Hạ tầng giao thông

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Với mạng lưới giao thông phân bố tương đối hợp lý bao gồm 3 loại hình giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa là điều kiện thuận lợi để Bắc Giang giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa với các tỉnh, thành phố, thúc đẩy phát triển KT-XH.
Bắc Giang từng bước nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông đường bộ, phục vụ cho phát triển KT -XH.

1. Đường bộ

Bắc Giang nằm giữa hành lang giao thông lớn nhất miền Bắc (Hà Nội - Lạng Sơn), cũng là hành lang kết nối với Trung Quốc thông qua cặp cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan. Hiện Bắc Giang có 1 tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn nối liền thủ đô Hà Nội lên phía Bắc qua 3 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn và kết nối sang Trung Quốc, nối tiếp đường bộ cao tốc tới Nam Ninh, thủ phủ của tỉnh Quảng Tây. Cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn qua tỉnh Bắc Giang dài 39,45 km gồm đoạn Nam TP. Bắc Giang được nâng cấp mở rộng từ QL1 cũ.

Bắc Giang có tổng chiều dài đường bộ  là 11.840 km, trong đó có 5 tuyến quốc lộ dài chạy qua với tổng chiều dài 290,6 km bao gồm: QL1 dài 19,4 km; QL31 dài 96,7 km; QL37 dài 60,4 km; QL17 dài 57,1 km; QL279 dài 57 km. Cùng với đó, Bắc Giang đã mở rộng 18 tuyến đường tỉnh (ĐT) với tổng chiều dài 404,99 km và 08 tuyến đường huyện do cấp tỉnh quản lý gồm: Tuyến Hương Mai - Song Vân; tuyến Đại Lâm - An Hà; tuyến Bình Sơn - Nam Dương; tuyến Kế - Hương Gián; tuyến Mỏ Trạng - Thiện Kỵ; tuyến Mục - Đèo Kiếm; tuyến Quân Sự (huyện Hiệp Hòa); tuyến đường dẫn lên cầu Đồng Sơn (TP. Bắc Giang).

Bắc Giang còn có hệ thống đường chuyên dùng ở các khu công nghiệp và đường giao thông nông thôn. Đồng thời mở thêm mới 62 tuyến vận tải, vượt 12 tuyến so với mục tiêu quy hoạch để kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước; góp phần tăng cường năng lực vận tải, nâng cao khối lượng vận chuyển, luân chuyển hành khách.

Nhìn chung chất lượng các tuyến đường bộ của tỉnh Bắc Giang cơ bản đảm bảo quy định tiêu chuẩn chất lượng của Bộ Giao thông vận tải; các tuyến đường tỉnh, đường huyện đáp ứng được quy mô theo quy hoạch, mặt đường đã được nhựa hóa, bê tông hóa 100%, nhiều tuyến đường đầu tư có chiều rộng mặt đường rộng trên 8,0m.

Nhờ có hạ tầng giao thông phát triển nên dịch vụ vận tải đã có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách trên địa bàn tỉnh. Tốc độ tăng trưởng vận tải hàng hóa đường bộ giai đoạn 2016 - 2020 đạt 16%/năm, hành khách tăng 12,9%/năm, tăng cao hơn so với theo mục tiêu quy hoạch đến năm 2020. Các tuyến quốc lộ, cao tốc, đường tỉnh đã hình thành các trục dọc, trục ngang, đường kết nối với các địa phương trong và ngoài tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, du lịch tại các địa phương và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Nâng cao chất lượng  kết cấu hạ tầng, phát huy tiềm năng thế mạnh của vận tải đường sắt. Ảnh:Dương Thủy

2. Đường sắt

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 tuyến đường sắt quốc gia chạy qua gồm: Hà Nội - Đồng Đăng, Kép - Hạ Long, Kép - Lưu Xá và tuyến chuyên dùng phục vụ cho Nhà máy Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc. Trong đó, tuyến Hà Nội - Đồng Đăng dài 167 km, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Giang dài 40 km; tuyến Kép - Hạ Long dài 106 km, qua địa phận tỉnh Bắc Giang dài 32,77 km; tuyến Kép - Lưu Xá dài 57 km, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Giang dài 23 km, cùng hệ thống nhà ga phân bố đều khắp ở các tuyến như các ga: Sen Hồ, Bắc Giang, Phố Tráng, Kép, Bảo Sơn, Lan Mẫu, Bố Hạ, Mỏ Trạng...

Trung bình khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt đạt 83.285 tấn/năm, hành khách đạt 14.274 lượt người/năm. Tốc độ tăng trưởng hành khách bình quân là 10,71%/năm, hàng hóa bình quân là 20,75%/năm.

Thực tế các tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh Bắc Giang đều có tiềm năng phát triển. Nếu được đầu tư mở rộng sẽ tạo khả năng kết nối giữa đường bộ với đường sắt, đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hành khách, xếp dỡ hàng hóa với khối lượng lớn, phục vụ cho quá trình phát triển KT- XH của địa phương.

Tiếp tục quy hoạch phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh . Ảnh:BGP/Dương Thủy

3. Đường thủy nội địa

Bắc Giang có 3 con sông là sông Thương, sông Cầu và sông Lục Nam với tổng chiều dài khoảng 354 km. Cả ba con sông này đổ về ngã 3 Phả Lại (Hải Dương) và tiếp tục đổ về các con sông lớn hơn là sông Đuống, sông Kinh Thầy và sông Thái Bình.

Bắc Giang có 3 tuyến đường thủy nội địa do trung ương quản lý, tổng chiều dài 222 km gồm: tuyến sông Cầu (Phả Lại - Đa Phúc) 104 km; tuyến sông Thương (Phả Lại - Á Lữ) 62 km; tuyến sông Lục Nam (ngã 3 Nhãn - Chũ) 56 km.

Hệ thống cảng, bến đường thủy nội địa tương đối hiện đại, đồng bộ đủ năng lực trung chuyển, xếp dỡ hàng hóa cho tàu, thuyền có trọng tải lớn như: Cảng Á Lữ; cảng Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Bến Đám, Bến Tuần,… trong đó, cảng Á Lữ với diện tích khoảng 20.000 m2, chiều dài khoảng 200 m cùng 2 kho hàng với tổng diện tích 4.440 m2 có năng lực thông qua cảng với khối lượng hàng hóa khoảng 250 nghìn tấn/năm; cảng chuyên dùng của Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc có năng lực thông qua cảng khoảng 70 - 100 nghìn tấn/năm, cùng hàng chục cảng, bến có quy vừa và nhỏ phục vụ nhu cầu vận chuyển nội địa đã góp phần quan trọng vào việc đa dạng hóa các loại hình vận tải, giảm sức ép cho vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 23 đơn vị đã đăng kinh doanh vận tải thủy nội địa, chủ yếu là các doanh nghiệp, hợp tác xã quy mô nhỏ và các hộ kinh doanh, với khoảng 1.175 phương tiện thủy các loại, trong đó 1.131 phương tiện vận tải hàng hóa; bình quân mỗi năm khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 1,8 triệu tấn/năm, khối lượng vận chuyển hành khách đạt 122 nghìn người/năm.

Hiện nay Bắc Giang đang thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, qua đó thúc đẩy phát triển vận tải đường thủy nội địa, góp phần phát triển KT-XH của địa phương./.

BGP

 

Trung bình (0 Bình chọn)