Thực hiện kết luận của BTV Tỉnh ủy về giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn: Nơi vào cuộc, chỗ thờ ơ

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Hơn hai tháng qua, Báo Bắc Giang triển khai chuyên đề “Hành động vì môi trường sạch” trên các số báo hằng ngày. Từ sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nội dung phản ánh trên báo, công tác thu gom, xử lý rác thải ở một số địa phương đã có chuyển biến bước đầu. Tuy nhiên, ở không ít địa điểm, rác thải vẫn tồn đọng, phát sinh gây ô nhiễm môi trường.
Các bạn trẻ xã Châu Minh (Hiệp Hòa) ra quân dọn rác góp phần làm sạch môi trường. Ảnh: Đỗ Quyên.

Kênh mương, đường làng thoáng đãng

Trong tháng 5, Báo Bắc Giang đăng bài về tình trạng kênh Yên Lại, đoạn qua xã Khám Lạng (Lục Nam) ngập rác. Mới đây, chúng tôi trở lại địa điểm này. Đang ở thời điểm cấp nước cho sản xuất vụ mùa, lòng kênh nước ăm ắp và chỉ còn một lượng rác nhỏ nổi trên mặt, không còn ùn ứ nhiều như trước. Bà Nguyễn Thị Thanh, thôn Non Dài đang dỡ khoai sọ gần kênh cho biết: “Trước đây, rác không chỉ đọng ở lòng kênh với đoạn dài hàng chục mét mà còn đầy ở hai bên bờ. Giờ đây, rác ít hơn và được đốt nên bớt ô nhiễm”. Có được kết quả này là sự nỗ lực lớn của đơn vị phụ trách kênh. Đều đặn vài ngày, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Lục Nam lại cắt cử, bố trí người vớt rác để cho dòng chảy thông thoáng. 

Hiện nay, nơi giáp ranh giữa thôn Tiến Thịnh, xã Tiến Thắng với thôn Hồng Lĩnh, xã An Thượng (cùng huyện Yên Thế) không còn rác ven đường. Sau khi Báo Bắc Giang phản ánh, chính quyền hai xã đã phối hợp tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân; vận động bà con thu gom, xử lý rác đúng quy định; cắm biển báo cấm đổ rác tại các khu vực giáp ranh. Ông Lê Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Thắng cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã phát hiện và xử phạt ba trường hợp đổ rác ra khu vực giáp ranh. Đồng thời, vận động các hộ xây hầm biogas để xử lý nước thải, chất thải chăn nuôi”. Tương tự, tại các khu vực như: Cống suối Đá (giữa xã Tân Hiệp và thị trấn Cầu Gồ); đoạn đường giữa thôn Hồng Lĩnh (xã An Thượng) và thôn Tân Gia (xã Tân Hiệp); đoạn giữa thôn Hồng Lĩnh (xã An Thượng) và thôn Tiến Thịnh (xã Tiến Thắng); khu vực cầu suối Cấy (tiếp giáp giữa xã Hồng Kỳ và Đồng Kỳ)... rác thải cơ bản được giải quyết.

Rác vẫn... “sinh sôi”

Có mặt tại thị trấn Chũ (Lục Ngạn) những ngày này, nhiều người không khỏi ái ngại khi dọc các tuyến phố đều xuất hiện những đống rác bốc mùi xú uế. Ngay ở tại khu vực ngã tư truyền hình, dù đã được cắm hai biển cấm song người dân vẫn ngang nhiên đổ rác. Dọc quốc lộ 31 qua địa bàn cũng xuất hiện hàng chục điểm tập kết rác thải. Ông Nguyễn Văn B, phố Lê Lợi (thị trấn Chũ) nói: “Dịp này đúng vụ thu hoạch vải thiều nên lượng rác thải được tập kết trên các tuyến đường nhiều hơn. Chúng tôi mong muốn ngành chức năng xử lý mạnh tay với những trường hợp đổ rác tại khu vực cấm, góp phần tạo diện mạo sạch đẹp cho bộ mặt thị trấn”.

Rác thải tập kết tại ngã tư truyền hình, thị trấn Chũ (Lục Ngạn). Ảnh chụp chiều 22-6.

Khảo sát của phóng viên cho thấy, rác ở nhiều tuyến đường vẫn ùn ứ, thậm chí ngày càng gia tăng. Tại xã Vô Tranh (Lục Nam), đoạn giáp với xã Nghĩa Phương, một số đống rác hình thành dọc đường tỉnh 293. Hay ở thị trấn Nếnh, xã Hương Mai (Việt Yên) gần đây còn xuất hiện mới nhiều đống rác sinh hoạt, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Trước đó, huyện đã ra quân “Ngày Chủ nhật xanh” để quét dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm song chỉ được thời gian ngắn, rác lại “sinh sôi” chất đống ở nhiều nơi.

Cần thực hiện thường xuyên, lâu dài

Đến ngày 27-6, Báo Bắc Giang đã đăng 47 kỳ chuyên mục “Hành động vì môi trường sạch” trên số báo hằng ngày và hàng chục tác phẩm trên Báo Điện tử. Bên cạnh phản ánh những hạn chế của các địa phương còn nêu cách làm hay, sáng tạo trong xử lý rác thải, đồng thời có đánh giá toàn diện về thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện. Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào chính quyền tích cực vào cuộc và thu hút được người dân tham gia thì rác thải giảm đáng kể. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các nội dung Báo Bắc Giang nêu, huyện Hiệp Hòa đã triển khai đồng bộ các giải pháp như: Lắp đặt một số điểm chắn rác trên kênh, phân rõ từng địa bàn; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền về thu gom, xử lý rác thải, bố trí các điểm đốt rác. 100% số xã trong huyện có bãi xử lý rác tập trung, duy trì tổ vệ sinh môi trường các thôn nên rác được tập kết đúng nơi quy định. Quan sát tại tuyến kênh chính, đoạn qua xã Đông Lỗ từng là điểm “nóng” về rác thải thì nay đã được giải tỏa.

 

LTS: Trước tình trạng rác thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống, Báo Bắc Giang thực hiện chuyên đề "Hành động vì môi trường sạch” từ ngày 19-4 đến nay trên các số báo hằng ngày. Chuyên đề thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả. Thời gian tới, Báo tiếp tục duy trì chuyên đề trên trang 3 số thứ Ba hằng tuần. Trân trọng thông báo để bạn đọc tiện theo dõi.

 

Tuy nhiên, nhiều nơi việc thu gom, xử lý còn không ít trở ngại. Đó là không phải thôn, xã nào cũng có bãi rác tập trung. Một số người dân chia sẻ, đưa rác ra bờ sông hay vệ đường, mương máng cũng chỉ là việc “cực chẳng đã” bởi địa phương không có bãi rác tập trung, chẳng lẽ cứ để ở nhà. Ông Nguyễn Văn Bích, Chủ tịch UBND xã Nhã Nam (Tân Yên) cho biết: “Sau khi Báo Bắc Giang nêu về bãi rác của địa phương, tỉnh, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra. Cùng đó, xã duy trì đội cơ động phát hiện và xử lý gần 20 trường hợp đổ rác trái quy định. Tuy vậy, một số xã lân cận không có tổ thu gom rác nên người dân vẫn đổ rác vào địa phận xã”.

Liên quan đến những nội dung trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn đã trao đổi với phóng viên Báo Bắc Giang. Đồng chí cho rằng, thời gian qua cùng với chỉ đạo của tỉnh, cơ quan truyền thông đã tuyên truyền sâu đậm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của người dân về vấn đề rác thải. Để duy trì kết quả đạt được cần tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu thu gom, xử lý rác thải là trách nhiệm chung, thực hiện thường xuyên liên tục; cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Về lâu dài, xử lý rác phải thực hiện theo mô hình công nghiệp tập trung và huy động nguồn lực từ xã hội. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xây dựng đề án có tính khoa học cho công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Dự kiến đề án này sẽ hoàn thành trong tháng 7-2017 và trình các cấp thông qua để tổ chức thực hiện.

Đồng chí nhấn mạnh, tổ chức thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn theo tinh thần Kết luận số 43-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ là nhiệm vụ cấp bách nên tỉnh đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền, phát hiện, cổ vũ, nhân rộng các điển hình, cách làm mới, góp phần triển khai thành công chủ trương lớn này trong thực tiễn.

Trung bình (0 Bình chọn)