Di tích chùa Cống Phường ( chùa Không Bụt) xã Liên Chung

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

https://anyflip.com/sdqay/ixuo

Chùa Cống Phường

Chùa Cống Phường (tên gọi khác: Chùa không Bụt) được tọa lạc trên một khu đất gò, thoáng đãng, ở phía đông của thôn Hậu xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Gần bờ hữu sông Thương và giáp đường liên xã, nên đường đến di tích thuận lợi cho các phương tiện giao thông đường bộ và đường thủy.

Chùa Cống Phường được lập lên để đáp ứng nhu cầu thờ Phật của phật tử ba thôn: Hậu, Sấu và Bến thuộc xã Liên Chung.

Căn cứ vào cây hương đá được tạo tác vào năm 1713 (năm Vĩnh Thịnh thứ 9 - thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII) hiện còn lưu lại trong chùa; căn cứ các tư liệu, tài liệu, hiện vật còn lưu giữ tại chùa có thể đoán định ngôi chùa Cống Phường được xây dựng vào trước năm 1713.

Sang thời Nguyễn (khoảng thế kỷ XIX), nhân dân địa phương tiến hành trùng tu chùa và làm lễ hóa Phật, chỉ để lại phần bệ thờ bằng đất để thờ vọng. Từ đó dân gian đặt thêm cho chùa một tên mới là chùa Không Bụt.

 

Chùa Cống Phường nhìn từ ngoài (năm 1997).

Năm 1939, dưới sự chỉ đạo của lý trưởng Nguyễn Khắc Đại (Lý Lùn), nhân dân địa phương đã thuê ông Kim Văn Thỏ, thợ nề, người cùng thôn đảm nhiệm việc đảo mái và xây gạch bao quanh các phần bệ, bục thờ bao quanh các bệ thờ cổ bằng đất.

Năm 1947, nhân dân địa phương cho tu sửa phần tiền đường của chùa làm trường học của xã, sau khi chùa bị máy bay của thực dân Pháp bắn phá và đốt nhà tổ trong những năm (1949-1950). Đến những năm đầu của thập niên 60 (thế kỷ XX), hưởng ứng lời kêu gọi của các ông Nguyễn Thế Đinh - Chủ nhiệm Hợp tác xã thôn Hậu và ông Nguyễn Khắc Cự (Hương Cống thôn), nhân dân ba thôn Hậu, Sấu, Bến đã cùng nhau góp công góp của để tu bổ chùa.

Năm 1996, nhân dân tiến hành đảo mái và đóng toàn bộ hệ thống chấn song bằng gỗ bạch đàn tại tòa tiền đường.

Ngày 23 tháng 3 (âm lịch) năm 2000, nhân dân tiến hành tu sửa lại phần mái chùa và thay một số hoành, rui, cột gỗ bị hư hại, mối mọt… Năm 2004, nhân dân tu sửa lại phần tường bao của chùa.

Năm 2005, lát toàn bộ sân bằng gạch vuông, đỏ kích thước 20cm x 20cm.

Năm 2006, nhân dân địa phương tiến hành trùng tu ngôi chùa, thay rui, sửa chữa tường bao, đảo mái.

Những sự kiện lịch sử diễn ra tại chùa Cống Phường;

Căn cứ vào cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Liên Chung xuất bản năm 2003 và nguồn thông tin cung cấp từ địa phương được biết trong cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên Thế, chùa Cống Phường là vọng gác tiền tiêu của nghĩa quân. Sau ngày 20/12/1946, Trung ương Đảng  và Chính phủ trở lại Tân Trào, cơ quan Đảng, chính quyền Khu 12 về sơ tán tại xã Hòa Bình, Ủy ban Kháng chiến Hành chính đã vận động nhân dân trong xã nhường nhà cho cơ quan Khu 12 làm việc. Từ ngày 20/12/1946 đến ngày 13/11/1947, các đồng chí Lê Quảng Ba, đồng chí Mộc Đức và đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã ở làng Hậu. Trong thời gian hoạt động tại địa phương các đồng chí Khu 12 thường xuyên qua lại và  hội họp tại đình Vường, chùa Cống Phường, thuộc thôn Hậu xã Liên Chung.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp từ năm 1947 - 1953, dân quân, du kích Liên Chung đã lấy chùa Cống Phường là nơi hoạt động, hội họp, bàn kế hoạch chống lại các trận càn quét của thực dân Pháp.

Năm 1947, máy bay Pháp bắn phá chùa làm bị thương nữ sinh Lương Thị Đồng của lớp học bình dân học vụ đang học ở đó.

Trong hai năm 1949 - 1950, chùa Cống Phường được dùng làm  lớp học trường cấp I của xã. Cuối năm 1950, thực dân Pháp càn vào chùa bắt du kích, đốt phá toàn bộ khu nhà tổ (5 gian) ở phía sau chùa.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (từ năm 1964 đến năm 1968), đồi chùa Cống Phường được xã Liên Chung dùng làm trận địa phòng không, chống máy bay Mỹ phá hoại.

Từ năm 1965 đến năm 1973, Tổng kho Fafilm của Trung ương về sơ tán và hoạt động tại thôn Hậu và thường sử dụng không gian chùa Cống Phường để làm việc. Từ năm 1965 đến năm 1975, Trường Trung cấp Sư phạm Hà Bắc về sơ tán, dùng chùa làm lớp học.

Năm 1976, chính quyền địa phương đã cho san ủi hệ thống cây cổ thụ quanh chùa như hai cây đại và khu đồi thông phía sau làm trường tiểu học của xã.

Bài trí di tích

Chùa Cống Phường được nhân dân xây dựng để thờ Phật. Từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII), ngôi chùa có đặt hệ thống tượng Phật thờ trong thượng điện, tại dải ống muống và ở tiền đường. Sang thời Nguyễn (khoảng thế kỷ XIX), nhân dân địa phương đã hóa toàn bộ tượng Phật đất chỉ để lại các bục để thờ vọng (những tượng bằng Phật bằng gỗ nhân dân thả trôi theo dòng sông Thương tại bến Cống Chuông cách di tích chùa Cống Phường 800m về phía đông; số tượng đất được hạ thổ tại hố Nẻo Bụt, trước đây là khu rừng Nẻo Bụt, hiện nay là khu dân cư Rừng Thừa, thuộc thôn Hậu, xã Liên Chung). Hệ thống bục, bệ được bài trí theo sơ đồ sau:

 

13 ô hình thoi là 13 bệ thờ vọng Phật. Trên các bệ thờ đó nhân dân có đặt nhiều đồ thờ tự: lọ hoa, cây nến, bát hương, mâm bồng….

Chùa Cống Phường là một ngôi chùa đặc biệt trong cả nước, bởi lẽ chùa thờ Phật mà không có tượng Phật. Lý giải cho điều này hiện có hai cứ liệu sau:

Theo cuốn Địa chí Bắc Giang từ điển do Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Bắc Giang và Trung tâm UNESCO in năm 2002 - trang 149  có ghi: “Chùa có nhiều bệ từ ngoài vào trong nhưng không có tượng. Tương truyền đây vốn là ngôi chùa thờ âm hồn, của những người chết trận…”.

Theo dân gian truyền khẩu và phong tục, tập quán cổ truyền ởvùng Hậu, Sấu, Bến thuộc xã Liên Chung còn lưu truyền được biết: Nhìn từ dãy núi Chung Sơn (núi Dành) bao quát toàn bộ thôn Hậu nơi di tích tọa lạc thấy nơi đây có thế đất hình “long xà” mà phần khúc đuôi được bắt đầu từ phía đầu thôn Hậu chếch về phía đông của xã Liên Chung, phần thân chạy uốn khúc bao quanh toàn dải đất, phần đầu là khu đồi Núi Cũ, hiện chính quyền địa phương đã cho xây dựng nhà bia và nghĩa trang liệt sĩ của xã, phần gáy của con long xà chính là nơi chùa Cống Phường được tạo dựng. Theo quan niệm của địa phương nơi di tích tọa lạc lại đặt trên chính giữa gáy của con long xà nên việc thờ Phật là rất “nghịch” khiến người già thì thác sớm, trai tráng ra trận thì hy sinh, cây cối vật nuôi chết nhiều. Từ khi làm lễ hóa Phật, dân làng dần từng bước hồi sinh việc làm ăn phát đạt, dân khang, vật thịnh, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu nên từ đó chùa là nơi thờ vọng Phật.

Loại hình di tích

Chùa Cống Phường được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng (khoảng giữa thế kỷ XVII). Trải qua thời gian do sự tác động của điều kiện tự nhiên cùng diễn biến thăng trầm của lịch sử, chùa Cống Phường (nhất là tòa thượng điện) vẫn còn giữ được nguyên trạng bộ khung kiến trúc như xưa. Tòa tiền đường đã đại tu nhiều lần, dấu ấn ghi trên ba khấu đầu cho thấy kỳ đại tu tiến hành đầu thời Nguyễn (đầu thế kỷ XIX). Đây là một công trình văn hóa tôn giáo có giá trị về mặt lịch sử văn hóa. Điều này được thể hiện ở những tiêu chí sau:

Chùa Cống Phường là công trình tôn giáo cổ được xây dựng vàokhoảng giữa thế kỷ XVII (trước năm 1713), cách đây gần 400 năm còn được bảo lưu đến ngày nay. Tuy đã qua nhiều lần trùng tu, nhưng ngôi chùa vẫn còn lưu giữ được nhiều nét cổ kính mang phong cách kiến trúc thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII). Qua các cấu kiện, kiến trúc đã phản ánh rõ những phong cách nghệ thuật kiến trúc của thời kỳ ấy. Trên các mảng trang trí ở các đấu kê và các vì kèo, con rường vẫn được tạo thành những thể khối to, mập với những đường họa tiết hoa văn trang trí đường diềm chạy bo quanh thể hiện sự kế thừa của phong cách nghệ thuật tạo dựng từ thời Mạc (khoảng thế kỷ XVII).

Chùa Cống Phường có giá trị về lịch sử, văn hóa được thể hiệnqua phong cách tạo tác kiến trúc và niên đại của các tài liệu hiện vật, cổ vật như: cây hương đá được tạo dựng vào năm 1713; 1 bát hương sành Phù Lãng thế kỷ XIX; 1 bát hương gốm, men da lươn thế kỷ XIX và hệ thống các đồ thờ cổ có niên đại thời Nguyễn thế kỷ XIX-XX như: bát hương gốm men nâu, đĩa xứ men lam, mõ thờ…

Chùa Cống Phường là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của nhân dân 3 thôn (Hậu, Sấu, Bến), là nơi tổ chức lễ hội truyền thống của địa phương. Lễ hội truyền thống chùa Cống Phường được tổ chức trong 2 ngày (15 và 16 tháng Hai âm lịch), vào ngày hội, ngoài nghi lễ dâng hương, nhân dân còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian đặc biệt như: cờ tướng, hát quan họ, chọi gà, kéo co, đấu vật…

Trong cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế, chùa Cống Phườngđược dùng làm vọng gác tiền tiêu của nghĩa quân và sau này là trạm quan sát của Khu 12 khi về sơ tán và hoạt động. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (từ năm 1947-1953), dân quân du kích Liên Chung đã lấy chùa Cống Phường là nơi hoạt động, hội họp và là nơi dạy học của trường cấp I. Căn cứ giá trị di tích thì chùa Cống Phường thuộc loại hình di tích lịch sử - văn hóa.

Về bố cục kiến trúc:

Tổng thể chùa Cống Phường gồm sân chùa, tòa tiền đường, dải ống muống và thượng điện.

Từ đường liên xã bước qua cổng xây bằng gạch chỉ đi thẳng bước qua các dãy bậc xây giật cấp của khuôn viên trường Tiểu học Liên Chung là vào tới khuôn viên chùa Cống Phường.

Bước qua bậc tam cấp được bó vỉa bằng gạch chỉ khoảng 1m, là lên đến sân chùa. Sân chùa dài 21,5m, rộng 4m, tổng diện tích khoảng 86m2, được làm ở phía trước chùa và được bao quanh ôm toàn bộ khu nội tự. Năm 2005 toàn bộ sân chùa được lát bằng gạch vuông đỏ kích thước 20cm x 20cm khang trang, sạch đẹp.

Nhìn bao quát toàn cảnh đây là một ngôi chùa cổ với 2 đao trước tòa tiền đường và 2 đao sau kiểu nhà tổ chạy đua lên không trung. Bờ nóc của chùa được lợp bằng ngói bò ống bo quanh. Chính giữa được đắp nổi bằng 1 đường gờ bằng xi măng cao khoảng 30cm, bờ giải xây bằng gạch để mộc không phủ vữa, phần từ bờ ruột chạy xuống các tàu mái được xây bằng gạch phủ vữa xoi gờ và quét xi măng, mái chùa  lợp ngói mũi.

Chùa có 1 cửa ra vào, cửa chính cao 1,7m, rộng 2,8m bằng gỗ làm kiểu ván ghép sơn màu nâu, hệ thống cửa ra vào của chùa Cống Phường được xây tụt vào phía sau 0,8m so với hiên chùa. Các gian ngoài của tòa tiền đường được đóng bằng chấn song gỗ bạch đàn.

Tường bao của chùa được xây bằng gạch chỉ, để mộc không phủ vữa.

Kết cấu nền chùa Cống Phường cao hơn mặt sân 0,45m, có 2 bậc thềm lên xuống được bó vỉa làm bằng gạch chỉ, nền chùa được lát vào khoảng đầu thế kỷ XX bằng gạch vuông đỏ có kích thước 20cm x20cm.

Bệ thờ chùa Cống Phường

Chùa Cống Phường có bình đồ kiến trúc theo kiểu “chữ Công” gồm tòa  tiền đường nối với tòa thượng điện bằng dải ống muống, tổng diện tích  khu nội tự là 287m2.

Tòa tiền đường chùa Cống Phường có tổng diện tích là 201m2, chiều dài 21,4m, chiều rộng 9,4m. Kích thước tính theo chiều ngang là: 80cm x 290cm x 280cm x 280cm x 280cm x 280cm x 280cm x 290cm x 80cm, kích thước tính theo chiều dọc là: 70cm x 220cm x 160cm x 260cm x 160cm x 70cm. Tòa tiền đường gồm 5 gian, 2 chái có 8 hàng cột ngang và 4 hàng cột dọc (với 6 vì mái đình, ở hai chái chỉ tạo thành 2 quá giang làm nhiệm vụ đỡ bộ khung kiến trúc). Liên kết giữa các vì mái theo 3 kiểu: Kiểu kẻ chuyền, chồng rường; kiểu chồng rường, trụ trốn; kiểu vì kèo, trụ trốn. Cả 6 vì kèo đều được làm  bằng gỗ bào trơn, chủ yếu trang trí hoa văn bằng những đường chỉ gờ chạy suốt. Điều đặc biệt tại tòa tiền đường ở chùa Cống Phường là các hiệp thợ đã cho xây thụt vào phía hai hồi ở hai bên tiền đường nhô ra tạo thành 2 gian riêng biệt tách khỏi dải ống muống, tại tường hậu của hai gian này có 2 vì mái làm nhiệm vụ đỡ hệ mái, 2 vì liên kết theo kiểu vì kèo, cánh báng làm bằng gỗ không chạm khắc cầu kì. Tường bao của tòa tiền đường được xây bằng gạch chỉ. Gạch xây gồm 2 loại: Loại gạch vồ bản nhỏ và mỏng (kiểu gạch thạch thất) có kích thước 5cm x10 cm và loại gạch chỉ mới có kích thước 10cm x 15cm.

Dải ống muống có diện tích là 18m2 chiều dài là 3,3m; chiều rộng là 5,3m. Kích thước tính theo chiều ngang là 30cm x 280cm x 120cm; kích thước tính theo chiều dọc là 140cm x 220cm x 30cm x 140cm. Dải ống muống gồm 1 gian, với 2 vì mái, các vì mái liên kết theo kiểu chồng rường, giá chiêng. Về điêu khắc trong dải ống muống làm không cầu kì chủ yếu là đường gờ chạy bao quanh. Tường bao của  dải ống muống được xây bằng gạch chỉ để mộc bắt mạch không phủ vữa loại gạch vồ, bản nhỏ và mỏng có kích thước 5cm x 10cm, mái lợp ngói múi, bờ nóc được lợp bằng ngói bò ống không xây gạch.

Trong cùng là tòa thượng điện có diện tích 68m2 (chiều dài 9,7m, chiều rộng 7m). Kích thước tính theo chiều ngang là 70cm x 260cm x310cm x 260cm x 70cm; kích thước tính theo chiều dọc là: 70cm x

160cm x 240cm x 160cm x 70cm. Thượng điện gồm 3 gian 2 chái liên kết cái vì kèo theo kiểu kẻ chuyền, chồng rường theo kiểu thuận chồng, đấu kê (gồm 4 con rường kê trên các đấu kê thót đáy) tòa thượng điện còn lưu trữ được nguyên vẹn bộ khung chịu lực và 4 đầu đao mái lượn, bờ nóc được lợp bằng ngói bò ống không xây gạch, bờ giải được xây bằng gạch chỉ phủ vữa, ngoài xoi gờ quét xi măng. Hệ thống chịu lực tòa thượng điện làm bằng gỗ lim chắc khỏe, được soi gờ kẻ chỉ cẩn thận. Tường bao của dải ống muống được xây bằng gạch chỉ để mộc bắt mạch không phủ vữa, loại gạch vồ, bản nhỏ và mỏng, mái lợp ngói mũi.

Toàn bộ hệ thống bộ khung chịu lực của chùa Cống Phường được làm bằng gỗ lim và gỗ bạch đàn chắc chắn. Các cấu kiện kiến trúc được bào trơn, đóng bén, soi gờ, kẻ chỉ cẩn thận không chạm khắc cầu kỳ. Công trình kiến trúc hiện nay của chùa Cống Phường vẫn còn giữ được toàn bộ bộ khung kiến trúc mang phong cách thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) rõ nét. Trên các mảng trang trí ở các đấu kê và các vì kèo, con rường vẫn được tạo thành những thể khối to, mập, với những đường họa tiết hoa văn trang trí, đường diềm chạy bo quanh thể hiện sự kế thừa của phong cách nghệ thuật tạo dựng từ thời Mạc (khoảng thế kỷ XVII).

Tài liệu, hiện vật có trong di tích

Hiện vật bằng gỗ: 1 mõ cổ cũ có chiều dài 22cm, chiều rộng 24cm, mõ cao 20cm, được làm bằng gỗ không sơn son thếp vàng, để mộc, phần quai mõ có chạm nổi hoa văn hình vân mây, phần thân được  xẻ rãnh nhỏ và tạo rỗng giữa.

Hiện vật bằng gốm, sành, sứ: 1 bát hương được làm bằng chất liệu gốm, men nâu, trên thân có trang trí hình rồng, hình mặt hổ phù trên có tạo hình tứ linh, tứ quý. Ở phần đầu bát hương có tạo hình lưỡng long chầu nguyệt, chính giữa bát hương có tạo nổi hình hoa văn chữ thọ trong đó có đề 2 chữ Hán “Phụng sự”, ở phần thân có hình hai con phượng đội hoa đối xứng, phần tai bát hương là hình hai con rồng  (đã bị gãy), chính giữa phần miệng bát hương có tạo nổi hình mặt trời đang tỏa nắng, ở phần đế có tạo nổi hình mặt hổ phù. Bát hương cao 30cm, đường kính miệng 38cm, đường kính đáy 22cm, thân bát hương cao 22cm, đế cao 8cm. Bát hương làm bằng gốm tạo vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

Hiện vật bằng sành: Trong chùa hiện còn lưu giữ được 1 bát hương cổ, men nâu đỏ, trên bát hương có trang trí tạo hình hoa văn kỷ hà, hình 4 mặt hổ phù hai bên thân bát hương có tạo hình hai con dơi và hoa văn hình vân mây uốn lượn. Bát hương chất liệu bằng sành tạo tác vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

Hiện vật bằng sứ: 1 đĩa sứ có chiều cao 3cm, đường kính miệng 16cm, đường kính đáy là 9cm, đĩa có chất liệu bằng sứ, trên thân (mặt trước) có trang trí hoa văn hình men lam gồm các đề tài trang trí như: hoa văn hình vân mây, hình cây trúc và hoa cúc mãn khai, ở mặt sau của đĩa trang trí hoa văn hình sóng nước và các họa tiết trang trí đường chỉ gờ chạy bo miệng đĩa. Đĩa sứ được làm vào thời Nguyễn (khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX).

Hiện vật bằng đá: 1 cây hương đá được khắc toàn văn bằng chữ Hán thể chân phương ở cả 4 mặt, trên cây hương có trang trí hoa văn hình hoa lá và vân mây cách điệu, phần trán cây hương có khắc nổi 4 chữ hán: “Tạo tác hương đằng”, cây hương được dựng vào giờ tốt, ngày tốt, mùa đông, năm Quý Tỵ, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 9 (năm 1713), cây hương có chiều cao 83cm, rộng 15cm, dày 16cm, phần trán cây hương cao 5cm, lòng trang trí rộng 7cm, diềm cây hương rộng 4cm. Tư liệu Hán Nôm chùa Cống Phường Chữ Hán trên câu đầu chùa:

  1. “Nhất Bạn giáp tín phi hiệu Diệu Tiến, nam tử Nguyễn DuyKhuông thê Nguyễn Thị Tư công đức đại trụ nhất chu”.

(Tín phi hiệu diệu Tiến người giáp bạn cùng với con trai Nguyễn Duy Khuông vợ Nguyễn Thị Tư công đức 1 cây cột lớn).

  1. “Nhất Đông giáp Cựu xã trưởng Nguyễn Quốc Dụng thê NguyễnThị Tư công đức đại trụ nhất chu”.

(Cựu xã trưởng Nguyễn Quốc Dụng vợ Nguyễn Thị Tư người giáp Đông công đức một cây cột lớn).

  1. “Nhất Bạn giáp tín phi hiệu Diệu Tân, nam tử Nguyễn Đắc Chânthê Nguyễn Thị Đạm công đức đại trụ nhất chu”.

(Tín phi hiệu Diệu Tân, con trai Nguyễn Đắc Chân vợ Nguyễn Thị Đạm công đức một cây cột lớn).

Cây hương đá:

Phiên âm: Tạo tác hương đăng

Mặt A: Lạng Giang phủ, Yên Thế huyện, Chung Sơn xã, Cống Phường tự, hương lão thượng hạ cự tiêu đẳng. Cái văn: Nhân tài phát thân chiêu vu đại quý, đức tất cụ thọ giản tại Trung Dung, cổ hữu thị trưng kim vi khả. Quý Tỵ niên, tiết đông nguyệt, cốc nhật, lương thời tạo lập thạch đài hương đăng nhất trụ, tu tả thí danh giản tại hương đăng, khánh lưu miêu duệ, sĩ tuấn tú tài, kim bảng hiền doanh… tài hóa bản mãn khắc niên niên, an nhân vật thịnh, mặt nhật giáng phúc, tăng long bách bách hồ, tư văn vĩnh thọ thằng thằng hồ. Công đức vĩnh chung đài hương bảo quý thiết tạo lập. Hoàng vương xã tắc miên hồng… Mặt B: Cống Phường tự

Cung vịnh quốc ngữ thi nhất thủ:

Khẩn khẩn lòng tín kính thập phương

Tạc nên thạch trụ một cây hương

Tam tiết danh thơm dâng thượng oản

Tư vụ phúc chung duy dáng trần

Trên đầu làng nở sen hồng đóa

Dưới lòng thư kỷ bút thánh tương

Muôn đời truyền thị hưng công ý

Cây đức lòng nhân sáng cõi đời

Mặt C: Nhất hưng công, Tiền hương lão, lão nhiêu kiêm phủ sĩ Nguyễn Văn Thông tự Phúc Quảng thê Nguyễn Thị Lâm, nam tử Giáp Đình Khang thê Nguyễn Thị Xuân, Nguyễn Đề Vinh thê Nguyễn Thị… Nguyễn Danh Quý, Nguyễn Công phủ sĩ Giáp Công Chính tự Phúc Thông.

Hưng công hương lão Thập lý hầu, Phủ sĩ kiêm tri đạo sĩ  Nguyễn… Tự

Phúc Thịnh thê Giáp Thị Hồ hiệu Từ Tín, nam tử Nguyễn Văn Đức thê…

Mặt D: Hoàng triều Vĩnh Thịnh vạn vạn niên chi cửu, tuế tại Quý Tỵ, tiết đông nguyệt, cốc nhật, lương thời lập.

Dịch nghĩa: Tạo dựng cây hương đá.

Mặt A: Các hương lập cùng mọi người trên dưới ở chùa Cống Phường, xã Chung Sơn, huyện Yên Thế, phủ Lạng Giang.

Thường nghe nói rằng: Người lấy lòng nhân ái tiền của ban phát cho người dân thì thật là bậc vĩ nhân lớn lao, có đức thì sẽ được lưu truyền lâu dài mãi mãi, điều đó đã được ghi rõ trong sách Trung Dung lưu truyền từ xưa đến nay. Vào giờ tốt, ngày tốt, tiết mùa đông năm Quý Tỵ tạo dựng cây hương đá, có ghi chép tên họ những người hưng công có trên cây hương để mong phúc khánh lưu truyền cho con cháu, các kẻ sĩ tú tài đều được ghi danh trong bảng vàng, tiền của đủ đầy muôn năm, con người mạnh khỏe, vạn vật phát triển, ban xuống điều phúc tốt nghiệp văn được trường tồn, công đức nối dài mãi mãi. Cây hương là báu vật nên phải tạo dựng.

Vận nước được lớn mạnh, trường tồn lâu dài.

Mặt B: Cống Phường tự

Cung vịnh quốc ngữ thi nhất thủ (Cung kính vịnh 1 bài thơ Quốc ngữ)

Khẩn khẩn lòng tín kính thập phương

Tạc nên thạch trụ một cây hương

Tam tiết danh thơm dâng thượng oản

Tu vụ phúc chung duy dáng trần

Trên đầu làng nở sen hồng đóa

Dưới lòng thư kỷ bút thánh tương

Muôn đời truyền thị hưng công ý

Cây đức lòng nhân sáng cõi đời

Mặt C: Nhất hưng công, Tiền hương lão, lão nhiêu kim phủ sĩ Nguyễn Văn Thông tự Phúc Quảng vợ Nguyễn Thị Lâm, con trai…

Giáp Đình Khang vợ Nguyễn Thị Xuân, Nguyễn Đề Vinh vợ Nguyễn Thị…. Nguyễn Danh Quý, Nguyễn Công phủ sĩ Giáp Công Chính tự Phúc Thông.

Hưng công hương lão Thập lý hầu, Phủ sĩ kiêm tri đạo sĩ Nguyễn. Tự Phúc Thịnh vợ Giáp Thị Hồ hiệu Từ Tín, con trai Nguyễn Văn Đức thê…..

Mặt D: Vào giờ tốt, ngày tốt, tiết mùa đông, năm Quý Tỵ, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 9 dựng cây hương đá.

Giá trị của di tích:

Chùa Cống Phường là trung tâm sinh hoạt văn hóa tôn giáo của nhân dân ba thôn: Hậu, Sấu và Bến, thuộc xã Liên Chung. Chùa Cống Phường được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XVII, cách đây gần 400 năm. Tuy đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng ngôi chùa vẫn còn lưu giữ được nhiều nét cổ kính và hệ thống kiến trúc, các cổ vật từ xa xưa. Qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, hiện nay ngôi chùa vẫn còn lưu giữ được toàn bộ bộ khung kiến trúc mang phong cách tạo dựng thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII) rõ nét. Qua các cấu kiện kiến trúc đã phản ánh rõ những phong cách nghệ thuật kiến trúc của từng thời kỳ. Trên các mảng trang trí ở các đấu kê và các vì kèo, con rường vẫn được tạo thành những thể khối to, mập, với những đường họa tiết hoa văn trang trí đường diềm chạy bo quanh thể hiện sự kế thừa của phong cách nghệ thuật tạo dựng từ thời Mạc (khoảng thế kỷ XVII). Qua phong cách tạo tác kiến trúc và niên đại của các tài liệu, hiện vật, cổ vật như: Cây hương đá tạo dựng vào năm 1713, triều vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 9; 1 bát hương sành Phù Lãng (thế kỷ XIX); 2 bát hương gốm, men da lươn (thế kỷ XIX) và hệ  thống các đồ thờ cổ có niên đại thời Nguyễn (thế kỷ XIX-XX) như: đĩa sứ men lam, mõ thờ… Đây là những tài liệu, hiện vật có giá trị khoa học và giá trị lịch sử, văn hóa.

Trải qua thời gian chịu nhiều mưa nắng, thiên tai và chiến tranh tàn phá, di tích chùa Cống Phường đã được nhân dân địa phương tu sửa tôn tạo nhiều lần, lần tu sửa gần đây nhất là vào năm 2006. Tuy vậy, di tích chùa Cống Phường vẫn còn bảo lưu được nhiều giá trị, các tài liệu, hiện vật còn bảo lưu được ở chùa Cống Phường là những tài liệu, hiện vật có giá trị nghiên cứu khoa học và giá trị lịch sử- văn hóa.

Giá trị văn hóa phi vật thể tại chùa Cống Phường: Chùa Cống Phường là trung tâm sinh hoạt văn hóa tôn giáo của nhân dân ba thôn: Hậu, Sấu, Bến; là nơi tổ chức lễ hội truyền thống của địa phương. Lễ hội chùa Cống Phường được tổ chức trong hai ngày, ngày 15 và ngày 16 tháng 2 (âm lịch) hàng năm, trong ngày hội ngoài nghi lễ dâng hương, nhân dân còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như: cờ tướng, hát quan họ, chọi gà, kéo co, đấu vật. Lễ hội chùa Cống Phường đã đáp ứng được nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân nơi đây nói riêng và nhân dân trong vùng nói chung.

Chùa Cống Phường (chùa Không Bụt) là hiện tượng hiếm thấy không đâu có, minh chứng cho đạo lý của Phật giáo “Phật tại tâm” hay “Phật ở trong tâm”. Không thấy sự hiện diện của tượng Phật nhưng ta có lòng thành kính thì Phật vẫn hiện diện, chứng giám. Chùa Cống Phường được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh theo Quyết định số 2163/QĐ-UBND ngày 19/12/2008 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.

 

Nguyễn Văn Tính - Trích Cuốn Di sản văn hoá xã Liên Chung ( Tr55 đến Tr69) Nhà xuất bản văn hoá Dân tộc

Bản đồ xã Trường Sơn Bản đồ xã Trường Sơn

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 20,417
Tổng số trong ngày: 58
Tổng số trong tuần: 108
Tổng số trong tháng: 1,578
Tổng số trong năm: 7,823
Tổng số truy cập: 17,389