Góp ý Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ huyện Lạng Giang lần thứ XXI

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng ngày 27/5, đồng chí Nguyễn Văn Linh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì hội nghị duyệt Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lạng Giang khóa XX trình tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020. Cùng dự có đồng chí Vũ Văn Chính - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành.
Toàn cảnh hội nghị.

Dự  thảo Báo cáo chính trị trình tại Đại hội Đảng bộ huyện Lạng Giang lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 nêu rõ: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XX, toàn huyện đã đạt được kết quả khá toàn diện: Kinh tế tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu tăng bình quân 14,4%/ năm, trong đó nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 6%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng tăng 18,3%; thương mại - dịch vụ tăng 20,5%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng thu ngân sách trên địa bàn trong 5 năm đạt 780 tỷ đồng, tăng bình quân 23%/năm. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có chuyển biến tiến bộ. Tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Trong 16 mục tiêu chủ yếu đề ra, đã đạt và vượt 15 chỉ tiêu.

Dự thảo Báo cáo Chính trị xác định chủ đề Đại hội Đảng bộ huyện Lạng Giang lần thứ XXI là “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống đoàn kết; khai thác hiệu quả các tiềm năng, nguồn lực, xây dựng Lạng Giang phát triển bền vững” với 16 mục tiêu chủ yếu như: giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu tăng bình quân giai đoạn 2015-2020 là 17-18%/năm; cơ cấu giá trị sản xuất đến năm 2020 ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 18-19%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng chiếm 44-45%, thương mại  -dịch vụ chiếm 36-38%; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 60-65 triệu đồng/năm....

Góp ý vào dự thảo Báo cáo, các đại biểu đánh giá báo cáo tương đối bao quát, đã nêu bật được các thành tựu đạt được. Tuy nhiên với kết cấu 32 trang, trong đó đánh giá kết quả chiếm 20 trang là dài, nên đưa một số dẫn chứng chi tiết vào phần phụ lục để rút ngắn lại. Có đại biểu cho rằng phần đánh giá chưa đề cập đến lĩnh vực du lịch, trong khi huyện Lạng Giang có tiềm năng du lịch lớn, đón tiếp ¼ lượng khách của tỉnh hàng năm, do vậy cần bổ sung nội dung này vào dự thảo. Có đại biểu đề nghị cần viết gọn lại đánh giá công tác xúc tiến thương mại trong phần thương mại - dịch vụ.

Về các chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ tới, hầu hết các đại biểu nhận xét dự thảo đã bám sát các chỉ tiêu của tỉnh, tuy nhiên nên có mục tiêu tổng quát đến năm 2020; đồng thời xem lại một số chỉ tiêu như  lựa chọn cách tính chỉ tiêu thu nhập bình quân/người đảm bảo khoa học hơn; cân nhắc có nên lựa chọn chỉ tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu làm chỉ tiêu chủ yếu hay không; nghiên cứu cách tính chỉ tiêu về tỷ lệ hộ nghèo. Có đại biểu cho rằng chỉ tiêu về “Làng văn hóa” chiếm 70% là thấp. Về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, chỉ tiêu về nông thôn mới còn thấp, đồng thời cần bổ sung nội dung “tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.

 Hầu hết các đại biểu đề nghị phân tích kỹ hơn trong phần hạn chế, khuyết điểm; phần nhiệm vụ và giải pháp nên tách riêng từng nội dung. Về các nhiệm vụ trọng tâm, nói rõ hơn về xây dựng tổ chức đảng, phấn đấu các trưởng thôn, bản phải là đảng viên, đồng thời nhấn mạnh việc tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo dục phẩm chất, tư tưởng, đặc biệt có kinh nghiệm làm việc thực tiễn. Về 5 bài học kinh nghiệm, sắp xếp lại thứ tự các bài học trên cơ sở ưu tiên tầm quan trọng của từng bài học.  

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Linh đánh giá dự thảo Báo cáo chính trị của huyện Lạng Giang được chuẩn bị công phu, nội dung đầy đủ, đã phản ánh bao quát kết quả 5 năm qua, các phương hướng, nhiệm vụ đã bám sát chỉ đạo của tỉnh. Tuy nhiên, Lạng Giang là một trong các huyện trọng điểm, do vậy đòi hỏi các chỉ tiêu chủ yếu của huyện phải cao hơn mức bình quân của tỉnh đề ra. Đồng chí thống nhất với chủ đề báo cáo, tuy nhiên cần xem lại mệnh đề “xây dựng Lạng Giang phát triển bền vững”.

Về đánh giá kết quả thực hiện, cần coi trọng tính khái quát, hạn chế dẫn chứng quá chi tiết trong báo cáo. Báo cáo còn chưa gắn với 5 chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm, do vậy cần bổ sung nhưng chỉ ở mức khái quát; đồng thời thêm phần đánh giá thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng. Về các bài học kinh nghiệm, đồng chí yêu cầu cần sắp xếp lại vị trí các bài học kinh nghiệm trên cơ sở tầm quan trọng của mỗi bài học

Về hạn chế, khuyết điểm, đồng chí Nguyễn Văn Linh yêu cầu bổ sung đánh giá sức mạnh, đóng góp của doanh nghiệp do về lâu dài, doanh nghiệp sẽ là xương sống trong phát triển kinh tế tỉnh Bắc Giang. Bên cạnh đó cần bổ sung hạn chế về công tác dự báo tình hình do nhiều chỉ tiêu của nhiệm kỳ trước đưa ra quá cao so với thực tế đạt được. Huyện cần xem lại một số mục tiêu chủ yếu đề ra như cơ cấu giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ chiếm 36-38% là thấp; mục tiêu thu nhập bình quân đầu người nên chuyển sang tính bằng USD, đồng thời cần cao hơn mức bình quân của tỉnh; giá trị sản xuất bình quân trên  1 ha đất canh tác năm 2020 đạt 110-120 triệu đồng là thấp; thay chỉ tiêu về kim ngạch xuất nhập khẩu bằng chỉ tiêu phát triển đô thị.

Về nhiệm vụ, giải pháp, bổ sung nhiệm vụ tăng cường giải phóng mặt bằng; quy hoạch xử lý rác thải; thay đổi mạnh về tư duy, trong đó đổi từ dựa vào ngân sách nhà nước đầu tư sang xây dựng cơ chế chính sách thu hút nguồn lực xã hội hóa là chính; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực lãnh đạo các cấp./.

Trung bình (0 Bình chọn)