Bắc Giang: Thực hiện các giải pháp không để sản xuất nông nghiệp suy giảm

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Tình hình sản xuất công nghiệp, nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang từ đầu năm 2017 đến nay có biểu hiện không đồng bộ. Trong khi tốc độ, giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao thì sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn và suy giảm so với cùng kỳ năm 2016.
Mặc dù giá lợn giảm nhưng nhiều gia đình ở Bắc Giang vẫn kiên trì không bỏ trống chuồng trại.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Bắc Giang, đến tháng 9 năm 2017, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 78.360 tỷ đồng, tăng trên 31%. Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có biểu hiện suy giảm; tốc độ tăng trưởng đạt thấp, thậm chí có khả năng tăng trưởng âm; biểu hiện này ngược lại với bối cảnh chung nông nghiệp cả nước đã tăng trưởng khả quan trở lại.

Do điều kiện thời tiết không thuận lợi, cùng với đó là giá nông sản thấp, nhất là các sản phẩm chăn nuôi đã tác động không thuận đến phát triển sản xuất nông nghiệp. Sản lượng một số cây trồng giảm, trong đó sản lượng vải thiều giảm đến trên 40% so với cùng kỳ năm 2016. Sản xuất vụ mùa, diện tích, sản lượng các loại cây trồng chính ước đạt thấp hơn so với kế hoạch. Trong chăn nuôi, tổng đàn lợn giảm, đàn gia cầm không phát triển hơn chỉ duy trì ở mức bằng năm trước...đã ảnh hưởng đến tăng trưởng ngành sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh

Để lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của tỉnh không tăng trưởng âm, Phó Chủ tịch Thường trục UBND tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn cho biết, tỉnh Bắc Giang đã xác định và tập trung triển khai thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp tổng thể, trọng tâm để phát triển kinh tế quý IV/2017. Trong đó khắc phục xu hướng, biểu hiện suy giảm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Trước hết tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các chính sách ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp để đưa sản xuất nông nghiệp tăng trưởng trở lại trong thời gian tới.

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án nâng cao chất lượng giống gia cầm; khuyến khích thành lập các HTX chăn nuôi mới; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thu hoạch tốt vụ mùa; triển khai kế hoạch đẩy mạnh và nâng cao chất lượng sản xuất vụ Đông. Hỗ trợ, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ tái đàn trong chăn nuôi, gắn với phòng chống dịch bệnh. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; hỗ trợ cho nhân dân đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống./.                                                                                           

Trung bình (0 Bình chọn)