Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 10 và hình ảnh Việt Nam trong con mắt người nước ngoài

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Bài báo đăng trên tạp chí "Thế giới" của Pháp cho biết với tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong 6 năm qua, Việt Nam đã trở thành nước có nền kinh tế năng động nhất trong khu vực.

Phát biểu cảm tưởng về Đại hội lần thứ 10 Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Chummaly Xaynhaxon nêu rõ: 20 năm đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là một chặng đường vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng của đảng, làm cho bộ mặt của đất nước Việt Nam thay đổi theo hướng tích cực và rất đáng tự hào.

         Tổng Bí thư Chummaly Xaynhaxon nói: Việt Nam từ một nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, đã trở thành một nước có nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa. Kinh tế phát triển với tốc độ cao và ổn định. Công cuộc xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ. Hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững; vai trò và vị thế của Việt Nam không ngừng được nêu cao trên trường quốc tế. Những thành tựu nêu trên một lần nữa khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổng Bí thư Chummaly Xaynhaxon tin tưởng rằng nếu như trong thế kỷ 20, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, thì trong thế kỷ 21, Việt Nam sẽ nổi bật trong phát triển xây dựng đất nước, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện.

 

       Tổng Bí thư Chummaly Xaynhaxon khẳng định nhân dân các bộ tộc Lào, Đảng và Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào nhiệt liệt hoan nghênh những thành tựu to lớn mà nhân dân Việt Nam anh em đã giành được, coi đó là sự động viên mạnh mẽ cho nhân dân các bộ tộc Lào trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước Lào.
Tổng Bí thư Chummaly Xaynhaxon chúc Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam tổ chức thành công Đại hội lần thứ 10 của Đảng; tập hợp sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu trong thời gian nhanh nhất đưa đất nước Việt Nam trở thành nước phát triển. Chúc tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

 

Chủ tịch Hội những người  Hàn Quốc yêu Việt Nam: Quá trình dân chủ hóa đang thực hiện chắc chắn

        Chủ tịch Hội những người Hàn Quốc yêu Việt Nam (Vesamo), Tiến sĩ Li Xang Min khẳng định sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam sẽ trở thành một hiện tượng ở châu Á. Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và ổn định chính trị, giữa phát triển kinh tế và hài hòa đời sống của hơn 83 triệu dân, thuộc nhiều dân tộc, vùng miền khác nhau.

         Sự thống nhất đất nước và sau đó là quá trình đổi mới, hòa nhập cộng đồng quốc tế của Việt Nam đang chứng minh một đất nước giàu sức sống, tự tin trước những vận hội và thách thức trong khu vực. Ông cho biết ngày càng nhiều người Hàn Quốc quan tâm đến Việt Nam, không chỉ vì quan hệ hợp tác đầu tư mà còn xuất phát từ tình cảm với đất nước và con người nơi đây. Sắp tới, nhân kỷ niệm 31 năm thống nhất đất nước, Hội Vesamo sẽ cử một đoàn đại biểu gồm 19 người sang Việt Nam tổ chức hoạt động giao lưu tại Hà Nội với sự tham dự của nhiều khách mời Việt Nam. Hội sẽ tổ chức hoạt động luân phiên tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhân dịp 30/4 hàng năm.

         

      Tiến sĩ Be Ang Xu, Chánh văn phòng Hội Vesamo, giảng viên Khoa Tiếng Việt trường Đại học Bu-xan, cho rằng ấn tượng nhất đối với Việt Nam là sự thay đổi nhanh chóng trong phong cách làm việc của đội ngũ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân. Tiến sĩ cho rằng Dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X sắp tới đề cập đến việc Đảng viên làm kinh tế tư nhân là một điểm mới trong nhãn quan của Đảng, thể hiện sự tin tưởng của Đảng đối với những người làm kinh tế tư nhân hợp pháp và đóng góp chính đáng của họ cho xã hội. Tìm hiểu quá trình chuẩn bị Đại hội Đảng qua các báo điện tử tiếng Việt, ông nói: "So với hơn 10 năm trước, khi lần đầu tiên đến Việt Nam, đất nước các bạn đã thay đổi rất nhiều. Nhiều nhà mới mọc lên theo kiến trúc và quy hoạch khá đẹp. Nhưng điều ấn tượng với tôi hơn cả là quá trình dân chủ hóa đang được thực hiện một cách chắc chắn. Người dân ngày càng được tiếp nhận nhiều thông tin, tham gia tích cực vào sự nghiệp xây dựng Đảng và Nhà nước. Báo chí Việt Nam đang khẳng định vai trò tích cực của mình. Tôi lạc quan vào tương lai của Việt Nam".

Tiến sĩ ngôn ngữ An Kiêng Hoan, người dịch Truyện Kiều và Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng Hàn, cho biết ông sẽ có mặt tại Hà Nội đúng vào dịp Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X. Ông nói: "Gắn bó với Việt Nam hơn 10 năm nay, tôi muốn được chia sẻ với người dân Việt Nam không khí đặc biệt nhân sự kiện chính trị hàng đầu của đất nước".

 

Báo "Thế giới" (Pháp): Nền kinh tế năng động nhất Đông Nam Á

       Bài báo đăng trên tạp chí "Thế giới" của Pháp cho biết với tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong 6 năm qua, Việt Nam đã trở thành nước có nền kinh tế năng động nhất trong khu vực.

       Kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới năm 1986, thiết lập nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển to lớn. Đặc biệt trong 6 năm trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ và là nước có nền kinh tế phát triển năng động nhất Đông Nam Á với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt hơn 8% . Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo rằng, Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh nhất Đông Nam Á trong năm 2006 và sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2007. Năm 2005, Việt Nam đạt mức tăng trưởng là 8,4% và có thể duy trì tốc độ tăng trưởng hơn 8% trong năm nay và năm tiếp theo. Trong năm 2005, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 30 tỷ USD, tăng cao so với các năm trước đó.

            Có được kết quả khả quan trên, theo bài báo, là nhờ chính phủ Việt Nam đã có các biện pháp cải cách kinh tế hữu hiệu nhằm giúp thu hút các nhà đầu tư quốc tế và góp phần làm gia tăng nguồn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian qua. Hiện nay, tại Việt Nam có gần 30 ngân hàng nước ngoài đang hoạt động, trong đó có các ngân hàng lớn như Standard Chartered, ANZ Bank và HSBC... Các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng đổ xô tới Việt Nam, nơi có các điều kiện thuận lợi về cải cách kinh tế, tài chính, quản lý nhà nước, luật kinh doanh và đầu tư cùng với nguồn lao động trẻ dồi dào. Thành phố Hồ Chí Minh được xem là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước và trong những năm qua, thành phố đã đạt được những thành tích đáng kể trong phát triển kinh tế, góp phần cải thiện đời sống người dân. Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã từng nói: "Mục tiêu của Việt Nam là chuyển đổi từ nền kinh tế có thu nhập thấp lên nền kinh tế có mức thu nhập trung bình khá". Mục tiêu đó đã thành hiện thực dù chưa thật đồng đều ở một số nơi.

          Trước những thuận lợi khả quan đó, Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn yêu cầu các cấp chính quyền, ban ngành lãnh đạo không được lơ là, chủ quan. Thủ tướng cảnh báo: "Trong năm tới, mức tăng trưởng có thể tăng chậm lại, đầu tư chưa hiệu quả trong khi chi phí sản xuất và vận chuyển lại tăng cao", do đó cần phải phát triển bền vững hơn.

           Dưới con mắt của các chuyên gia kinh tế phương Tây, sự trỗi dậy của nền kinh tế Việt Nam thật đáng tự hào. Tại Việt Nam, nhiều công trình thế kỷ đã mọc lên như nhà máy lọc dầu Dung Quất, khu chế xuất Biên Hòa hay nhà máy thủy điện Sơn La… Điều này phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm sự phụ thuộc vào các nước láng giềng.

        Tuy nhiên, để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các biện pháp kinh tế cần thiết và phù hợp trong bối cảnh đang bước vào giai đoạn cuối của việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Có thể nói rằng, quá trình tòan cầu hóa một phần nào đó đã giúp chính phủ Việt Nam có những quyết đoán mạnh mẽ hơn Trung Quốc trong các cuộc đàm phán gia nhập WTO.

Bên cạnh những mặt tích cực, thời gian qua tình trạng tham nhũng có xu hướng tăng ở Việt Nam. Tuy nhiên "những con sâu bỏ rầu nồi canh" ấy không thể khiến Ngân hàng thế giới (WB) rút 80 triệu USD tiền vốn đang đầu tư cho 1000 dự án tại Việt Nam. WB vẫn yêu cầu Việt Nam giữ vững danh hiệu là "học sinh giỏi" trong lớp học gồm các quốc gia đang nổi lên trong khu vực…

Đến Việt Nam vào những ngày đất nước đang tưng bừng các hoạt động chào mừng Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X diễn ra từ ngày 18 đến 25-4, chúng ta sẽ mới thấy một Việt Nam tươi đẹp hơn, năng động hơn./.
Trung bình (0 Bình chọn)