Các ý kiến, kiến nghị của cử tri đang được xem xét, giải quyết lĩnh vực kinh tế - ngân sách (Phần IV)

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

STT

Nội dung kiến nghị của cử tri

Thời hạn dự kiến hoàn thành

Cơ quan tham mưu, giải quyết

 

LĨNH VỰC KINH TẾ VÀ NGÂN SÁCH

 

 

01

Cử tri xã Giáo Liêm, huyện Sơn Động phản ánh: Công ty TNHH Á Cường khai thác quặng trên địa bàn xã, đến nay đã hết hạn hợp đồng thuê đất hơn 02 năm nhưng công ty không hoàn trả hiện trạng đất ban đầu. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, xem xét và yêu cầu Công ty TNHH Á Cường hoàn nguyên môi trường.

Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND huyện Sơn Động, UBND xã Giáo Liêm, Trưởng thôn, Bí thư thôn Rèm, thôn Giáo Liêm làm việc với Công ty Cổ phần tập đoàn khoáng sản Á Cường, kết quả như sau:

Công ty cổ phần tập đoàn khoáng sản Á Cường được Chủ tịch UBND tỉnh cấp phép tận thu mỏ đồng Làng Lân tại khu vực thôn Rèm và thôn Đá Cối, xã Giáo Liêm, huyện Sơn Động, với diện tích 18,2ha, trữ lượng cấp phép là 97.209 tấn, thời hạn đến tháng 12/2012 và đã được Chủ tịch UBND tỉnh cho phép tiếp tục tận thu đất, đá khu vực bãi thải mỏ đồng Làng Lân trong quá trình thực hiện đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản để trộn với quặng đồng có hàm lượng cao hơn; thời gian cho phép tận thu đến hết tháng 02/ 2017. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy hiện trạng mặt bằng mỏ sau kết thúc khai thác mấp mô, một số chỗ tạo hố sâu (hố mỏ), tầng khai thác chưa được cắt tầng, có độ cao lớn (khoảng 15m) và có độ dốc đứng (góc dốc khoảng 800) gây nguy hiểm và mất an toàn. Sau buổi làm việc, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 2250/TNMT-TNKS ngày 07/9/2018 yêu cầu Công ty Cổ phần tập đoàn khoáng sản Á Cường san gạt mặt bằng, lấp hố mỏ, cắt tầng đưa mỏ về trạng thái an toàn; hoàn thiện hồ sơ đóng cửa mỏ, trình phê duyệt và thực hiện theo quy định theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 432/UBND-TN ngày 26/02/2014.

Hiện nay, Công ty cổ phần tập đoàn khoáng sản Á Cường đang phối hợp với UBND xã tiến hành san gạt mặt bằng, cắt tầng đưa mỏ về trạng thái an toàn, dự kiến xong trước ngày 28/10/2018. Ngoài ra, Doanh nghiệp đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn để lập hồ sơ đóng cửa mỏ theo quy định, theo báo cáo của Công ty dự kiến hoàn thành xong trước ngày 10/11/2018.

Tháng 11/2018

Sở Tài nguyên và Môi trường

02

Cử tri nhiều xã của huyện Hiệp Hòa: Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện việc thu phí nước thải công nghiệp đối với 16 nhóm cơ sở sản xuất quy định tại khoản 2, Điều 2, Nghị định số 154/2016/NĐ-CP của Chính phủ do hiện tại, việc thu phí đối với nhiều nhóm đối tượng quy định tại Nghị định 154/2016/NĐ-CP vẫn chưa được thực hiện.

Từ năm 2005, UBND tỉnh đã thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Để tăng cường công tác thu phí, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 97/QĐ-UBND ngày 23/01/2014 phê duyệt Đề án nâng cao năng lực thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện ngay Nghị định này. Số tiền thu được từ thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đã tăng hơn so với trước, vượt kế hoạch giao hàng năm và được sử dụng hiệu quả, đúng quy định.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đôn đốc các cơ sở thuộc đối tượng thực hiện nộp phí theo quy định trong thời gian tới.

Thực hiện thường xuyên

Sở Tài nguyên và Môi trường

03

Cử tri các xã Yên Lư, Đồng Phúc, Thắng Cương, Tư Mại (huyện Yên Dũng), xã Ninh Sơn (huyện Việt Yên) phản ánh:  Một số nhà máy sản xuất công nghiệp xả nước thải xuống sông Cầu gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân (các nhà máy nước đang sử dụng nước mặt sông Cầu để làm nước sạch phục vụ nhân dân). Đề nghị UBND tỉnh kiểm tra, phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh xử lý dứt điểm doanh nghiệp xả thải ra sông Cầu gây ô nhiễm nguồn nước.

Từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên nhận được ý kiến phản ánh của phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Dũng, Việt Yên và nhân dân tại các xã: Quang Châu, Vân Trung, Ninh Sơn, huyện Việt Yên và các xã: Yên Lư, Nham Sơn, Tư mại, Thắng Cương, Đồng Phúc, huyện Yên Dũng về tình trạng chất lượng nguồn nước sông Cầu bị suy giảm nghiêm trọng, thường xuyên có mầu đen, mùi hôi thối, cá chết hàng loạt.

Qua kiểm tra đã phát hiện nguồn gây ô nhiễm là nước thải chưa qua xử lý từ các làng nghề thuộc địa bàn tỉnh Bắc Ninh đổ ra sông Ngũ Huyện Khê, sau đó chảy ra sông Cầu gây ô nhiễm nước và gây chết thủy sinh vật trên sông Cầu, đoạn giáp ranh giữa địa phận tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường nhiều lần có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh và Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị giải quyết dứt điểm tình trạng trên. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức làm việc, xác minh và có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo giải quyết.

Tuy nhiên, tình trạng nêu trên đến nay chưa được giải quyết dứt điểm. Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục giải quyết. Ngày 31/7/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức khảo sát, làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang tiếp tục nhận định tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu tại địa phận tỉnh Bắc Giang nguyên nhân chính là do tiếp nhận nguồn nước ô nhiễm từ sông Ngũ Huyện Khê, tỉnh Bắc Ninh và thống nhất biện pháp giải quyết trong thời gian tới. Ngày 05/9/2018, UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục tổ chức buổi làm việc với UBND tỉnh Bắc Ninh và Tổng cục Môi trường bàn trao đổi, thống nhất kế hoạch thực hiện xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Bắc Ninh cam kết tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tập trung đối với CCN Phú Lâm, làng nghề giấy Phong Khê, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải ra sông Cầu đảm bảo sớm giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu theo phản ánh của nhân dân tỉnh Bắc Giang.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục tăng cường khảo sát nguồn nước sông Cầu, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bắc Ninh giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu tại địa phận tỉnh Bắc Giang.

Thực hiện thường xuyên

Sở Tài nguyên và môi trường

 
Trung bình (0 Bình chọn)