Di tích Đình Liên Bộ, xã Liên Chung

|
查看数次:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

https://anyflip.com/sdqay/erdb

Đình Liên Bộ

Đình Liên Bộ còn có tên là đình Mứa Bộ (gọi theo tên địa danh hành chính cũ) thuộc thôn Liên Bộ, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Đình Liên Bộ hiện nay nằm chếch về phía đông của thôn Liên Bộ, cách bờ đê sông Thương khoảng 300m. Để tới di tích, du khách có thể đi bằng đường bộ và đường thủy. Đình từ khi được khởi dựng cho tới nay vẫn tọa lạc tại vị trí hiện nay và đã qua tu sửa nhiều lần. Căn cứ vào bộ khung đình còn lưu giữ hiện nay cho biết, đây là sản phẩm của thời Nguyễn. Điều đặc biệt quý ở di tích là còn lưu giữ được hai tấm bia đá, một bia đá gan gà, một bia đá xanh, trong đó tấm bia đá xanh này đã mờ mòn chữ không còn đọc được. Nhưng căn cứ vào kiểu dáng bia được đặt trên lưng rùa bằng đá xanh như ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho thấy, có thể đình Liên Bộ được xây dựng từ thế kỷ XVIXVII. Mặt khác theo một số nguồn tài liệu cho biết, đình Liên Bộ là nơi thờ Tiến sĩ Nguyễn Vĩnh Trinh (thời nhà Mạc). Theo nội dung sách Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919) cho biết Nguyễn Vĩnh Trinh là người xã Liên Bộ, đỗ Tiến sĩ năm 35 tuổi. Như vậy, từ sự kiện này có thể nhận định, sau khi mất ông được nhân dân tôn thờ ở đình làng mình. Theo các cụ cao niên ở địa phương cho biết, khoảng thời gian những năm 1960, bộ khung tòa tiền tế được chuyển sang làm kho hợp tác xã ở giữa làng, cách đình ngày nay khoảng 500m. Năm 2005 toàn bộ khung đình ấy lại được chuyển về dựng lại tòa tiền tế đình như ngày nay và được sửa chữa lại. Đình Liên Bộ nay còn lưu giữ được một số hiện vật bằng gỗ thời Nguyễn như ngai thờ, bài vị, bát bỉu, bát hướng gốm Phù Lãng.

Đình Liên Bộ là nơi thờ Đức Thần Cao Sơn - Quý Minh đại vương; Lâm Giang đô thống; Tiến sĩ Nguyễn Vĩnh Trinh.

Sự tích về Đức Thánh Lâm Giang đô thống:

Theo một số nguồn tư liệu cho biết, Lâm Giang đô thống tên húy là Phạm Cự Lượng vốn làm quan dưới triều nhà Đinh, xướng xuất việc tôn Lê Hoàn lên làm vua thay thế nhà Đinh để lo việc đánh quân Tống xâm lược. Lê Hoàn lên ngôi vua cử Phạm Cự Lượng mang quân đi trấn ải vùng Đông Bắc và trao chức Lâm Giang đô thống (Thủ tướng vùng Lâm Giang). Sau khi đánh thắng giặc Tống, Phạm Cự Lượng được phong Thiếu úy và được thưởng thực ấp ở nhiều nơi. Làm một đại công thần của triều đình, Phạm Cự Lượng lấy làm kiêu hãnh, thường vắng mặt nhiều cuộc triều nghị, bỏ về thực ấp ăn nghỉ nên bị ghép vào tội ngạo mạn khinh thường phép nước, triều đình nghị án chém đầu. Vì chết oan, sau khi qua đời, ông thường hiển thánh giúp các vụ kiện oan trái. Các triều đại thưởng phong sắc là Lâm Giang đô thống, Lâm Giang thủ tướng Phạm Thái úy hoặc Hồng Thánh tá trị đại vương thờ ở trong các đình, nghè, trong đó có đình Liên Bộ, xã Liên Chung, huyện Tân Yên.

 

Đình Liên Bộ (năm 2023)

Tiến sĩ Nguyễn Vĩnh Trinh:

Theo sách Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919) do Ngô Đức Thọ chủ biên, Nxb Văn học, 1993, trang 414, cho biết: Nguyễn Vĩnh Trinh, người xã Liên Bộ, huyện Yên Thế. Nay thuộc huyện Yên Thế, tỉnh Hà Bắc. Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Mùi, niên hiệu Vĩnh Định thứ nhất (1547) đời Mạc Phúc Nguyên, đỗ năm 35 tuổi. Làm quan đến chức Thượng thư, về trí sĩ. Khi mất được tặng hàm Thiếu bảo, tước hầu.

Theo nguồn tư liệu do ông Vương Thành Giao, nguyên cán bộ Ty Văn hóa tỉnh Hà Bắc cũ có ghi chép về nội dung tấm bia đá xanh ở đình Liên Bộ như sau:

Nguyễn Vĩnh Trinh quê quán xã Liên Bộ, tổng Quế Nham, huyện Yên Thế, phủ Lạng Giang, xứ Kinh Bắc. Gia truyền lấy canh nông làm gốc, đầy đủ. Nguyễn Vĩnh Trinh được học nhiều năm thông minh tài trí, học lực hơn người. Lúc ấy triều Mạc mở khoa thi tuyển chọn kẻ sĩ, tức thì Nguyễn Vĩnh Trinh về kinh đô tham dự. Văn chương hoạt bát, đối đáp trôi chảy, thi đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1547) niên hiệu Vĩnh Định, đời vua Mạc Phúc Nguyên. Nhận được sắc chỉ vào triều, chấp kinh hành pháp, ngày đêm tận tình giúp nước phò dân, thái độ khoan hòa, nghiêm túc, được triều Mạc phong chức Thượng thư. Vốn là người anh minh chính trực, được trăm quan trong triều cảm phục. Sau này, về nghỉ hưu tại xã Liên Bộ, nhiệt tình giúp dân xây dựng đình, chùa, được nhân dân trên dưới hết lòng kính phục. Khi mất lại được triều Mạc tặng chức Thái bảo, tước hầu (…). Nguyễn Vĩnh Trinh có đức tính khiêm nhường, ngay thẳng, được nhân dân kính trọng tôn sùng, cùng dựng bia ghi công lao đức độ của ông thờ cúng mãi mãi.

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư tập 3, Nxb Khoa học xã hội, 1998, trang 125, ghi: Năm thứ 15 (1547), (Mạc Vĩnh Định năm thứ 1, Minh Gia Tĩnh năm thứ 26). Mùa xuân, họ Mạc mở khoa thi Hội, cho bọn Dương Phúc Tư, Phạm Du, Nguyễn Tế đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Nguyễn Kính Chỉ 8 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Vũ Hiệu 19 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân, sách Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919).

Như vậy qua tra cứu một số nguồn tư liệu cho thấy thời Mạc niên hiệu Vĩnh Định thứ nhất có mở khoa thi Hội, trong đó có sách các nhà khoa bảng Việt Nam nói rõ Nguyễn Vĩnh Trinh đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1547). Vậy nguồn tài liệu dịch nghĩa từ tấm bia đá xanh (nay đã mờ mòn chữ) còn lưu giữ ở đình Liên Bộ từ khi ông Vương Thành Giao còn là cán bộ của Ty Văn hóa tỉnh Hà Bắc là trùng với các tài liệu.

Điều đó khẳng định Nguyễn Vĩnh Trinh là người làng Liên Bộ, xã Liên Chung, huyện Tân Yên (trước là xã Liên Bộ, huyện Yên Thế). Nguyễn Vinh Trinh đã được nhân dân địa phương tôn thờ ở đình Liên Bộ.

Khảo tả di tích:

Đình Liên Bộ tọa lạc ở xa khu dân cư, bao quanh là những cánh đồng lúa. Nhìn bao quát bên ngoài nhận thấy đây là một công trình tín ngưỡng được bố cục hình “chữ Đinh” gồm tiền đình và hậu cung. Tòa tiền đình gồm 5 gian, tường xây bít đốc bằng gạch chỉ phủ vôi ve trắng, mái lợp ngói mũi. Đỉnh mái được đắp hình lưỡng long chầu nguyệt. Các bờ giải được phủ kín bằng một lượt gạch trát vôi ve chắc chắn không để nước mưa thấm lọt vào bên trong. Phía trước hai tường hồi được tạo bởi hai cột đồng trụ, trên đỉnh cột đắp hình đôi sấu chầu. Thân cột được ghi dòng chữ Hán. Cửa đình được làm theo kiểu cửa bức bàn gồm ba lối ra vào, một cửa chính ở giữa, hai cửa phụ hai bên. Nền lát gạch vuông kích cỡ 30cm x 30cm. Tòa tiền đình gồm 6 vì, mỗi vì có hai cột cái, hai cột quân, hai cột hiên. Kết cấu vì tòa tiền đình gồm có hai kiểu: Hai vì giữa và một vì ngoài cùng bên phải (nhìn từ trong ra) có kết cấu vì kiểu kẻ chàng, ba vì còn lại kiểu chồng rường. Tất cả các cột đều bằng gỗ lim chắc chắn. Tòa tiền đình có chiều dài là 13,8m, cao từ nền đến nóc là 4,3m. Khoảng cách giữa các gian là 2,5m 2,5m x 3m x 2,5m x 2,5m.

Về nghệ thuật các cấu kiện tòa tiền đình được chạm khắc các đề tài là hoa lá, vân mây cách điệu. Hai cốn mê ở hai vì nách gian giữa được chạm đề tài cây tùng trong bộ tứ quý. Còn lại các xà dọc, xà ngang, kẻ được soi gờ, kẻ chỉ đơn giản.

Vào hậu cung, đi qua một khoảng sân gạch rộng 2,3m. Trong khoảng sân này được đặt hai tấm bia đá. Hậu cung gồm hai gian, hai dĩ, với ba vì, mỗi vì gồm hai cột cái, hai cột quân… Tất cả các cột đều bằng gỗ lim. Kết cấu vì theo kiểu chồng rường. Nền lát gạch vuông khoảng 1/3 hậu cung ở phía ngoài, còn lại 2/3 nền phía trong được lát bằng gạch chỉ. Cửa làm bằng gỗ ván ghép. Tòa hậu cung có chiều dài là 6,2m, chiều rộng là 5,6m, cao từ nền đến nóc là 3,8m. Khoảng cách giữa các gian là 1,7m x 2,5m x 2m.

Về điêu khắc, các cấu kiện ở hậu cung được chạm khắc ở vì ngoài cùng bao gồm các con chồng chồng kít lên nhau tạo ra các mảng chạm khắc đề tài mặt hổ phù, rồng mây, hoa cúc. Bên trong cùng được đặt các ngai, bài vị thờ, bát hương… Các tài liệu, hiện vật có trong di tích:

- Hoành phi:

  1. “Thánh cung vạn tuế” (Cung chúc bậc Thánh muôn năm).
  2. “Dực bảo trung hưng” (Bậc thánh) có công giúp đỡ, bảo vệ nền trung hưng.

- Câu đối:

1) “Trạc quyết linh vu kim thụ tứ/Dương tại thượng chấn cổ hữu quang”

(Bậc thánh linh thiêng rực rỡ, đến nay được ân huệ của đất nước/ Bậc thánh lồng lộng ở trên cao, lừng lẫy tỏa sáng khắp xưa nay)

2) “Vạn cổ anh hùng lưu tích sử /Liên Bộ kế thế bảo tồn thư” (Bậc anh hùng muôn thủa còn lưu truyền trong lịch sử Liên Bộ trải qua các đời được giữ gìn trong sử sách).

3) “Vạn thủy lai triều danh thắng địa/ Giang sơn tú khí khởi lâu dài”

(Nơi muôn dòng nước chảy về là chỗ có thắng cảnh đẹp/ Núi sông chung đúc nhiều khí đẹp nổi lên những lâu đài).

  • 1 bia đá xanh có kích thước chiều cao là 100cm, rộng bia là 62cm,dày 12cm, rùa cao 50cm, dài 82cm, rộng 64 cm. Bia này đã bị mòn hết chữ. Mặc dù bia đã bị mờ mòn chữ song căn cứ vào kiểu dáng, đặc điểm bia xác định đây là tấm bia đá xanh có kiểu dáng giống bia Tiến sĩ được lưu giữ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Hà Nội. Mặt khác căn cứ vào nội dung một số tài liệu ghi công trạng của Tiến sĩ Nguyễn Vĩnh Trinh xưa kia được khắc ghi vào bia đá. Vì vậy, từ đó xác định đây là tấm bia có niên đại khoảng thế kỷ XVI-XVII.

Một bia đá gan gà thời Nguyễn có niên hiệu Gia Long thứ 5 (1806). Đề bia ghi Hậu thần bi ký. Bia có chiều cao 85cm, rộng 46cm, trán bia cao 19cm, diềm bia là 16cm, dày bia là 13cm, đề bia là 5cm.

Mặt trước: Hậu thần bi ký. (Bia ghi việc hậu thần) (bia có một số đoạn, chữ mờ không đọc được “...”)

“Lạng Giang phủ, Yên Thế huyện, Liên Bộ xã đồng xã thượng hạ đẳng vi lập bản xã nhân Vũ Thị hiệu Từ Xuân vi Hậu thần phụng sự bi ký”.

Thường văn: Hữu chí mĩ chi đức tất mông chí mĩ chi hiển danh. Hữu phi thường chi huệ tất hưởng phi thường chi hậu báo, cổ kim nhất lý, thiên địa thường kinh. Tư duy bản xã nhân, phu nhân Vũ Thị Khả nhân từ dĩ huệ thiết… thí chu cấp chi nhân, phân tài vi… nhân đại tiểu thiêm quân bình chi ý dụng. Tâm như thử cổ kim tương xuyên hữu dã. Nãi ư Đinh Sửu niên, lục nguyệt huệ đình bản xã cổ tiền nhị bách quan, túc tử nhất viên ky, điền nhất thửa tại… xứ. Nhất thửa tại Cửa Đình xứ, nhất thửa tại Quan Ông xứ, hựu nhất thửa tại Quan Ông xứ, nhị thửa tương liên tại Chân Đả xứ,… nhất thửa tại Đồng Ấu xứ cộng nhị mẫu. Đức hồ hậu hỹ!

Thử bản xã thượng hạ cự tiểu đẳng kê truyền bảo vi hậu thần dĩ vi thù ân báo đức giả vân nhĩ. Thị vân: Đầu ngã di mộc đào báo chi dĩ quỳnh cửu. Đầu ngã dĩ mộc lý báo chi dĩ quỳnh dao. Kỳ thử chi vị dư. Tự lập thạch bi dĩ thọ kỳ truyền. Sở hữu điều lệ, các tiết tường kê vu tả”.

(Mọi người trên dưới lớn nhỏ trong xã Liên Bộ, huyện Yên Thế, phủ Lạng Giang cùng suy tôn người của bản xã tên Vũ Thị hiệu Từ Xuân là Hậu thần, có được bia ghi việc phụng thờ.

Thường nghe nói rằng: Người có đạo đức tốt đẹp thì danh tiếng sẽ được vẻ vang. Người có lòng nhân huệ phi thường thì sẽ được dự báo đền hậu hĩnh, đó là lẽ thường của trời đất xuyên suốt từ xưa đến nay. Nay bản xã có vị phu nhân tên Nguyễn Thị Khả có lòng nhân từ đem ân huệ giúp đỡ, chu cấp cho người, đã đem tiền của phân đều cho khắp mọi người đều như nhau. Người có lòng như thế từ xưa nay phải lưu truyền lại. Thế là vào ngày tháng 6 năm Đinh Sửu bà đã giúp đỡ vào đình số tiền 200 quan, thóc 100 lia, ruộng 1 thửa tại xứ đồng… 1 thửa tại xứ đồng Cửa Đình, 1 thửa tại xứ đồng Quan Ông, lại 1 thửa tại xứ đồng Quan Ông, 2 thửa liền nhau tại xứ đồng Chân Đả,… 1 thửa tại xứ Đồng Ấu cộng lại là 2 mẫu. Đức của người đó thật lớn lao thay!

Như thế nên mọi người trên dưới xóm nhỏ trong bản xã cùng nhất trí tôn bà làm hậu thần để báo đáp cái đức lớn của bà. Trong Kinh Thi có nói rằng: Giúp đỡ cho người thứ này thì người phải báo đền thứ khác cho thật tương xứng. Điều ấy là lẽ thường. Nay dựng bia đá để lưu truyền việc làm tốt đẹp trên cho đời sau được rõ. Các điều lệ, tiết lệ có kê khai rõ ràng ở bên tả này).

Mặt sau:

“Nhất điều hệ đệ niên xuân thu nhị kỳ cấp các tiết đương thử sinh thời trí kính nhất cỗ hoặc ngưu lao. Nhất tiết chí bách tuế hậu tòng dữ tế văn phối hưởng. Húy kỵ nhật trí cúng tại đường bi chư nhất chích giá cổ tiền nhất quan,… nhất cỗ, tửu nhất vò, phù lưu nhất hộp, kim ngân nhất tập giá cổ tiền bát bách. Đồng xã thượng hạ hành lễ như nghi.

Đệ niên xuân thủ tiết lệ trí cúng đường bi nhất cỗ, nhu mễ bán viên ky, kê nhất chích giá cổ tiền tam bách…

Gia long ngũ niên, quý đông nguyệt, cốc nhật.

Nguyễn Hữu Chí ký, Trần Quốc Tín ký, Nguyễn Hữu Dụng ký, Nguyễn Đình Xuân ký…”

(Hàng năm vào tiết xuân thu nhị kỳ và các ngày tiết lệ khác nếu như hậu còn sống thì phải kính biếu 1 cỗ hoặc có trâu hoặc có bò.

Tiết lệ khí hậu mất đi cứ theo văn tế thờ phối hưởng.

Ngày giỗ hậu cúng tại nhà bia có lợn 1 con giá tiền cổ 1 quan, xôi 1 cỗ, rượu 1 vò, trầu cau 1 hộp, vàng tiền 1 tập giá tiền cổ 800. Toàn xã trên dưới cùng tiến hành làm lễ theo như nghi thức.

Hàng năm lệ đầu xuân có cúng tại nhà bia 1 cỗ, gạo nếp nửa nia, gà1 con giá tiền cổ 300…

Ngày tốt tháng 12 năm Gia Long thứ 5 (1806).

Nguyễn Hữu Chí Ký, Trần Quốc Tín Ký, Nguyễn Hữu Dụng ký, Nguyễn Đình Xuân ký…)

- 1 hương án cổ thời Nguyễn (thế kỷ XIX) cao 172xm, dài 155cm,rộng 80cm. Mặt trước hương án chạm đề tài mặt hổ phù, long, ly, quy, phượng, hạc. Hương án được sơn son thếp vàng đẹp nay bị bong tróc sơn ngả màu mận chín.

- 4 đèn nến gỗ thời Nguyễn cao 60cm.

- 3 ống hương thời Nguyễn có kích thước và đặc điểm giống nhaucao 40cm, đường kính miệng rộng 20cm, đế rộng 13cm. Ống hương có màu nâu sậm để trơn không trang trí. - 5 đài thờ thời Nguyễn cao 18cm.

- 1 mâm bồng thời Nguyễn cao 27cm, đường kính miệng 37cm,đường kính đế rộng 19cm.

- 3 ngai thờ thời Nguyễn (thế kỷ XIX), trong đó có hai ngai ở giữavà bên phải có kích thước như nhau cao 110cm, đế cuối cùng rộng 65cm, đế trên rộng là 57cm, tay ngai rộng 55cm. 1 ngai bên trái nhỏ hơn hai ngai trên, có chiều cao ngai là 100cm, đế cuối cùng rộng 60cm, đế trên rộng 53cm, tay ngai rộng 50cm. Đặc điểm ba ngai thờ này đều giống nhau. Trên cùng là một tay ngai, hai đầu tay ngai chạm hình hai đầu rồng trong tư thế nhìn thẳng ra phía trước. Miệng rồng ngậm ngọc. Thân ngai bao gồm các trụ phía dưới đỡ cổ tay ngai. Trên thân những trụ này được tiện nhiều hình tròn, trang trí hình rồng leo. Lưng ngai là mảnh gỗ hơi cong ra phía sau, mặt ván lưng được bổ ô cân đối, được trang trí đề tài như rồng, mặt hổ phù. Phần dưới đế được chia thành nhiều cấp nhô ra thụt vào được trang trí đề tài lưỡng long chầu nguyệt, mặt hổ phù. Bốn chân dạng chân quỳ.

- 3 bài vị thời Nguyễn, bài vị ở giữa được ghi chữ Hán. 2 bài vị ởhai bên có kích thước như nhau cao là 100cm, đế rộng 37cm, thân rộng 28cm. Bài vị ở giữa cao 86cm, đế cuối rộng 33cm, thân rộng 25cm.

Đặc điểm cả ba bài vị đều giống nhau. Ba bài vị được đặt trên ba ngai. Trên cùng là một ván gỗ hình tròn xung quanh viền ngoài là những hình răng cưa giống như những đao mác bay ra từ hình tròn, bên trong hình tròn là hình đôi rồng chầu. Phần thân của bài vị xung quanh bên ngoài là những đường vây bám sát vào hai bên thân bài vị và được trang trí hình rồng. Chính giữa bài vị là nơi ghi chữ Hán thờ vị thần được thờ ở đình, song ở đây chỉ có ngai giữa là có chữ Hán là Cao Sơn thượng đẳng thần còn hai bài vị hai bên để trơn. Phần đế được làm thành nhiều cấp độ giống như đế ngai, có trang trí hình mặt hổ phù.

- Bộ bát bửu có 10 chiếc: 2 biển rước, 1 đao, 1 cuốn thư, 1 tù và, 1 quạt vả, 1 lẵng hoa, 1 bầu rượu…

Bát bửu tức là những đồ quý mang tính chất tượng trưng và ước vọng, được sử dụng trong lễ rước. Các đồ bát bửu đều được chạm thủng với các đề tại linh thiêng. Bao quanh là hình vân xoắn và hoa cúc. Chính giữa là các đồ bát bửu kể trên. Để tiện cho việc rước xách ở đầu cổ các đồ bát bửu được cắm vào một thanh gậy cầm vừa tay và được trang trí hình đầu rồng ngậm lấy gốc của đồ bát bửu. Tất cả các đồ bát bửu này đều được làm bằng gỗ lim, sơn son thếp vàng đẹp, nay bị bong tróc sơn ngả sang màu nâu đậm.

- 1 bát hương gốm Phù Lãng cao 30cm, đường kính miệng rộng30cm, đế rộng 18cm. Đặc điểm: Toàn thân bát hương trang trí đề tài, long, ly, quy, phượng, mặt hổ phù, “chữ Thọ”. Miệng bát hương đắp hình lưỡng long chầu nguyệt. Hai tai bát hương được đắp hình rồng cách điệu. Phần đế được trổ thủng ba lỗ nhỏ. Toàn thân bát hương được tráng men màu da lươn. Bát hương gốm nay đã bị sứt một phần miệng.

- 3 bát hương sứ (đầu thế kỷ XX) cao 18cm, miệng rộng 25cm, đếrộng 25cm. Thân bát hương được trang trí hình lưỡng long chầu nguyệt. Giá trị của di tích:

Đình Liên Bộ cũng như một số di tích khác trong địa bàn tỉnh Bắc Giang chưa đựng trong mình những giá trị về văn hóa nói chung, trong đó có giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Đây là hai giá trị văn hóa có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau không thể tách rời bổ trợ cho nhau góp phần làm tăng giá trị đặc trưng riêng có của di tích.

Về giá trị văn hóa vật thể: Đình Liên Bộ là một di tích được xây dựng từ lâu ở khu đất rộng, thoáng mát và đã được tu sửa nhiều lần. Nay công trình tín ngưỡng này có quy mô kiến trúc hình “chữ Đinh” gồm tòa tiền đình và hậu cung. Về điêu khắc đình Liên Bộ được chạm khắc các đề tài hoa lá cách điệu, đề tài cây tùng trong bộ tứ quý, vân mây…

Hiện nay, trong di tích đình Liên Bộ còn lưu giữ được một số hiện vật từ thế kỷ XVI - XVII, XIX như hai tấm bia đá, trong đó có một bia đá gan gà có niên hiệu Gia Long thứ 5 (1806) ngai thờ, bài vị, bát bửu, bát hương gốm Phù Lãng… Những hiện vật này giúp chúng ta tìm hiểu về các phong tục tập quán, tín ngưỡng của địa phương từ xưa tới nay. Mặt khác, các hiện vật này còn giúp chúng ta phần nào hiểu về nền mỹ thuật Việt Nam các giai đoạn từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, những hiện vật này cần được bảo vệ cẩn thận, chu đáo trong di tích.

- Giá trị văn hóa phi vật thể: Đình Liên Bộ ngoài vị trí về văn hóavật thể, nó còn mang trong mình những giá trị về văn hóa phi vật thể. Đây là nơi hàng năm nhân dân vẫn tổ chức lễ hội với sự tham gia đông đảo của bà con và du khách thập phương. Đình Liên Bộ từ xa xưa tới nay vẫn có hai ngày lệ chính: ngày 8 tháng Giêng, ngày 13 tháng 8 âm lịch. Trong những ngày lệ này có tổ chức rước Thánh đi vòng quanh làng rồi về đình làm tế lễ. Trong ngày hội, ngoài phần lễ còn tổ chức các trò chơi dân gian độc đáo, thu hút người xem đông vui như trò đấu vật, chơi đu, đập niêu, bóng đá…

Với những giá trị về vật thể và phi vật thể kể trên, đình Liên Bộ có đầy đủ những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học nên đình Liên Bộ được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 2169/QĐ-UBND ngày 29/12/2010.                

 

 

Ngai thờ thời Nguyễn (thế kỷ XIX)

 

 

Nguyễn Văn Tính - (Trích Cuốn Di sản văn hoá xã Liên Chung (Tr91đến Tr102) Nhà xuất bản văn hoá Dân tộc)

 

 

 

 

 

User Online: 11,840
Total visited in day: 45
Total visited in Week: 166
Total visited in month: 867
Total visited in year: 9,924
Total visited: 19,490