Liên Chung. Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đình Vường

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Trong hệ thống di tích ở Bắc Giang, đình Vường, xã Chung Sơn, tổng Tuy Lộc Sơn, huyện Yên Thế xưa nay là xã Liên Chung, huyện Tân Yên là một trong số những di tích tiêu biểu còn bảo lưu được gần như nguyên vẹn nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo của thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII.

Ngôi đình nằm tòa lạc bên cạnh thôn Hậu, cách chân núi Dành không xa, từ đỉnh núi Dành nhìn xuống thôn Hậu, hiện rõ những đầu đao cong vút, mái ngói bè thấp của một ngôi đình cổ. Đó là đình Vường. Đình nhìn về hướng Nam, phía trước là cánh đồng, xa hơn nữa là dãy núi Dành trùng điệp với hàng thông xanh vút, xung quanh đình là khu dân cư xóm làng đông đúc.

Trên câu đầu, thượng lương của đình Vường không như một số ngôi đình khác ghi khắc niên đại xây dựng hay tu bổ nên chúng ta khó đoán định được niên đại dựng đình. Tuy nhiên qua khảo sát các tư liệu thành văn và nét kiến trúc chạm khắc ở đình cho thấy, ngôi đình có niên đại khởi dựng khoảng đầu thời Lê, niên hiệu Chính Hòa (1680-1705). Điều này cũng phù hợp với lời kể của các cụ cao niên trong làng, ngôi đình được tạo dựng sau khi sáp nhập ba làng nhỏ lại thành một làng lớn cách đây khoảng trên dưới 400 năm. Kể từ ngày khởi tạo đến nay, ngôi đình vẫn giữ nguyên vị trí nhưng một số cấu kiện kiến trúc trong đình cũng đã được thay thế. Dòng lạc khoản trên kẻ góc chái đình còn ghi rõ năm trùng tu lại ngôi đình là năm Bính Tý-niên hiệu Bảo Đại thứ 11-1936. Trong đó, người xưa đã thay một số đầu dư, tháo bỏ một số mảng điêu khắc thời Lê, thay hoành xà, con chồng, hoành nên không còn lạc khoản của ngày đầu khởi tạo. Đình Vường thờ nhị vị thánh Cao Sơn-Quý Minh, hai danh tướng giỏi có công giúp vua Hùng Duệ Vương đánh tan quân Thục, giữ yên bờ cõi, đem lại cuộc sống thanh bình cho nhân dân.

KIẾN TRÚC.

 

Đình Vường được xây dựng trên một khu đất rộng diện tích khoảng 2060m². Khuôn viên Đình bao gồm những công trình kiến trúc chính: Tả - Hữu vu, Đại đình - Ống muống - Hậu cung. Ngoài ra, đình còn có sân vườn rộng, xung quanh cây xanh tỏa bóng mát, sân được lát gạch bát. Xưa kia, đình Vường có nghi môn uy nghi bề thế; nhưng nay chỉ còn lại lối cổng vào được tạo bởi 07 bậc đá xanh- đây là những khối đá hình chữ nhật đã mòn bóng bởi năm tháng.

Mặt chính Đại đình

Tả - Hữu vu được bố cục đăng đối hai bên sân phía trước Đại đình, có kích thước gần tương tự nhau, mặt bằng hình “chữ Nhất” gồm 05 gian. Tả vu hiện còn bảo lưu được nét kiến trúc cổ. Tòa này có hai mái, lợp ngói mũi, bờ nóc lợp ngói bò, bờ giải xây gạch phủ áo vữa. Mặt trước ba gian giữa để thông thoáng không lắp cửa, trước hai gian bên xây tường gạch trát vữa với gian bên trái có trổ cửa sổ nhỏ tường hồi kiểu bít đốc. Hệ thống liên kết khung vì máy gồm 06 vì, mỗi vì gồm 04 hàng chân cột, mỗi hàng có 4 cột gỗ được gắn kết bởi các hoành, xà,… Các vì nóc làm kiểu vì kèo - cột ván, tuy các cấu kiện kiến trúc không chạm khắc nhưng rất cổ kính, đượm màu thời gian. Hữu vu mới được tu bổ gần đây nên giá trị kiến trúc không cao.

 Đại Đình nối với Ống muống và Hậu cung tạo thành một kiến trúc liên hoàn có mặt bằng hình “chữ Công”.

Nhìn từ xa, hệ mái tỏa Đại đình khá bề thế.  Hai mặt mái chính và hai mặt mái bên lợp ngói mũi hài. Bờ nóc xây tạo giải hoa chanh chạy thẳng nối hai đầu kìm nóc. Đầu kìm nóc tạo cách điệu hình cụm vân mây bám trọn vào bờ nóc. Trên đỉnh cụm vân mây là một dải mảnh uốn cong tựa như vầng trăng lưỡi liềm. Ngoài yếu tố tạo hình mỹ thuật, hình tượng này còn mang yếu tố đối đãi âm – dương, cha ông ta đã gửi gắm vào đó những kinh nghiệm dân gian quý báu. Bờ giải cũng xây tạo giải hoa chanh bắt tới khúc nguỷnh để đối với bờ ruột. Khúc nguỷnh là chỗ đứng của con xô, tạo hình đôi nghê chầu như để kiểm soát tư cách khách hành hương trước khi vào thăm đình. Bờ guột xay tạo dải hoa chanh chạy thẳng để nối với bốn đầu đao cong. Các góc đầu đao đắp hình rồng, phượng hoa lá hóa có dáng vút cong lên, ở đầu đao đều có hình đầu rồng hý thủy như đang phun nước trên bờ guột. Bốn góc đầu đao cong vút tạo cho ngôi đình thêm thanh thoát, mềm mại, bay bổng mà vẫn uy nghi, thể hiện sự tài khéo của nghệ nhân đương thời.

Tòa đại đình có ba gian hai chái lớn, được dựng trên nền đất cao. Thềm hiên bó vỉa bằng hàng đá xanh. Bao che xung quanh tòa Đại đình phần lớn là hệ thống chấn song vuông. Ngoài ra, đỡ đầu đao góc mái là đoạn tường gạch để trần miết mạch.

Mặt trước gian giữa Đại đình lắp hệ cửa bốn cánh kiểu ván gỗ với chân quay đứng trên bậu cửa. Qua cửa chính là tới gian giữa (lòng giếng) được lát những phiến đá xanh lớn hình chữ nhật. Trong các ngôi đình cổ, phần lòng giếng được lát bằng đá, nhằm thiêng hóa không gian thờ tự. Bởi theo quan niệm dân gian, đá làm một vật liệu mang tính linh và chuyển tải sinh khí.

Mặt trước hai gian bên Đại đình là hai cửa phụ nhỏ, được tạo cao hơn so với mặt nền hiên đình khoảng 80cm, lối lên cửa là cầu thang ba bậc đá xanh nguyên khối rất độc đáo được chạm khắc văn dấu hỏi. Qua cửa phụ là tới ngay khu vực ván sàn (sạp) gỗ của gian bên, được phân chia làm nhiều cấp sàn cao thấp khác nhau. Đình Vường là một trong rất ít ngôi đình ở Bắc Bộ còn giữ nguyên bộ ván sàn gỗ.

 Kết cấu bộ khung gỗ Đại đình gồm 6 hàng cột, các cột được kê trên chân tảng đá vuông. Bộ khung gỗ ở đây còn khá chắc chắn và bảo lưu gần như nguyên vẹn nét kiến trúc của thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn. Vì nóc ở gian giữa và gian bên kết cấu kiểu vì kèo - cột ván - tay đòn ngang. Vì nách kết cấu kiểu chồng rường với các con rường chồng lên nhau qua đấu kê, con rường trên cùng chui qua cột cái thành đầu dư đỡ dạ câu đầu.

Mắt chính hữu vu và một góc phía trước Đại đình
Mặt chính hữu vu và một góc phía trước Đại đình

 

Góc đao mái hồi trái Đại đình
Góc đao mái hồi phải Đại đình

Bậc tam cấp và hệ cửa Đại đình
Hệ thống chân tảng, cột, dầm sàn Đại đình
Ván sàn gỗ gian bên trái Đại đình
Kết cấu vì nóc Đại đình

Tòa Ống muống có hai gian, nối Đại đình với Hậu cung. Tòa này cũng bảo lưu được nhiều nét kiến trúc của thời Lê Trung Hưng. Nền gian ngoài Ống muống lát gạch chỉ; còn nền gian trong - tiếp giáp với tòa Hậu cung, lại được tạo bậc bởi hai thềm đá xanh đã mòn bóng bởi thời gian. Hai bên tường của tòa này còn nguyên bờ tường gạch đất nung rêu phong cổ kính. Kết cấu khung của Ống muống gồm hai hàng chân cột, mỗi hàng ba cột được liên kết bởi hệ thống hoành, xà, rường… Vì nóc làm kiểu biến thể giá chiêng.

Bài trí đồ thờ tại Đại đình và Ống muống
Vì nóc Ống muống

Tòa Hậu cung có bốn mái, được bảo lưu gần như nguyên bản nét kiến trúc cổ ban đầu với các đầu đao khoe dáng, bẹ đao bẻ góc cong vút tạo cho mặt mái thêm mềm mại, bay bổng. Các đầu đao tòa Hậu cung nhìn chung vẫn mang nét kiến trúc giống các đầu đao tòa Đại đình. Tường tòa Hậu cung xây gạch chỉ để mộc càng tôn lên vẻ đẹp cổ kính cho ngôi Đình.

Hậu cung gồm một gian hai chái. Mặt trước lắp hệ cửa ra vào bằng ván gỗ với chân quay đứng trên bậu cửa để ngăn cách với giải Ống muống và cũng là để ngăn cách với thế giới trần tục bên ngoài. Các vì nóc ở Hậu cung đều được kết cấu kiểu vì kèo - cột ván, các vì nách kết cấu kiểu chồng rường. Con rường trên cùng chính là đuôi dư, ăn mộng qua thân cột cái tạo thành đầu dư đỡ dạ câu đầu. Nền tòa Hậu cung không lát đá xanh hay lát gạch như toà Đại đình và giải Ống muống mà là nền đất nện. Chính vì vậy, đứng trong tòa Hậu cung chúng ta có cảm giác mát dịu về mùa hè và ấm áp về mùa đông. Xét về mặt phong thủy nền đất nện mang yếu tố đối đãi, cân bằng âm – dương. Đây cũng là một trong những nét kiến trúc quý và làm nên sự độc đáo tiêu biểu cho ngôi đình.

ĐIÊU KHẮC, TRANG TRÍ

Đình Vường là một trong số rất ít những ngôi đình còn giữ được nhiều dấu ấn của nghệ thuật kiến trúc thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII).

Trên kiến trúc Đại đình được chạm khắc nhiều đề tài với các hình tượng linh thú, con người, hoa lá,… Hình tượng rồng, phượng, lân xuất hiện nhiều nhất, có mặt trên hệ thống đầu dư, vì nách, cửa võng,… với các dáng vẻ và bố cục khác nhau như: “cửu long tranh châu”, “long vân khánh hội”, “long ổ”, “nghê hý cầu”… Xung quanh các linh thú điểm xuyết các vân mây, đao mác, hoa dây,…

Bên cạnh các linh thú, hình tượng người tuy không có mặt nhiều trên kiến trúc đình Vường, nhưng lại khá độc đáo với các hoạt cảnh chú tễu cởi trần tay đang vuốt râu rồng, hình tượng nam nữ đầu người mình linh vật. Điều này bắt gặp không nhiều trên các ngôi đình vùng Kinh Bắc.

Ngoài ra, gian giữa Đại đình có bức cửa võng theo lối bình phong, trang trí rồng, phượng, hổ, hoa dây cách điệu… được chạm khắc bằng kỹ thuật chạm lộng và sơn son thiếp vàng.

Những mảng chạm khắc trang trí ở Đại đình của đình Vường có nét chạm đẹp, sử dụng kỹ thuật chạm nổi, chạm lộng, chạm kênh bong tinh xảo, chủ đạo mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII).

So với Đại đình, các cấu kiện kiến trúc ở tòa Ống muống chạm khắc đơn giản hơn. Đáng chú ý hệ thống đầu tư tạo hình đầu rồng được chạm lộng khá tinh xảo, tạo dáng khác biệt so với đầu dư ở Đại đình.

Ở tòa Hậu cung, các cấu kiện kiến trúc không chạm khắc nhiều nhưng còn nhuộm màu thời gian. Các đầu dư ở tòa này tạo hình đầu rồng được chạm lộng công phu, mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII). 

Chạm khắc hình đầu rồng trên đầu dư Ống muống

Phía trước tòa Hậu cung đình Vường còn một bức rèm cửa võng được chạm lộng, sơn son thiếp vàng, tạo điểm nhấn cho cả tòa Hậu cung. Rất tiếc bức rèm cửa võng này nay đã không còn nữa.

Dấu ấn về mặt nghệ thuật kiến trúc ở đình Vường đó là trong đình có nhiều đầu dư được chạm lộng với nhiều kiểu dáng cùng đường nét chạm khắc khá tinh xảo. Xưa, đình Vường có các bức cửa võng rất độc đáo theo lối bình phong, được chạm lộng tinh xảo. Các đề tài trang trí rất phóng khoáng theo phong cách dân gian, không theo mô tuýp quy phạm sẵn có hay các đề tài “lưỡng long chầu nguyệt”, bộ “tứ linh” mà thay vào đó là cảnh điêu khắc “ngũ mã đồng quần” lẫn hoa dây cách điệu, tất cả tạo nên nét đẹp mềm mại và gần gũi với tự nhiên. Rất tiếc các bững võng này nay không còn lưu giữ được.

Nhìn chung các mảng chạm khắc ở đình Vường không nhiều, mật độ chạm không dày nhưng lại có một số bức chạm khá độc đáo, như bức chạm hình chú tễu cởi trần, hình tượng nam nữ đầu người mình linh vật bên cạnh hình linh thú, đao mác, vân mây… Mỗi mảng chạm khắc đều chứa đựng những tâm tư tình cảm, khát vọng tự do của người nông dân xưa. Hình tượng chạm khắc trang trí trên đình Vường chủ yếu là rồng, mây, hoa lá. Con rồng ở đây phần lớn được thể hiện những nét cơ bản của nghệ thuật rồng thời Lê với trán gồ quả na, mắt lồi to, mồm bành rộng ngậm viên ngọc, râu kép xoắn hai lần và mây lửa hình lưỡi mác. “Người ta có thể hiểu vân xoắn và đao là một dạng biểu hiện của chớp sấm và ánh sáng còn rồng là bầu trời mây, hợp lại là một biểu tượng cầu mưa. Trong tạo hình đao từ mắt rồng là lớn và dài nhất, nó như tượng trưng cho chớp cái, làm nền cho các chớp con bay ra từ vây, từ khuỷu, cả một hệ thống như tiếng sấm rền vang để gọi mưa, gọi mùa sinh sôi” -  giáo sư Trần Lâm Biền.

Có thể nhận thấy, những hình, mảng chạm khắc trang trí ở đình Vường gần như thống nhất một phong cách - một tiếng nói tạo hình nghệ thuật kiến trúc thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII). Đây cũng là giai đoạn phát triển rực rỡ của nghệ thuật chạm khắc dân gian Việt Nam.

Nếu như ở một số đỉnh khác của làng quê Bắc Bộ, mới chớm sang thế kỷ XVIII, các mảng chạm khắc hình tượng con người đã vắng bóng, hay nét dân gian chỉ còn ở các con vật gần gũi với đời sống thường ngày của người nông dân, thì ở đình Vường vẫn giữ được hình tượng con người, còn hình tượng con vật lại được chạm khắc với hình thức rất gần gũi cùng những nét chạm tự nhiên, mềm mại, ấm áp, đậm chất thẩm mỹ dân gian. Nghệ thuật cung đình gần như vắng bóng ở đình Vường, chúng ta ít thấy những hình tượng hổ phù dữ tợn, hay đề tài tứ linh, tứ quý được chạm khắc với những bố cục khuôn mẫu, phức tạp, đường nét khô cứng.

Trong kho tàng kiến trúc đình làng Việt, những ngôi đình còn lưu giữ được những mảng chạm khắc thuộc phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII) đến nay không nhiều. Với sự hiện diện của mình, đình Vường là điểm sáng trong dòng chảy chung của nghệ thuật kiến trúc truyền thống Việt Nam.

DI VẬT

Đình Vường còn lưu giữ khá nhiều di vật có giá trị với niên đại trải dài từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII) đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX – XX).

Ngay sau cửa vào ra ở gian giữa Đại đình, hai bên có bài trí hai ngựa thờ: một hồng, một bạch. Tại gian giữa Đại đình, phía trên cửa võng có bức hoành phi “Thượng đẳng thần”, còn phía trước là hai Hạc thờ đứng trên lưng rùa, mỏ Hạc chấm xà hạ, hai bên bài trí bộ chấp kích.

Tại gian Ống muống có đặt nhang án thờ, trên có một bát hương gốm Phủ Lãng thế kỷ XIX. Ngày thường dân làng thờ cúng hai vị Thành hoàng làng ở đây, coi như hình thức lễ vọng. Chỉ vào dịp lễ hội, Hậu cung mới được mở.

Phía ngoài Hậu cung có bức hoành phi “Thánh cung vạn tuế”. Trong hậu cung có một khám thờ được bưng ván gỗ, sàn cao, trên bài trí hai ngai thờ và bài vị Thành hoàng làng. Phía trước đặt một nhang án, trên bài trí các đồ thờ tự.

Hai ngai thờ đình Vường còn nguyên vẹn nét chạm khắc cổ xưa, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII. Nhang án đặt phía trước ngai thờ và bài vị cũng là một di vật có giá trị nghệ thuật, chạm khắc đẹp với các đề tài tứ quý (tùng, trúc cúc, mai).

Ngoài ra, đình Vường còn bảo lưu nhiều di vật khác có giá trị, như: kiệu bát cống, kiệu song hành, đèn gỗ, bảng văn, mâm bồng…; và những tài liệu - di sản Hán Nôm, như: văn bia, hoành phi, câu đối… Tất cả các di vật, tài liệu trên đều có niên đại thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn, duy chỉ có bộ kiệu bát cống là mới được phục chế sau này.

NIÊN ĐẠI ĐÁNH GIÁ

Đình Vường hiện không lưu giữ được niên đại khởi tạo trên cấu kiện kiến trúc. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, ngôi đình được tạo dựng cách đây khoảng trên 400 năm. Tuy nhiên, dựa vào phong cách nghệ thuật chạm khắc sớm nhất trên kiến trúc, có thể đoán định ngôi đình này được khởi tạo vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII).

Kể từ ngày khởi tạo đến nay, ngôi đình vẫn giữ nguyên vị trí, không có sự biến đổi về mặt bằng kiến trúc, nhưng một số cấu kiện kiến trúc trong đình đã được thay thế. Dòng lạc khoản trên kẻ góc chái Đại đình cho biết đình Vường được trùng tu vào niên hiệu Bảo Đại thứ 11, tức năm Bính Tý-1936; trong đợt trùng tu này đã thay một số đầu dư, hoành, xà, con rường và tháo bỏ một số mảng điêu khắc thời Lê. Có lẽ do một số hoành, xà được thay thế nên đình không còn niên đại khởi tạo (?).

Nằm trong không gian văn hóa cổ Kinh Bắc, đình Vường được đánh giá là một trong số rất ít những ngôi đình còn bảo lưu được gần như nguyên vẹn nét nghệ thuật kiến trúc độc đáo của thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII).

Đình Vường với những giá trị về kiến trúc và nghệ thuật - có thể là nguyên mẫu, tiêu bản cho những công trình kiến trúc nghệ thuật cổ còn không nhiều ở Bắc Giang. Bên cạnh giá trị kiến trúc và nghệ thuật, đình Vường còn có giá trị lịch sử và văn hóa - là nơi lưu giữ vốn di sản văn hóa phi vật thể quý giá của dân tộc. Cùng với lễ hội đền Dành, chùa Không Bụt, đình Vường đã và đang là địa chỉ đỏ trong phát triển du lịch sinh thái văn hóa tâm linh của huyện Tân Yên nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung.

LỄ HỘI

                                     Đoàn rước Thần tại Lễ Hội đền Dành

Đình Vường là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Lễ hội đình Vường tổ chức từ ngày 16 đến hết ngày 18 tháng giêng hàng năm. Hội đình Vường nằm trong không gian văn hóa vùng núi Dành cùng với lễ hội đền Dành, chùa Không Bụt,… tạo nên một không gian văn hóa vùng rộng lớn, thu hút nhiều du khách về tham quan, vãn cảnh ngày xuân. Ngày hội Đình có lệ rước kiệu từ đình Vường sang đền Dành và đình Giữa, đám rước kéo dài hàng cây số, nhộn nhịp đông vui khắp cả vùng trong làng ngoài núi. Đặc biệt trong ngày lễ hội, dân thôn Hậu còn có lệ đón dân kết ước thôn Cao Thượng xuống làm lễ tại đình Vường. Mối tình huynh đệ giữa hai địa phương được xây đắp từ lâu đời nay vẫn được duy trì gìn giữ.

Trong lễ hội đình Vường, bên cạnh nghi lễ tế Thành hoàng làng trang nghiêm, còn diễn ra các trò chơi dân gian như: chơi đu, cướp cầu, vật, chọi gà, cờ tướng, leo cầu kiều, thi nấu cơm… đã thu hút rất đông người đến tham dự. Nhưng có lẽ, lệ hát ống và hát ví diễn ra tại cửa đình là nét văn hóa độc đáo nhất trong lễ hội đình Vường. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc và riêng có trên vùng đất huyện Tân Yên.

Trong quá trình tồn tại khoảng từ thời Lê Trung Hưng đến nay, đình Vường là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa gắn liền với nhân dân địa phương. Trong kháng chiến chống Pháp, đây là nơi liên lạc, hội họp của dân quân du kích địa phương quanh vùng Yên Thế Hạ, liên quan chặt chẽ với căn cứ tiền tiêu núi Dành. Trong kháng chiến chống Mỹ, đình Vường là nơi cất giữ kho phim dự trữ quốc gia gần 10 năm.

Với giá trị về kiến trúc và nghệ thuật, đình Vường được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 154/BNV ngày 25 tháng 01 năm 1991 của Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch (nay là Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch).

Tin, bài: Đức Tính - Đoàn xã Liên Chung.

Bản đồ xã Tam Di Bản đồ xã Tam Di

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Tin hoạt động Tin hoạt động

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 10,890
Tổng số trong ngày: 3
Tổng số trong tuần: 190
Tổng số trong tháng: 800
Tổng số trong năm: 8,298
Tổng số truy cập: 17,881