Dân vận khéo - tăng nguồn lực xây dựng nông thôn mới

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Những năm qua, khi xây dựng nông thôn mới (XDNTM), huyện Tân Yên (Bắc Giang) luôn chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, duy trì các mô hình dân vận khéo. Thông qua đó, địa phương tạo được sự ủng hộ của người dân thực hiện chương trình.
Tổ dân vận thôn Đồng Sen, xã Việt Lập vận động người dân góp sức làm đường giao thông.

Trước đây đường làng, ngõ xóm ở thôn Đồng Sen, xã Việt Lập chủ yếu là đường đất, nhỏ hẹp, lầy lội.  Do đó, khi tham gia XDNMT, thôn lựa chọn thực hiện tiêu chí giao thông trước. Kinh phí hỗ trợ của Nhà nước hạn hẹp nên để tạo được sự đồng thuận của người dân, tổ dân vận của thôn đã xây dựng mô hình “Dân vận khéo trong làm đường giao thông”.  Ngoài tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về mục đích, ý nghĩa của chương trình, thôn còn đến từng hộ vận động góp tiền, ngày công, hiến đất mở rộng đường làng. Các khoản thu được bàn bạc dân chủ, công khai, minh bạch, đầu tư đúng mục đích. Vì thế, người dân đã đồng tình, ủng hộ cao. Thôn cứng hóa được gần 3 km đường, bề mặt rộng 5-6 m.

Mô hình “Dân vận khéo” ở các thôn Đông Khoát, Am Vàng, Um Ngò trong xã cũng phát huy hiệu quả tương tự. Từ năm 2012 đến nay, Việt Lập đã vận động người dân góp gần 30 tỷ đồng và hàng chục nghìn m2 đất để cứng hóa hơn 30 km đường giao thông, kênh mương, xây mới nhiều công trình nhà văn hóa, thể thao.

Nhiều thôn khác trong huyện cũng phát huy tốt vai trò của các tổ dân vận trong xây dựng các công trình hạ tầng. Đơn cử, hai tháng trước, UBND huyện quyết định nâng cấp tuyến đường từ thôn Giữa, Trong, xã Tân Trung đi thôn Cả Am, xã Phúc Hòa dài gần 1,7 km. Sau khi rà soát, để có mặt bằng thi công, địa phương cần khoảng 80 hộ dân sinh sống hai bên đường hiến đất, tài sản và tháo dỡ nhiều công trình trên đất. Chẳng quản sớm tối, tổ dân vận ở các thôn cùng các đoàn thể tích cực gặp gỡ, giải thích cho bà con hiểu rõ lợi ích của việc làm đường. Sau hơn một tháng, 100% các hộ thuộc diện phải hiến đất đã tự nguyện tháo dỡ công trình, bàn giao hàng nghìn m2 đất cho thôn thi công. Đến nay tuyến đường này đã hoàn thành.

Để nâng cao hiệu quả của các mô hình dân vận, thời gian tới, Ban Dân vận Huyện ủy tiếp tục hướng dẫn các xã kiện toàn lại các tổ dân vận, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tập thể, cá nhân gắn với thực hiện tốt phương châm" Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

Ở các xã Đại Hóa, Cao Thượng, Phúc Sơn, Liên Chung, các tổ dân vận còn vận động nông dân sản xuất nông nghiệp hàng hóa thành vùng tập trung, vệ sinh môi trường... Ở xã Phúc Sơn, nhiều hộ đã mạnh dạn dồn điền đổi thửa, sản xuất các loại cây hàng hóa như: Khoai tây chế biến, ngô, ớt ngọt, dưa chuột chế biến... vụ đông. Xã xây dựng 4 cánh đồng mẫu và cánh đồng thu nhập cao ở các thôn Trám, Lý Cốt, Yên Lý, Tiền Sơn, Luông với diện tích gần 120 ha. Mỗi cánh đồng này đều đạt 170 - 200 triệu đồng/ha/năm, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người toàn xã năm ngoái lên 39 triệu đồng/năm, dự kiến năm nay đạt 43 triệu đồng. Được biết, hiện xã đã hoàn thành 17 tiêu chí, phấn đấu về đích NTM năm nay.

Ông Nguyễn Văn Thiềm, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy cho biết, triển khai phong trào thi đua "Dân vận khéo" giai đoạn 2016 - 2020 do tỉnh phát động, đến nay, toàn huyện có hơn 400 mô hình dân vận ở các xã được duy trì hoạt động.  Các mô hình này đã góp phần tích cực giúp địa phương tháo gỡ “nút thắt” trong XDNTM, nhất là việc thực hiện các tiêu chí khó đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn như: Giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa.

Kinh nghiệm ở Tân Yên cho thấy, để nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình “Dân vận khéo”, Ban Dân vận Huyện ủy đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các tổ hoạt động theo phương châm sát thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng của người dân. Các tổ dân vận đều nêu tiêu chí đánh giá cụ thể, đăng ký rõ kế hoạch thực hiện. Đặc biệt khối dân vận các xã đã tham mưu cho Đảng ủy ban hành nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo các tổ dân vận thực hiện thông qua các hội nghị chi bộ thôn, chi đoàn, chi hội của các đoàn thể, câu lạc bộ, tổ liên gia tự quản, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền trên loa truyền thanh. Vì vậy từ chỗ chưa thông nên e dè, dần dà các hộ dân đồng thuận cao, tích cực hưởng ứng, góp công, góp sức XDNTM.

Với cách làm đó, hơn 5 năm qua, toàn huyện Tân Yên vận động người dân góp hơn 500 tỷ đồng thực hiện các tiêu chí về hạ tầng, phát triển sản xuất. Bà con hiến hàng trăm nghìn m2 đất, tháo dỡ công trình, tường bao, hoa màu và tài sản trên đất mà không yêu cầu phải đền bù. Đến nay, tất cả các xã trên địa bàn đều vượt chuẩn về tiêu chí thu nhập, tăng khoảng 50% số xã so với năm 2011.

Trung bình (0 Bình chọn)