Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống Dịch tả lợn Châu Phi

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng ngày 7/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái - Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống Dịch tả lợn Châu Phi tỉnh Bắc Giang chủ trì cuộc họp triển khai cấp bách công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh. Tham dự có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y trao đổi về các giải pháp phòng chống dịch. Ảnh: BGP/Trâm Anh

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, trong toàn quốc hiện có 9 tỉnh, thành phố xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tiêu hủy gần 300 tấn lợn các loại. Đến nay, chưa phát hiện trường hợp lợn có dấu hiệu nghi mắc bệnh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên với quy mô đàn lợn lớn, trên 1,1 triệu con, đồng thời có địa bàn giáp với các tỉnh đang mắc dịch như: Hưng Yên, Hà Nội, Hải Dương, nguy cơ mắc dịch trên địa bàn tỉnh là rất cao.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thông qua kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, phân công nhiệm vụ các thành viên. Đồng thời đề xuất nhiều giải pháp phòng, chống bệnh.

Ông Hoàng Đăng Huyến - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho rằng: Qua nghiên cứu, dịch tả lợn Châu Phi và Dịch tả lợn cổ điển có những điểm tương đồng, do đó trong khi chưa có vắc-xin dịch tả Châu Phi, trước mắt nên tuyên truyền, khuyến khích người dân tiêm vắc xin dịch tả lợn. Cùng đó triển khai các biện pháp tiêu độc khử trùng như: vệ sinh phòng bệnh tại cơ sở, sử dụng vôi bột, phun hóa chất.

Đại diện Công an tỉnh kiến nghị khẩn trương thành lập các tổ điều tra liên ngành của tỉnh, huyện. Đề nghị các huyện bố trí sẵn sàng các địa điểm tiêu hủy lợn nếu mắc bệnh. Cùng đó, nhiều đại biểu kiến nghị cần khoanh vùng nhanh, xử lý dịch, có biện pháp hỗ trợ cho người dân khi có dịch. Thành lập các chốt kiểm soát trọng điểm vì việc lưu thông chính là nguyên nhân lây lan bệnh trực tiếp.

Kết luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái nhấn mạnh, phòng chống Dịch tả lợn Châu Phi là việc hết sức cấp bách. Tuy nhiên cần bình tĩnh, chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Người đứng đầu địa phương, các ngành phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch. Quan điểm của tỉnh là không để dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh. Do đó, triển khai các biện pháp phòng dịch trước khi đến chống dịch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: BGP/Trâm Anh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT hoàn chỉnh kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo. Trong đó tập trung khống chế nguồn lây bệnh bên ngoài thông qua việc thành lập đội kiểm tra liên ngành dịch động vật của tỉnh. Các huyện thành lập tổ kiểm tra lưu động, thành lập các điểm chốt trạm nhằm ngăn chặn việc vận chuyển sản phẩm có bệnh từ bên ngoài vào. Đồng thời thành lập tổ kiểm tra liên ngành của huyện. Sở Công Thương kiểm tra ở các chợ, khu công nghiệp, thị trường lớn tiêu thụ sản phẩm.

Các địa phương triển khai ký cam kết giữa các hộ chăn nuôi, chủ trang trại với chính quyền, yêu cầu người chăn nuôi thực hiện theo “5 không”: không giấu dịch; không giết mổ, vận chuyển lợn bệnh; không mua bán lợn chết; không vứt xác lợn bệnh ra môi trường và không sử dụng thức ăn dư thừa. Vận động, tuyên truyền người dân tiêm vắc-xin dịch tả cho lợn. Yêu cầu các hộ chăn nuôi quét dọn vệ sinh khu vực, 100% rắc vôi bột. Huyện, xã chủ động sử dụng kinh phí dự phòng phòng, chống dịch. Các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các địa điểm chôn hủy khi có dịch. Đẩy mạnh tuyên truyền, không để người dân hoang mang, quay lưng lại với thịt lợn.

Trâm Anh
Trung bình (0 Bình chọn)