Di tích Đình, Chùa lãn Tranh

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

https://anyflip.com/sdqay/egix

Đình, chùa Lãn Tranh

Đình, chùa Lãn Tranh trước kia thuộc xã Lãn Tranh, tổng Tuy Lộc Sơn, phủ Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Nay đình, chùa Lãn Tranh thuộc 3 thôn (Lãn Tranh 1, Lãn Tranh 2, Lãn Tranh 3), xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, làng Lãn Tranh đồng thời là xã Lãn Tranh thuộc tổng Tuy Lộc Sơn, phủ Yên Thế, tỉnh Bắc Giang gồm 3 làng: làng Giữa, làng Dưới, làng Trên. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 cấp tổng bị loại bỏ. Năm 1957 thành lập huyện Tân Yên, địa danh này thuộc xã Hòa Bình. Năm 1973 đổi tên là xã Liên Chung.

Căn cứ hiện trạng di tích, các nguồn tài liệu hiện vật, đồ thờ tự có trong di tích cho thấy đình Lãn Tranh được khởi dựng từ thời Lê Trung Hưng (khoảng thế kỷ XVIII). Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, năm 1946 nhân dân đã công đức một số đồ thờ tự bằng đồng và bằng gỗ cho cách mạng nên ngôi đình không còn được nguyên vẹn như  xưa. Đến nay nhân dân làng Lãn Tranh đã trùng tu lại ngôi đình bằng số nguyên vật liệu và hiện vật cũ. Đình, chùa được bố trí theo kiểu “Tiền thần hậu Phật” (đình trước chùa sau). Khu di tích mang vẻ  đẹp cổ kính của công trình kiến trúc đời Lê Trung Hưng có giá trị lịch sử, văn hóa. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đình, chùa Lãn Tranh còn là nơi phát triển lực lượng tự vệ, bảo vệ cán bộ cách mạng, cất giữ lương thực, thực phẩm phục vụ cho cuộc kháng chiến. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đình, chùa là nơi trại giam Kế về sơ tán.

Đình Lãn Tranh:

Căn cứ vào thực trạng di tích, vào các nguồn tư liệu và hiện vật như hoành phi, câu đối, văn cúng, văn tế, đồ thờ tự… có trong di tích và sự thờ phụng thành kính của nhân dân làng Lãn Tranh cho biết, đình Lãn Tranh thờ thần Cao Sơn, Quý Minh. Đình tọa lạc trên một gò đất hình con rùa ở rìa làng, trong một không gian yên tĩnh, nhìn ra hướng nam ghé đông. Phía trước đình là cánh đồng rộng bên trái là dòng sông Thương uốn lượn. Xung quanh 3 mặt là khu dân cư sinh sống đông

Đình Lãn Tranh (năm 2023).

đúc, tạo cho cảnh quan vừa yên tĩnh nhưng lại ấm áp tình làng xóm, thôn quê. Đi qua đường làng ta rẽ vào bãi đất rộng và vào sân đình. Sân đình hình vuông rộng rãi. Phía bên phải đình là sân bóng rộng, trước đây chính là ao cửa đình.

Đình Lãn Tranh có bố cục mặt bằng theo hình chữ Nhị, gồm: tòa tiền tế và tòa hậu cung.

Đi qua sân đình vào tòa tiền tế. Tòa này có bờ nóc đắp thẳng, bên trên có hình lưỡng long chầu nguyệt. Hai đầu hồi được xây theo kiểu tay ngai tam sơn giật cấp. Phía trước cạnh hồi của tòa tiền tế là hai cột đồng trụ có ghi hai câu đối. Tòa tiền tế có 5 gian 2 dĩ, cửa pa nô. Kích thước của mỗi gian rộng 2,5m, hai đầu dĩ rộng 0,5m. Chiều cao từ mặt nền đến nóc đình là 4,25m. Tòa này có 5 gian 6 vì và 5 hàng chân cột. Cột cái cao 3,55m, cột quân cao 2,7m, cột hiên cao 2,15m. Kết cấu kiến trúc của tòa tiền tế theo lối kẻ chuyền, giá chiêng.

Tòa hậu cung đình Lãn Tranh

Tòa hậu cung có gian 2 vì, giữa còn hai vì hồi gác tường xây bít đốc và 3 hàng chân cột bằng 6 cây cột. Mỗi gian có chiều rộng là 2,4m, chiều cao từ mặt đất nền đến nóc hậu cung là 3,50m. Khoảng cách giữa hai cột cái là 1,5m. Trong hậu cung có đặt nhang án được gá vào hàng chân cột quân và cột cái. Hai đầu hồi được xây theo kiểu tay ngai tam sơn giật cấp, phía mặt sau để buông thẳng. Mái đình được lợp ngói mũi cũ.

Cả hai tòa tiền tế và hậu cung đều có kết cấu kiến trúc theo lối kẻ chuyền, chồng rường, giá chiêng.

Nghệ thuật điêu khắc đình Lãn Tranh được thể hiện tập trung ở các cấu kiện kiến trúc. Đó là hệ thống chân cột, kết cấu kiến trúc, con tường, đấu kê, đầu dư, kẻ bẩy… Trên các đầu dư ở mỗi cột đều được khắc biểu tượng vân xoắn uốn lượn đẹp mắt, thể hiện ước muốn của người dân Việt Nam muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, để đời sống được ấm no.

Đặc biệt trong đình có những hệ thống chân cột to khỏe, vững chắc, các đấu kê, con tường đều được ăn khớp vào nhau vừa tạo ra dáng vẻ chắc khỏe, thanh thoát, đĩnh đạc. Điều đó khẳng định được tài năng sáng tạo của các nghệ nhân xưa, để có một công trình kiến trúc to đẹp, hoành tráng cho chúng ta ngày hôm nay.

Hai câu đối cổ ở cột đồng trụ đình Lãn Tranh được viết bằng chữ Hán đã được khôi phục lại năm 2021.

Cột bên trái:

Mặt phía trước: “Sùng từ khởi đống tráng tân cơ”(Đình thiêng gò nồi dựng nghiệp nay).

Mặt bên cạnh: “Đặc địa cao tiêu y cự chỉ”(Đất quý mốc cao kề chốn cũ).

Cột bên phải:

Mặt phía trước:“Linh thanh trạc trạc trấn nam thiên”(Đình thiêng rực rỡ động trời nam).

Mặt bên cạnh: “Chí đức dương dương truyền bắc địa”(Đức độ ngời ngời tràn đất bắc).

Ngoài ra trong đình Lãn Tranh còn lưu giữ được một cái yếm mặt trước của nhang án, trang trí cầu kỳ, đẹp mắt. Đó là những ô vuông khắc vạch, bên trong là hình tượng những con rồng chầu nguyệt  được sơn thếp, chạm trổ khéo. Do những giá trị lịch sử, văn hóa của đình Lãn Tranh nên đình đã được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa theo Quyết định số 172/QĐ-CT ngày 2/2/2005.

Chùa Lãn Tranh:

Căn cứ vào hiện trạng di tích, vào tài liệu và hiện vật cũng như kiến trúc cho thấy chùa Lãn Tranh được xây dựng vào thời Lê (cuối Lê đầu Nguyễn). Chùa Lãn Tranh có tên chữ “Sùng Nghiêm tự”. Ngôi chùa này xưa kia to rộng bề thế, được kết cấu kiến trúc mặt bằng theo lối “Nội Công ngoại Quốc”. Sư Oánh là người trụ trì ở đây lâu nhất.

Khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Giang và phủ Yên Thế, chúng bắn phá vào làng Lãn Tranh. Khu di tích đình, chùa bị hư hỏng nặng.

Chùa Lãn Tranh (năm 2023)

Hòa bình lập lại nhân dân làng Lãn Tranh đã đóng góp tiền của và công sức để tu sửa lại ngôi chùa làm nơi thờ tự. Chùa được xây dựng phía sau đình theo lối kiến trúc cổ truyền “Tiền thần hậu Phật”. Qua tam quan vào sân chùa. Tam quan chùa mới được xây dựng năm 2001. Cửa chính của tam quan phía trên có trang trí hình hổ phù. Trên hình hổ phù có gắn 3 chữ “Phúc lâm môn”. Hai bên cửa phụ có ghi hai câu đối, nội dung ca ngợi cảnh  chùa, phía trước tam quan hướng bên trái có cây đề xanh tốt. Dọc theo phía bên trái của sân chùa có nhiều cây mít, cây đa tạo cho cảnh chùa vừa yên tĩnh vừa mát mẻ thâm nghiêm. Sân chùa được lát bằng gạch chỉ. Sân chùa hình vuông. Bao quanh chùa được xây tường bảo vệ chắc chắn. Đi qua 4 bậc xây gạch xi măng vào tòa tam bảo.

Chùa Lãn Tranh có bố cục kiến trúc hình “chữ Đinh”, 5 gian tiền đường và 3 gian thượng điện được gắn kết chặt chẽ với nhau. Phía trước cửa chùa ở hai đầu hồi có hai cột đồng trụ, bên trên có đắp hình hai con nghê cũ thời Lê. Hai đầu hồi được xây theo kiểu tay ngai tam sơn giật cấp.

Tòa tiền đường có 5 gian, 2 dĩ, mỗi gian dài 2,5m, kết cấu chịu lực gồm có 6 vì với 5 hàng chân cột bằng 30 cây cột. Khoảng cách từ cột hiên đến cột quân là 1,2m, từ cột quân sến cột cái là 1,4 m, từ cột cái đến cột cái là 2,2 m, từ cột cái đến cột quân là 1,4 m. Kết cấu kiến trúc của tòa tiền đường theo lối kẻ tràng, độc trụ.

Tòa hậu cung có 4 gian, mỗi gian dài: 2,5m; 2,5m; 2,45m; 2,45m. Chiều cao từ mặt nền đến nóc là 4,2m, chiều cao cột cái 3,4m, chiều cao cột quân 2,5m, chiều cao cột hiên 1,7m và chiều cao dạ tàu là 1,4m. Tòa thượng điện có 4 vì, với 4 hàng chân cột bằng cây 16 cột, kết cấu kiến trúc theo kiểu kẻ chuyền, giá chiêng.

Chùa Lãn Tranh còn giữ được 40 pho tượng bằng chất liệu đất và gỗ mít. Những pho tượng này đẹp lung linh huyền ảo, mang rõ nét phong cách tượng của thời Lê. Cách bài trí tượng Phật chùa Lãn Tranh như sau:

Tòa tiền đường: Ở hai gian bên cạnh phía trái là bàn thờ Đức Ông, phụ tá cho tượng Đức Ông ở hai bên đó là Già Lam và Chân Tể. Tượng Đức Ông ngồi buông chân trên bệ, dưới dạng một ông quan đội mũ cánh chuồn, mặt đỏ, có kích thước cao thân tượng là 1,3m, mặt tượng rộng 18cm. Tượng ngồi dựa vào ngai hai đầu rồng trên bệ xây bằng gạch có kích thước 0,90m x 0,77m x 0,30m.

Cạnh bàn thờ Đức Ông là bệ tượng Kim Cương hay là ông Khuyến Thiện ngồi trên mình con sư tử, tượng cao thân ngồi 2,45m, mặt tượng rộng 0,45m, rộng hai gối là 0,75m. Tượng Khuyến Thiện đầu đội mũ kim khôi, đỉnh mũ có chiếc lá sen úp đội bình nước cam lồ. Mặt tượng hiền từ sơn màu hồng phấn, áo mặc có nhiều hoa văn, vân xoắn…

Gian hồi cạnh tượng ông Thiện là bàn thờ Mẫu. Hai gian bên phải tòa tiền đường là ban thờ tượng Thánh Hiền. Hỗ trợ cho tượng Thánh Hiền ở hai bên là tượng Diêm Nhiên và tượng Đại Sĩ. Tượng Thánh Hiền có kích thước chiều cao thân ngồi là 1,55m. Bệ tượng xây bằng gạch và xi măng có kích thước 0,90m x 0,90m x 0,55m. Tượng Thánh Hiền ngồi tư thế buông chân, tay trái cầm chén nước cam lồ,  tay phải trong tư thế thuyết pháp cứu độ, với hình tượng một nhà sư đội mũ tỳ lư thất phật.

Cạnh bệ tượng Thánh Hiền là bệ tượng Kim Cương, hay tượng Ông Ác ngồi trên mình con lân tay cầm cây đao. Tượng cao cả bệ là 3m, mặt đỏ dữ tợn đầu đội mũ kim khôi, đỉnh mũ có chiếc giản một mũi. Gian này còn có ban thờ Hồ Chủ tịch.

Tòa thượng điện có một bệ thờ chính được xây gạch giật cấp có kích thước 6,0m x 2,5m x 1,2m được bài trí như sau:

Hàng thứ nhất là ban thờ chính trên có bày đặt các đồ thờ tự như bát hương gốm Thổ Hà có kích thước rộng miệng là 0,25m cao thân là 0,17m. Hai mâm bồng và một đài thờ, một lọ độc bình, một lọ hoa. Sau bàn thờ chính là tòa Cửu Long. Chếch phía sau một chút ở hai bên là tượng Nam Tào và tượng Bắc Đẩu. Tòa Cửu Long Thích Ca sơ sinh cao cả bệ là 1,6m. Chân bệ có số đo 0,3m x 0,45m x 0,15m.

Tượng Phật Thích Ca có kiểu dáng độc đáo, là một chú bé sơ sinh một tay chỉ trời, một tay chỉ đất đứng trên đài sen với chín con rồng. Theo truyền thuyết kể rằng Thích Ca được sinh ra đã là Tổ của Phật, bởi mẹ của ngài gặp con Bạch Tượng tỏa ánh hào quang vào người từ đó có mang. Khi vừa được sinh ra có một đài sen đỡ ngài và xuất hiện chín con rồng phun nước tắm cho ngài. Mỗi bước đi của Thích Ca xuất hiện một đài sen đỡ chân ngài. Khi bước đến bước thứ bẩy thì chín con rồng cũng vừa phun hết nước, dừng lại Thích Ca tay trái chỉ trời, tay phải chỉ đất và nói rằng:“Thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn” (Trời cao đất thấp ta được suy tôn).

Hàng thứ hai là Phật Bà Quan Âm có 12 tay. Tượng có chiều cao thân ngồi là 0,65m được ngồi trên bệ có kích thước 0,45m x 0,18m. Cạnh hai bên là tượng Tiên Đồng, Ngọc Nữ tượng cao 0,60m đứng trên bệ tròn có kích thước 0,35m x 0,25m.

Hàng thứ ba là Vua Cha Ngọc Hoàng, tượng cao cả bệ 1,15m, ngồi trên bệ tròn có kích thước 0,85m x 0,35m, đầu đội mũ bình thiên, thân ngồi dưới dạng buông chân trên bệ.

Hàng thứ tư là bộ tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh, bao gồm tượng Thích Ca Mâu Ni Phật ngồi ở giữa, trợ thủ hai bên là Bồ Tát Văn Thù và tượng Phổ Hiền. Tượng Thích Ca hay còn gọi là tượng Hoa Niêm. Tượng ngồi trên đài sen tay trái kết ấn, tay phải giơ bông sen. Tượng cao cả bệ là 1,4m, vai rộng 0,25m ngồi trên đài sen có số đo là 0,45m x 0,15m.

 Tượng Phật Thích Ca tại chùa Lãn Tranh

 

 

Phật Bà Quan Âm tại chùa Lãn Tranh

 

Hàng thứ năm là bộ tượng Di Đà Tam Tôn gồm A Di Đà Phật ngồi ở giữa, bên trái là tượng quan Thế Âm Bồ Tát. Tượng cao cả bệ là 1,3m vai rộng 0,38m mặt tượng rộng 0,15m ngồi trên đài sen có kích thước là 0,54m x 0,55m.

Hàng thứ sáu là tượng Tam Thế Phật, đều ngồi trên đài sen, tượng cao 0,75m, mặt tượng rộng 0,12m, vai rộng 0,36m ngồi trên đài sen có kích thước là 0,58m x 0,47m. Cả ba hàng tượng thứ 4,5,6 đều có màu vàng bạch kim, tóc xoắn ốc biểu hiện trí tuệ của nhà Phật.

Hai bên sườn của thượng điện là bộ tượng Thập Điện Diêm Vương gồm 10 pho tượng. Ở cuối hàng Thập Điện Diêm Vương về phía bên phải có đặt tượng Thổ Địa râu trắng, tóc trắng. Cuối hàng ở bên trái là tượng Địa Tạng. Cuối cùng là tượng Quan Âm Thị Kính. Những pho tượng Thập Điện Diêm Vương này đều có trang phục theo lối nhà vua, đầu đội mũ bình thiên, mặc áo long bào.

Ngoài hệ thống tượng Phật cổ, trong chùa có một số đồ thờ tự, hiện vật có giá trị được nhân dân bảo quản tốt như:

  • Hệ thống bát hương gồm 6 cái, trong có 4 bát hương cổ bằng gốmThổ Hà đường kính miệng rộng 0,25m, chiều cao là 0,17m.
  • Hai cái mâm bồng bằng gỗ cao 0,3m, đường kính miệng 0,40mMột đài thờ bằng gỗ cao 0,3m…

Đình, chùa Lãn Tranh công trình văn hóa tín ngưỡng của nhân dân Lãn Tranh, từ xưa tới nay là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân làng Lãn Tranh, là nơi gửi gắm tâm linh của người dân trong vùng.

Tòa hậu cung của chùa nhìn từ ngoài vào

Hằng năm vào ngày 15 tháng Giêng nhân dân lại mở hội để tỏ lòng biết ơn đối với những người có công với dân tộc. Ngoài tiết lệ chính trong năm đình, chùa Lãn Tranh còn là nơi giải quyết bàn bạc công việc của làng gọi chung là “việc làng”.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình, chùa Lãn Tranh đã có những đóng góp to lớn. Là nơi cất giấu vũ khí đạn dược, nơi trú quân, nơi tập kết, nơi nhận quân của một số đơn vị bộ đội và dân quân địa phương lên đường đánh giặc.

Bên cạnh những giá trị ý nghĩa về lịch sử, khu di tích đình, chùa Lãn Tranh còn là những công trình kiến trúc văn hóa đặc sắc, tiêu biểu. Nghệ thuật kiến trúc chạm khắc tài hoa. Hệ thống tượng Phật ở chùa và một số đồ thờ tự có giá trị cao, được nhân dân bảo quản tốt.

Một số hiện vật trong đình Lãn Tranh:

  • Bát bửu: một bộ bằng gỗ.
  • Trống: một cái đường kính mặt là 0,50m, thân trống cao 0,75m.

Bộ mõ tại chùa Lãn Tranh

  • Chiêng đồng: một cái đường kính mặt chiêng 0,30m
  • Kiệu bát cống: một bộ bằng gỗ, đòn dọc dài 4m, đòn ngang 2,5m.- Bài vị: một cái bằng gỗ cao 0,45m.
  • Nhang án: một cái bằng gỗ được sơn thếp đẹp có kích thước 1,3mx 0,75m x 1,3m, và một số đồ thờ tự có giá trị khác.
  • Câu đối ở tam quan chùa:“Tự tích hoa lâm truyền thế đạo/Vu kim mộ phúc mãn trung thôn”. (Từ xưa thiền phái Trúc Lâm trên chùa Hoa Yên đã truyền đạo phật  cho đời/Cho đến nay tỏ lòng ngưỡng mộ phúc

thì phúc sẽ tràn đầy trong thôn).                                                                   

Hoành phi trong chùa: “Phúc lâm môn” (Nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với ngôi chùa này)

  • Câu đối ở trong chùa: “Chí đức dương dương truyền Bắc địa/Linh thanh trạc trạc trấn Nam thiên” (Tu cho đời được rực rỡ vẻ vang sẽ được hưởng ân huệ lâu dài/Người đời xưa có văn tài đức lớn trước tiên phải tự mình tạo dựng).        

Nguyễn Văn Tính - (Trích Cuốn Di sản văn hoá xã Liên Chung ( Tr80 đến Tr90) Nhà xuất bản văn hoá Dân tộc)

 

 

 

 

 

Bản đồ xã Tam Di Bản đồ xã Tam Di

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Tin hoạt động Tin hoạt động

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 12,686
Tổng số trong ngày: 7
Tổng số trong tuần: 70
Tổng số trong tháng: 187
Tổng số trong năm: 7,685
Tổng số truy cập: 17,268