Tiếp tục triển khai hiệu quả lập hồ sơ, khám, quản lý sức khỏe người dân

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 13/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương chủ trì hội nghị đánh giá 02 năm kết quả thực hiện Kế hoạch số 1322/KH-UBND ngày 26/4/2017 về việc lập hồ sơ, khám, quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và triển khai kế hoạch năm 2019. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo sở, ngành, đơn vị và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương chủ trì hội nghị. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

Năm 2017, Bắc Giang triển khai thí điểm Kế hoạch lập hồ sơ, khám, quản lý sức khỏe người dân tại huyện Yên Thế. Qua đó, đã tổ chức khám cho người dân ở 21/21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện với tổng hồ sơ đã lập đạt 86,61%. Năm 2018, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tại huyện Yên Dũng, với tổng số hồ sơ đã lập đạt 88,5%. Đến hết tháng 10/2018, 8 huyện, thành phố còn lại trên địa bàn tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch lập hồ sơ, khám, quản lý sức khỏe cho người dân. Riêng các bệnh viện tuyến tỉnh đã và đang thực hiện kết nối liên thông đến Cổng Hồ sơ sức khỏe (HSSK) điện tử và tích hợp chức năng đẩy tự động dữ liệu khám, chữa bệnh lên Cổng sau khi kết thúc đợt khám, điều trị. Năm 2019, Sở Y tế tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh cấp và phân bổ kinh phí cho 8 huyện, thành phố để thực hiện việc lập HSSK điện tử.

Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai Kế hoạch, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng Trương Quang Hải cho biết, để triển khai lập hồ sơ, khám, quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn huyện, ngay từ đầu huyện đã quan tâm chỉ đạo các địa phương coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, bố trí đủ nguồn kinh phí cho các địa phương triển khai. Ý thức được tầm quan trọng của Kế hoạch, lãnh đạo cấp xã trên địa bàn huyện cũng đã tập trung chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho Bí thư chi bộ, các Trưởng thôn triển khai đến từng nhóm đối tượng dân cư. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các địa phương tổ chức phân chia thời gian khám cho phù hợp với các đối tượng dân cư, ưu tiên khám trước cho nhóm đối tượng người cao tuổi, người dân lao động tự do. Trong thời gian khám, được trưng tập nhiều trang thiết bị y tế hiện đại tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lập hồ sơ, khám, quản lý sức khỏe. Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn huyện cũng tổ chức các buổi khám vét cho từng nhóm đối tượng dân cư...

Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng Trương Quang Hải chia sẻ kinh nghiệm triển khai. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

Về những khó khăn, bất cập trong triển khai, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Thế Đặng Hữu Tuấn chia sẻ, là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm lập hồ sơ, khám, quản lý sức khỏe điện tử cho người dân. Quá trình triển khai nhập dữ liệu vào phần mềm gặp một số khó khăn do đường truyền không ổn định, phần mềm của nhà cung cấp chưa hoàn thiện, gây nhiều bất cập. Bên cạnh đó, một số cán bộ y tế tuyến cơ sở tiếp cận với việc sử dụng phần mềm và nhập liệu HSSK còn chậm, gây khó khăn cho việc triển khai.

Đại diện lãnh đạo Chi nhánh Viettel Bắc Giang cho biết thêm, do mới bắt đầu triển khai, chưa có sự hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế nên việc triển khai phần mềm HSSK chưa có sự thống nhất. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 nhà cung cấp phần mềm HSSK khác nhau nên việc liên thông với các tuyến gặp nhiều khó khăn. Do vậy, việc triển khai phần mềm cần được phát triển thêm để thuận lợi cho việc quản lý và liên thông.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Sinh cho biết, hiện phầm mềm hồ sơ khám sức khỏe đã liên thông với phần mềm chữa bệnh, phần mềm tiêm chủng. Tuy nhiên tiến độ còn chậm, chưa cập nhập đầy đủ các đợt khám, điều trị của người bệnh, do một số bệnh viện chưa để chế độ tự động đẩy dữ liệu vì máy chủ yếu, ảnh hưởng đến tiến độ thời gian đẩy lên Cổng HSSK. Đồng thời, do dựa vào số thẻ bảo hiểm y tế để liên thông giữa hồ sơ sức khỏe và phần mềm HIS (phần mềm khám chữa bệnh), do đó khi thay đổi thẻ bảo hiểm y tế sẽ phát sinh nhân khẩu mới trên hồ sơ sức khỏe và ngược lại khi tra cứu từ phần mềm HIS để lấy thông tin từ HSSK sẽ gặp khó khăn.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nguyễn Văn Đồng cho rằng, phần mềm HSSK dễ dàng liên thông, tuy nhiên chưa có tính bảo mật, vì vậy nếu triển khai đồng bộ tất cả các địa phương trên địa bàn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, UBND tỉnh nên thống nhất một phần mềm để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương đánh giá cao kết quả triển khai của phần mềm lập hồ sơ, khám, quản lý sức khỏe của người dân tại các địa phương. Sau khi triển khai thí điểm tại các địa phương đã đẩy được dữ liệu lên Cổng HSSK. Quá trình triển khai cũng đã thu được nhiều kinh nghiệm cho các huyện, thành phố triển khai.

Thời gian tới, để tiếp tục triển khai có hiệu quả việc lập hồ sơ, khám, quản lý sức khỏe điện tử cho người dân, các huyện, thành phố phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện; thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, đơn vị và xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng nhiệm vụ. Đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích cụ thể về tầm quan trọng của việc triển khai lập hồ sơ, khám sức khỏe người dân đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ để phối hợp thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, việc điều tra dữ liệu dân cư và phân nhóm dân cư cần được làm cụ thể, chi tiết. Nhập liệu phải nhanh, chính xác, 100% nhân viên Trạm Y tế tuyến xã phải được tập huấn công tác nhập liệu. Tổ chức khám, lập hồ sơ cần huy động lực lượng trên địa bàn để cùng tham gia; ưu tiên khám cho các đối tượng là người già và người lao động tự do, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tham gia khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, cũng cần phân chia thời gian khám cho hợp lý, tránh gây bức xúc cho người dân./.

Nguyễn Miền

Trung bình (0 Bình chọn)