Hội thảo khoa học "Xây dựng nông thôn sinh thái trên địa bàn huyện Lạng Giang"

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng 17/8, UBND huyện Lạng Giang phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật (KHKT) tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội thảo khoa học "Xây dựng nông thôn sinh thái trên địa bàn huyện Lạng Giang". Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh Ngô Chí Vinh và Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang Thân Hải Nam chủ trì hội thảo.

Dự hội thảo có đại diện Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam; Viện Phát triển Kinh tế hợp tác - Liên minh HTX Việt Nam; đại diện một số sở, ngành liên quan.

 Toàn cảnh hội thảo.

Năm 2019, Lạng Giang trở thành huyện thứ 2 của tỉnh Bắc Giang đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và tiếp tục hướng đến xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu và đặt mục tiêu trở thành huyện NTM nâng cao vào năm 2024.

Quy hoạch vùng huyện Lạng Giang đến năm 2040 xác định chiến lược phát triển vùng lấy cảnh quan sinh thái, tự nhiên, văn hóa truyền thống, đa dạng làm giá trị cốt lõi trong toàn bộ không gian phát triển. Đảm bảo phát triển bền vững và gia tăng tính khả thi trong việc triển khai quy hoạch nhằm xây dựng các khu vực đô thị và nông thôn trên toàn huyện Lạng Giang phát triển ổn định, bền vững, đồng thời gìn giữ những giá trị văn hóa - lịch sử truyền thống.

Tuy nhiên hiện nay, huyện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi xây dựng nông thôn sinh thái là nội dung rất mới, chưa có mô hình, tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Một số vấn đề liên quan đến xây dựng nông thôn hiện đại, bảo vệ môi trường, sản xuất nông nghiệp sinh thái còn gặp nhiều thách thức cần giải quyết như: Việc xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay tại các xã chủ yếu xử lý bằng phương pháp đốt và chôn lấp.

Bên cạnh đó, các xã đều chưa có nghĩa trang tập trung mà phân bố rải rác theo các thôn, chưa có quy hoạch và bảo đảm cách ly theo quy định. Hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật khu vực nông thôn các xã trong huyện còn thiếu, chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn và thân thiện với môi trường còn hạn chế. Việc tập trung phát triển kinh tế đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường và khan hiếm nguồn nước, đe dọa tới đa dạng sinh học trong toàn huyện nói chung cũng như khu vực nông thôn nói riêng.

Hội thảo tổ chức nhằm trao đổi về định hướng phát triển nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, NTM nâng cao, kiểu mẫu theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa và bảo vệ môi trường; đánh giá các mô hình sản xuất nông nghiệp tại nông thôn; làm rõ những cơ hội và thách thức về phát triển nông nghiệp sinh thái, bảo vệ môi trường nông thôn và những vấn đề đặt ra đối với huyện Lạng Giang.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích những thuận lợi, khó khăn, mục tiêu và định hướng trong công tác xây dựng nông thôn sinh thái trên địa bàn huyện Lạng Giang. Các đại biểu thống nhất nông nghiệp sinh thái là nông nghiệp sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Ths. KTS Lã Kim Ngân - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

 

Ths. Phạm Quốc Trị - Trưởng phòng Quản lý khoa học, Viện Phát triển Kinh tế hợp tác - Liên minh HTX Việt Nam đánh giá huyện Lạng Giang có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nông nghiệp sinh thái. Về quy hoạch, huyện đã xác định rõ vùng sản xuất lúa cố định, vùng sản xuất rau tập trung, vùng trồng cây ăn quả tập trung, khu vực chăn nuôi tập trung và khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung, là tiền đề để dần hình thành các vùng sản xuất hữu cơ, vùng sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất xanh hướng đến mục tiêu nông nghiệp sinh thái. Giai đoạn đến năm 2025, huyện sẽ xây dựng 15 xã NTM nâng cao và 95 thôn đạt NTM kiểu mẫu, do đó việc phát triển nông nghiệp sinh thái là một chỉ tiêu hết sức quan trọng.

Ths. Phạm Quốc Trị khuyến nghị huyện Lạng Giang ưu tiên phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ hoặc sử dụng phân bón hữu cơ, thân thiện với môi trường - sản xuất thuận thiên. Đồng thời phát triển các điểm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh kết hợp với những vùng sản xuất nông nghiệp sinh thái để phát triển du lịch trải nghiệm; quảng bá, giới thiệu và bán nông sản sinh thái của các địa phương trong huyện.

Th.s Đặng Văn Tặng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang cho rằng huyện Lạng Giang cần xác định định hướng chung về nông nghiệp sinh thái cần hướng đến là chuyển từ “nền nông nghiệp sản lượng cao” sang “nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững”; chú trọng tạo dựng và phát triển đa dạng, bền vững, sinh thái. Quản lý và bảo vệ đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa. Sử dụng tiết kiệm, canh tác đúng kỹ thuật, cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất, bảo vệ môi trường sinh thái.

Chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ. Tập trung nguồn lực phát triển hệ thống thủy lợi, đầu tư nâng cấp và xây mới các trạm bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, sớm xây dựng và phát triển các thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu.

Ths. KTS Lã Kim Ngân - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nhận thấy chủ trương thành lập thị xã Lạng Giang trên cơ sở mở rộng không gian đô thị sẽ là cơ hội lớn để quá trình đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ để phát triển đô thị cửa ngõ của tỉnh Bắc Giang. 

Theo Ths. Lã Kim Ngân, quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế không thể tách rời việc bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị cảnh quan tự nhiên; sử dụng hiệu quả kinh tế đất không tách rời thái độ ứng xử có văn hóa và có trách nhiệm với tài nguyên môi trường sống và môi trường tự nhiên. Đồng thời đề xuất một số mô hình phát triển quần cư gắn với quá trình đô thị hóa.

Dựa trên quy hoạch xây dựng vùng huyện Lạng Giang, các xã ngoại thị của thị xã Lạng Giang tương lai gồm 10 xã. TS.KTS. Lương Tiến Dũng - Phó Trưởng khoa Quy hoạch đô thị nông thôn (Đại học Kiến trúc Hà Nội) đề xuất phân làm 3 cụm xã. Trong đó, cụm xã phía Bắc gồm 2 xã Hương Sơn, Quang Thịnh thuộc khu vực địa hình núi với sông Thương, ngòi hồ Hố Cao cùng với hệ thống núi đồi tạo nên những giá trị cảnh quan cùng 11 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; định hướng phát triển du lịch, nông, lâm, ngư nghiệp; phát triển không gian gắn với đường ĐT 299B là trục du lịch, kinh tế - xã hội của 2 xã.

Cụm xã phía Tây Bắc gồm 4 xã Nghĩa Hòa, Nghĩa Hưng, Đào Mỹ, An Hà thuộc khu vực đồng bằng ven sông Thương, có 21 di tích trong đó có 4 di tích cấp quốc gia và 17 di tích cấp tỉnh; định hướng phát triển về công nghiệp, dịch vụ thương mại, nông, lâm, ngư nghiệp, làng nghề, du lịch; phát triển không gian gắn với đường ĐT 292, ĐT398B với KCN An Hà, KCN-ĐT Nghĩa Hưng, CCN Nghĩa Hòa thành trục công nghiệp, dịch vụ, thương mại.

Cụm xã phía Tây gồm 4 xã Tiên Lục, Mỹ Hà, Dương Đức, Tân Thanh. Đây là khu vực có sông Thương, ao hồ, đồi và đồng ruộng đan xen, có 18 di tích trong đó có 7 di tích cấp quốc gia và 11 di tích cấp tỉnh; định hướng phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, làng nghề, du lịch; Trung tâm cụm xã/cụm đổi mới tại xã Tiên Lục gắn với trục đường tỉnh ĐT295, ĐT398B.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang Thân Hải Nam phát biểu kết luận hội thảo.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang Thân Hải Nam đánh giá cao các ý kiến tham luận, đóng góp của đại biểu tham dự hội thảo. Các ý kiến, khuyến nghị của đại biểu đã gợi mở cho các cấp lãnh đạo huyện nhiều góc nhìn mới, đổi mới tư duy, hình thành nền tảng lý luận trước khi hiện thực hóa các mục tiêu quy hoạch vùng bằng việc xây dựng, triển khai các mô hình nông nghiệp, nông thôn sinh thái, từng bước đưa Lạng Giang thành vùng sinh thái như kế hoạch đề ra./.

Trần Khiêm

Trung bình (0 Bình chọn)