Thủ tướng Chính phủ phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng ngày 27/02, đúng ngày Thầy thuốc Việt Nam, Chương trình Sức khỏe Việt Nam chính thức được phát động trên phạm vi cả nước. Sự kiện được kết nối trực tuyến với điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố và hơn 700 điểm cầu quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.
 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát động, kêu gọi toàn dân thực hiện Chương trình Sức khỏe Việt Nam. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố.

Quang cảnh tại điểm cầu Bắc Giang. Ảnh: BGP/Dương Thủy.

Tại Lễ phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giới thiệu Chương trình Sức khỏe Việt Nam. Bộ trưởng cho biết, Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27 tháng 2 năm nay thực sự trở thành một dấu ấn đáng nhớ trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân khi được Thủ tướng Chính phủ chính thức phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam.

Nhân dịp ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Bộ trưởng gửi Lời chúc sức khỏe, lời cảm ơn sâu sắc tới tất cả thầy thuốc và nhân viên y tế trên mọi miền tổ quốc đang ngày đêm nỗ lực, tận tâm cống hiến không mệt mỏi vì sức khỏe của người dân, vốn quý nhất của mỗi con người và toàn xã hội, như lời Bác Hồ đã căn dặn “mỗi người dân khỏe mạnh tức là cả nước mạnh khỏe, dân cường thì nước thịnh” .

Đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đo huyết áp hưởng ứng Chương trình Sức khỏe Việt Nam.
Ảnh: BGP/Dương Thủy.

Để Nghị quyết Trung ương số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và Nghị quyết Trung ương số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới đi vào cuộc sống; đồng thời nâng cao sức khỏe, nâng cao tầm vóc, thể lực, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ người dân, tại Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 02/9/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam với những mục tiêu chính như sau:

Mục tiêu 1: Bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe cho người dân, với các nhóm giải pháp: bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường vận động thể lực.

Mục tiêu 2: Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người dân và cộng đồng để chủ động dự phòng các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với sức khỏe nhằm phòng tránh bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng với các nhóm giải pháp: phòng chống tác hại của thuốc lá, phòng chống tác hại của rượu, bia, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.

Mục tiêu 3: Thực hiện quản lý, chăm sóc sức khỏe liên tục, lâu dài tại tuyến y tế cơ sở để góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân với các nhóm giải pháp: phát hiện sớm và quản lý một số bệnh không lây nhiễm, chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân tại cộng đồng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi, sức khỏe người lao động.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, sự lãnh đạo của Chính phủ, sự vào cuộc của chính quyền các cấp, sự giám sát của Quốc hội, các tổ chức thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, ngành y tế đã đạt được những thành tựu đáng kể: mạng lưới y tế phát triển rộng khắp, thực hiện tốt các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch, bệnh; chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng cao, đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, từng bước đạt được những kết quả đáng khích lệ, được người bệnh và nhân dân ủng hộ; tài chính cho y tế được đổi mới, tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 87,7%; nhờ đó, Việt Nam đã đạt và vượt các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực y tế, tuổi thọ người dân ngày càng tăng, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân đang gặp phải những khó khăn và thách thức rất lớn, cần phải giải quyết đồng bộ, hiệu quả. Thói quen và tâm lý người dân Việt Nam mới chỉ quan tâm đến sức khỏe khi có bệnh tật, chưa chú trọng phòng bệnh, nâng cao sức khỏe ngay trong cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh việc luôn luôn phải chủ động phòng, chống các bệnh, dịch truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi, Việt Nam còn phải đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… là nguyên nhân của hơn 70% số trường hợp tử vong mỗi năm.

Hướng đến mục tiêu sức khỏe cho mỗi người dân Việt Nam, để Chương trình Sức khỏe Việt Nam đạt hiệu quả thiết thực, rất cần sự chung tay, góp sức của mỗi người dân và toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị và mọi tổ chức chính trị - xã hội, để từng bước đưa các mục tiêu của chương trình hiện thực hóa và bền vững trong cuộc sống và sức khỏe.

Bộ trưởng mong muốn và kêu gọi mỗi người dân hãy chủ động, tự nguyện và hiểu biết trong chăm sóc sức khỏe của chính mình, thực hiện các khuyến cáo chăm sóc sức khỏe cho bản thân như đảm bảo dinh dưỡng hợp lý; tăng cường vận động thể lực: đi bộ 10.000 bước mỗi ngày, tập thể dục giữa giờ trong công việc, học tập; không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia; tiêm chủng đầy đủ theo đúng lịch; đặc biệt cần chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm, điều trị sớm, giảm bệnh tật, tử vong, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Để Chương trình sức khỏe Việt Nam được triển khai đồng bộ, đạt được hiệu quả thiết thực và bền vững, cần có sự đầu tư nguồn lực thích đáng, được huy động từ ngân sách nhà nước, từ viện trợ, từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp cũng như sự tham gia, đóng góp của mỗi cá nhân và cộng đồng xã hội.

Bộ trưởng hy vọng Chương trình Sức khỏe Việt Nam sớm trở thành hiện thực, đạt được các mục tiêu đề ra để trong tương lai không xa, người dân Việt Nam có tầm vóc, thể lực, sức khỏe tốt hơn, chất lượng cuộc sống, tuổi thọ cao hơn, góp phần xây dựng đất nước ta phồn vinh, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Tại điểm cầu Bắc Giang đã tổ chức xét nghiệm nhanh đường máu và tư vấn sức khỏe
cho các đại biểu hưởng ứng Chương trình Sức khỏe Việt Nam. Ảnh: BGP/Dương Thủy.

Lễ phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam bao gồm các hoạt động được diễn ra đồng thời tại tất cả các điểm cầu trên toàn quốc như: Tổ chức đo huyết áp, đo chức năng hô hấp, xét nghiệm nhanh đường máu và tư vấn sức khỏe để tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe phát hiện sớm bệnh tật; tổ chức chương trình tập thể dục trực tuyến tại các điểm cầu... Đồng thời đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp công bố các chương trình, hoạt động để triển khai Chương trình Sức khỏe Việt Nam trong các lĩnh vực của ngành.

Đặc biệt, tại sự kiện này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát động, kêu gọi toàn dân thực hiện chương trình Sức khỏe Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh, Ngày Thầy thuốc Việt Nam là dịp để tri ân, tôn vinh người được giao nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Thủ tướng dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công...". Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe được đặc biệt quan tâm. Việt Nam đạt thành tựu quan trọng, tăng tuổi thọ và thực hiện được nhiều mục tiêu thiên niên kỷ và được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao.

Thủ tướng biểu dương nỗ lực, thành tựu mà toàn ngành y tế đạt được trong năm 2018. Tuy nhiên, ngoài những thành công, sự nghiệp bảo vệ chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức mới như vấn đề toàn cầu hóa, già hóa dân số, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường sống, hành vi thói quen xấu làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường. Trong khi đó, việc phòng yếu tố gây bệnh phát hiện sớm vẫn chưa được chú trọng. Mặc dù tuổi thọ người dân cao nhưng trung bình có đến 10 năm phải sống với bệnh tật, làm giảm chất lượng cuộc sống.

Thủ tướng kêu gọi người dân tăng cường vận động, đi bộ, đi xe đạp, tập thể dục, thể thao. Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia. Có chế độ ăn uống hợp lý, giảm ăn muối, giảm đường, ăn nhiều rau xanh, trái cây. Đi khám sức khỏe định kỳ, đối với người bình thường đo huyết áp ít nhất 6 tháng một lần để phát hiện sớm tăng huyết áp, đo đường máu ít nhất 1 năm một lần để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường. Khi có ho, khò khè, khó thở cần đi khám ngay để phát hiện sớm hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Mỗi người dân hãy chủ động bảo vệ, tăng cường sức khỏe của mình, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe.

Cũng tại sự kiện này, Huấn luyện viên Park Hang Seo có mặt chia sẻ bí kíp để có một thể lực khỏe mạnh như các cầu thủ bóng đá.

Đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng và tặng hoa Sở Y tế Bắc Giang
nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy Thuốc Việt Nam. Ảnh: BGP/Dương Thủy.

Tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chúc mừng và tặng hoa lãnh đạo Sở Y tế Bắc Giang nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy Thuốc Việt Nam.

Hưởng ứng Chương trình Sức khỏe Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu tham dự đã đo huyết áp, xét nghiệm nhanh đường máu, nghe tư vấn sức khỏe và tập thể dục trực tuyến tại điểm cầu./.

Dương Thủy
Trung bình (0 Bình chọn)