Tăng 30% lương cơ sở từ 1/7

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết từ 1/7 cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng 30% lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng một tháng.

Tại họp báo định kỳ chiều 20/6, Bộ trưởng Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ Chính trị đã thống nhất thực hiện 4/6 nội dung đã rõ trong đề án cải cách tiền lương từ 1/7. Do phát sinh nhiều bất cập và cần phải thận trọng nghiên cứu từng bước nên việc bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương chưa đủ điều kiện thực hiện.

Tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, nếu thực hiện đủ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công thì mức tăng tổng quỹ lương của cán bộ, công chức, viên chức là 30,6 %. Con số này không bao gồm tiền thưởng. Dựa vào đó, mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng một tháng (tăng 30%). Các trường hợp hưởng chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở cũng được tăng tương ứng mức 30%.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: QH

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: QH

Theo nghị quyết về cải cách tiền lương, sẽ có 9 loại phụ cấp mới như phụ cấp kiêm nhiệm, thâm niên vượt khung, trách nhiệm công việc, ưu đãi theo nghề. Tuy nhiên từ 1/7, các điều kiện chưa đủ thực hiện 9 loại phụ cấp này nên Chính phủ đề nghị giữ nguyên phụ cấp hiện hành như phụ cấp chức vụ lãnh đạo, kiêm nhiệm, thâm niên vượt khung, trách nhiệm theo nghề.

Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và một số chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành, đặc biệt là phụ cấp theo nghề mà trong quá trình thực hiện phát sinh bất hợp lý.

Lương cơ sở điều chỉnh từ năm 2000 đến nay. Đồ họa: Tiến Thành

Lương cơ sở điều chỉnh từ năm 2000 đến nay. Đồ họa: Tiến Thành

Với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước đang được áp dụng cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì rà soát lại bộ khung pháp lý. Từ đó có cơ sở để quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của cơ quan cho phù hợp. Từ 1/7, trong thời gian chưa sửa đổi, mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hàng tháng tính theo lương cơ sở 2,34 triệu đồng, không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6/2024.

Bộ trưởng Nội vụ cho biết mức tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (30%) là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp, các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở. Việc này cũng tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và những người hưởng chế độ, chính sách trợ cấp, phụ cấp trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn.

"Đây là phương án tối ưu nhất, công bằng nhất, bình đẳng nhất, tất cả cùng vui trong lúc chờ thực hiện cải cách tiền lương theo vị trí việc làm. Chúng tôi sẽ xin ý kiến Quốc hội và sẽ thực hiện ngay từ 1/7", Bộ trưởng Trà cho hay.

Công chức Đà Nẵng làm việc tại Trung tâm hành chính, tháng 5/2024. Ảnh: Nguyễn Đông

Công chức Đà Nẵng làm việc tại Trung tâm hành chính, tháng 5/2024. Ảnh: Nguyễn Đông

Lương cơ sở được dùng làm căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác nhau. Mới đây nhất, từ tháng 7/2023, mức lương cơ sở tăng từ 1,49 lên 1,8 triệu đồng/tháng (thêm 20,8%).

Hiện lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang được tính bằng lương cơ sở (1,8 triệu đồng) nhân hệ số lương. Hệ số lương được tính theo ngạch bậc của từng nhóm công chức.

Báo cáo với Quốc hội sáng 20/5, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết đến hết năm 2023, cả nước đã dành được 680.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.

Lương tối thiểu vùng tăng 6% từ 1/7

Bộ trưởng cho biết với khu vực doanh nghiệp, lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động sẽ tăng 6% so với năm 2023. Sau khi tăng, bình quân 4 vùng là 4,17 triệu đồng/tháng.

Lương vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu; vùng 3 là 3,86 triệu và vùng 4 đạt 3,45 triệu đồng. Hiện lương các vùng đang dao động 3,25-4,68 triệu đồng. Mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6% từ 1/7. Cụ thể, vùng 1-4 sẽ tăng lên 23.800-21.200-18.600-16.600 đồng/giờ.

Mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương. Trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận.

Thông lệ hơn 10 năm qua, lương tối thiểu thường điều chỉnh vào ngày 1/1 hàng năm. Song do ảnh hưởng của dịch, khủng hoảng kinh tế, cắt giảm lao động, lương tối thiểu lần tiếp theo được điều chỉnh vào tháng 7 trong vòng bốn năm.

Bổ sung tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản

Bộ trưởng Nội vụ cho biết quỹ tiền thưởng của khu vực công sẽ được bổ sung bằng 10% quỹ lương cơ bản. Điều này giúp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thêm cơ chế, chính sách kịp thời khích lệ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều đóng góp trong thực thi nhiệm vụ được giao.

Các cơ quan cũng có cơ sở để hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập như bổ sung thẩm quyền của người đứng đầu được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng thực hiện nhiệm vụ của cơ quan; quyết định mức chi trả thu nhập gắn với nhiệm vụ được giao.

Theo Bộ trưởng, thời gian tới, các cơ quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đánh giá một số nội dung của Nghị quyết số 27, nhất là việc xây dựng các bảng lương và chế độ phụ cấp mới, bảo đảm tính khả thi, công bằng, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và nguồn lực của đất nước. Việc cải cách tiền lương sẽ thực hiện khi đủ điều kiện, được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bộ Nội vụ cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật về các chế độ, chính sách gắn với mức lương cơ sở; báo cáo cấp có thẩm quyền danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tiếp tục thực hiện, trong đó có rà soát, hoàn thiện cơ chế, chế độ tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

"Theo tính toán của Bộ Tài chính thì tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, thực hiện tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp lũy kế 3 năm 2024-2026 tăng thêm là 913.300 tỷ đồng, Chính phủ bảo đảm đủ nguồn để thực hiện", Bộ trưởng nói.

Theo https://vnexpress.net/

Trung bình (0 Bình chọn)