Truy cập nội dung luôn

Các giá trị tiêu biểu của Cụm di tích Tiên Lục

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
          Theo Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, Cụm di tích Tiên Lục (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) có nhiều giá trị quý và đặc sắc về văn hóa, lịch sử và kiến trúc, nghệ thuật xứng đáng là di tích quốc gia đặc biệt.

Giá trị về văn hóa, lịch sử

          Theo Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, Cụm di tích Tiên Lục nằm trong vùng đất cổ, xưa có tên Nôm là làng “Luộc", có địa thế phong thuỷ giao hoà. Thời phong kiến, Tiên Lục đã từng được vua ban tặng cho 4 chữ “Mỹ tục thuần phong” bởi còn lưu giữ được bản sắc văn hóa đặc sắc.

          Sự kết hợp hài hoà giữa không gian cảnh quan và những nét văn hoá truyền thống đã tạo cho Cụm di tích Tiên Lục một quần thể công trình kiến trúc nghệ thuật nổi bật với các ngôi đình, đền, chùa cổ kính, linh thiêng có lịch sử xây dựng từ lâu đời và được trùng tu, tôn tạo thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII). Đây là một cụm kiến trúc độc đáo không chỉ riêng trong tỉnh Bắc Giang mà tại vùng đồng bằng Bắc Bộ cũng rất hiếm lưu giữ được hệ thống di tích đầy đủ như vậy.

Các giá trị tiêu biểu của Cụm di tích Tiên Lục ảnh 1

 

Cây dã hương cổ là một giá trị nổi bật, đặc sắc ở Cụm di tích Tiên Lục

          Căn cứ theo các nguồn tư liệu lịch sử, tư liệu Hán Nôm như cây hương đá (chùa Phúc Quang), hệ thống hoành phi, câu đối, nội dung minh văn ghi trên chuông tại chùa có niên hiệu Vĩnh Thịnh Thứ 3 ( năm 1707) cho biết "Chùa Phúc Quang vốn là một cổ tích danh lam".

          Như vậy, có thể nhận định chùa Phúc Quang có lịch sử từ lâu đời và được biết đến như một danh lam cổ tự nổi tiếng trong vùng. Hiện nay, các di tích ở đây vẫn bảo lưu được tương đối nguyên vẹn cấu trúc, hình dáng và các mảng chạm khắc trang trí trên các cấu kiện kiến trúc với nhiều chủ đề độc đáo, phong phú mang phong cách thời Lê.

          Cụm di tích Tiên Lục còn sở hữu hệ thống tượng Phật cổ và nhiều di vật, cổ vật có giá trị. Trong chùa Phúc Quang còn bảo lưu gần 100 pho tượng Phật trong đó phần lớn là những pho tượng Phật cổ thời Nguyễn (thế kỷ XIX-XX) được bài trí ở. ở các điểm di tích đình, đền còn bảo lưu được khá nhiều đồ thờ, đồ rước, hiện vật cổ quý có giá trị.

          Cụm di tích Tiên Lục luôn thể hiện vai trò là trung tâm sinh hoạt văn hoá tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân theo tín ngưỡng, tôn giáo miền Bắc Việt Nam. Điều đặc biệt ở đây, có vị thần là cây dã hương , được Vua Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786) phong cho cây là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương, nghĩa là cây dã hương to đẹp nhất nước”.

Các giá trị tiêu biểu của Cụm di tích Tiên Lục ảnh 2

Tọa đàm về bảo tồn, phát huy giá trị Cụm di tích Tiên Lục thu hút nhiều nhà nghiên cứu tham gia

          Trong lịch sử, cây dã hương được nhắc đến trong cuốn Việt Lược Sử cổ nhất của nước Việt, đó cũng là thời kỳ nước ta còn mang tên Đại Việt. Từ đó, nhân dân Tiên Lục vẫn luôn gìn giữ và bảo vệ cây dã hương như một báu vật của quê hương. Đây là yếu tố văn hóa mang tín ngưỡng dân gian vô cùng đặc biệt duy nhất chỉ có tại tỉnh Bắc Giang, cũng như Việt Nam.

Giá trị kiến trúc, nghệ thuật

Cụm di tích Tiên Lục là những công trình văn hoá tâm linh có giá trị nổi bật về kiến trúc, nghệ thuật được thể hiện trên nhiều mặt Mặc dù đã trải qua hơn 300 năm, nhưng Cụm di tích Tiên Lục còn bảo lưu được nhiều mảng chạm khắc thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII) và đan xen giữa các mảng chạm khắc thời Nguyễn (thế kỷ XIX) để thấy được sự chuyển giao, tiếp biến, kế thừa về loại hình kiến trúc, nghệ thuật trong các giai đoạn lịch sử của dân tộc.

Một số đề tài chạm khắc tiêu biểu tại Cụm di tích Tiên Lục. Đề tài “đấu vật”: được nghệ nhân lột tả, thả hồn trên từng thớ gỗ, từng chi tiết kiến trúc ở đình Viễn Sơn, đó là hai người đàn ông cởi trần đóng khố, đang trong tư thế tay phải khoác vào cổ đối phương, tay trái nắm lấy tay nhau, cả hai lại hướng mặt ra phía khán giả với tinh thần phấn khởi, tươi cười vui vẻ.

Đề tài “Tiên nữ cưỡi rồng” được đặc tả phổ biến trong trong các mảng chạm khắc tại đình Viễn Sơn gắn với ý nghĩa sâu xa đó hình tượng tiên và rồng quấn quýt bên nhau còn được coi là một biểu tượng vừa linh thiêng may mắn, vừa đại diện cho tầng lớp cao quý nhưng hình tượng này vẫn gần gũi với nhân dân.

Các giá trị tiêu biểu của Cụm di tích Tiên Lục ảnh 3

Cụm di tích Tiên Lục (huyện Lạng Giang, Bắc Giang)

Cụm di tích Tiên Lục đại diện cho kỹ thuật chạm khắc gỗ giai đoạn thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII). Các mảng chạm khắc mang phong cách thời Lê Trung Hưng đã xuất hiện ở rất nhiều các loại hình di tích, song với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo như ở Cụm di tích Tiên Lục thì rất hiếm gặp ở nơi khác. Kỹ thuật chạm được áp dụng phổ biến là kỹ thuật chạm kênh bong.

Kỹ thuật này là sự kết hợp của hai thủ pháp chạm nổi và chạm lộng, tạo thành nhiều lớp, nhiều không gian ngay trên một khối gỗ, một chủ tài. Cùng đó là kỹ thuật đồng hiện hóa được áp dụng phổ biến để thổi hồn lên các đề tài trang trí. Các đề tài và hoạt cảnh được thể hiện đồng thời gắn kết với nhau mà không có sự ngăn cách hay tách bạch một cách rõ ràng trên các đồ án trang trí dù cùng thể hiện trên một mảng chạm.

Sự khác biệt với nhiều ngôi đình là toàn bộ khung gỗ của Cụm di tích Tiên Lục đều để trần, không sơn son thếp vàng, mà mộc mạc nhưng vẫn phô diễn được sự tinh tế, tài khéo của các nghệ nhân xưa. Các kết cấu kiến trúc và nội dung chạm khắc đã thể hiện tài năng của hai hiệp thợ xưa tham gia xây dựng đình.

Theo phân công của các dòng họ, dòng họ Trần đứng ra xây dựng đình Viễn Sơn, dòng họ Hoàng đứng ra xây dựng đình Thuận Hòa. Do đó, phong cách chạm khắc trên các cấu kiện kiến trúc đã bộc lộ hai phong cách hoàn toàn khác nhau. Đình Viễn Sơn tuy nhiều mảng chạm khắc, nhiều đề tài nhưng lại được tỉa tót thoáng đạt, đường nét chạm khắc phóng khoáng thô sơ, mộc mạc với phong cách tả thực gắn với đời sống nhân dân.

Ngược lại, đình Thuận Hòa đề tài chủ yếu là rồng và với đường nét chạm khắc trau chuốt, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ. Song tất cả đều mang chuẩn mực, mang nét chung hiếm có và phản ánh giá trị kiến trúc chạm khắc thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII).

Bảo Tàng tỉnh Bắc Giang nhận định, Cụm di tích Tiên Lục đã giúp có cái nhìn đầy đủ hơn về quan niệm thẩm mỹ trong điêu khắc và trang trí kiến trúc thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Tất cả tạo nên nét độc đáo, đặc sắc trong kiến trúc nghệ thuật trong Cụm di tích Tiên Lục (chùa Phúc Quang, đền Tiên Lục, đình Thuận Hòa,đình Viễn Sơn), huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.

 

Thứ hai, 03 Tháng 06 Năm 2024

Video Video

Bản tin truyền thanh Bản tin truyền thanh

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 13,809
Tổng số trong ngày: 84
Tổng số trong tuần: 2,235
Tổng số trong tháng: 2,765
Tổng số trong năm: 62,967
Tổng số truy cập: 157,450