Bắc Giang chọn hướng đi đúng, khơi dậy sức dân trong xây dựng thôn nông thôn mới

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Với nhiều cách làm sáng tạo, phong trào xây dựng thôn nông thôn mới (NTM) ở Bắc Giang đã tạo ra được những đột phá quan trọng và có sức lan tỏa lớn. Đáng chú ý, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, người dân nhiệt tình hưởng ứng, chung sức xây dựng làng quê.
Nhờ huy động sức dân, đến nay 100% đường giao thông tại thôn Đồng Quýt,
xã Tân Mộc (Lục Ngạn) được đổ bê tông.

Khi ý Đảng hợp lòng dân

Trở lại thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc (Lục Ngạn) vào những ngày đầu hè, chúng tôi thực sự ấn tượng với bức tranh nhiều gam màu tươi sáng ở vùng quê này. Dưới ánh nắng chói chang là màu đỏ bạt ngàn của những vườn vải thiều bắt đầu chín cùng màu xanh của cam, bưởi. Dẫn chúng tôi thăm tuyến đường bê tông mới được hoàn thành, anh Vũ Duy Bình, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Quýt bộc bạch: “Diện mạo của thôn thực sự thay đổi gần một năm trở lại đây khi được lựa chọn xây dựng thôn NTM. Trước đó, dù kinh tế có bước phát triển khá song đường giao thông chưa được hoàn thiện, việc đi lại, trao đổi hàng hóa của bà con gặp khó khăn”. 

Thực tế, để đưa Đồng Quýt về đích thôn NTM, Đảng ủy xã Tân Mộc ban hành nghị quyết chuyên đề, trong đó xác định cứng hóa đường giao thông là nhiệm vụ trọng tâm. Chủ trương này đã được người dân đồng tình, ủng hộ. Gần một năm qua, nhân dân trong thôn đóng góp hơn 2 tỷ đồng để đổ bê tông 5 km đường giao thông.

Với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến xã trong toàn tỉnh chủ động xuống từng thôn để hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương hoàn thiện các tiêu chí. Ghi nhận tại thôn Đông Thượng (xã Lãng Sơn)- địa phương đầu tiên được công nhận đạt chuẩn thôn NTM của huyện Yên Dũng cho thấy, trước khi triển khai nội dung gì, chi ủy chi bộ cùng ban quản lý thôn họp bàn, lấy ý kiến đóng góp, huy động nguồn lực từ nhân dân.

Đến nay, toàn tỉnh có 62 thôn được công nhận đạt chuẩn NTM; trong đó huyện Hiệp Hòa (55 thôn), Yên Dũng (4 thôn), Lục Ngạn (2 thôn) và Yên Thế (1 thôn).

Tính riêng năm 2016, Đông Thượng đã huy động 1,6 tỷ đồng để thực hiện các hạng mục, trong đó nhân dân đóng góp 1,25 tỷ đồng. Hay như thôn Đồng Lân, xã Đồng Kỳ (Yên Thế), chi bộ thôn xây dựng nghị quyết, giao nhiệm vụ cho 18 đảng viên chi bộ có trách nhiệm gương mẫu thực hiện. Quá trình triển khai, các hộ trong thôn hiến hơn 1,3 nghìn m2 đất, đóng góp 400 triệu đồng và 128 ngày công mở rộng, cứng hóa đường giao thông, đường nội đồng. Cuối năm 2017, thôn được công nhận đạt chuẩn, sớm hơn một năm so với kế hoạch đề ra.

Tạo sức lan tỏa

Theo Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM, xây dựng thôn NTM sẽ góp phần huy động tốt hơn các nguồn lực từ trong dân. So với tiêu chí xã NTM, tiêu chí thôn NTM được rút gọn còn 16 tiêu chí, trong đó có một số tiêu chí cơ bản như: Đường giao thông thôn, xóm trải nhựa hoặc bê tông đều đạt từ 75% trở lên; không có nhà tạm, dột nát; có tổ vệ sinh môi trường thu gom rác thải; 5 năm liền đạt danh hiệu văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo dưới 7%...

Mới đây, UBND tỉnh ban hành quyết định quy định bộ tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu và thẩm quyền xét công nhận, công bố thôn NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh. Các thôn đạt chuẩn NTM được khen thưởng 20 triệu đồng/thôn từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh cho biết: “Việc ban hành quy định bộ tiêu chí là cơ sở quan trọng để các xã về đích NTM nâng cao chất lượng các tiêu chí. Tới đây, chúng tôi tập trung tuyên truyền, hướng dẫn 71 xã NTM lựa chọn thôn làm điểm để rút kinh nghiệm, triển khai nhân rộng”.

Thực tế để xây dựng thôn NTM, UBND các huyện, TP đều có những cơ chế, chính sách phù hợp. Tại huyện Lục Nam, Huyện ủy yêu cầu các đồng chí phụ trách địa bàn thường xuyên bám sát các thôn: Dốc Lỉnh (Nghĩa Phương); Hố Dầu (Cẩm Lý); Đầng (Huyền Sơn); Giếng (Khám Lạng) và Phương Lạn 5 (Phương Sơn) phối hợp cùng địa phương tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai. Đặc biệt, UBND xã hỗ trợ 10% kinh phí thực hiện các công trình tại các thôn này.

Ở huyện Yên Dũng, mỗi thôn về đích NTM đều được UBND huyện thưởng từ 100-250 triệu đồng. Còn tại huyện Lục Ngạn, UBND huyện luôn quan tâm, bố trí kinh phí hỗ trợ các thôn dự kiến về đích NTM để xây dựng các công trình. Nhờ chính sách hỗ trợ đã khuyến khích, người dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nên đã huy động được nhiều nguồn lực khác cùng tham gia. Cụ thể hỗ trợ thôn Muối, xã Giáp Sơn (hơn 500 triệu đồng); thôn Đoàn Kết, xã Tân Quang (450 triệu đồng); thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc (400 triệu đồng). Ông Tăng Văn Huy, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Khi tổ chức đón nhận quyết định, các thôn đều mời các thôn còn lại của xã và những xã lân cận đến dự, qua đó tạo được sức lan tỏa lớn, khuyến khích các địa phương khác cùng làm".

Trung bình (0 Bình chọn)