Việt Nam đạt nhiều tiến bộ về tự do tôn giáo

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trao đổi với báo giới chiều 29/8, Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, ông Michael Marine cho biết Chính phủ Hoa Kỳ đánh giá cao những tiến bộ của VN về tự do tôn giáo và đang xem xét vấn đề rất tích cực để đưa VN ra khỏi danh sách những nước cần quan tâm đặc biệt v

"Chuyến viếng thăm của Đại sứ lưu động về tự do tôn giáo John Hanford vừa qua rất thành công. Ông Hanford đã gặp gỡ nhiều quan chức cao cấp của chính phủ Việt Nam cũng như các lãnh đạo tôn giáo.

Trong các cuộc gặp này, ông đại sứ đánh giá tự do tôn giáo ở Việt Nam đã có rất nhiều tiến bộ, những người theo đạo ở Việt Nam đã có quyền tự do lớn hơn.

Hiện nay, Mỹ vẫn chưa có quyết định gì về việc đưa Việt Nam ra khỏi danh sách CPC. Tuy nhiên, vấn đề này hiện đang được chính phủ xem xét rất tích cực", ông Marine cho biết.

- Vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ đã phải từ bỏ chuyến thăm Việt Nam. Vậy từ nay cho tới khi Tổng thống Mỹ Bush sang thăm Việt Nam, bà Rice có dự định tới Việt Nam hay không?

- Tôi không nắm được lịch làm việc của bà Rice, nhưng tôi biết từ nay cho tới khi Tổng thống Bush tới Việt Nam thì không có kế hoạch gì về việc bà Rice đến thăm Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, khi Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam thì bà Rice cũng có mặt trong đoàn.

- Đại sứ có thể cho biết lịch trình dự kiến của Tổng thống Mỹ Bush khi tới thăm Việt Nam?

- Chúng tôi đang chuẩn bị nhiều khả năng cho lịch trình dự kiến. Có rất nhiều lĩnh vực lãnh đạo hai nước quan tâm trong các cuộc đối thoại như: Hợp tác y tế, đặc biệt trong phòng chống HIV và cúm gia cầm; Tìm kiếm người Mỹ mất tích; Kế hoạch hội nhập toàn cầu...

"Quy chế PNTR sẽ được thông qua"

- Xin ông cho biết triển vọng thông qua Quy chế Thương mại Bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam của Quốc hội Mỹ?

- Hiện nay, việc thông qua PNTR vẫn chưa được quyết định. Nhưng Quốc hội Mỹ sẽ tái nhóm họp rất sớm vào tuần sau sau kỳ nghỉ hè để bàn về vấn đề này. Tôi được biết, một số quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ đã tiếp cận với những nhân vật chủ chốt ở trong Quốc hội để thúc giục việc sớm thông qua PNTR. Hy vọng mọi việc sẽ hoàn tất vào tháng 9. Tuy nhiên, nếu PNTR không thông qua vào thời gian này, chúng ta vẫn còn một cơ hội nữa trước khi cuộc họp cấp cao APEC diễn ra.

Về góc độ nhìn nhận cá nhân, tôi thấy sự ủng hộ cho việc bỏ phiếu thông qua PNTR là rất mạnh mẽ. Mặc dù một số thành viên quốc hội Mỹ vẫn đặt ra những câu hỏi về vấn đề dệt may hay một số vấn đề khác. Cá nhân tôi tin tưởng Quy chế PNTR sẽ được thông qua.

- Theo ông, nếu PNTR chưa được thông qua, việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

- Trước hết chúng ta cần lưu ý là việc Việt Nam gia nhập WTO vẫn chưa hoàn tất vì còn nhiều việc đang phải giải quyết tại Genevo ở cấp độ đa phương. Đại sứ quán Mỹ cũng như Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ đang làm việc rất chặt chẽ với các đối tác Việt Nam về vấn đề này. Hiện nay, mục tiêu đặt ra là hoàn tất quá trình gia nhập WTO về mặt đa phương trước cuộc họp hội đồng chung của WTO trong thời gian 10-12/10.

Ngay cả khi đạt được thỏa thuận về quá trình này, vẫn còn những bước mang tính kỹ thuật như Thỏa thuận gia nhập WTO phải được Quốc hội Việt Nam thông qua, trình thỏa thuận này trước hội đồng của WTO.

Điều quan trọng là nếu PNTR được thông qua thì cả Mỹ và Việt Nam đều được hưởng những yếu tố có lợi của việc Việt Nam gia nhập WTO về mặt song phương. Khi Quốc hội Mỹ đã thông qua PNTR thì Tổng thống Mỹ còn cần phê chuẩn luật PNTR.

Trên thực tế, đã có một số nước gia nhập WTO, và một thời gian sau quy chế PNTR mới được Mỹ thông qua. Trong gia đoạn PNTR chưa thông qua, thì Mỹ và nước đó vẫn có quan hệ thương mại với nhau nhưng không dựa trên cơ sở quan hệ theo những quy định của WTO.

Theo đánh giá của tôi, như vậy, hậu quả đối với giới kinh doanh của cả hai nước là rất rõ ràng. Ví dụ như các nhà xuất khẩu của Mỹ sẽ không được hưởng lợi từ việc giảm thuế theo quy định của WTO, và quota đối với hàng dệt may Việt Nam với Mỹ sẽ vẫn được áp dụng mặc dù Việt Nam đã gia nhập WTO. Và đó là lý do tại sao mà chính quyền Mỹ đang rất ủng hộ và tích cực thúc đẩy để quá trình thông qua PNTR kết thúc sớm.

WTO không phải liều thuốc thần

- Có ý kiến cho rằng, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, sẽ có một làn sóng đầu tư từ  Mỹ vào Việt Nam. Bình luận của Đại sứ?

- Tôi được biết rằng, có từ 6 đến 13 công ty lớn ở Mỹ tính đến khả năng đầu tư hoặc gia tăng vốn đầu tư vào Việt Nam sau khi Việt Nam gia nhập WTO.

Nhưng chúng ta cũng cần hiểu, trở thành thành viên WTO không phải là liều thuốc thần, không làm gia tăng dòng vốn đầu tư một cách đột ngột. Điều quan trọng để gia tăng nguồn vốn đầu tư chính là những nguồn đã thành công và sinh lời.

Một nhà đầu tư Mỹ nếu đã thành công ở Việt Nam sẽ là động lực thực tế nhất khiến các nhà đầu tư khác quan tâm hứng thú. Các nhà đầu tư luôn mong muốn bốn yếu tố: Môi trường ổn định, nền pháp quyền tốt, minh bạch và tôn trọng hợp đồng. Và có một thực tế là Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất gay gắt để trở thành đích đến của giới đầu tư nước ngoài.

- Thời gian vừa qua, Đại sứ đã đi thăm một số tỉnh của Việt Nam, xin ông đánh giá về kết quả chuyến đi này?

- Đây là hoạt động rất có ích cho cá nhân tôi cũng như các đoàn ngoại giao Mỹ ở Việt Nam vì nó làm cho chúng tôi tăng sự hiểu biết về tình hình, điều kiện phát triển ở Việt Nam.

Khi tôi mới tới Việt Nam, Chủ tịch Trần Đức Lương đã khuyên tôi ''hãy bước ra khỏi công sở''. Tôi nghĩ rằng, đây là lời khuyên đáng giá nhất với tôi.

- Ông đã có gần hai năm làm Đại sứ ở Việt Nam, xin ông cho biết trong thời gian đó, ông có ấn tượng với lĩnh vực nào nhất trong mối quan hệ Việt - Mỹ?

- Có quá nhiều điều diễn ra trong quan hệ giữa hai nước. Tôi thấy rằng, mối quan tâm của các nhà đầu tư Mỹ với Việt Nam đã tăng lên rất nhiều so với thời điểm tôi mới đến Việt Nam. Cuộc đối thoại giữa hai nước về vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo trở nên sâu sắc hơn, có kết quả tốt hơn.

Cách đây hai năm, Mỹ không có chương trình giúp Việt Nam chống lại dịch cúm gia cầm, nhưng trong vòng 15 tháng qua, Mỹ đã giúp Việt Nam 10 triệu USD cho việc phòng chống cúm gia cầm.

Hai nước cũng bắt đầu tăng cường các chuyến viếng thăm cấp cao. Từ năm 2001-2005 hầu như không có chuyến thăm nào ở cấp nội các (cấp Bộ trưởng trở lên), nhưng từ mùa thu 2005 cho tới nay đã có bốn chuyến viếng thăm cấp nội các và trong tuần tới sẽ còn một đoàn nữa.

Tất nhiên cũng còn một số vấn đề hóc búa đòi hỏi hai nước phải giải quyết. Ví dụ như chất độc da cam. Hai nước đã có cuộc đối thoại về vấn đề này, và có những công việc chúng ta làm với nhau rất có tính xây dựng.

Cá nhân tôi nhận thấy sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước đang gia tăng mạnh mẽ. Đây là một nền tảng tốt đẹp cho những tiến bộ ở mọi lĩnh vực.

Trung bình (0 Bình chọn)