Nỗi lo nguồn thực phẩm tại các lễ hội xuân

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Lễ hội đầu xuân, ngoài việc mang lại không khí vui tươi cho người dân, du khách thì nỗi lo về các dịch vụ phục vụ nhu cầu ăn uống không đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) cần được cảnh báo, ngăn chặn.
Thức ăn chế biến sẵn tại các lễ hội được bày bán la liệt tại các lễ hội. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền 

Hằng năm, sau dịp Tết cổ truyền dân tộc, khắp các làng quê trong tỉnh lại nô nức mở hội, Lễ hội gắn bó rất chặt chẽ với đời sống của nhân dân, đáp ứng những nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân. Vì thế, lễ hội chính là sự kết tinh của những nét đẹp văn hóa ở mỗi vùng quê. Ngày nay, quy mô của lễ hội ngày càng mở rộng, lễ hội nhỏ thì một ngày, lớn thì nhiều ngày. Người tham gia đi lễ hội ngày một đông đúc, các dịch vụ hàng quán ăn uống cũng được nở rộ để phục vụ khách tham quan.

Hòa cùng không khí tấp nập của du khách đến tham quan, hành hương là tiếng chào mời mua đồ ăn tại những gian bán hàng dựng tạm dọc đường và gần khuôn viên khu di tích, đền chùa của lễ hội. Các loại thực phẩm được bày bán tại các lễ hội khá đa dạng như: Xúc xích rán, hoa quả dầm, kem, nước giải khát, bún, miến, phở các loại,...

Đến bất kỳ một lễ hội nào, không khó để bắt gặp, cảnh tượng lều quán tạm bợ, nhếch nhác, thức ăn chín, sống bày bán lẫn lộn, gây mất thẩm mỹ cảnh quan lễ hội. Bên cạnh những điểm kinh doanh ăn uống đã có đăng ký với chính quyền địa phương, được kiểm tra, thì những hàng quán được dựng tạm tại các lễ hội được bày bán thiếu quy củ, chưa được cơ quan chức năng kiểm soát hết.

Biển đề nước uống siêu sạch, nhưng máy ép và thùng đựng đá để chế biến nước lại không hề sạch. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

Những loại đồ ăn đã qua chế biến không che đậy hoặc không được bày bán trong tủ kính để ruồi, vi khuẩn xâm nhập gây phản cảm, rất mất vệ sinh. Lượng người đi lại đông đúc, thời tiết nắng ráo thì bụi bẩn, trời mưa xuân thì ẩm ướt, song nhiều loại thức ăn được chế biến sẵn hoặc chế biến tại chỗ không có tủ bảo quản, kính che đậy, người chế biến không đeo găng tay vẫn hối hả phục vụ khách hàng.

Chị Nguyễn Thị Liên, một người dân địa phương và cũng là chủ quán ăn nhanh tại Lễ hội Yên Thế (Thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế) cho biết: Nhà ở gần điểm lễ hội, tranh thủ vài ba ngày chị ngồi bán phục vụ khách đi lễ chùa đầu năm, mặt khác có thêm chút thu nhập cho gia đình. Thức ăn phục vụ khách được chế biến sẵn, mang ra đây chỉ để làm nóng lại phục vụ khách cho nhanh, thuận tiện. "Năm nào mình cũng bán, nên khách ăn quen, chưa có ai bị ngộ độc, mà thức ăn mình cũng làm chín hết rồi nên cũng không sợ có vi khuẩn" - Chị Liên nói.

Thức ăn không che đậy, người chế biến thì không dùng bao tay. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

Rõ ràng, đa phần người dân địa phương bán hàng tại các lễ hội chưa nhận thức đầy đủ về vệ sinh ATTP. Không ít người không đeo găng tay khi bán thực phẩm chín hoặc vô tư tay trần bốc thực phẩm chín cho khách và kết hợp với khâu dọn dẹp cốc chén với thùng nước rửa để dưới nền đất đã vẩn đục, xe cộ đi lại bụi bẩn là một mối nguy hại rất lớn về vệ sinh ATTP. Đó là chưa kể không thể xác định nguồn gốc xuất xứ thực phẩm, hạn sử dụng của các sản phẩm được bày bán tại các lễ hội.

Người bán thì khẳng định ngon, sạch sẽ, còn khách tham quan, đi lễ, khi được hỏi về nỗi lo vệ sinh ATTP, nhiều thực khách đều cười cho qua. Chị Trần Thị Bích Hạnh đưa con đi Lễ hội Yên Thế cho rằng: Bọn trẻ đi hội chỉ thích kem bông, xúc xích nên tiện mua cho cháu thích, ăn một hai cái chắc không vấn đề gì.

Anh Nguyễn Văn Dự, xã Lan Mẫu, huyện Lục Nam đi dự Lễ hội Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng) nói: Giờ khách đi tham quan lễ chùa tiện, hàng quán đông đúc, phục vụ tận nơi. Biết là không đảm bảo vệ sinh cho lắm nhưng cả năm mới đi chùa một đôi lần, ăn tạm chứ không phải ngày nào cũng ăn, nhiều người ăn chứ đâu phải một mình ăn nên cũng yên tâm.

Các gói thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được người bán sử dụng để chế biến. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

Một tâm lý chủ quan và sự nhận thức chưa đầy đủ của người dân về vệ sinh ATTP là một trong những nguyên nhân khiến các quán ăn tự phát được mọc lên ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, tại các lễ hội địa phương, cho thấy đa phần lực lượng chức năng và chính quyền cơ sở mới chỉ chú trọng đến công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các lễ hội, còn việc quản lý về ATTP ở các quán ăn tự phát tại các lễ hội chưa được quan tâm triển khai mạnh mẽ. Tại các lễ hội lớn, lực lượng thanh tra về ATTP được tăng cường nhưng còn rất mỏng, không thể kiểm soát được hết, trong khi đó lễ hội là thời điểm nhạy cảm, người dân du khách thập phương đi lại đông đúc nên hầu như những vi phạm chưa bị nhắc nhở, cảnh cáo.

Những khó khăn được lãnh đạo các địa phương chỉ ra, đó là dịch vụ kinh doanh ăn uống đi theo lễ hội thường mang tính thời vụ, cho nên nhận thức về bảo đảm ATTP của người bán hàng chưa đầy đủ. Mặt khác, lễ hội diễn ra trong một thời gian nhất định, lượng người tham gia đông, khuôn viên bán hàng phục vụ khách còn chật, khiến việc quản lý ATTP ít nhiều gặp khó khăn.

Những cốc nước hoa quả không tem nhãn được các bạn trẻ lựa chọn. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

Thiết nghĩ, để có một mùa lễ hội vui tươi, lành mạnh, an toàn, các ngành chức năng cần có sự phối hợp với chính quyền cơ sở, nơi tổ chức lễ hội, triển khai thông tin tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhất là các biện pháp vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm tại các lễ hội.

Hơn hết mỗi người dân, mỗi du khách cũng cần nhận thức đầy đủ về mối nguy hiểm từ thực phẩm không đảm bảo chất lượng, nắm chắc cách lựa chọn thực phẩm để giảm thiểu tối đa các bệnh lây truyền qua thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, cho người thân trong gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra./

Nguyễn Miền

Trung bình (0 Bình chọn)