Phấn đấu sản xuất thắng lợi vụ Chiêm xuân năm 2016

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Thời tiết diễn biến thất thường hiện nay gây ảnh hưởng không tốt đến sản xuất nông nghiệp. Do vậy ngay từ đầu năm, ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã tăng cường chỉ đạo sản xuất, đặc biệt thời điểm này tập trung vào công tác sản xuất vụ Chiêm xuân. Phóng viên Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Khái – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.
Ông Nguyễn Văn Khái – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT. Ảnh:BGP/Trâm Anh.

PV: Thưa ông, đợt rét đậm, rét hại vừa qua đã ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất vụ Đông xuân 2015-2016 của tỉnh Bắc Giang. Ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã có biện pháp gì để khắc phục?

Ông Nguyễn Văn Khái: Từ ngày 24/01/2016 đến 03/02/2016 trên địa bàn tỉnh có đợt rét đậm, rét hại kéo dài gây thiệt hại cho sản xuất vụ Đông xuân năm 2015-2016. Theo báo cáo của các huyện, thành phố, tính đến ngày 04/02/2016 trên địa bàn tỉnh có 01 ha diện tích lúa gieo sạ và 720m2 mạ bị thiệt hại tại xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam. Có 798 con gia súc và 1.018 con gia cầm bị chết tập trung tại các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động. Diện tích thủy sản bị thiệt hại 241,88 ha; khối lượng cá bị chết do rét đậm, rét hại là 50,022 tấn, tập trung ở các huyện: Yên Dũng, Lạng Giang, Lục Nam, Tân Yên, Hiệp Hòa thành phố Bắc Giang.

Trước khi xảy ra rét đậm, rét hại, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị triển khai sản xuất vụ Chiêm Xuân năm 2015-2016. Tại Hội nghị đã chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện đúng khung thời vụ sản xuất và các biện pháp phòng chống rét cho mạ, lúa. Tổ chức tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn nông dân công tác phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Các cơ quan chuyên môn của Sở ban hành công văn chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản.

Ngay khi xảy ra rét đậm, rét hại, lãnh đạo Sở cùng Thủ trưởng các đơn vị trong ngành tiến hành họp khẩn triển khai các biện pháp chống rét cho cây trồng, đàn vật nuôi và thủy sản trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh ban hành Công điện phòng, chống đói rét cho gia súc, gia cầm, thủy sản và sản xuất vụ Đông xuân năm 2015-2016. Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành các văn bản chỉ đạo phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản và thành lập 05 Tổ công tác chỉ đạo phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm, thủy sản và sản xuất vụ Đông xuân năm 2015-2016. Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi trâu, bò, ngựa thuộc đối tượng hộ nghèo bị thiệt hại hưởng chính sách hỗ trợ để nhanh chóng ổn định sản xuất. Theo đó, tỉnh hỗ trợ 4 triệu đồng/con trâu, bò, ngựa của hộ nghèo để mua con giống khôi phục sản xuất.

PV: Để sản xuất vụ Chiêm Xuân năm 2015-2016 giành thắng lợi với mục tiêu năng suất lúa bình quân 59 tạ/ha, sản lượng 310 nghìn tấn, công tác chỉ đạo của ngành Nông nghiệp như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Khái: Để sản xuất năm nay giành thắng lợi, ngành Nông nghiệp tiếp tục thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó dự kiến chuyển đổi 1.500 ha lúa cấy không chủ động nước tưới sang trồng các cây rau mầu có giá trị kinh tế cao. Sở đã tập trung chỉ đạo đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật mới về giống, phân bón, thuốc Bảo vệ thực vật. Theo đó mở rộng diện tích gieo cấy các giống lúa cao sản như BC15, Thiên ưu 8... Làm tốt công tác dồn điền đổi thửa và xây dựng cánh đồng mẫu. Tăng cường mối liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân.

 PV: Vậy cơ cấu giống, lịch thời vụ sản xuất Chiêm xuân năm 2015-2016 như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Khái: Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết những ngày tới sẽ còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt vụ Chiêm xuân. Để khắc phục tình trạng này, ngành Nông nghiệp đã sắp xếp khung lịch thời vụ và hướng dẫn bà con nông dân thực hiện để cho lúa trỗ vào thời điểm thích hợp, đảm bảo năng suất.

Vụ Chiêm xuân năm 2015-2016, tiếp tục chỉ đạo mở rộng diện tích trà xuân muộn, giảm diện tích trà xuân sớm và xuân trung. Trong đó, định hướng khung lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa, cụ thể đó là: Trà lúa Chiêm dầm và Xuân sớm chiếm 6% diện tích, gieo mạ từ 25/11 - 15/12/2015; cấy từ 15/01 - 05/02/2016, sử dụng các giống như: Xi23, X21, Nếp... Trà xuân muộn chiếm 94% diện tích, tập trung gieo mạ từ 25/01 đến 10/02/2016, cấy tập trung trong tháng 2/2016; đối với lúa gieo thẳng thời gian gieo từ 15/02 đến hết tháng 2/2016. Sử dụng các giống chủ lực như: giống lúa thuần gồm BC15, Thiên ưu 8, KD 18..; các giống lúa chất lượng gồm: Bắc thơm số 7, TBR36, TBR225, Hương Thơm 1, Nàng Xuân... ; lúa lai gồm: Syn6, GS9, BTE-1, XL, HKT 99, TH3-3, LC212...

PV: Vậy đến nay kết quả sản xuất vụ Chiêm xuân năm 2015-2016 đạt tiến độ đến đâu so với kế hoạch đề ra thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Khái: Theo báo cáo của các huyện, thành phố, tính đến ngày 17/02/2016, tổng diện tích gieo trồng là 8.181/79.800 ha, đạt 10,3% so với kế hoạch. Trong đó diện tích lúa đã gieo cấy là 5.545/52.500 ha kế hoạch, mạ đã gieo 1.772 ha, đạt 70,9% so với kế hoạch, làm đất 50.060 ha, đạt 95,4% so với kế hoạch gieo cấy; diện tích có nước 40.529 ha, đạt 77% so với kế hoạch diện tích gieo cấy.

Sau Tết, thời tiết nắng ấm dần, đủ nước, nông dân các địa phương tập trung gieo cấy trà xuân muộn. Diện tích lúa cấy đã bén rễ hồi xanh, đủ nước, tưới dưỡng, mạ được che phủ nilon không có diện tích mạ bị chết rét. Các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ gieo cấy đảm bảo khung thời vụ; tập trung chỉ đạo chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho diện tích mạ đã gieo, lúa đã cấy. Dự kiến lúa vụ Chiêm xuân cơ bản gieo cấy xong trước 05/3/2016, trừ 1 số xã vùng cao của huyện Sơn Động và Lục Ngạn.

Đưa cơ giới hóa xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: BGP/Trâm Anh

PV: Để tiếp tục nâng cao giá trị sản xuất, giá  trị sản phẩm trên ha đất nông nghiệp, ngành Nông nghiệp có những giải pháp gì thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Khái: Năm 2016, ngành Nông nghiệp tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06/2013/NQ-HĐND ngày 11/7/2013 của HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ khuyến khích dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu  giai đoạn 2014-2016. Theo  Kế hoạch năm 2016, toàn tỉnh sẽ tập trung thực hiện dồn điền, đổi thửa 2.166 ha. Đồng thời xây dựng cánh đồng mẫu lũy kế đến năm 2016 là 122 cánh đồng.

Trong đó, Vụ Chiêm xuân năm 2016 dự kiến xây dựng 67 cánh đồng mẫu. Dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu giúp từng bước khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, tạo điều kiện thuận lợi để quy hoạch vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng giao thông, thủy lợi, áp dụng cơ giới hóa nâng cao năng suất.

Cùng với việc tập trung chỉ đạo công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu, Sở quan tâm chỉ đạo thực hiện mối liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào liên kết sản xuất lúa giống (giống lúa lai và giống lúa thuần); liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa thơm chất lượng tại huyện Yên Dũng, Hiệp Hòa, Việt Yên. Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho cây rau chế biến, rau an toàn tại các huyện, thành phố đạt kết quả khả quan. Đồng thời tạo ra các vùng nguyên liệu với quy mô lớn, ổn định phục vụ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Trung bình (0 Bình chọn)