ Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Vĩnh Phúc qua các thời kỳ...

Phát biểu tại đại hội, đồng chí Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: Những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên kinh tế phát triển thiếu chiều sâu và chưa thực sự ổn định, bền vững, còn phụ thuộc vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Một số ngành dịch vụ phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng.

Đồng chí Phạm Quang Nghị cho rằng, Vĩnh Phúc là tỉnh nằm ở Tây Bắc cửa ngõ Hà Nội và là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có điều kiện thuận lợi để phát triển. Vì thế, tỉnh cần có cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa để sản xuất phát triển.

Vĩnh Phúc cần cơ cấu lại ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình phát triển theo chiều sâu, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển mạnh sản xuất công nghiệp để thực sự trở thành động lực cho sự phát triển của tỉnh. Lựa chọn các dự án có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ.

Ngoài ra, tỉnh tập trung phát triển các loại hình dịch vụ khác nhau cũng như làm tốt công tác hướng nghiệp và chuyển đổi nghề cho các hộ không còn đất sản xuất, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu lao động trong và ngoài nước...

Toàn cảnh Đại hội. Ảnh: Vinhphuc.gov.vn

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI có chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, huy động mọi nguồn lực; phấn đấu xây dựng Vĩnh Phúc sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương".

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015 cho biết: Kinh tế của tỉnh tăng trưởng cao hơn so với bình quân chung của cả nước; bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 6,36%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt hơn 67 triệu đồng/người, gấp 1,56 lần so với năm 2010.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, đến năm 2015 tỷ trọng công nghiệp-xây dựng chiếm 62,12%, dịch vụ chiếm 28,11% và nông- lâm nghiệp- thủy sản còn 9,77%. Giai đoạn 2010-2015, Vĩnh Phúc đã thu hút được 268 dự án, trong đó có 102 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 1,26 tỷ USD.

Sản xuất công nghiệp được khẳng định là nền tảng của kinh tế Vĩnh Phúc. Các sản phẩm công nghiệp của tỉnh ngày càng tăng về số lượng và chủng loại phong phú, đa dạng. Đến nay, Vĩnh Phúc là một trong những điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế vừa chủ động và năng động, là trung tâm sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy của cả nước.

Bộ mặt nông thôn và đô thị của tỉnh có sự chuyển biến mạnh. Đến hết năm 2014, Vĩnh Phúc có gần 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến hết năm 2015, Vĩnh Phúc nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 72 xã, đạt tỷ lệ 64,3% số xã trong tỉnh. Tỉnh phấn đấu hết năm 2018 có 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới.

Hai đô thị lớn là thành phố Vĩnh Yên, thị xã Vĩnh Yên đã được Vĩnh Phúc tập trung đầu tư các nguồn lực để xây dựng hàng loạt công trình lớn và cơ sở hạ tầng đô thị, đồng thời chỉnh trang để trở thành đô thị văn minh, hiện đại.

Báo cáo chính trị cũng chỉ ra những hạn chế của tỉnh. Cụ thể, phát triển kinh tế đang có xu hướng chững lại do một số sản phẩm chủ lực tiêu thụ khó. Nền kinh tế phát triển thiếu chiều sâu và chưa thực sự ổn định, bền vững. Tỉnh chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn mạnh, các doanh nghiệp phụ trợ, hỗ trợ sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng và sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Hiện nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn Vĩnh Phúc gặp khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và tạm dừng hoạt động sản xuất chiếm tỷ lệ cao. Một số ngành dịch vụ phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng.

Tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh đạt thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Du lịch chưa trở thành ngành mũi nhọn, sản phẩm còn đơn điệu, hạ tầng du lịch và chất lượng dịch vụ chư đáp ứng yêu cầu. Sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ. Hầu hết các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoạt động yếu kém và chưa tìm được giải pháp tháo gỡ khó khăn…

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI bế mạc vào ngày 16/10.

Trung bình (0 Bình chọn)