Quan tâm củng cố chi bộ sau chia tách

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Rà soát, chia tách chi bộ sinh hoạt ghép đi đôi với củng cố sau chia tách là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng của các cấp ủy đảng trong tỉnh Bắc Giang. Từ chủ trương này, nhiều chi bộ đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, tạo được niềm tin với nhân dân.
Đảng viên Chi bộ thôn Đồng Quần, xã Vô Tranh (Lục Nam) trao đổi kinh nghiệm sản xuất.

Nghị quyết sát thực tiễn

Sau gần ba năm chia tách, Chi bộ thôn Đồng Quần, xã Vô Tranh (Lục Nam) đã duy trì tốt nền nếp sinh hoạt. Đặc biệt, chi ủy đã quan tâm vận động đảng viên, quần chúng nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ vườn tạp chuyển sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cam Đường Canh, bưởi Diễn.

Bí thư Chi bộ Trần Thị Liễu nói: “Trước đây, đảng viên của ba thôn Trại Lán, Đồng Quần và Quảng Hái Hồ phải sinh hoạt ghép nên một số đảng viên chưa thực hiện nghiêm nền nếp sinh hoạt Đảng. Từ khi chia tách, việc triển khai các chủ trương của cấp uỷ cấp trên tới đảng viên và cụ thể hoá vào tình hình thực tiễn của thôn thuận lợi, kịp thời hơn. Năm 2017, Chi bộ lãnh đạo hiệu quả Nghị quyết về làm đường giao thông, hiện đường nội thôn cơ bản đã được cứng hóa”.

Ở Chi bộ thôn Đồi Đỏ, xã Thanh Hải (Lục Ngạn), khi chưa chia tách, đảng viên của thôn cùng sinh hoạt với thôn Cẩm Vũ. Sau các cuộc họp chi bộ, Nghị quyết thường chung chung, khái quát cho cả hai thôn nên chất lượng chưa cao. Sau khi chia tách, do không còn tư tưởng đi “họp nhờ” như trước nên trong các buổi sinh hoạt chi bộ, đảng viên đã chủ động góp ý kiến vào việc xây dựng nghị quyết.

Đồng chí Vũ Duy Chiến, Bí thư Chi bộ cho biết: “Thực hiện Nghị quyết phát triển kinh tế địa phương, đến nay 100% hộ dân ở thôn Đồi Đỏ trồng cây có múi. Bình quân thu nhập mỗi hộ từ 80-120 triệu đồng/năm. Kinh tế phát triển, bà con đóng góp hàng trăm triệu đồng cứng hoá giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hoá, lắp hệ thống đèn chiếu sáng đường làng, ngõ xóm”.

Hay như tại Chi bộ thôn Cánh Phượng, xã Hương Sơn (Lạng Giang), sau hai năm chia tách, phát huy vai trò “đầu tàu”, đồng chí bí thư chi bộ đã tự nguyện tháo dỡ tường bao vườn, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân hiến hơn 8 nghìn m2 đất để mở rộng hành lang đường giao thông...

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, một số chi bộ sau chia tách còn gặp vướng mắc như: Số lượng đảng viên ít, đa phần từ 3- 5 đảng viên; khó tạo nguồn kết nạp đảng viên mới; nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng của người đứng đầu cấp uỷ còn hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả lãnh đạo của chi bộ.

Nhiều biện pháp khắc phục hạn chế

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ tỉnh chia tách 42/59 chi bộ sinh hoạt ghép. Một số Đảng bộ huyện có nhiều chi bộ tách là: Lục Ngạn (14 chi bộ), Lục Nam (6 chi bộ), Tân Yên (4 chi bộ). Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, việc chia tách cơ bản đã tạo thuận lợi hơn để các chi bộ từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên ở cơ sở, thông qua việc xây dựng các nghị quyết  sát với tình hình thực tiễn.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, cấp ủy các huyện đã tích cực chỉ đạo các chi, đảng bộ trực thuộc khắc phục hạn chế, bất cập trong việc tách chi bộ sinh hoạt ghép. Một trong những giải pháp hiệu quả là phân công cấp uỷ viên trực tiếp dự sinh hoạt. Qua đó nắm bắt tình hình, phản ánh kịp thời và hướng dẫn cơ sở giải quyết những vướng mắc. Ở huyện Tân Yên, trước khi tách chi bộ ghép, cấp ủy các cấp quan tâm xem xét, đánh giá năng lực của các đảng viên dự kiến tham gia chi ủy, nếu thấy đáp ứng được yêu cầu mới tiến hành tách chi bộ.

Còn tại Lục Ngạn, đồng chí Giang Sơn Hải, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy cho hay: “Để nâng cao năng lực đội ngũ bí thư tại các chi bộ mới thành lập, BTV Huyện uỷ chỉ đạo đảng uỷ cơ sở chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ công tác Đảng; tổ chức các lớp tập huấn theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Đặc biệt, trong tháng 5-2017, Thường trực Huyện ủy tổ chức làm việc với 12 chi bộ nhiều năm không kết nạp được đảng viên. Trên cơ sở đó tìm biện pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tạo nguồn phát triển Đảng”.

Ở Đảng bộ huyện Lục Nam, để củng cố tổ chức đảng sau chia tách, BTV Huyện uỷ chỉ đạo đảng uỷ cơ sở giới thiệu một số đảng viên ở chi bộ cơ quan xã chuyển sinh hoạt về chi bộ mới tách, hỗ trợ cấp ủy trong hoạt động nghiệp vụ. Cách làm này giúp chi bộ dần ổn định, chất lượng sinh hoạt nâng lên, hoạt động của các tổ chức hội, đoàn thể có chuyển biến. Đến nay, một số chi bộ sau chia tách như: Đồng Dầu - Trại Cống 1 và Trại Ruộng 1- Đồi Thông (xã Đông Hưng); Nghè Mản- Đá Húc (xã Bình Sơn)... đều đã kết nạp được đảng viên mới hoặc có nguồn cử đi học lớp nhận thức về Đảng.

Việc bảo đảm chất lượng các chi bộ sau chia tách là yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng tại cơ sở. Bởi vậy, cùng với những giải pháp trên, cấp uỷ các cấp tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo chi bộ từng bước đổi mới nội dung sinh hoạt; coi trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong Đảng, xây dựng nội bộ đoàn kết, thống nhất. Có như vậy, chi bộ sau khi chia tách sinh hoạt ghép mới bền vững, hiệu quả.

Trung bình (0 Bình chọn)