Năm 2016, phấn đấu 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Nhìn lại quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) 5 năm qua (2011-2015) có thể khẳng định, Chương trình XDNTM đã tạo ra những thay đổi tích cực đối với bộ mặt nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bắc Giang. Năm 2016 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2016-2020, Chương trình XDNTM tiếp tục được các cấp, các ngành của tỉnh tập trung thực hiện với quyết tâm cao.
Ông Nguyễn Văn Doanh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT,
Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG XDNTM tỉnh Bắc Giang. Ảnh:BGP/Trâm Anh.

Giai đoạn 2011-2015, Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) XDNTM được tỉnh Bắc Giang tập trung thực hiện quyết liệt, bài bản với sự đồng thuận, hưởng ứng của cả hệ thống chính trị và người dân. Đến nay, toàn tỉnh có tổng số 34 xã đạt chuẩn NTM. Bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nâng cấp. Văn hóa, giáo dục, y tế và môi trường chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao thu nhập và điều kiện sống của nhân dân. Hiện thu nhập bình quân đầu người dân cư nông thôn đạt khoảng 22,5 triệu đồng/người/năm, tăng 1,8 lần so với 2010.

Phát huy những kết quả đạt được, tỉnh Bắc Giang tiếp tục tập trung xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Doanh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình  MTQG XDNTM tỉnh Bắc Giang về vấn đề này.

PV: Thưa ông, để thực hiện Chương trình XDNTM  giai đoạn 2016-2020 đạt hiệu quả, Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh đã triển khai nhiệm vụ này như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Doanh: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020, Kế hoạch của UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo XDNTM tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, mục tiêu tỉnh đặt ra là phấn đấu có khoảng 35-40% số xã đạt chuẩn NTM và số tiêu chí bình quân trên địa bàn tỉnh là 15 tiêu chí/xã; không còn xã đạt dưới 8 tiêu chí; có từ 1-2 huyện đạt huyện NTM. Đồng thời, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn: Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm là 2%, đối với xã đặc biệt khó khăn là 4%; nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên…

Để triển khai các nhiệm vụ trên, Văn phòng Điều phối đã tham mưu UBND, Ban Chỉ đạo tỉnh các nội dung chủ yếu như: Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, tiếp tục chỉ đạo rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch NTM đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch hàng năm và kế hoạch giai đoạn, trong đó xác định số xã đạt chuẩn NTM từng năm, giai đoạn, từ đó tập trung kinh phí đảm bảo nguyên tắc có trọng tâm, trọng điểm.

Cùng với đó, làm tốt công tác khai thác, kêu gọi, huy động nhằm thu hút nguồn lực để XDNTM, trong đó hết sức lưu ý đến việc huy động nhân dân đảm bảo dân chủ, tự nguyện, tuyệt đối không ép buộc. Kinh phí đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, gây lãng phí, ưu tiên trước những công trình cấp bách.

Đặc biệt, tỉnh hết sức chú ý đến phát triển sản xuất gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, sản lượng, giá trị, tăng sức cạnh tranh của nông sản gắn với xây dựng thương hiệu, ưu tiên trước hết cho các sản phẩm hàng hóa, chủ lực của tỉnh. Tiếp tục thực hiện dồn điền, đổi thửa gắn với quy hoạch lại đồng ruộng, giao thông thủy lợi và xây dựng cánh đồng lớn cho thu nhập cao.

Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, đẹp đẽ. Ảnh:BGP/Trâm Anh.

PV: Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch XDNTM giai đoạn 2016-2020, vậy Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Doanh: Trong năm 2016, Văn phòng Điều phối tập trung rà soát các xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2016 trên cơ sở các tiêu chí đã đạt, khả năng đối ứng của địa phương để có định hướng phân bổ nguồn vốn hợp lý, phấn đấu trong năm 2016 có 14 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã toàn tỉnh lên 48 xã. Phối hợp với UBND huyện Lạng Giang tổ chức triển khai thực hiện Đề án huyện NTM. Đồng thời chỉ đạo thực hiện Đề án xã NTM tại xã Hồng Giang mang đặc trưng vùng trồng cây ăn quả tại huyện Lục Ngạn đảm bảo tiến độ đề ra. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các xã XDNTM giai đoạn 2017-2020 thay thế Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 11/4/2014 của HĐND tỉnh Bắc Giang về quy định mức hỗ trợ đầu tư hạng mục công trình ở các xã XDNTM trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2014 – 2016.

Đồng thời tiếp tục quan tâm chỉ đạo lựa chọn xây dựng mô hình phát triển sản xuất có tính mới nhằm phát huy hiệu quả lợi thế, thế mạnh của từng địa phương. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị tuyên truyền để vận động cán bộ và nhân dân triển khai thực hiện Chương trình.

PV: Trước thực trạng nợ đọng XDNTM, Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh đã có những tham mưu, đề xuất gì để khắc phụcthưa ông?

Ông Nguyễn Văn Doanh: Để khắc phục tình trạng nợ đọng trong XDNTM, Văn phòng Điều phối đã tham mưu UBND, BCĐ tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Đầu tư công, Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 30/10/2015 của UBND tỉnh về việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Công văn số 2003/TTg-KTN ngày 05/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc huy động vốn đóng góp của dân để thực hiện Chương trình MTQG XDNTM.

Khuyến khích địa phương tăng cường giao cho cộng đồng hưởng lợi tự thực hiện, giám sát các hạng mục công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản nhằm giảm chi phí trong thực hiện.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các huyện, xã xây dựng giải pháp, lộ trình thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, ưu tiên bố trí vốn để xử lý nợ đọng, làm tốt công tác huy động các nguồn vốn mới triển khai khởi công xây dựng các công trình. Kiểm soát chặt chẽ việc thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư công trình.

Đồng thời, rà soát, điều chỉnh một số cơ chế, chính sách để hỗ trợ địa phương trong việc thực hiện Chương trình theo hướng tăng nguồn hỗ trợ từ ngân sách cấp huyện trở lên. Đối với các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn thì ngân sách Trung ương, tỉnh quản lý hỗ trợ theo hướng đầu tư cho các hạng mục công trình.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trung bình (0 Bình chọn)