Xây dựng văn hóa trong chính trị: Quan niệm và giải pháp thực hiện

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo, xây dựng văn hóa trong chính trị làm cho văn hóa thấm sâu vào chính trị, nhờ đó chính trị được văn hóa hóa, định hình thành văn hóa chính trị, và nền chính trị dân chủ - pháp quyền thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân sẽ là một nền chính trị thấm nhuần sâu sắc bản chất khoa học-cách mạng và nhân văn.


Thực hành dân chủ và dân vận là những thực hành lớn, bền bỉ suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu tấm gương mẫu mực vì dân, “dĩ công vi thượng” cho chúng ta noi theo, làm theo. Ảnh tư liệu

Hai quan niệm chủ đạo

Tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, Đảng ta đã ra Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong đó xác định “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình...”.

Điều đó có nghĩa là, cần phải làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống, trong phát triển kinh tế - xã hội, trong tổ chức và hoạt động chính trị, cả trong chấp chính (lãnh đạo và cầm quyền của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước, kiểm tra, giám sát quyền lực của nhân dân) lẫn tham chính (tham gia đời sống chính trị của các cán bộ và công chức, của công dân và mọi người dân với vị thế, vai trò, thẩm quyền và trách nhiệm khác nhau, phù hợp với từng đối tượng - chủ thể).

Để xây dựng văn hóa trong chính trị một cách đúng đắn, thiết thực, cần tận dụng được sức mạnh ưu thế của văn hóa để thúc đẩy dân chủ hóa chính trị, thực hiện đổi mới đồng bộ kinh tế và chính trị.

Văn hóa trong chính trị, trong hoạt động chính trị của con người, của từng tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là trong Đảng, trong Nhà nước biểu hiện thành văn hóa trong Đảng - văn hóa lãnh đạo và cầm quyền, thành văn hóa trong Nhà nước - văn hóa quản lý và quản trị. Đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng, đội ngũ công chức của Nhà nước, của chính quyền các cấp trong hệ thống công quyền được giáo dục và thực hành văn hóa trong chính trị phải tỏ ra là những chủ thể của văn hóa chính trị, tận tụy, trách nhiệm, gương mẫu trong công việc, trong quan hệ, trong ứng xử với dân theo yêu cầu trọng dân và trọng pháp.

Đó là rèn luyện đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chống chủ nghĩa cá nhân, trung thực, khiêm tốn, giản dị - những đức tính chuẩn mực của nhân cách. Đó là những đòi hỏi cần thiết của đạo đức công chức, của kỷ luật công vụ để mỗi cán bộ đảng viên công chức làm tròn trách nhiệm, bổn phận của người phục vụ dân như những đầy tớ, công bộc trung thành, tận tụy.

Củng cố bền chặt mối liên hệ mật thiết với dân là cách tốt nhất để đảm bảo sức mạnh cơ sở xã hội của Đảng là lòng dân. Chỉ gần dân, tin dân và mỗi việc làm đều vì dân thì dân mới gần Đảng, tin Đảng, ủng hộ đường lối chủ trương của Đảng, mới bảo vệ Đảng. Văn hóa trong chính trị của Đảng vào lúc này đòi hỏi phải xây dựng phong cách dân chủ, phong cách quần chúng và phong cách nêu gương như Hồ Chí Minh bằng tấm gương mẫu mực thực hành của mình đã từng nêu, đã để lại cho chúng ta bài học lớn để noi theo. Đó còn là nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm đem lại tác dụng to lớn để thuyết phục dân, thúc đẩy dân.

Nghị quyết gần đây về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận thực chất là Nghị quyết xây dựng văn hóa trong Đảng, xây dựng văn hóa trong chính trị của Đảng. Công tác dân vận còn đặt ra với Nhà nước, với chính quyền. Nhà nước là rường cột của hệ thống chính trị. Một nhà nước dân chủ - pháp quyền của dân, do dân, vì dân, từ bản chất của nó đã nói lên tầm quan trọng đặc biệt của công tác dân vận trong nội dung, phương thức hoạt động của Nhà nước, trong việc rèn luyện năng lực, phẩm chất của đội ngũ công chức.

Đây là một mắt xích xung yếu của sự vận hành dân chủ, của xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta. Cải cách hành chính để xây dựng một nền hành chính công minh bạch, trách nhiệm, phục vụ dân có hiệu quả. Cũng như cải cách tư pháp đảm bảo một nền tư pháp dân chủ, công bình, chính trực, bảo vệ luật pháp, công lý, bảo vệ dân, không chỉ là nỗ lực chống quan liêu, tham nhũng, chống tiêu cực, chống thói vô trách nhiệm, vi phạm quyền dân chủ, làm chủ của dân mà còn là xây dựng văn hóa trong chính trị của Nhà nước, của các quan chức, công chức, viên chức trong bộ máy.

Thực hành dân chủ và dân vận là những thực hành lớn, bền bỉ suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu tấm gương mẫu mực vì dân, “dĩ công vi thượng” cho chúng ta noi theo, làm theo.


Để xây dựng văn hóa trong chính trị một cách đúng đắn, thiết thực, cần tận dụng được sức mạnh ưu thế của văn hóa để thúc đẩy dân chủ hóa chính trị, thực hiện đổi mới đồng bộ kinh tế và chính trị.

Bốn giải pháp lớn

Muốn xây dựng văn hóa trong chính trị, phải chú trọng xây dựng con người, hoàn thiện nhân cách trong hoạt động chính trị, từ những công dân của nhà nước pháp quyền đến cán bộ lãnh đạo, quản lý giữ chức vụ, được giao trọng trách ở các cấp, các ngành.

Trước hết, cần nâng cao nhận thức về văn hóa và xây dựng văn hóa trong chính trị cho đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức, nhất là cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trong đó cần phải chú trọng vai trò của tư tưởng, lý luận, của ý thức hệ trong xã hội. Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam hành động của cách mạng. Đây là quan điểm nhất quán, cần thường xuyên củng cố sự thống nhất nhận thức trong Đảng và trong xã hội về vấn đề hệ trọng này.

Mặt khác, cần thấm nhuần các quan điểm của Đảng về xây dựng văn hóa theo các đặc trưng Dân tộc - Nhân văn - Dân chủ và Khoa học, xây dựng con người để phát triển văn hóa và phát triển văn hóa để hoàn thiện nhân cách.

Giáo dục nhận thức và rèn luyện trong hoạt động thực tiễn để con người Việt Nam biết trọng đạo đức - cái gốc của nhân cách, trọng chân lý, đề cao khoa học, có trọng sự thật thì mới trọng chân lý. Hệ giá trị con người Việt Nam phải được nhận thức đúng và sâu sắc, chú trọng nâng cao ý thức, tinh thần dân tộc, thấy giá trị hàng đầu và ý nghĩa thiêng liêng của phát triển văn hóa để phát triển con người, làm cho con người Việt Nam, trên bộ mặt nhân cách và đời sống tinh thần con người là những phẩm chất, đức tính: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Chất lượng con người với những giá trị, đặc trưng đó sẽ quyết định sức mạnh nội sinh của văn hóa.

Thứ haitập trung nỗ lực của Đảng, Nhà nước, xã hội và nhân dân vào công cuộc chấn hưng đạo đức, chấn hưng giáo dục. Nhìn thẳng vào sự thật thì phải nói rằng, chưa bao giờ vấn đề này được đặt ra và thực hiện đúng mức cần phải có của nó. Phải kết hợp cả sức mạnh của dư luận xã hội với sức mạnh của phê phán, xử lý, trừng phạt bằng hệ thống chế tài nghiêm ngặt. Gần đây đã xuất hiện lời xin lỗi của cá nhân và tổ chức đối với những sai trái gây hậu quả. Đó là một khởi động tốt nhưng phải sớm đề phòng, ngăn chặn “hội chứng xin lỗi” mà vẫn vắng bóng hành vi sửa lỗi.

Văn hóa xin lỗi chỉ có ý nghĩa tích cực bằng thước đo sửa lỗi, đồng thời phải sớm hình thành và thực hiện văn hóa từ chức với sức đẩy của liêm sỉ, nhân phẩm, danh dự, trách nhiệm đối với người giữ chức quyền. Đó là đòi hỏi của xã hội, là ý nguyện của nhân dân.

Thứ ba, văn hóa trong chính trị nổi bật một nội dung quan trọng là thái độ, chuẩn mực đạo đức văn hóa trong ứng xử với người dân, chuẩn mực pháp luật trong thi hành bổn phận, nghĩa vụ, chức trách của các quan chức và công chức, trong Đảng, trong Nhà nước và trong các tổ chức chính trị - xã hội.

Đó là văn hóa trọng dân và văn hóa trọng pháp. Đây là vấn đề thiết thực nhất, là thực hành Dân chủ, thực hành Dân vận, thực hành Đạo đức với ý nghĩa là thực hành Văn hóa trong chính trị. Phải chú trọng tiếng nói của người dân, làm cho người dân tham gia vào xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, Mặt trận và Đoàn thể, trong đó có sự đánh giá chính sách, đánh giá cán bộ, đánh giá tác dụng, hiệu quả của thể chế, của chính sách với những phát hiện, đề xuất, khuyến nghị cụ thể từ phía người dân.

Văn hóa trong chính trị đòi hỏi phải tăng cường các đối thoại, chất vấn, góp ý phê bình giữa các nhà lãnh đạo, quản lý với dân chúng. Diễn đàn này là nơi đo lường cả năng lực, phẩm chất lẫn trách nhiệm của người lãnh đạo và quản lý với dân chúng. Đó cũng là môi trường thử thách dân chủ, đo lường trình độ dân chủ của đội ngũ cán bộ và người dân đồng thời đào thải những gì không xứng đáng với văn hóa dân chủ mà cốt lõi của nó là văn hóa pháp luật và văn hóa đạo đức trong đời sống chính trị - xã hội.

Thứ tưđổi mới căn bản và đồng bộ cả thể chế - chính sách và cơ chế liên quan trực tiếp tới việc đánh giá, bố trí cán bộ, sử dụng và đãi ngộ cán bộ. Thực tế đã cho thấy, đây lại là lĩnh vực có không ít hạn chế, yếu kém, thiếu sót. Thậm chí đã nhiều lần chúng ta công khai thừa nhận rằng, công tác tổ chức cán bộ là yếu kém của mọi yếu kém, khuyết điểm của mọi khuyết điểm. Do đó, xây dựng văn hóa trong chính trị cần phải làm cho văn hóa tác động sâu sắc nhất, tạo ra chuyển biến có tính đột phá rõ rệt nhất ở lĩnh vực tổ chức cán bộ, qua việc đổi mới thể chế, chính sách, cơ chế đối với cán bộ, nói vắn tắt là chế độ, chính sách dùng người.

 

GS.TS Hoàng Chí Bảo

(Hội đồng Lý luận Trung ương)

Trung bình (0 Bình chọn)