Tổng hợp tin tức về Bắc Giang trên báo chí ngày 13/6/2024

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

I. QUA BÁO TRUNG ƯƠNG/NGOÀI TỈNH

> https://haiquanonline.com.vn: Hải Phòng, Bắc Giang vào nhóm xuất khẩu chục tỷ đô

 Hết tháng 5, cả nước có 6 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên, trong đó có 2 tên mới là Hải Phòng và Bắc Giang.  Hết tháng 5, xuất khẩu của Hải Phòng đạt 12,15 tỷ USD, đứng thứ 5 trong tổng số 63 tỉnh, thành của cả nước. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng tăng 29,25% (tương đương kim ngạch tăng thêm 2,75 tỷ USD).

Trong khi đó, xuất khẩu Bắc Giang đạt 10,58 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước. So với cùng kỳ 2023, xuất khẩu của địa phương này tăng 19,14% (tương đương kim ngạch tăng thêm 1,7 tỷ USD).

4 địa phương xuất khẩu chục tỷ đô còn lại gồm: TPHCM, Bắc Ninh, Bình Dương và Thái Nguyên với kết quả lần lượt là: 17,53 tỷ USD; 14,37 tỷ USD; 13,41 tỷ USD; 13,15 tỷ USD.

Cả 4 địa phương kể trên đều có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

> https://daibieunhandan.vn: Bắc Giang phát huy hiệu quả nghị quyết của HĐND. Bài 4: Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhà ở cho công nhân

Hình thành các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực tập trung, quy mô lớn theo quy hoạch, lợi thế của từng địa phương, từng bước xây dựng nhiều mô hình gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhà ở cho công nhân, góp phần tháo gỡ, giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho công nhân lao động... Đây là những hiệu quả thiết thực từ các quyết sách kịp thời của HĐND tỉnh Bắc Giang đối với thị xã Việt Yên và huyện Yên Thế.

> https://nhandan.vn Bắc Giang tiêu thụ khoảng 70% sản lượng vải thiều sớm

Theo Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, đến thời điểm này, toàn tỉnh tiêu thụ khoảng 35 trong tổng số 50 nghìn tấn vải sớm (tương đương khoảng 70% sản lượng ước đạt).

Tại các huyện Lục Nam, Lạng Giang, Sơn Động, bà con bắt đầu thu hoạch vải chính vụ, việc tiêu thụ diễn ra thuận lợi... Tại xã Phúc Hòa (Tân Yên) - vùng trọng điểm vải sớm của tỉnh, bà con cơ bản thu hoạch xong vải thiều.

Với diện tích khoảng 700 ha, sản lượng vải sớm ước đạt hơn 10 nghìn tấn, giá bán bình quân 30 nghìn đồng/kg, doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ từ vải của toàn xã đạt hơn 300 tỷ đồng, cao hơn 100 tỷ đồng so với năm ngoái.

> https://thanhnien.vn: Trung Quốc mua nhiều, giá vải thiều Bắc Giang gấp 3 lần năm ngoái

Vải thiều ở Bắc Giang đang được thu mua để xuất khẩu đi Trung Quốc với giá từ 75.000 - 80.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần so với năm 2023.

Ghi nhận của Thanh Niên cho thấy, những ngày vừa qua, giá vải xuất khẩu sang Trung Quốc tại Bắc Giang tăng từng ngày. So với đầu tháng 6, giá mỗi kg tăng hơn 10.000 đồng.

Trong ngày 12.6, giá vải đang được thu mua từ 75.000 - 80.000 đồng/kg, cao gấp 2 - 3 lần so với cùng thời điểm năm 2023. Đối với loại vải thiều chính vụ, cùng ngày, tại xã Giáp Sơn (H.Lục Ngạn), nhiều nhà vườn đang bán với giá 80.000 - 85.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá cao chưa từng có đối với vải thiều đầu vụ tại huyện Lục Ngạn.

Chị Đỗ Thanh Tình, chủ vườn vải tại xã Hồng Giang (H.Lục Ngạn), cho biết vải xuất khẩu đi Trung Quốc là giống vải lai Thanh Hà quả to, vỏ chín đỏ, đẹp đang được các thương lái mua nhiều nhất.  Vải chín sớm đang ít dần. Các thương lái đi khắp nơi để đặt cọc, gom hàng. Những ngày gần đây, nông dân không cần chở vải đi bán nữa. Dự báo giá vải thiều chính vụ còn tiếp tục tăng".

> thanhtra.com.vn: Bắc Giang báo cáo giải quyết vụ việc theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ

UBND tỉnh Bắc Giang đã có báo cáo gửi Thanh tra Chính phủ về kết quả giải quyết vụ việc của ông Nguyễn Văn Huy và các công dân xã Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang. Theo nội dung báo cáo, ông Nguyễn Văn Huy và 21 công dân trú tại thôn Nợm, xã Dĩnh Kế nay là tổ dân phố Phú Mỹ 2, phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang khiếu nại, tố cáo liên quan đến bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Nam xã Dĩnh Kế…

Như vậy, các cán bộ, công chức có sai phạm trong quá trình thực hiện dự án đã được các cơ quan có liên quan xem xét trách nhiệm, xử lý theo quy định và kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm về những thiếu sót, tồn tại. Việc tổ chức thực hiện ý kiến chỉ đạo, kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã được UBND tỉnh Bắc Giang thực hiện nghiêm túc. Đến nay, công dân không còn ý kiến gì với các nội dung đã được các cấp trả lời, và chấm dứt khiếu kiện.

> https://consosukien.vn: Bắc Giang quyết tâm thực hiện thành công Điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2024

Cùng với các địa phương trên cả nước, Bắc Giang đang tích cực chuẩn bị cho Điều tra Điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2024. Theo đó, Cục Thống kê tỉnh Bắc Giang vừa có Kế hoạch về triển khai Điều tra về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Với đặc thù là tỉnh miền núi với dân số người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 14,26% dân số toàn tỉnh. Người dân tộc thiểu số sinh sống ở khắp tỉnh Bắc Giang, tập trung đông thành cộng đồng tại một số huyện như: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang. Toàn tỉnh có 45 thành phần DTTS, trong đó có 06 thành phần DTTS bản địa có dân số đông, sinh sống thành cộng đồng, gồm: Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay (bao gồm Cao Lan và Sán Chí), Dao chiếm tới 97,78%; còn lại 39 thành phần DTTS khác chiếm 2,22% dân số người DTTS.

Theo Kế hoạch, Điều tra được thực hiện ở 09/10 đơn vị hành chính (trừ huyện Hiệp Hòa) của tỉnh Bắc Giang, với tổng số 283 địa bàn điều tra. Thời điểm điều tra bắt đầu từ 0 giờ ngày 1/7/2024 - thời điểm cả nước cùng ra quân thực hiện cuộc Điều tra. Đối tượng điều tra trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là các hộ dân cư người dân tộc thiểu số (DTTS); Nhân khẩu thực tế thường trú tại các hộ DTTS tính đến thời điểm điều tra (bao gồm cả những người thuộc lực lượng vũ trang hiện đang ăn, ngủ tại hộ), không bao gồm những người đang sống trong khu vực quản lý riêng của quân đội và công an; Tình hình kinh tế, an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục của xã thuộc khu vực III, II và I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ…

Trước đó, căn cứ chương trình công tác năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang cũng đã xây dựng Kế hoạch công tác nắm tình hình địa bàn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang năm 2024. Đồng thời, để chuẩn bị tốt cho cuộc Điều tra 53 DTTS, trong Chương trình công tác tháng 6/2024, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang xác định, công tác xây dựng và tổ chức tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp thực hiện thành công cuộc Điều tra.

> https://dangcongsan.vn: Hành trình về nguồn ý nghĩa tại Bắc Giang

Vừa qua Cụm thi đua số 2 - Khối các đơn vị trực thuộc Bộ Công an gồm: Bộ Tư lệnh Cảnh vệ; Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Cục Kỹ thuật nghiệp vụ và Cục Ngoại tuyến do Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Ngoại tuyến làm Trưởng đoàn đã về nguồn tại Khu lưu niệm Sáu điều Bác dạy CAND, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang và Khu tưởng niệm Liệt sĩ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Cao Kỳ Vân, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Đây là hoạt động ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 76 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc; hướng tới kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND, 19 năm Ngày hội Vì an ninh Tổ quốc; 79 năm Ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Tại Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND tại thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, Đoàn công tác Cụm thi đua số 2 - Khối các đơn vị trực thuộc Bộ Công an khắc sâu lời căn dặn của Người, nguyện hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, “Chỉ biết còn Đảng là còn mình”…

> https://daibieunhandan.vn: Bắc Giang phát huy hiệu quả nghị quyết của HĐND. Bài 3: Khảo sát kỹ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp

Những quyết sách kịp thời, thiết thực của HĐND tỉnh Bắc Giang về nông nghiệp, nông thôn đã tạo động lực quan trọng để sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước phát triển nhanh, toàn diện, trở thành điểm sáng, nổi bật, đứng trong tốp đầu cả nước. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, ngay từ bước đầu xây dựng nghị quyết, cần tổ chức khảo sát thật kỹ nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã; bố trí đủ, kịp thời nguồn lực hàng năm; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân chủ trì triển khai thực hiện…

> https://thoibaotaichinhvietnam.vn: Bắc Giang siết chặt quản lý thuế hoạt động kinh doanh vàng

 Để tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vàng bạc, đá quý, Cục Thuế Bắc Giang đã yêu cầu các phòng, các chi cục thuế khu vực rà soát toàn bộ các doanh nghiệp, các hộ, cá nhân kinh doanh, gia công vàng bạc, đá quý trên địa bàn quản lý, đặc biệt là hoạt động kinh doanh mua bán vàng nguyên liệu và vàng miếng. Trên cơ sở đó, thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro trong thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế…

Cục Thuế Bắc Giang chỉ đạo trường hợp qua công tác thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng bạc, đá quý có vi phạm pháp luật về thuế và có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để tiến hành điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật…

> https://kienthuc.net.vn: Loại quả xưa không ai ngó, giờ thành đặc sản có hương vị lạ

Tháng 6 đến tháng 8 âm lịch hàng năm là mùa thu hoạch trám. Các chị em ở thành phố tìm mua về kho cá, kho thịt hoặc om, muối chua… Nếu trước đây, trám là thứ quả quê ăn "cứu đói", thì những năm gần đây chúng trở thành đặc sản hấp dẫn được người dân thành phố mua về làm đủ món ngon. Vào khoảng tháng 6 đến tháng 8 hàng năm là mùa thu hoạch trám. Thời điểm này, ở các chợ dân sinh tại Hà Nội hay trên chợ mạng có nhiều địa chỉ bày bán với giá từ 70.000 đồng đến 150.000 đồng/kg.  Khoảng chục năm nay, khi quả trám được bán với giá cao, bà con ở nhiều khu vực đã mở rộng mô hình trồng, thu hoạch trám để tăng thêm thu nhập, thu về hàng chục triệu đồng/vụ nhờ bán quả trám.

Gia đình anh Bắc (ở Hiệp Hoà, Bắc Giang) sở hữu khoảng 20 cây trám đen trong nhà. Anh cho biết mỗi cây trám cổ thụ cho thu hoạch từ 1-2 tạ quả tươi/năm. Những cây từ 20-30 năm tuổi thì cho thu hoạch vài chục kg/cây.

Vườn trám đen của chị Thủy (cũng ở Hiệp Hoà, Bắc Giang) có 7 gốc trám cổ thụ và hơn 10 gốc trám từ 20-30 năm. Mỗi năm, vườn trám cho thu hoạch từ 1-2 tấn quả. Chị Thủy cho biết cây trám rất cao nên đến mùa chị phải thuê người hái quả bán, hoặc bán luôn cả cây cho thương lái, họ tự cho người đến hái quả, dọn dẹp dưới gốc sau khi hái xong.

Nghề hái trám cũng trở nên hot, mỗi ngày công có thể kiếm vài trăm nghìn đồng. Vì cây trám cao lại có tán rộng nên thợ hái trám phải treo lên cây, dùng sào rung cành cho trám rụng xuống. Phía dưới gốc trám phải được lót bạt để làm sao trám rụng xuống không bị giập mà vẫn còn nguyên phấn.

> https://giaoducthoidai.vn: Bắc Giang tuyên truyền phòng, chống ma túy trong học đường

Ngày 12/6, Tỉnh đoàn Bắc Giang tổ chức Tọa đàm và chương trình truyền thông phòng chống ma túy năm 2024 tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp. Tại tọa đàm "Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục và hạn chế nguy cơ vi phạm pháp luật trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội", khách mời đại diện cho Công an tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội và Tỉnh đoàn Bắc Giang đã thông tin, trao đổi và chia sẻ những nội dung nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục và hạn chế nguy cơ vi phạm pháp luật trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên.

Trong khuôn khổ chương trình, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bắc Giang tổ chức chương trình truyền thông phòng chống ma túy năm 2024, gồm 2 phần chính: Phần thi thứ nhất “Sáng tạo”: 3 đội vẽ tranh trên giấy A0 về các nội dung phòng chống ma túy; phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực học đường; phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội và thuyết trình giới thiệu về tác phẩm. Phần thi thứ hai “Tài năng”: Các đội thi biểu diễn tiểu phẩm về các vấn đề: Phòng chống ma túy; Phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực trong thanh thiếu niên; Phòng chống mại dâm. Kết thúc chương trình, Ban Tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 1 giải Nhì và 1 giải Ba cho các đội thi. Thông qua chương trình giúp cho đoàn viên, thanh thiếu niên nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

> https://kienthuc.net.vn: Bắt 2 đối tượng trộm chiêng đồng tại nhà văn hóa thôn

Ngày 12/6, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, khoảng 22h30 ngày 9/6, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông tại thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam, Tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Lục Nam phát hiện có 2 đối tượng là nam giới đi xe mô tô có biểu hiện nghi vấn. Tổ công tác nhanh chóng dừng xe hai đối tượng, kiểm tra phát hiện 1 chiếc Chiêng bằng đồng, khối lượng 3kg, đã cũ đường kính khoảng 40cm (nghi vấn tài sản trộm cắp được). Quá trình đấu tranh trực tiếp tại chỗ xác định 2 đối tượng gồm: Cà Văn K, sinh năm 1989 và Cà Văn A., sinh năm 1990 cùng trú tại xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đã thừa nhận hành vi trộm cắp tài sản chiếc Chiêng đồng tại Nhà văn hóa thôn Yên Thịnh, xã Yên Sơn, huyện Lục Nam vào buổi tối cùng ngày. Sau đó, Tổ công tác đã bàn giao 2 đối tượng cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Lục Nam để điều tra làm rõ vụ trộm Chiêng đồng tại nhà văn hóa thôn.

II. QUA THỜI SỰ TRONG TỈNH

1. Qua http://baobacgiang.com.vn

> Bắc Giang đón gần 1,8 triệu lượt khách du lịch

6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Bắc Giang thu hút gần 1,8 triệu lượt du khách, tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có gần 15 nghìn lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh du lịch ước đạt 995 tỷ đồng, tăng 44,2%. Có được kết quả này là do UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương phối hợp tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham dự như: Tuần Văn hóa - Du lịch và khai hội Xuân Tây Yên Tử, Lễ hội Kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế, Lễ hội Vật cầu nước làng Vân (thị xã Việt Yên)…

Hiện nhiều khu, điểm du lịch tâm linh, sinh thái cộng đồng được nâng cấp hạ tầng như: Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động), Khu du lịch sinh thái suối Mỡ, Điểm du lịch cộng đồng Vạn Hoa Hồ Va (Lục Nam), Điểm du lịch sinh thái hồ Bầu Tiên (Lục Ngạn), Điểm du lịch cộng đồng bản Ven (Yên Thế)… Từ nay đến cuối năm, ngành chức năng tỉnh phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh khai thác các tour, tuyến, thị trường du lịch theo 4 hướng: Hà Nội - TP Bắc Giang - Lục Nam - Lục Ngạn - Sơn Động - Quảng Ninh; Hà Nội - TP Bắc Giang - Việt Yên - Hiệp Hòa; Hà Nội - TP Bắc Giang - Tân Yên - Yên Thế; Hà Nội - TP Bắc Giang - Yên Dũng - Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương).

> Giá vải thiều tại Lục Ngạn cao nhất từ trước đến nay

Những ngày qua, giá thu mua vải thiều tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) liên tục tăng, đạt mốc cao nhất từ trước đến nay. Nhiều điểm cân trong huyện không có vải để mua. Chủ điểm cân vải Tùng Mơ, phố Kép, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) cho biết, sáng 11/6, giá vải Thanh Hà đạt mốc 85 nghìn đồng/kg, cao nhất từ trước tới nay.

Sáng nay (12/6), dù đã “hạ nhiệt” nhưng điểm cân này vẫn thu mua vải Thanh Hà với giá dao động từ 70-79 nghìn đồng/kg; giá vải chính vụ mua tại vườn dao động từ 65-70 nghìn đồng/kg. Giá 2 loại vải trên tăng gấp gần 3 lần so với cùng thời điểm vụ vải năm 2023. Theo các thương nhân thu mua vải thiều, giá vải tăng là do năm nay sản lượng của Lục Ngạn thấp, ước đạt khoảng 50 nghìn tấn, tương ứng khoảng 50% so với mùa vụ 2023. Trên địa bàn huyện hiện có 125 điểm cân vải cố định, nhưng sáng 12/6 đã có nhiều điểm thu mua tạm nghỉ vì giá vải quá cao, trong khi lại thiếu nguồn cung.

Theo Sở Công Thương, tính đến hết ngày 11/6, toàn tỉnh đã tiêu thụ được hơn 52,7 nghìn tấn vải (trong đó, các địa phương đã cơ bản thu hoạch xong vải chín sớm với tổng sản lượng đạt hơn 40,5 nghìn tấn). Để tăng giá trị quả vải, năm nay, các địa phương, nhất là các huyện Lục Ngạn, Tân Yên, Lục Nam, Sơn Động tập trung chỉ đạo, hỗ trợ sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm vải thiều có chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường trong nước, xuất khẩu.

Đến nay, công tác thu hoạch, tiêu thụ vải thiều đang diễn ra thuận lợi. Toàn tỉnh xuất khẩu đạt hơn 21,1 nghìn tấn vải, còn lại là tiêu thụ tại thị trường trong nước. Giá vải thiều dao động từ 55-85 nghìn đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay.

> Độc đáo vườn vải thiều trĩu quả, 30 năm không mất mùa

Năm nay, nhiều vườn vải thiều không ra quả thì hộ bà Diệp Thị Sênh, thôn Trại 1, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) vẫn có thu nhập cao. Đặc biệt, những cây vải được gia đình bà trồng từ năm 1992 song chưa bao giờ mất mùa.

Đến vườn vải thiều của gia đình bà Sênh, ai cũng thích thú khi thấy những chùm quả đỏ tươi, sai trĩu rất đẹp mắt. Có chùm gồm hàng chục quả lủng lẳng dưới tán cây. Mật độ cây thưa, thông thoáng, vườn sạch sẽ, thuận lợi cho khách tham quan và công đoạn thu hái. Bà Sênh chia sẻ: “Với vải thiều, bà không lo mất mùa mà chỉ quan tâm giá bán thế nào thôi. Hơn 30 năm qua, gia đình bà năm nào cũng được mùa vải”. Vườn quả được trồng từ năm 1992. Ban đầu là 1 ha vải, sau đó tỉa bỏ một nửa chuyển sang trồng cam ngọt. Đất Lục Ngạn vốn đã nổi tiếng với vải thiều nên dù chuyển đổi sang bất cứ cây nào đi nữa thì bà vẫn giữ lại một phần đất cho vải thiều, hiện còn hơn 100 gốc. Nhờ kinh nghiệm “nhìn cây, chăm sóc”, năm nay gia đình bà Sênh thắng lớn, dự kiến thu khoảng 8 tấn quả. Sản phẩm được thương nhân Trung Quốc bao tiêu với giá 70 nghìn đồng/kg tại vườn, mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.

> Khai thác hiệu quả mô hình nông nghiệp gắn với du lịch

Ngày càng nhiều hộ gia đình, hợp tác xã trong tỉnh Bắc Giang tận dụng lợi thế của sản xuất nông nghiệp để phát triển dịch vụ du lịch, trải nghiệm, từ đó góp phần tăng giá trị kinh tế. Để duy trì sức sống cho những mô hình này, các cấp, ngành, chính quyền địa phương đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp.

Nhiều nhà vườn hấp dẫn du khách. Mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch, trải nghiệm là hướng phát triển kinh tế hiệu quả, thông qua đó nông sản được mọi người biết đến nhiều hơn, tiêu thụ thuận lợi. Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều HTX, hộ gia đình đang áp dụng mô hình này như HTX Nông nghiệp Quyên Phong (Tân Yên); HTX Lục Ngạn xanh (Lục Ngạn); HTX Nông nghiệp công nghệ cao Trí Yên (Yên Dũng); HTX Dứa sạch Hương Sơn (Lạng Giang); đầm sen của gia đình bà Nguyễn Thị Dự, phường Tăng Tiến (thị xã Việt Yên)...

> Tạm dừng hoạt động 418 nhà trọ ở thị xã Việt Yên

Trong tháng 5 và đầu tháng 6/2024, Công an thị xã Việt Yên và UBND các phường, xã trên địa bàn tổ chức kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn PCCC và CNCH đối với hơn 3.000 nhà trọ. Qua kiểm tra cho thấy 418 nhà trọ bị tạm dừng hoạt động để khắc phục một số tồn tại như: Chưa có hệ thống báo cháy tự động; chưa có thiết kế, chưa bổ sung thang thoát nạn ngoài hè; chưa lập hồ sơ quản lý nhà trọ.

Cơ quan chuyên môn cũng kiến nghị chủ nhà trọ sớm tách biệt khu vực để xe và đường, lối thoát nạn bằng cửa ngăn cháy hoặc tường ngăn cháy. Chủ các nhà trọ bị tạm ngừng có trách nhiệm thông tin, trao đổi với công nhân đang thuê ở; thống nhất phương án hỗ trợ đối với những người có nhu cầu chuyển đi nơi khác trong thời gian sửa chữa, khắc phục theo quy định. Danh sách 418 nhà trọ tạm dừng hoạt động được gửi về UBND, công an các phường, xã và công khai để người dân nắm, theo dõi, giám sát.

Khi hết thời gian tạm dừng theo quy định, Công an thị xã tiếp tục tổ chức kiểm tra, đánh giá quá trình khắc phục tồn tại của các chủ nhà trọ, hộ kinh doanh, làm cơ sở để đồng ý cho hoạt động hay không.

2. Chương trình thời sự của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Giang ngày 12/6/2024 đưa tin

> Hiệp hoà: tiếp tục xảy ra sạt lở tại bãi soi sông cầu

 Hai năm trở lại đây người dân tại thôn Đồng Đạo xã Hợp Thịnh huyện Hiệp Hòa sống trong cảnh thấp thỏm lo sợ mất ruộng vườn đất canh tác do sạt lở bờ sông Cầu. Điều đáng lưu ý là khu vực này trước đây đã từng bị sạt lở nghiêm trọng do một công ty khai thác khoáng sản, khai thác vượt mức quy định và đã được yêu cầu xử lý, song đến nay tình trạng sạt lở tại khu vực này lại tiếp tục diễn ra khiến bà con nơi đây sống trong tâm trạng lo lắng.

Nhiều người dân thôn Đồng Đạo xã Hợp Thịnh huyện Hiệp Hòa phản ánh cách đây 2 năm từ vị trí bãi rác thải ra đến sát mép bờ sông còn khoảng hơn 3m, thế nhưng giờ đây 2/3 diện tích bãi rác đã nằm dưới lòng sông Cầu. 1 số người dân ở đây cho biết họ chăn nuôi ở khu này, thế mà để 1 công ty cát sỏi đến làm cái khu dãy của người dân là không cho làm dễ ảnh hưởng đến bờ bãi của dân. Về mùa mưa lũ không may giờ nó sạt, nó đã hoắm rồi mà nó sạt mà các cháu không may là tụt xuống dưới chết mất mạng, thì chỉ có người chết là thiệt thôi. Còn bây giờ thì các cháu bảo ai ở đây để mà bồi thường cho cái người mà đã mất.

Được biết đầu tháng 9/2023 UBND huyện Hiệp Hòa ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng khai thác khoáng sản Hưng Tín với số tiền 100 triệu đồng do khai thác khoáng sản ngoài phạm vi được cấp phép huyện cũng yêu cầu công ty chấm dứt ngay các hoạt động vi phạm. Đồng thời yêu cầu cải tạo phục hồi khu vực vi phạm về trạng thái ban đầu thời điểm phóng viên có mặt tại hiện trường khu vực. Khắc phục xuất hiện những điểm sạt lớn, những vết lún bờ sông đang tiếp tục xảy ra tình trạng sạt lở. Một người dân ở thôn Đồng Đạo xã Hợp Thịnh huyện Hiệp Hòa cho rằng bây giờ nếu như bị sạt lở thì dân không có ruộng nương không biết lấy gì để sinh sống.

Sau khi phát hiện tình trạng cạn sạch bãi soi xã Đồng Đạo, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Hiệp Hòa đã yêu cầu Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng khai thác khoáng sản Hưng Tín tiếp tục có biện pháp khắc phục triệt để.

Tình trạng này ông Lê Khắc Thuận, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hiệp Hòa cho biết, qua kiểm tra thì phát hiện thấy có mốc số hai hiện nay đã không còn và một số mốc thì có thả phao mà mốc số bảy hiện nay là chưa thấy thả phao thì phòng kết hợp đã yêu cầu Công ty Hưng Tín phải khắc phục ngay tất cả các mốc song trước ngày 10/6/2024 và báo cáo lại cho phòng Tài nguyên Môi trường, cũng như Ban Quản lý thôn và xã. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi kiểm tra đối với quá trình hoạt động cũng như quá trình cắm mốc lại.

Thân đê đã được khắc phục nhưng không triệt để hiện nay tình trạng này có nguy cơ lớn hơn, người dân có diện tích đất canh tác gần đê ngày ngày sống trong nỗi lo nếu tình trạng này không được xử lý kịp thời và dứt điểm sẽ tiềm ẩn những hậu quả khôn lường.

Trung bình (0 Bình chọn)