Bắc Giang: Thực hiện nếp sống văn minh mùa lễ hội 2016

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Bắc Giang có hơn 500 lễ hội, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, với nguyện cầu cho một năm mới sức khỏe dồi dào, may mắn và tài lộc. Để các lễ hội thực sự có ý nghĩa thì công tác tổ chức, quản lý lễ hội là rất quan trọng. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang phỏng vấn ông Nguyễn Sĩ Cầm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) xung quanh nội dung này.
Ông Nguyễn Sĩ Cầm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: BGP/Diệu Hoa.

PV: Những năm qua, công tác tổ chức, quản lý và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội luôn được các cấp, các ngành và mỗi người dân trong tỉnh quan tâm. Ông có đánh giá thế nào về tình hình tổ chức các lễ hội trên địa bàn tỉnh trong những năm qua?

Ông Nguyễn Sĩ Cầm: Bắc Giang có hơn 500 lễ hội, chủ yếu là lễ hội truyền thống ở các làng xã, trong đó có một số lễ hội lớn như: lễ hội Xương Giang (thành phố Bắc Giang), lễ hội Từ Hả (xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn), lễ hội Yên Thế (huyện Yên Thế), lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng), lễ hội Đình Vồng (huyện Tân Yên), lễ hội Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên)... tập trung trong ba tháng đầu năm âm lịch.

Nhìn chung, các lễ hội đều tổ chức tốt và thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân tham dự hội. Công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở các địa phương được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, không kéo dài ngày, diễn ra an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Việc đốt vàng mã trong lễ hội được giảm thiểu, việc đặt tiền công đức diễn ra đúng nơi quy định, có tổ chức, không gây phản cảm cho đông đảo khách dự hội; an ninh trật tự được đảm bảo, cảnh quan môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) được quan tâm; việc quản lý hàng quán, bãi để xe tại khu vực lễ hội được tăng cường.

Đặc biệt, nhiều lễ hội quan tâm bảo tồn các di sản văn hóa đặc sắc; kinh phí tổ chức lễ hội ở nhiều địa phương, cơ sở chủ yếu là nguồn xã hội hóa, việc dùng ngân sách nhà nước được hạn chế tối đa, nhất là lễ hội truyền thống ở các làng quê.

PV: Hiện nay, một số lễ hội vẫn còn những hạt “sạn” làm giảm và làm mất đi những giá trị văn hóa vốn có. Ông có thể cho biết rõ hơn về nguyên nhân và kinh nghiệm rút ra trong chỉ đạo, tổ chức lễ hội?

Ông Nguyễn Sĩ Cầm: Qua kiểm tra lễ hội cho thấy, việc đặt tiền giọt dầu tại các điểm di tích chưa được khắc phục triệt để, công tác vệ sinh môi trường ở một số lễ hội còn chưa tốt, rác thải tại lễ hội chưa được gom kịp thời, hiện tượng đốt nhiều hương trong di tích vẫn xảy ra... Nguyên nhân là do việc quản lý, tổ chức lễ hội của Ban Tổ chức lễ hội ở một số địa phương còn yếu kém, chưa có kế hoạch cụ thể, ý thức văn hóa tham gia lễ hội của một bộ phận người dân còn chưa cao.

Từ thực tiễn trên, ngành rút ra một số bài học kinh nghiệm và giải pháp là tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc quản lý và tổ chức lễ hội phù hợp với tình hình, yêu cầu quản lý ở địa phương, cơ sở.

Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra lễ hội; xử lý nghiêm các vi phạm trong lễ hội. Phối hợp với các ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra hoạt động lễ hội ở các địa phương, đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, đúng quy chế, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa ngày càng cao của nhân dân.

PV: Để mùa lễ hội năm nay diễn ra an toàn, lành mạnh, tiết kiệm và văn minh, ngành đã có sự phối hợp và chỉ đạo thế nào đối với các địa phương, đơn vị, thưa ông?

Ông Nguyễn Sĩ Cầm: Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-BVHTTDL của Bộ VHTT&DL về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội năm 2016 và Chỉ thị số 01/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tổ chức đón Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, Sở VHTT&DL có văn bản chỉ đạo các địa phương tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong việc quản lý và tổ chức lễ hội; định hướng tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa giáo dục của lễ hội; vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội.

Bên cạnh đó, thực hiện quy hoạch khu dịch vụ đảm bảo thuận tiện, không gây cản trở, ùn tắc giao thông; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đảm bảo vệ sinh ATTP và các quy định của cơ quan chức năng; kiên quyết loại bỏ những hủ tục, những hình ảnh phản cảm trong lễ hội.

Năm nay, ngành chỉ đạo Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội có phương án quản lý hòm công đức; bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích. Không để các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam trong các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt tuyên truyền những nét đẹp văn hóa truyền thống trong hoạt động lễ hội, gắn với bảo tồn di sản văn hóa dân tộc; đặc biệt định hướng dư luận để nhân dân đồng thuận thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và lễ hội.

Thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động lễ hội, kinh doanh dịch vụ văn hóa, đặc biệt hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để hoạt động trục lợi, tuyên truyền mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, lưu hành văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

PV: Xin cảm ơn ông!

Trung bình (0 Bình chọn)