Về Bắc Giang du xuân leo núi trẩy hội đền Dành

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Khu di tích lịch sử đền Dành thuộc thôn Hậu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên (Bắc Giang). Nằm cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 15 km về phía Tây Bắc, cách trung tâm thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên khoảng 7 km về phía Đông Nam.

Đền Dành được khởi công xây dựng từ thời Lê (thế kỷ thứ XVIII), trên đỉnh núi Chung Sơn, độ cao 117 mét so với mực nước biển. Đền Dành xưa thuộc làng Hậu, xã Chung Sơn thuộc tổng Tuy Lộc Sơn, phủ Yên Thế, tỉnh Kinh Bắc. Nay thuộc thôn Hậu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. 

Khu di tích lịch sử đền Dành là công trình văn hoá tín ngưỡng của nhân dân địa phương xã Liên Chung. Khu di tích lịch sử đền Dành có 03 ngôi đền gồm: Đền Trình (dưới chân núi Dành); đền Thượng và đền Mẫu trên đỉnh núi Dành. Đền thờ thần Cao Sơn, Quý Minh, khi sống là các vị tướng tài năng, thác đi biến thành các vị thần linh thiêng, hiển thánh lại âm phù, cứu dân trừ tai diệt họa, được nhân dân nhiều đời thờ phụng. Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, đón chào năm mới, ngay từ phút giao thừa đã có du khách viếng thăm và thắp hương tại đền Dành.

Từ sáng ngày mồng 1 âm lịch (Tết Nguyên đán) du khách thập phương gần xa lại nô nức kéo về du xuân trẩy hội cả những tháng mùa xuân quý I đầu năm tại Di tích lịch sử đền Dành. Địa phương tổ chức mở lễ hội truyền thống vào 3 ngày, gồm ngày 19,20, 21 âm lịch tháng giêng hàng năm. 

Một số hình ảnh những ngày đầu năm mới xuân Quý Mão 2023 tại Khu di tích lịch sử đền Dành: 

Mới hơn 7 giờ sáng những ngày đầu xuân mới Quý Mão 2023, du khách thập phương đã nô nức đổ về du xuân trẩy hội đền Dành
Lực lượng Công an xã Liên Chung (huyện Tân Yên) thường xuyên có mặt tổ chức điều tiết giao thông và đảm bảo ANTT lễ hội. 
Các phương tiện ô tô, xe máy tới lễ hội được bố trí vào bãi gửi xe đảm bảo rộng rãi, an toàn, trật tự. 
Du khách sau khi viếng thăm đền Trình (bên trái) điểm đến đầu tiên ngay dưới chân núi Dành sau đó tiếp tục cuộc hành trình leo núi Dành tới đền Mẫu và đền Thượng trên đỉnh núi Dành cao 117 m so với mực nước biển. 
Những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, mỗi ngày có hàng nghìn du khách xa gần nô nức đổ về Khu di tích lịch sử đền Dành vãng cảnh, du xuân Quý Mão 2023.  
Những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, mỗi ngày có hàng nghìn du khách xa gần nô nức đổ về Khu di tích lịch sử đền Dành vãng cảnh, du xuân Quý Mão 2023.  
Dọc con đường lên núi Dành có Bảng Nội quy nhắc nhở du khách chấp hành theo các quy định khi tới thăm khu di tích.
Một Bảng nội quy tuyên truyền Bảo vệ rừng cảnh quan khu di tích được Hạt Kiểm lâm Tân - Việt - Hòa bố trí lắp đặt trên tuyến đường dẫn lên núi Dành.
Em bé được mẹ dắt từng bước tập leo núi Dành.  
Dọc con đường lát đá lên núi Dành được bố trí các chiếu nghỉ lát đá bằng phẳng và một số ghế đá giúp du khách dừng chân nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe để tiếp tục hành trình. 
Em Trịnh Hồng Gia Linh (6 tuổi) - học sinh lớp 1 Trường Tiểu học xã Hợp Đức, huyện Tân Yên (Bắc Giang) ý thức vệ sinh môi trường tại lễ hội đền Dành.  
Sau khoảng 45 phút đồng hồ leo núi, đền Mẫu và đền Thượng hiện ra trước mắt du khách giữa quần thể rừng thông cổ thụ bao bọc. Lên cao những làn gió thổi xuân liên tục tạo ra âm thanh từ những chùm lá Thông ru hát reo vi vu trong nắng. Du khách sẽ cảm giác xua tan hết những mệt mỏi sau chặng đường leo núi trải qua 450 bậc đá tới đền. (Ảnh chụp từ trên cao).
Toàn cảnh đền Thượng và đền Mẫu và nhà sắp lễ trên đỉnh ngọn núi Dành. (Ảnh chụp từ trên cao). 
Quang cảnh du khách tới viếng thăm đền Thượng những ngày đầu năm mới 2023.
Thành tâm kính lễ cầu bình an may mắn tại đền Thượng. 
Phía trước bên ngoài đền Mẫu. 
Lò hóa vàng mã được bố trí đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn phòng chống cháy nổ.
Sau khi viếng đền thắp hương cầu may mắn bình an, nhiều du khách hòa mình vào thiên nhiên giữa không gian rừng thông cổ thụ Check - in kỷ niệm đầu mùa xuân. 
Chị Nguyễn Thị Huệ (đầu tiên bên trái) ở huyện Hoài Đức, TP Hà Nội cùng chị Trần Thị Sơn (giữa) ở xã Việt Lập huyện Tân Yên (Bắc Giang) cùng con trai (đầu tiên bên phải) chụp ảnh lưu niệm tại núi Dành.
Em Nguyễn Huy Hoàng (bên trái) và Nguyễn Thị Huyền Trang (bên phải) ghi lại khoảnh khắc bên rừng thông di tích đền Dành. 
Trò chơi dân gian đánh đu luôn được duy trì tại lễ hội đền Dành, có sức cuốn hút rất nhiều thanh niên nam nữ tham gia giúp rèn luyện sức khỏe. 
Những ngày này các trục đường giao thông lối dẫn vào địa phận xã Liên Chung (huyện Tân Yên ) luôn được treo các pa nô trang hoàng thông báo sự kiện lễ hội đền Dành. 

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, ông Dương Minh Hiểu, Chủ tịch UBND xã Liên Chung, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội đền Dành năm 2023 cho biết:  “Năm nay, lễ hội đền Dành tổ chức vào 3 ngày 19,20,21 (AL), tháng giêng, tức ngày mồng 9, 10,11 (DL) tháng 2 năm 2023. Phần lễ có nghi lễ diễu rước thần; tế thần. Phần hội có chương trình văn nghệ chào mừng; hát ống, hát ví Liên Chung và giao lưu văn nghệ; thi thổi cơm niêu; đấu bóng chuyền; đấu vật truyền thống; kéo co; chơi đu... Tại lễ hội có các gian hàng bán và giới thiệu đặc sản của địa phương phục vụ du khách như sâm Nam núi Dành; nem nướng Liên Chung. Hy vọng, du khách về với lễ hội đền Dành, xã Liên Chung,  huyện Tân Yên (Bắc Giang) xuân Quý Mão năm 2023 sẽ để lại ấn tượng khó quên về vùng đất Tân Yên địa linh nhân kiệt đang khởi sắc, đổi mới từng ngày”./.  

Nguồn: Trần Ngọc Sơn ( Báo môi trường và đô thi)

Đăng tin: Đức Tính

Bản đồ xã Phương Sơn Bản đồ xã Phương Sơn

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 10,385
Tổng số trong ngày: 133
Tổng số trong tuần: 270
Tổng số trong tháng: 838
Tổng số trong năm: 8,458
Tổng số truy cập: 18,025