Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn dự hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chiều 24/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn đã dự và phát biểu tại hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.
Ảnh TTXVN

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, ngành công nghiệp bán dẫn có vai trò quan trọng trong chuyển đổi số; là nền tảng của 3 chuyển đổi mang tính cách mạng là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi thông minh.

Ngành công nghiệp bán dẫn đang phát triển tại một số quốc gia như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc). Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, do nhiều lý do khác nhau, ngành công nghiệp bán dẫn đang có xu hướng đa dạng hóa, chuyển dịch chuỗi liên kết, cung ứng, sản xuất, nghiên cứu sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Đây là cơ hội và cũng là thách thức với Việt Nam, khi đòi hỏi phải có hạ tầng, thể chế và nhân lực phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng cho biết, từ cuối năm 2023, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", với mục tiêu đào tạo 50-100 nghìn kỹ sư bán dẫn.

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu dự hội nghị tập trung thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu trên trong thời gian ngắn nhất. Trong đó, tính đến việc tận dụng nền tảng sẵn có của các cơ sở đào tạo; đội ngũ giảng viên; nhân lực công nghệ thông tin, điện tử... để đào tạo bổ sung về công nghệ bán dẫn. Cùng với đó, hình thành thêm một số khoa, viện, phòng nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực công nghệ bán dẫn; xác định rõ nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp để cùng nhau tạo đột phá thực hiện, đạt mục tiêu đề ra.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về những lợi thế, thách thức và đề xuất các giải pháp để đẩy mạnh đào tạo nguồn lực bán dẫn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn dự hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.
Ảnh TTXVN.

Phát biểu thảo luận tại hội nghị, đồng chí Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện nay, tại các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang có 3 doanh nghiệp có ngành nghề sản xuất trong lĩnh vực bán dẫn là Công ty TNHH Si Flex Việt Nam, Công ty TNHH Hana Micron Vina, Công ty TNHH Synergie Cad Việt Nam.

Tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay của tỉnh là 8.074 lao động, trong đó lao động người nước ngoài 175 chuyên gia, lao động có trình độ đại học 707 lao động, lao động có trình độ cao đẳng là 775 lao động, lao động có trình độ trung cấp là 74 lao động và 6.343 lao động phổ thông.

Để đáp ứng nhu cầu về nhân lực phục vụ sản xuất ngày càng mở rộng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và chủ động chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư mới trong ngành công nghiệp điện tử, bán dẫn, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Giang triển khai mô hình liên kết với Công ty Hana Micron Vina trong việc đào tạo kỹ sư thực hành ngành điện tử, bán dẫn. Đồng thời tổ chức 2 đoàn công tác đi Nhật Bản và Đài Loan để tìm hiểu, ký kết MOU với các trường Đại học của Nhật Bản, Đài Loan trong hợp tác đào tạo nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Đồng chí cho biết, tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt và triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số của tỉnh Bắc Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, hỗ trợ 100% học phí cho cán bộ, công chức, viên chức đi học thạc sỹ công nghệ thông tin và học cử nhân công nghệ thông tin đối với những người đã tốt nghiệp đại học ngành gần với công nghệ thông tin.

Vừa qua, tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội thảo “Thực trạng, giải pháp phát triển nguồn lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” với sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, các trường Đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp trong hệ sinh thái sản xuất bán dẫn của Hana Micron. Qua hội thảo đã khuyến nghị cho Bắc Giang nhiều giải pháp để tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong thời gian tới.

Để cụ thể hóa những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, tháng 6/2024, UBND tỉnh Bắc Giang sẽ ban hành Kế hoạch đào tạo nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn giai đoạn 2024-2030. Kế hoạch sẽ tập trung đào tạo nhân lực phục vụ công đoạn sản xuất kiểm thử, đóng gói.

Đồng chí nhấn mạnh ngành công nghiệp bán dẫn là ngành sản xuất mới tại tỉnh Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung nên nguồn lao động được đào tạo về chuyên ngành công nghiệp bán dẫn hạn chế, chủ yếu là lao động được đào tạo về các chuyên ngành học liên quan đến lĩnh vực bán dẫn. Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành bán dẫn mới chỉ đang thực hiện các công đoạn Lắp ráp và Kiểm thử, do vậy, để có thể tham gia vào các công đoạn cao hơn của phân khúc công đoạn ngành công nghiệp bán dẫn cần nâng cao trình độ và thu hút được các nhân lực chất lượng cao.

Đồng chí kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần có chính sách cử học sinh, sinh viên giỏi đi đào tạo về bán dẫn, AI tại các nước có trình độ cao về ngành công nghiệp bán dẫn, AI. Đồng thời đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách đặc thù, tạo điều kiện thu hút xây dựng Thành phố bán dẫn, AI để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư. Nghiên cứu ban hành Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp bán dẫn./.

BGP

Trung bình (0 Bình chọn)