Từ năm 2003 đến nay, toàn tỉnh đã huy động gần 378 tỷ đồng để xoá phòng học tạm, học nhờ.

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 4/12, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kiên cố hoá trường, lớp học giai đoạn 2003-2005 và đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Tham dự hội nghị có đồng chí Bùi Văn Hạnh – Phó Chủ tịch U

Thực hiện Quyết định số 09/2003/QĐ-UB ngày 24/2/2003 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch kiên cố hoá trường, lớp học tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2003-2005, trong thời gian qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và các ngành đã khẩn trương triển khai kế hoạch, tăng cường công tác tuyên truyền, tạo nên một phong trào xã hội hoá rộng khắp ở các địa phương. Công tác huy động vốn đạt kết quả khá. Trong đó, việc lồng ghép các chương trình dự án như: chương trình 135, dự án giảm nghèo WB, dự án Plan và một số dự án khác với chương trình kiên cố hoá trường lớp học được triển khai có hiệu quả. Đến nay, sau hơn 3 năm, toàn tỉnh đã huy động được gần 378 tỷ đồng phục vụ chương trình xoá phòng học nhờ, học tạm, (trong đó, vốn huy động từ ngân sách trung ương gần 26 tỷ đồng; từ ngân sách tỉnh và huyện gần 100 tỷ đồng; từ ngân sách xã trên 132 tỷ đồng; nguồn vốn do nhân dân, doanh nghiệp đóng góp trên 11 tỷ đồng, nguồn vốn từ chương trình 135 và các dự án đầu tư nước ngoài gần 107 tỷ đồng). Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh đã có 3.614 phòng học được hoàn thành đưa vào sử dụng. Trong đó, số phòng để xoá phòng học nhờ là 710 phòng; xoá phòng học tạm là 1004 phòng và số phòng để đạt tỷ lệ lớp/phòng là 1501 phòng. Đặc biệt, quá trình thực hiện kiên cố hoá trường lớp học đã được gắn liền với phong trào phát động phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đến tháng 9/2006, toàn tỉnh đã có 185 trường đạt chuẩn quốc gia, góp phần làm chuyển biến rõ nét chất lượng giáo dục trên địa bàn.

Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến thảo luận đều khẳng định vai trò quan trọng của chủ trương kiên cố hoá trường lớp học đối với chương trình phát triển GD – ĐT của tỉnh. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình thực hiện như do nguồn vốn đầu tư và vốn hỗ trợ từ ngân sách còn khó khăn, vốn đóng góp của nhân dân còn hạn chế nên nhiều công trình đã hoàn thành bàn giao nhưng chậm được thanh toán; công tác tổ chức giám sát thi công ở một số công trình chưa chặt chẽ, dẫn đến chất lượng công trình chưa cao...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Hạnh đã ghi nhận những cố gắng của các ngành, các địa phương trong việc thực hiện chương trình kiên cố hoá trường lớp học thời gian qua. Đồng chí nhấn mạnh để  tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch xây xong 685 phòng học đang thi công và khởi công xây thêm 444 phòng mới để xoá phòng học tạm, học nhờ trong năm học 2006-2007, cần tiếp tục củng cố và phát huy vai trò của ban chỉ đạo các cấp; có biện pháp đề xuất kịp thời để tháo gỡ khó khăn. Các cấp, các ngành cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để tạo nên phong trào toàn dân tham gia thực hiện chương trình kiên cố hoá trường, lớp học; tập trung cao giải quyết nợ tồn đọng cũ. Việc đầu tư công trình phải sát với tình hình thực tế và phù hợp với thực lực nguồn vốn huy động. Phải đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá  trình thực hiện đầu tư xây dựng.

Cũng tại hội nghị, 11 tập thể và 08 cá nhân tiêu biểu trong công tác thực hiện Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học giai đoạn 2003-2005 đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh./.

Trung bình (0 Bình chọn)