Phát triển nông nghiệp Công nghệ cao ở Việt Yên: Từ điểm nhân diện

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Nhằm đáp ứng nhu cầu rau, củ, quả an toàn cho người tiêu dùng, huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao (CNC). Đây được coi là một trong những điểm nhấn trong phát triển nông nghiệp hàng hóa của huyện.
Mô hình trồng ớt chuông trong nhà lưới của chị Giáp Thị Thạo, thôn 8, xã Việt Tiến (Việt Yên).

Khẳng định hiệu quả kinh tế

Chúng tôi đến thăm mô hình trồng rau của anh Nguyễn Thành Trung, thôn 8 (xã Việt Tiến) đúng hôm trời rét đậm nhưng khi bước chân vào khu nhà lưới, cái lạnh lập tức tan biến. Trước mắt chúng tôi là những luống rau xanh mướt đang chờ ngày thu hoạch. Tháng 8-2017, anh Trung đầu tư xây dựng nhà lưới mái vòm diện tích 3 nghìn m2, trị giá khoảng 1 tỷ đồng. "Trước kia, trồng rau ngoài trời phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Từ khi trồng trong nhà lưới, chi phí ngày công, thuốc bảo vệ thực vật giảm hẳn. Đặc biệt, tôi có thể luân canh 8 vụ/năm thay vì vài vụ như trước đây", anh Trung chia sẻ.

Ở thôn 8, ngoài anh Trung, gia đình bà Giáp Thị Thạo, Giáp Thị Thanh cũng đầu tư mô hình tương tự với diện tích từ 2 - 3 nghìn m2 đã được ngành chức năng nghiệm thu, đi vào sản xuất từ cuối năm 2017. Ước tính, mỗi mô hình cho thu nhập bình quân từ 200-300 triệu đồng/năm.

Phát triển vùng trồng rau áp dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến là một trong những nội dung quan trọng huyện Việt Yên thực hiện Nghị quyết số 130 ngày 16-8-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020. Năm 2017, trên địa bàn huyện đã triển khai nhiều mô hình trồng rau, củ, quả ứng dụng CNC như: Xây dựng ba nhà lưới mái vòm diện tích 8 nghìn m2 (chủ yếu trồng ớt chuông, cải thìa, dưa chuột, cà chua bi) tại thôn 8, xã Việt Tiến; sản xuất rau tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Tĩnh Lộc (xã Nghĩa Trung) và thôn Minh Sơn (xã Trung Sơn); mở rộng mô hình trồng măng tây xanh tại thôn Dâm (xã Tự Lạn); các thôn Tự, Thượng, Kiểu (xã Bích Sơn)... Các mô hình trên, UBND huyện đều trích kinh phí hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp hằng năm theo quy định (mỗi mô hình từ 100-500 triệu đồng).

Ông Lê Duy Cận (bên phải) thôn Minh Sơn (xã Trung Sơn) giới thiệu mô hình trồng rau trong nhà lưới.

Phát triển mô hình theo chuỗi liên kết

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết, để nâng cao chất lượng, hiệu quả các mô hình, đơn vị tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho các hộ. Nhờ đó, bước đầu các mô hình đã phát huy hiệu quả.

Ở nhiều địa phương, việc ứng dụng trồng rau theo hướng CNC, tiêu chuẩn VietGAP đã có sức lan tỏa; nhiều cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu. Ông Lê Duy Cận, Trưởng thôn Minh Sơn (xã Trung Sơn) mới đầu tư xây dựng 1.000 m2 nhà lưới trồng bắp cải, hành, su hào cách đây hai tháng. Quy trình chăm sóc rau được ông tuân thủ nghiêm ngặt; có sổ theo dõi, ghi chép cụ thể.

Song song với phát triển vùng trồng rau tập trung, vấn đề đầu ra của sản phẩm cũng được huyện quan tâm. Hiện có nhiều doanh nghiệp đăng ký bao tiêu sản phẩm, đặc biệt ở các khu công nghiệp, điển hình như Công ty Lâm Phúc Việt (Bắc Ninh) đã làm việc với ngành chức năng của huyện sẵn sàng ký với các HTX tiêu thụ rau phục vụ công nhân ở các khu công nghiệp (trung bình 100 nghìn suất ăn sẵn/ngày). Cùng đó, thương lái ở một số tỉnh, TP cũng về tận nơi thu mua.

Để đáp ứng nhu cầu, từ nay đến năm 2020, UBND huyện tiếp tục quy hoạch, xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn, dự kiến quy mô đạt hơn 70 ha tại các xã Ninh Sơn, Nghĩa Trung, Tự Lạn, Trung Sơn… bằng các giống mới năng suất cao, chất lượng tốt, kết hợp với áp dụng quy trình chăm sóc phù hợp.

Ông Nguyễn Đức Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đã giao Phòng Nông nghiệp và PTNT xây dựng đề án sản xuất rau, củ quả an toàn nhằm tạo ra vùng sản xuất điển hình, hiệu quả theo chuỗi liên kết. Theo nội dung đề án, năm 2018 huyện sẽ hình thành vùng rau, củ, quả tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 30 ha tại các thôn 3,  4, 5, 8 (xã Việt Tiến) bởi đây là xã có tiềm năng trồng rau ứng dụng CNC. Quy mô sản xuất trong nhà lưới diện tích 10 ha, một nhà màng để gieo con giống với diện tích 2.000 m2. Khi hoàn thành, đây sẽ là địa phương có diện tích trồng rau trong nhà lưới lớn nhất tỉnh. Đồng thời, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ với vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, tiến tới tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ; gắn trách nhiệm của các HTX trong việc thuê đất, thu mua, bảo quản, chế biến nông sản.

Trung bình (0 Bình chọn)