Triển khai Nghị quyết 130-NQ/TU: Thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng ngày 03/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái chủ trì hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 130-NQ/TU ngày 16/8/2016 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Bắc Giang về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, một số hợp tác xã, chủ mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao điển hình; các ngân hàng, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh.  

Các đại biểu thảo luận tại hội nghị. Ảnh: BGP/Trâm Anh

Triển khai Nghị quyết số 130-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy Bắc Giang, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 211/KH-UBND về đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giao Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố tổ chức hàng trăm hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết, ban hành các chương trình kế hoạch hành động.

Tỉnh Bắc Giang ưu tiên thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này kết hợp tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Đặc biệt, để triển khai Nghị quyết có hiệu quả, đến nay, toàn tỉnh đã dành hơn 67 tỷ đồng để đầu tư cho chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 3 tỷ đồng, ngân sách tỉnh gần 15 tỷ đồng, huyện khoảng 13 tỷ đồng, còn là đối ứng của các tổ chức, cá nhân.

Sau hơn một năm thực hiện, chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh nhận được sự đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ của các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại và người dân. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, các quy trình tiên tiến đã được ứng dụng vào sản xuất, bảo quản chế biến đã làm cho năng suất, chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp không ngừng tăng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nổi bật là trên địa bàn tỉnh hình thành 21 mô hình ứng dụng CNC vào sản xuất, bảo quản, chế biến, góp phần tăng năng suất, chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp. Điển hình là các mô hình sản xuất rau an toàn, rau chế biến quy mô 30 ha tại xã Tiến Dũng (huyện Yên Dũng); 33 ha tại xã Đông Lỗ (huyện Hiệp Hòa); 5 ha tại xã Đông Phú (huyện Lục Nam)…

Qua thảo luận tại hội nghị, nhiều ý kiến đánh giá việc ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh bước đầu đã khẳng định được hiệu quả, tạo những chuyển biến đáng kể về quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhận định các mô hình ứng dụng CNC hiện nay còn nhỏ lẻ, phân tán và chậm nhân ra diện rộng; chưa mang tính hệ thống. Một số mô hình đã được hỗ trợ nhưng không tập trung, phân tán. Việc lựa chọn đối tượng cây trồng trong nhà lưới, nhà màng chưa phù hợp dẫn đến hiệu quả kinh tế đem lại không cao.

Các sản phẩm chưa có thương hiệu, nhãn hiệu; công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa được quan tâm nên chưa được vào các chuỗi tiêu thụ lớn, thiếu tính liên kết trong sản xuất - tiêu thụ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BGP/Trâm Anh

Làm rõ về các tồn tại này, nhiều đại biểu cho rằng nguyên nhân là do một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm chỉ đạo lĩnh vực này. Ruộng đất manh mún, sản xuất nhỏ lẻ nên khó khăn áp dụng cơ giới hóa. Cùng đó, sản xuất nông nghiệp CNC đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn, lực lượng lao động phải có trình độ tay nghề và quản lý cao.

Để nâng cao hiệu quả ứng dụng CNC trong nông nghiệp, đại biểu đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các vùng sản xuất CNC tạo tính ổn định lâu dài về đất đai, đồng thời là cơ sở để kêu gọi đầu tư. Tăng cường nhân rộng các mô hình hiệu quả. Lựa chọn công nghệ phù hợp, phát triển thị trường, mở rộng thương hiệu sản phẩm, xây dựng liên kết chuỗi giá trị.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái khẳng định Bắc Giang có lợi thế về phát triển nông nghiệp từ điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực đến vị trí giao thông thuận lợi, cạnh nhiều thị trường lớn như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng,Trung Quốc... Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển khá toàn diện, sản phẩm đang từng bước có thị trường, thương hiệu ở cả trong và ngoài nước.

Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết 130 ra đời đã khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp. Phó Chủ tịch khẳng định, chưa bao giờ mà lĩnh vực nông nghiệp được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm phát triển như hiện nay.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhất trí cho rằng những tồn tại, hạn chế tại hội nghị đã nêu đang là rào cản lớn trong ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thời gian tới các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết 130 của BTV Tỉnh ủy, các kế hoạch, chương trình hành động của HĐND, UBND tỉnh. Rà soát, xây dựng quy hoạch vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Bố trí đủ vốn để hỗ trợ mô hình nông nghiệp CNC. Đồng thời cần phải đẩy mạnh thành lập HTX kiểu mới trong sản xuất nông nghiệp. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, truy xuất được nguồn gốc. Đẩy mạnh dồn điền đổi thửa để áp dụng máy móc vào sản xuất. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về vai trò, lợi ích của nông nghiệp CNC./.

Trung bình (0 Bình chọn)