Hội thảo khoa học "Xây dựng và phát triển đô thị xanh trên địa bàn huyện Lạng Giang”

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng 31/7, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh Bắc Giang phối hợp với UBND huyện Lạng Giang tổ chức hội thảo khoa học "Xây dựng Lạng Giang trở thành đô thị xanh vào năm 2030". Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Ngô Chí Vinh và Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang Thân Hải Nam chủ trì hội thảo.

Dự hội thảo có đại diện Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; đại diện một số sở, ngành liên quan.

Toàn cảnh hội thảo.

Theo Báo cáo tại hội nghị, huyện Lạng Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thu hút đầu tư nâng cấp đô thị tại 2 thị trấn Vôi và Kép trở thành đô thị loại IV và thành lập các thị trấn mới Thái Đào, Tân Dĩnh, Tân Hưng đạt đô thị loại V. Đồng thời xây dựng Lạng Giang trở thành đô thị xanh, đô thị sinh thái.

Tuy nhiên hiện nay, huyện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức khi chưa xây dựng được Kế hoạch, Đề án tổng thể phát triển huyện Lạng Giang thành đô thị xanh, sinh thái, lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn. Đồng thời việc xây dựng đô thị đáp ứng các tiêu chí đô thị xanh, sinh thái đòi hỏi phải có một nguồn lực vốn đầu tư lớn, thời gian thực hiện trong một khoảng thời gian dài.

Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa của huyện chỉ đạt 13,29% với dân cư phần lớn tập trung ở nông thôn. Hạ tầng đô thị chưa đồng bộ; khoảng 40% diện tích đô thị chưa có cống thoát nước mưa và nước thải; những điểm dân cư phân tán không có hệ thống thoát nước; chưa có công viên cây xanh; chưa quan tâm đúng mức việc phát triển các khu, cụm công nghiệp đáp ứng tiêu chí công nghiệp xanh, sinh thái, gắn với tăng trưởng xanh và bảo đảm môi trường...

Do đó, hội thảo nhằm trao đổi về định hướng phát triển đô thị của Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế về đô thị xanh; chia sẻ những kinh nghiệm trong xây dựng quy hoạch đô thị và phát triển đô thị xanh, sinh thái; giải pháp phát triển công nghiệp xanh cho huyện Lạng Giang, gắn tăng trưởng xanh với phát triển đô thị xanh.

TS.KTS Lương Tiến Dũng - Phó Trưởng khoa Quy hoạch đô thị nông thôn, Trưởng bộ môn Quy hoạch vùng, Đại học Kiến trúc Hà Nội phát biểu tham luận tại hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích những thuận lợi, khó khăn, mục tiêu và định hướng phát triển xanh huyện Lạng Giang.

Với mục tiêu "Xây dựng huyện Lạng Giang trở thành đô thị xanh, phát triển bền vững, cực tăng trưởng kinh tế quan trọng, cửa ngõ phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang", các đại biểu cho rằng huyện Lạng Giang cần phân tích kỹ các nguồn lực hiện có của huyện, ưu tiên phân bổ nguồn lực phù hợp cho các mục tiêu phát triển trong từng giai đoạn. Đồng thời thí điểm thực hiện các mô hình xanh, từ đó có đánh giá toàn diện hiệu quả trước khi nhân rộng mô hình.

Các đại biểu đưa ra nhiều mô hình xây dựng đô thị xanh tiêu biểu cả trong và ngoài nước mang hiệu quả cao như ở Hà Nội, Bắc Ninh, các nước Singapore, Nhật Bản, Pháp… trong đó chú trọng về quy hoạch, giữ hệ sinh thái tự nhiên, không dùng hóa chất; giữ tỷ lệ m2 cây xanh/người lớn; xây dựng mô hình kinh tế, khu công nghiệp xanh… các mô hình này có nhiều yếu tố có thể áp dụng vào thực tiễn tại địa phương.

TS. Lê Thị Thu Hiền - Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) khuyến nghị ngay từ khâu quy hoạch đã phải lồng ghép với việc sử dụng tài nguyên hiệu quả, nâng cao hệ số sử dụng đất, tạo không gian mở cho đô thị. Quy hoạch không gian đô thị cũng cần phải bảo đảm tính chất dự báo, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của hệ sinh thái trong đô thị. Tạo thêm nhiều không gian cây xanh, mặt nước; bảo đảm các khu vực chức năng của đô thị thỏa mãn tiêu chí về chất lượng môi trường. Huyện Lạng Giang cần phát huy lợi thế sẵn có của điều kiện tự nhiên.

Theo TS.KTS. Lương Tiến Dũng - Phó Trưởng khoa Quy hoạch đô thị nông thôn (Đại học Kiến trúc Hà Nội), các giải pháp tổ chức không gian đô thị Lạng Giang cần gắn với hệ thống không gian xanh và kết cấu hạ tầng xanh. Trong đó, huyện cần hình thành bộ khung không gian xanh với vành đai xanh sông Thương, các khu vực rừng, núi thuộc xã Hương Sơn; tạo dựng nên không gian xanh nông nghiệp, lâm nghiệm kết nối từ vành đai xanh sông Thương đến khu vực phát triển đô thị thành một thể không gian xanh liên hoàn liên tục.

Khu vực phát triển đô thị chính dọc theo hướng Bắc Nam theo trục QL1A, cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn. Khu vực ngoại thị chủ yếu tập trung tại khu vực phía Tây của huyện gắn với phát triển nông, lâm nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch. Đối với hệ thống không gian xanh và kết cấu hạ tầng xanh, đô thị Lạng Giang cần kết hợp chặt chẽ hệ thống không gian xanh tự nhiên với không gian xanh bán tự nhiên bao gồm các khu vực đồng ruộng, rừng sản xuất, ao hồ nuôi trồng thủy sản.

Th.s Nguyễn Cường - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đề xuất một số giải pháp phát triển công nghiệp xanh trên địa bàn huyện Lạng Giang như lựa chọn thu hút đầu tư các dự án có chất lượng cao, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao; xây dựng khu, cụm công nghiệp theo mô hình xanh. Định hướng và khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất sạch. Đây là một trong các giải pháp cốt lõi và quan trọng của quá trình phát triển công nghiệp xanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải thiết kế, tạo ra các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường.

Để trở thành đô thị xanh, các đại biểu lưu ý huyện Lạng Giang cần xây dựng, quản lý giữ gìn và phát huy giá trị các không gian xanh tự nhiên, không gian xanh bán tự nhiên; quản lý chặt chẽ và nâng cao chất lượng phục vụ các loại không gian xanh nhân tạo; xác định các chỉ tiêu cơ bản như: Mật độ sử dụng các thửa đất, lô đất, tỷ lệ độ che phủ xanh để kiểm soát sự phát triển không gian xanh hạn chế do các tổ chức, cá nhân tự quản.

Đối với công tác lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Lạng Giang cần xác định rõ về quan điểm, mục tiêu hướng tới đô thị xanh. Định hướng phát triển không gian gắn với hệ thống đô thị, nông thôn, các khu chức năng, kết cấu hạ tầng phải đảm bảo dự báo phù hợp giữa tính chất, quy mô và đảm bảo các tiêu chí về tăng trưởng xanh, bền vững.

Đối với khu vực nông thôn, huyện cần xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững gắn sản xuất nông nghiệp với du lịch bền vững, đồng thời xây dựng thương hiệu chung cho huyện Lạng Giang; bảo vệ phát huy truyền thống văn hóa Lạng Giang và các giá trị lịch sử văn hóa.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang Thân Hải Nam phát biểu kết luận hội thảo.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang Thân Hải Nam đánh giá cao các ý kiến tham luận, đóng góp của đại biểu tham dự hội thảo. Đồng chí đánh giá hội thảo đã khai mở cho huyện Lạng Giang những lý thuyết đầu tiên trong quá trình nghiên cứu, xây dựng đô thị xanh tại Lạng Giang và có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành nhận thức và tư duy của cán bộ địa phương trong công tác xây dựng và phát triển đô thị xanh trên địa bàn huyện Lạng Giang.

Trong thời gian tới, huyện Lạng Giang dự kiến tổ chức các hội thảo chuyên đề, chuyên sâu hơn để làm rõ từng vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai, từ đó tạo cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu đề ra về đô thị xanh./.

Trần Khiêm

 

 

Trung bình (0 Bình chọn)