Truy cập nội dung luôn

Đảng bộ huyện Lạng Giang hơn 7 thập kỷ xây dựng và trưởng thành

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Cách đây vừa 76 năm, ngày 25/3/1948, Đảng bộ huyện Lạng Giang chính thức được thành lập. Trải qua với 22 kỳ đại hội, đến nay Đảng bộ huyện đã có trên 8.600 đảng viên trong toàn Đảng bộ đã không ngừng lớn mạnh và có những bước trưởng thành vượt bậc. Đảng bộ huyện Lạng luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực, sức chiến đấu, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, từng bước đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trong mỗi thời kỳ cách mạng. Kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện, là dịp để Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong huyện ôn lại truyền thống lịch sử của Đảng bộ, tự hào về những thành tựu đạt được, quyết tâm phấn đấu xây dựng huyện Lạng Giang trở thành huyện phát triển bền vững là một trong 4 huyện, thành phố của tỉnh được xác định là vùng trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Lịch sử mảnh đất Lạng Giang anh hùng

Lạng Giang là một vùng quê được hình thành và có tên gọi rất sớm trong lịch sử các tên làng, tên xã Việt Nam. Qua nhiều giai đoạn biến đổi của đất nước, ranh giới và tên gọi hành chính của Lạng Giang cũng nhiều lần thay đổi, đã để lại trên mảnh đất này biết bao dấu tích lịch sử của cha ông ta trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Ngày 25/3/1948, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra Sắc lệnh số 148-SL, bãi bỏ các danh từ, phủ, châu, quận để thống nhất gọi là huyện. Thực hiện Sắc Lệnh của Chủ tịch nước, phủ Lạng Giang được gọi là huyện Lạng Giang. Ngay từ những ngày đầu thành lập, trong điều kiện còn gặp muôn vàn khó khăn, thử thách của "giặc đói", "giặc dốt" và giặc ngoại xâm, nhưng Đảng bộ  đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, từng bước ổn định đời sống vật chất cho nhân dân.

Trong lịch sử chống giặc phương Bắc xâm lược, mảnh đất này là địa bàn chiến lược quan trọng, nằm trên con đường thiên lý Bắc - Nam, là phên dậu cho thành Thăng Long, Đông Đô. Chiến thắng Cần Trạm-Hố Cát- Xương Giang năm 1427, đánh tan 10 vạn quân xâm lược nhà Minh, là thắng lợi rực rỡ nhất trong cuộc chiến tranh giành độc lập của nhân dân ta chống lại sự xâm lược của phong kiến phương Bắc, góp phần cùng với quân dân cả nước chấm dứt 20 năm đô hộ tàn bạo của Nhà Minh, mở ra những trang mới trong lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc.

 Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, Phủ Lạng Giang cũng là nơi sớm tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa Mác- Lênin và con đường cách mạng vô sản do đồng chí Nguyễn Ái Quốc lựa chọn và truyền bá về nước. Cuối năm 1938, chi bộ Phủ Lạng Thương được thành lập. Chi bộ Phủ Lạng Thương được coi như một Ban cán sự Đảng của tỉnh Bắc Giang, lãnh đạo phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh. Trong những năm thực hiện chương trình cứu nước của Mặt trận Việt Minh, phong trào cách mạng ở Phủ Lạng Giang đã trưởng thành nhanh chóng, tạo điều kiện bảo vệ và củng cố cơ sở cách mạng tiến tới giành chính quyền. Bằng cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân các dân tộc Phủ Lạng Giang đã cùng nhân dân cả nước đập tan xiềng xích của thực dân, phong kiến, mở ra kỷ nguyên nhân dân lao động thực sự làm chủ đất nước; nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, là Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Trong 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, huyện Lạng Giang đã có hơn 2.700 liệt sỹ, hàng nghìn thương binh, bệnh binh bỏ lại một phần xương máu của mình ở chiến trường vì độc lập tự do của Tổ quốc; 57 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", 09 xã, thị trấn và 04 cá nhân được Đảng, Nhà nước phong, truy tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân". Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân". Lực lượng Công an huyện được phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng Công an nhân dân".

Trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Lạng Giang tự hào đã đóng góp công sức không nhỏ của mình cùng nhân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu. Sau kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, huyện Lạng Giang bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, tích cực phát triển kinh tế, xã hội, tập trung thực hiện các chủ trương quan trọng của đất nước, của tỉnh và của huyện. Đây là nhiệm vụ mới, gặp nhiều vấn đề, phức tạp về chính trị, kinh tế, tư tưởng, tình cảm, tín ngưỡng, tâm linh, nhưng vì lợi ích chung, nhân dân đã tích cực hưởng ứng, đó là điểm gặp nhau giữa "Ý Đảng, lòng Dân".

Tiếp nối truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc Lạng Giang đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ cùng cả nước hành quân chống Mỹ cứu nước. Với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", quân và dân Lạng Giang đã đóng góp cho tiền tuyến gần 30 nghìn tấn lượng thực, trên 1.500 tấn thực phẩm và hàng nghìn thanh niên lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu... góp phần cùng cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc vào mùa xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hơn 7 thập kỷ xây dựng và phát triển của huyện Anh hùng

Phát huy truyền thống của huyện anh hùng trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo 76 năm qua, đặc biệt là từ năm 2.000 đến nay; mặc dù còn gặp nhiều khó khăn thách thức do xuất phát điểm kinh tế của huyện thấp; phần lớn dân số sống ở nông thôn và thu nhập chính là từ nông nghiệp. Song, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Lạng Giang đã đoàn kết thống nhất, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi, khắc phục những khó khăn, thách thức; vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào hoàn cảnh thực tế của địa phương đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; liên tục nhiều năm liền dẫn đầu phong trào thi đua khối huyện thành phố của tỉnh. Kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ khá, năm sau cao hơn năm trước. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 14,6%, trong đó: Nông - Lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,9%; Công nghiệp- xây dựng tăng 18,6%; dịch vụ tăng 13,4%. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,24%.

          Trong xu thế hội nhập và phát triển, phát huy những lợi thế và điều kiện tự nhiên của huyện, trong những năm qua các cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung  cao các giải pháp khuyến khích, thu hút các nguồn lực đầu tư vào địa bàn, tập trung đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại và sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Hiện nay trên địa bàn có hàng trăm doanh nghiệp, hàng nghìn hộ sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động ở địa phương.

          Trong sản xuất nông nghiệp, là huyện có tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi tích cực. Đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân 143 triệu đồng/ha đất canh tác. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với xây dựng chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và phát triển nông nghiệp công nghệ cao là mục tiêu mà huyện đang hướng tới. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung như: sản xuất nấm ở Tiên Lục, Tân Thanh, Tân Dĩnh, Nghĩa Hưng...; Vùng trồng lúa chất lượng tại các xã: Tân Hưng, Đào Mỹ, Mỹ Thái, An Hà đạt 80-90 triệu đồng/ha; vùng trồng dưa bao tử các xã Quang Thịnh, Xương Lâm, Đào Mỹ đạt 200 triệu đồng/ha; vùng trồng dứa tại các xã: Hương Sơn, Tân Thanh, Tiên Lục, Hương Lạc, Xương Lâm đạt 350 triệu đồng/ha; vùng trồng hoa chuyên canh ở xã Thái Đào, Tân Dĩnh... Chương trình OCOP mỗi xã một sản phẩm được đẩy mạnh, đến nay toàn huyện có 25 sản phẩm được công nhận đánh giá, phân hạng đạt chuẩn OCOP 3 sao.

          Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Lạng Giang tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp duy trì, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới; xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, xác định lộ trình, ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ phù hợp; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân,
doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện. Lạng Giang đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2019. Đến hết năm 2023, toàn huyện đã có 12/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 02 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và 77/95 thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Những kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới mang lại cho huyện thời gian qua đó là: Hạ tầng nông thôn được đầu tư nâng cấp đáng kể, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, cơ cấu kinh tế, lao động tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc...

Sự nghiệp văn hoá - xã hội đạt nhiều thành tích nổi bật. Hệ thống trường lớp phát triển đa dạng cả về quy mô và loại hình, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trong huyện. Mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở thường xuyên được củng cố, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.  Đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, nhiều giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể được bảo tồn, phát huy.

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" được đông đảo nhân dân hưởng ứng và trở thành phong trào quần chúng rộng rãi. Chất lượng các làng văn hóa, gia đình văn hóa được nâng lên. Năm 2023, toàn huyện có trên 55.400 gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 94,5%; có 220/261 thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu làng văn hóa bằng 84,3% tổng số thôn, tổ dân phố; có 101 làng đạt làng văn hóa "sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn" (bằng 45,9% tổng số làng, TDP đạt làng văn hóa). Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao được phát triển rộng khắp.

          Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực. Lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp được nâng lên; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc. Đến nay, toàn Đảng bộ huyện có 39 chi, đảng bộ trực thuộc, với trên 8.600 đảng viên. Đảng bộ và nhân dân huyện Lạng Giang 8 năm liên tục (từ năm 2002 đến năm 2009) được Chính phủ tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua khối huyện, thành phố tỉnh Bắc Giang; năm 2010 được tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh; năm 2005 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, năm 2007 được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba và ngày 02/7/2010, Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhân dân và cán bộ huyện Lạng Giang. Đây là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạng Giang. Những kết quả đó đã tăng thêm niềm phấn khởi tự hào và niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, đồng thời khẳng định sự phát triển của huyện có tính truyền thống và bền vững.         

          Với niềm phấn khởi, tự hào, chúng ta tin tưởng rằng, Đảng bộ huyện Lạng Giang sẽ hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình. Cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc huyện Lạng Giang đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đã đề ra.

 

Nguyễn Lượng

Thứ năm, 13 Tháng 06 Năm 2024

Video Video

Bản tin truyền thanh Bản tin truyền thanh

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 15,206
Tổng số trong ngày: 2,121
Tổng số trong tuần: 9,565
Tổng số trong tháng: 18,304
Tổng số trong năm: 78,506
Tổng số truy cập: 172,989