Chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Hướng tới phát triển bền vững

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Tăng năng suất, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân là những ưu điểm nổi bật khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Hiệp Hòa (Bắc Giang). Giải pháp này được huyện chú trọng, nỗ lực thực hiện nhằm mục tiêu hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi cây trồng, huyện hỗ trợ mô hình sản xuất dưa lưới
công nghệ cao tại thôn Đồng Tâm, xã Thường Thắng.

Lợi nhuận cao gấp 5 lần cấy lúa

Cánh đồng các thôn Khoát, Đông Lỗ, xã Đông Lỗ vụ này hầu hết trồng dưa chuột Nhật và ớt, không còn cấy lúa xuân. Dưa bắt đầu cho thu hoạch, giá bán bình quân 3-4 nghìn đồng/kg, năng suất ước khoảng hơn 2,5 tấn/sào, người dân thu về 7,5 triệu đồng/sào. Đang đẩy chiếc xe rùa đầy quả, ông Đỗ Văn Thắng, thôn Đông Khoát phấn khởi: “Vụ đông năm ngoái, gia đình tôi trồng hơn 3 sào dưa chuột Nhật. Sau khi tính toán, thấy lợi nhuận cao hơn cấy lúa nên vụ này tiếp tục duy trì”. Được biết, đây là năm thứ hai bà con nơi đây chuyển đổi hơn 20 ha chân đất 2 lúa sang công thức luân canh: Rau vụ xuân-lúa mùa-rau vụ đông. Trong đó, rau màu đưa vào trồng chủ yếu là dưa chuột Nhật, ớt ngọt. DN bao tiêu toàn bộ sản phẩm khi thu hoạch. 

 

Vụ xuân năm nay, Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C (Lạng Giang) liên kết với HTX nông nghiệp gồm: Hưng Thịnh (Đông Lỗ); Đồng Tâm 3  (Thường Thắng); Tuấn Mai (Mai Đình) trồng hơn 30 ha rau chế biến, sản lượng ước đạt hơn 2 nghìn tấn.

 

Ngoài ra, từ nhiều năm qua, người dân thôn Hưng Đạo, Đông Lỗ đã năng động áp dụng kỹ thuật thâm canh các loại rau gia vị trong bốn mùa. Tuy không có hợp đồng ký kết nhưng vùng rau này đã trở thành điểm thu mua tập trung của thương nhân trong và ngoài tỉnh. Theo ông Lê Văn Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Lỗ, nước tưới chủ động, kênh mương, đường nội đồng được cứng hóa, mở rộng đã giúp cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tương đối thuận lợi. Vì vậy, đến nay xã có gần 100 ha, chiếm 50% tổng diện tích canh tác đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dẫn đầu huyện.

Tương tự, mấy năm gần đây, xã Quang Minh, Thái Sơn đã đưa cây rau chế biến là ngô ngọt, đậu tương rau vào canh tác trên diện tích 100 ha. Thu nhập cao đã khuyến khích nông dân duy trì và tiếp tục mở rộng trong thời gian tới. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống mới vào thâm canh luôn cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Bởi vậy, vụ xuân này xã Thường Thắng tuyên truyền, vận động nông dân thôn Đồng Tâm trồng 10 ha dưa chuột bao tử, dưa chuột Nhật để thế chân đất trồng lạc.  

Thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, 5 năm gần đây, toàn huyện chuyển đổi khoảng 300 ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác. Trong đó, chủ yếu là rau màu chế biến xuất khẩu. Đánh giá sau chuyển đổi cho thấy, lợi nhuận bình quân đạt hơn 300 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 5-6 lần so với độc canh cây lúa.

Có cơ chế ưu đãi cho nông nghiệp

Huyện xác định, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp quan trọng tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả. Từ nay đến năm 2025, Hiệp Hòa phấn đấu chuyển hơn 1 nghìn ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang chuyên canh hoa màu. Thực hiện nhiệm vụ này, ngay trong vụ xuân 2017, huyện có cơ chế, chính sách riêng cho nông nghiệp. Đơn cử phê duyệt đề án chuyển đổi đất chân vàn cao trồng 130 ha bưởi. Trong đó, trồng tập trung 80 ha, còn lại là trồng xen ghép tại các xã Lương Phong, Ngọc Sơn, Danh Thắng, Châu Minh. Để khuyến khích người dân, huyện trích ngân sách trợ giá giống; hỗ trợ xây dựng nhà lưới trong các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... 

Ông Ngô Đình Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Kinh nghiệm cho thấy, những diện tích chuyển đổi thành công là nơi có hạ tầng sản xuất thuận lợi, liên kết chặt chẽ với DN để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Do vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra, hiện nay phòng đang tham mưu với UBND huyện lập quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững đến năm 2025, định hướng năm 2035. Cùng với quy hoạch là các giải pháp chỉnh trang đồng ruộng, cải thiện hệ thống thủy lợi, các chương trình, dự án khuyến khích cá nhân, tổ chức áp dụng phương thức sản xuất theo chuỗi”. 

Đi đôi với biện pháp trên, đơn vị chuyên môn của huyện, chính quyền cơ sở tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân. Tiếp tục ứng dụng phương tiện cơ giới vào canh tác, thu hoạch, giảm công lao động. Giám sát chặt chẽ, không để tình trạng chuyển đổi ngoài quy hoạch dẫn đến sản phẩm dư thừa cung vượt cầu. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê, mượn đất sản xuất để hình thành vùng tập trung quy mô lớn có liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Trung bình (0 Bình chọn)