Nội dung Tọa đàm: Điều chỉnh giá điện-nhìn từ nhiều phía

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Từ 9h30 ngày 21/3, Cổng TTĐT Chính phủ (16 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội) tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Điều chỉnh giá điện, nhìn từ nhiều phía”.
Khách mời Tọa đàm “Điều chỉnh giá điện, nhìn từ nhiều phía”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Căn cứ Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện, trên cơ sở chấp thuận của cấp có thẩm quyền, Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện. Theo đó, giá điện sẽ tăng 8,36%, từ mức 1.720,65 đồng/kWh như hiện nay lên mức 1.864,04 đồng/kWh.
 

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, việc điều chỉnh giá điện đã được tính toán để việc tăng giá điện phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững. Tuy nhiên, do điện là khâu đầu vào của cả nền kinh tế và tác động trực tiếp đến sản xuất, chi phí sinh hoạt của người dân nên phương án tăng giá điện đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Để chủ động cung cấp thông tin, giải đáp mối quan tâm của người dân, doanh nghiệp về lý do, sự cần thiết và tác động của việc tăng giá điện, đồng thời ghi nhận ý kiến của chuyên gia, đại diện doanh nghiệp về các vấn đề xoay quanh việc tăng giá điện lần này, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề Điều chỉnh giá điện, nhìn từ nhiều phía”.

Khách mời tọa đàm:

- Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương;
- Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN);
- Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế;
- Ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10.

Dưới đây là nội dung Tọa đàm:

Thưa ông Nguyễn Anh Tuấn, dư luận đang rất quan tâm đến thông tin về việc giá điện tăng 8,36% bắt đầu từ ngày 20/3. Xin ông cho biết cụ thể hơn Quyết định điều chỉnh giá điện lần này?

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương: Giá điện hiện nay đang được thực hiện theo quy định tại Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ. Điều chỉnh giá điện lần này, Bộ Công Thương thực hiện theo đúng các quy định tại Quyết định 24. Theo đó trên cơ sở xem xét phương án giá điện năm 2016 theo quy định tại Quyết định 24 của EVN xây dựng, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính tiến hành thẩm định các phương án giá điện. Các thông số được thẩm định dựa trên thông số đầu vào, cụ thể là cơ cấu nguồn thụ động của năm 2019; các thông số đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá, thực tế chi phí mua điện của các đơn vị cộng với chi phí chung của EVN trong các khâu truyền tải, phân phối, bán lẻ, quản lý ngành. Trên cơ sở xem xét tất cả các phương án này, chúng tôi có tính toán, phân bổ thêm các khoản nợ còn treo trong các đợt trước để tính toán phương án giá điện. Các phương án giá điện này chúng tôi phối hợp với Tổng cục Thống kê để tính toán, đánh giá ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện tới các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Ví dụ như chỉ tiêu GDP, các ảnh hưởng đến CPI hay chỉ số giá sản xuất (PPI).

Việc điều chỉnh giá điện lần này chúng tôi cũng xem xét, đảm bảo hỗ trợ giá điện cho người nghèo, hộ chính sách cũng như khách hàng sử dụng điện mà sử dụng điện thấp dưới 50 kWh hoặc dưới 100 kWh. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã báo cáo Thường trực Chính phủ và sau khi có ý kiến của Thường trực Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Trên cơ sở giá bán lẻ điện bình quân theo Quyết định 28, chúng tôi ban hành biểu giá bán điện cho từng đối tượng khách hàng.

Vừa rồi ông Đinh Quang Tri cũng có nhắc đến việc các chi phí đầu vào tác động đến việc tăng giá điện lần này. Chúng tôi được biết ngay từ đầu năm 2019 thì giá than bán cho sản xuất điện đã được điều chỉnh tăng lên. Xin ông có thể chia sẻ rõ hơn thông tin này?

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN: Do điều kiện sản xuất kinh doanh, sản xuất than ngày càng khó khăn, giá thành sản xuất than cũng tăng lên. Tổng Công ty Than Đông Bắc đã có kế hoạch điều chỉnh giá than ngay từ cuối năm 2018. Nhưng do giá điện của EVN không điều chỉnh được, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cho chậm việc tăng giá than lại. Đầu tháng 1/2019, Tập đoàn Than-Khóng sản (TKV) và Tổng Công ty Than Đông Bắc đã điều chỉnh tăng giá than khoảng 5% so với giá năm 2018. Từ ngày 20/3/2019 sau khi có quyết định tăng giá điện của Bộ Công Thương, TKV và Than Đông Bắc tiếp tục tăng giá thêm khoảng 3% làm cho chi phí sản xuất điện của EVN năm 2019, chi phí trả tiền than tăng thêm hơn 5.000 tỷ đồng để trả cho TKV và Than Đông Bắc.

Ngoài ra do lượng than trong nước không đủ để cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, nên TKV và Than Đông Bắc cùng EVN sẽ phải nhập khẩu thêm than chất lượng cao ở nước ngoài về trộn với than trong nước, khoảng 8 triệu tấn. Chi phí nhập khẩu than nước ngoài hiện nay cao hơn than sản xuất trong nước. Cho nên chi phí than trộn cũng làm cho giá thành của EVN tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh điện của EVN.

Nhiều ý kiến cho rằng tăng giá điện là cần thiết, tuy nhiên cần tính toán mức tăng để thị trường có thể chấp nhận được, vậy xin ông có thể giải thích rõ hơn các yếu tố nào quyết định đến việc tăng giá điện lần này? Quan điểm của ông với tư cách là một chuyên gia kinh tế thì việc điều chỉnh giá điện lần này có phù hợp không, thưa ông Nguyễn Anh Tuấn?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Việc điều chỉnh giá điện lần này thực hiện đúng theo quy định tại Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ. Trước tiên việc điều chỉnh giá điện căn cứ vào thực tế cơ cấu nguồn của huy động năm 2019. Để chuẩn bị cho việc vận hành năm 2019 trên tốc độ tăng trưởng phụ tải dự báo năm 2019, thực tế tiến độ các nguồn và các đường dây dự kiến sẽ đưa vào vận hành năm 2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định về kế hoạch cung cấp và vận hành hệ thống điện năm 2019. Trong đó quyết định về cơ cấu nguồn cụ thể cho từng loại hình (như nhiệt điện, thủy điện, tua bin khí). Trong quyết định này chúng tôi tính toán đến sản lượng điện phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Lào. Đồng thời tính toán đến sản lượng điện dự kiến huy động từ các nguồn năng lượng tái tạo mới, đặc biệt là những nguồn năng lượng dự kiến sẽ đưa vào vận hành trong năm 2019 với sản lượng tăng đáng kể so với năm 2018, ví dụ như điện mặt trời, điện gió. Đây là yếu tố thứ nhất Bộ Công Thương phải xem xét.

Thứ hai căn cứ vào các yếu tố đầu vào, tháng 1/2019, giá than bán cho sản xuất điện tăng từ 2,61% đến 7,67% tùy từng loại than sử dụng để phát điện. Do tình hình cung ứng than của một số nhà máy điện, của một số mỏ than trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu than cho sản xuất điện nên một số nhà máy điện, bao gồm nhà máy điện của EVN và ITP phải mua than trộn, trộn giữa than trong nước và ngoài nước để phát điện.

Thứ ba theo chỉ đạo của Chính phủ, trong đợt điều chỉnh giá điện lần này, Chính phủ quyết định điều chỉnh giá than lần 2 bán cho sản xuất điện, mức độ tăng giá than lần hai bán cho sản xuất điện tăng 3,77% đối với than do TKV cung cấp và 5% đối với than do Công ty Đông Bắc cung cấp.

Về yếu tố giá khí, thứ nhất giá khí trên bao tiêu hiện nay tính toán hoàn toàn dựa trên giá thị trường. Chúng tôi dự báo giá dầu của năm 2019, trên cơ sở đó tính toán giá khí, dự kiến các nhà máy điện sẽ mua. Một điểm mới là năm nay theo quyết định của Chính phủ về đồng bộ tăng giá điện từ ngày 20/3, tất cả các nhà máy điện trước đây sử dụng khí trong bao tiêu, từ 20/3 sẽ mua điện theo giá thị trường. Đây là yếu tố tác động đáng kể và như ông Đinh Quang Tri chia sẻ, chi phí lên khoảng hơn 5.600 tỷ đồng, tương đối nhiều.

Lần này, chúng tôi cũng tính toán các yếu tố như tỷ giá ngoại tệ. Một phần chi phí trong sản xuất điện chúng ta phải mua bằng ngoại tệ, ví dụ toàn bộ sản lượng khí hiện nay phải mua bằng ngoại tệ. Chi phí chi trả cho những khoản đầu tư bằng ngoại tệ cũng phải tính toán.

Tất cả các yếu tố trên tác động vào việc điều chỉnh tăng giá điện lần này. Quan điểm của tôi là hiện nay chúng ta một mặt phải thực hiện đầy đủ quy định theo Quyết định 24. Tuy nhiên khi xem xét cần phải cân đối các yếu tố phát triển kinh tế vĩ mô. Vì thế trong phương án giá điện lần này, sau khi tính toán đầy đủ các yếu tố chi phí, chúng tôi có tính toán phân bổ dần các khoản nợ còn treo. Ứng với mỗi phương án, chúng tôi có tính toán ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, đồng thời tính toán mức hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách. Biểu giá điện cũng tính toán để những gia đình sử dụng điện ít, dưới 50 kWh và dưới 100 kWh, được biểu giá điện tăng ít hơn so với khách hàng sử dụng điện khác.

Trong tính toán lần này, chúng tôi cũng tham khảo, tính toán với các chuyên gia để đánh giá ảnh hướng tác động giá điện tới chi phí mua điện của các hộ sản xuất lớn. Trên cơ sở đó xem xét đánh giá đề xuất với Chính phủ phương án tăng giá điện phù hợp nhất.

Nhiều ý kiến cho rằng việc tăng giá điện là thông tin không bất ngờ bởi trong một thời gian dài vừa qua các yếu tố đầu vào của ngành điện cơ bản đã tăng và đáng lý giá điện tăng cuối 2018 nhưng thực hiện Nghị quyết số 74/NQ-CP nên năm 2018 giá điện đã không được điều chỉnh?  Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông Cấn Văn Lực?

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế: Ban đầu tôi khá băn khoăn nhưng sau khi lắng nghe chia sẻ của ông Nguyễn Anh Tuấn và ông Đinh Quang Tri cũng như của ngành điện, tôi thấy rằng đã đến lúc phải tăng giá điện. Tâm lý của người dân và doanh nghiệp không ai muốn câu chuyện tăng giá, bất kỳ giá gì… Tuy nhiên tôi hiểu rằng Chính phủ, Bộ Công Thương, ngành điện đã phải cân đối đa nhiều chiều, về góc độ sản xuất, kinh doanh, kinh tế vĩ mô, sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp. Lý do tăng như ông Nguyễn Anh Tuấn và ông Đinh Quang Tri đã chia sẻ. Tôi xin bình luận về 2 điểm.

Thứ nhất, lý do chính của việc tăng giá điện là tiến dần đến cơ chế thị trường. Nghĩa là giá đầu vào trước đây Nhà nước còn có yếu tố bảo trợ thì bây giờ Chính phủ yêu cầu không bảo trợ giá đầu vào như giá than, giá khí. Đây là hai cấu phần cực kỳ quan trọng trong cấu phần sản xuất điện. Trong chi phí điện, tôi đã phân tích và thấy rằng 76% từ chi phí sản xuất điện.

Thứ hai trong 3, 4 năm vừa qua có những khoản nợ đọng hay những khoản tồn đọng như ông Nguyễn Anh Tuấn phân tích, bây giờ cần phải phân bổ dần dần. Chính phủ yêu cầu tiến dần hơn với cơ chế thị trường theo hướng như vậy. Tôi nghĩ rằng đây là điều tích cực. Chính phủ, Bộ Công Thương và ngành điện đã phải cân nhắc rất kỹ lưỡng các phương án khác nhau về liều lượng với bao nhiêu phần trăm là phù hợp và đảm bảo.

Thứ ba về thời điểm. Thời điểm năm nay (2019) ở mức tương đối phù hợp. Năm nay giá cả trên thế giới, giá xăng dầu, giá than,.. về cơ bản gần như không tăng, tạo mặt bằng không quá lớn về áp lực lạm phát với Việt Nam. Thời điểm trong quý I đầu năm là thời điểm ngành điện có cơ sở để hạch toán kế hoạch kinh doanh cho cả năm. Đối với doanh nghiệp cũng như vậy. Chính vì tăng giá điện vào quý I nên Chính phủ và các bộ, ban, ngành sẽ chủ động hơn để phối hợp chính sách giữa chính sách giá cả với điều chỉnh giá cả của mặt hàng khác để đảm bảo tác động không quá lớn đối với kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chỉ số lạm phát mà Quốc hội đã giao dưới 4% năm nay cũng như tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ mong muốn mức độ là 6,8%.

Tuy nhiên việc điều chỉnh giá các mặt hàng khác trong năm nay cần phải cân nhắc để đảm bảo không tăng nhiều trong một năm, làm giảm ổn định kinh tế vĩ mô của chúng ta.

Như ông Cấn Văn Lực vừa chia sẻ, xin ông Bạch Thăng Long cho biết quan điểm về việc điều chỉnh tăng giá lần này?

Ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10: Thứ nhất, tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến chia sẻ của ông Cấn Văn Lực, rõ ràng người dân và doanh nghiệp không ai mong muốn tăng giá điện. Thứ hai nói về tính bất ngờ, với phương tiện thông tin đại chúng hiện nay, tôi tin doanh nghiệp không bất ngờ trong việc tăng giá điện. Vì trong thời gian cả năm 2018, từ thông tin đầu vào của ngành điện tăng, khả năng cung cấp điện, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch phát triển của những năm tiếp theo đã có tính đến dự phòng giá điện sẽ tăng.

Phương án tăng giá điện lần này đã được cân nhắc dựa trên việc xem xét các kịch bản tương ứng về tăng trưởng phụ tải, cơ cấu nguồn huy động và đặc biệt là lượng nước trong các hồ thuỷ điện hồ thuỷ điện, xin ông Đinh Quang Tri có thể cung cấp kỹ hơn về các thông tin này?

Ông Đinh Quang Tri: Khi lập phương án tăng giá điện năm 2019, EVN đã cân nhắc rất nhiều phương án, trình Chính phủ và Bộ Công Thương để xem xét trên cơ sở EVN cố gắng tối đa để điều độ hệ thống điện tối ưu, giảm chi phí và đáp ứng đủ điện cho nền kinh tế. Hiện nay trên cơ sở kịch bản năm 2019, theo chỉ đạo của Chính phủ, GDP sẽ tăng khoảng 6,8%, điện thương phẩm tăng khoảng trên 11% đạt mức 211 tỷ kWh. Đây là gánh nặng rất lớn khi chi phí đầu vào tăng lên, nước ở các hồ nhìn chung đang rất khó khăn do bị khô hạn, vì vậy phải tăng cường phát các nhà máy nhiệt điện than. Chúng tôi có kế hoạch để phát dầu trong tháng 4, 5,6 khi trời nắng nóng ở cả hai miền Bắc, Nam. Phụ tải sẽ tăng trên 700 triệu kWh/ngày, buộc phải phát thêm dầu. Kế hoạch sẽ phát khoảng 2,1 tỷ kWh dầu ở miền Nam để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh của nhân dân. Những yếu tố đó làm cho chi phí tăng vọt.

Về nhiên liệu, năm 2019 giá than tăng làm chi phí tiền than của EVN tăng thêm, trên 7.000 tỷ đồng. Hiện nay giá khí Chính phủ và Quốc hội yêu cầu là áp dụng theo cơ chế giá thị trường, đối với 3,5 tỷ m3 trong bao tiêu cũng chuyển theo giá thị trường. Giá thị trường biến động theo giá dầu trên thế giới. Theo tính toán sơ bộ năm 2019, phần chênh lệch tăng giá khí trong bao tiêu đối với EVN là gần 6.000 tỷ đồng/năm. Việc điều chỉnh này cho đến khi hết hợp đồng mua bán khí 20 năm đã ký đến năm 2023 hết hạn hợp đồng. Toàn bộ chênh lệch giá PV Gas thu được, theo yêu cầu của Chính phủ và Quốc hội phải nộp vào ngân sách Nhà nước. Mỗi năm ngân sách sẽ thu được thêm khoảng gần 6.000 tỷ đồng, trong vòng 5 năm thu được gần 30.000 tỷ, sẽ được tính trong giá điện kỳ này. EVN sẽ trả cho PV Gas, PV Gas sẽ nộp ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra khi phát dầu phải chi thêm khoảng 4.000 tỷ đồng để bảo đảm điện cho mùa khô. Các chi phí về chênh lệch tỷ giá để trả cho các nhà đầu tư bên ngoài, họ đã đầu tư các nhà máy điện và đang bán điện cho EVN theo các hợp đồng mua bán điện dài hạn. Trong hợp đồng mua bán điện dài hạn quy định nếu nhà đầu tư độc lập tư nhân huy động vốn ngoại tệ, có công thức để điều chỉnh khi tỷ giá thay đổi, số chênh lệch tỷ giá đó, người mua là EVN phải thanh toán cho nhà đầu tư. Mỗi năm Bộ Công Thương có yêu cầu kiểm toán xác định từng đơn vị, chúng tôi sẽ ký phụ lục hợp đồng để thanh toán thêm cho nhà đầu tư. Năm 2017, phát sinh chênh lệch tỷ giá đối với các nhà máy điện độc lập khoảng trên 3.800 tỷ đồng. Trong đợt tính giá này chúng tôi đã kiến nghị và Bộ đã chấp nhận, sau có quyết định tăng giá điện chúng tôi sẽ phải ký bổ sung hợp đồng với các nhà phát điện độc lập và thanh toán ngay trong năm 2019.

Chênh lệch tỷ giá năm 2018 vẫn phát sinh trên 3.000 tỷ đồng chưa được tính trong phương án giá lần này, nhà đầu tư cũng chưa được thanh toán. Trong năm tới (2020), chúng tôi sẽ báo cáo Bộ để có phương án cụ thể. Riêng năm 2018, mặc dù chưa được tính trong phương án giá điện nhưng EVN đã tiết kiệm chi phí điều độ hệ thống điện tối ưu và đã báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương hạch toán thêm chênh lệch tỷ giá 4.500 tỷ đồng. Chúng tôi báo cáo Chính phủ  cho hạch toán để giải quyết luôn chênh lệch tỷ giá và không đưa vào trong phương án giá điện nhằm giảm sức ép việc tăng giá điện.

Tôi nhất trí như ông Lực và ông Long vừa nêu, tất cả các khách hàng không ai muốn tăng giá, bất kể mặt hàng nào, trong đó có giá điện. Tuy nhiên đây là điều bắt buộc chúng ta phải làm, quan trọng là bảo đảm cho các nhà sản xuất điện. EVN hiện nay chỉ cung cấp khoảng 45% điện của hệ thống, còn lại là mua điện của các nhà máy điện độc lập. Nếu họ không đủ năng lực, không đủ tiền sản xuất được thì chúng ta không có điện để dùng. Quan trọng nhất phải đồng lòng để có đủ điện để phát triển kinh tế và sinh hoạt của nhân dân. Chúng tôi cố gắng trong năm 2019 điều hành hệ thống điện tối ưu để giảm chi phí và giảm gây sức ép về tăng giá điện.

Giá điện Việt Nam so với giá điện các nước trên thế giới và trong khu vực thế nào?  Với việc điều chính lần này thì giá điện của Việt Nam sẽ ở mức nào so với các nước trong khu vực thưa ông Nguyễn Anh Tuấn?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Hiện nay, để biết giá điện của Việt Nam hay giá điện của các nước khu vực trên thế giới, chúng ta có thể truy cập trên internet để lấy số liệu. Theo số liệu thu thập được, so với 8 nước Đông Nam Á, giá điện Việt Nam bằng 58% giá điện bình quân của 8 nước ASEAN và thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực (Singapore, Philippines, Lào, Campuchia,...). Sau khi điều chỉnh, theo tính toán của chúng tôi, giá điện điều chỉnh năm 2019 mới bằng 66% giá điện bình quân của 8 nước Đông Nam Á vào thời điểm tháng 6/2018. So sánh với các nước có mức thu nhập GDP/người tương đương với Việt Nam, chúng tôi đã tập hợp 10 nước có GDP từ 1.784USD - 2.985USD/người với giá trị bình quân là khoảng 2.176USD thì giá điện hiện nay của chúng ta chỉ bằng 80% các nước này. Sau khi điều chỉnh với mức điều chỉnh là 1.684,44 đồng thì giá điện của chúng ta bằng 91% giá điện bình quân của 10 nước này.

Dưới góc nhìn của chuyên gia, quan điểm của ông như thế nào về giá điện của Việt nam hiện nay thưa ông Cấn Văn Lực?

Ông Cấn Văn Lực: Theo tôi một chỉ số nữa mà chúng ta cần so sánh và chỉ số này cũng được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm đó chính là tổn thất điện năng. Ngành điện đã có rất nhiều cải tiến trong thời gian vừa qua, vì vậy mà tỷ lệ tổn thất ở mức 6,8% như đã công bố. Đây là mức tương đối tích cực và khá thấp so với mức tổn thất của các nước bình quân trong khu vực là khoảng 8% - 9%. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần so sánh thêm một chút với mặt bằng giá cả của những hàng hóa khác trong nền kinh tế của chúng ta. Cuối cùng, chúng ta cần quan tâm hơn xem cơ cấu sản xuất điện của chúng ta hiện nay theo hướng nào (nhiệt điện, thủy điện, năng lượng tái tạo,...) và xây dựng chiến lược phát triển hợp lý hơn với đặc thù kinh tế Việt Nam chúng ta.

Theo các số liệu rất cụ thể mà EVN đưa ra thì rõ ràng chi phí đầu vào sản xuất tăng lên thì đương nhiên giá bán cũng phải tăng, tuy nhiên tại sao đến thời điểm này việc tăng giá điện mới được xem xét thưa ông Nguyễn Anh Tuấn?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Một trong những cơ sở mà chúng tôi xem xét giá điện chính là cơ cấu nguồn huy động. Trong thời gian tới, chúng ta sẽ tập trung phát triển các nguồn như nhiệt điện than, tua bin khí và xem xét các nguồn năng lượng mới (gió, mặt trời,...). Cơ cấu nguồn này sẽ ảnh hưởng lớn đến giá thành vì trong thời điểm hiện nay, giá điện mặt trời cao hơn tổng chi phí phát điện và cao hơn tổng chi phí khác của ngành điện và nó sẽ tạo sức ép lên việc tăng giá điện. Thời điểm mà chúng ta được phép điều chỉnh giá điện là 6 tháng sau lần điều chỉnh gần nhất và lần điều chỉnh gần nhất của chúng ta là từ tháng 12/2017.

Bộ Công Thương có đánh giá thế nào về những tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện ở mức 8,36% tới các chỉ số kinh tế vĩ mô như GDP, CPI? Liệu có đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% như Quốc hội giao không?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi đã phối hợp với Tổng cục Thống kê tính toán các yếu tố ảnh hưởng đến các chỉ số kinh tế vĩ mô, cụ thể tăng CPI lên 0,29%, GPI lên 0,17% và GDP lên 0,22%. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, việc chúng ta điều chỉnh giá điện lên 8,36% từ ngày 20/3/2019 vẫn đảm bảo chỉ số CPI tăng trong khoảng 3,3% - 3,9% (dưới 4% mà Quốc hội giao cho Chính phủ).

Theo một khảo sát của chính EVN thì đợt điều chỉnh giá điện gần nhất ngày 30/11/2017 (giá điện tăng 6,08%) tác động tới nhóm khách hàng sinh hoạt tăng từ 3.200 - 34.800 đồng/tháng tùy lượng điện tiêu thụ. Vậy lần này, EVN đã đánh giá thế nào về tác động của việc tăng giá điện đối với các khách hàng sinh hoạt, khách hàng kinh doanh và khách hàng sản xuất?

Ông Đinh Quang Tri: Hiện nay, theo thống kê của EVN, chúng ta có khoảng trên 26 triệu hộ sử dụng điện. Nhóm hộ sử dụng điện chiếm tỷ trọng cao từ 100 kWh-200 kWh/tháng chiếm khoảng 38,7%; sau đó đến các hộ sử dụng dưới mức 100 kWh/tháng chiếm khoảng 22% và các hộ khác có tỷ lệ thấp hơn. Hộ sử dụng dưới 50 kWh/tháng tăng thêm khoảng 7.000 đồng. Hộ sử dụng đến 100 kWh/tháng trả thêm khoảng 14.000 đồng. Hộ sử dụng 200 kWh/tháng trả thêm 31 000 đồng. Hộ sử dụng 300kWh/tháng trả thêm 53.000 đồng. Hộ nào càng tiêu thụ nhiều điện thì càng phải trả nhiều tiền, chính vì vậy Chính phủ kêu gọi mọi người tiết kiệm điện, tránh sử dụng lãng phí.

Nhiều ý kiến lo ngại là việc tăng giá điện sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh của một số ngành có cơ cấu giá điện trong giá thành sản phẩm cao như luyện thép, xi măng… Tuy nhiên cũng có ý kiến lại cho rằng không nên khuyến khích hoặc phải tính với mức giá cao hơn đối với những hộ tiêu dùng điện nhiều và coi đây là áp lực để các doanh nghiệp này đổi mới công nghệ theo hướng tiết kiệm điện, thân thiện với môi trường hơn. Ý kiến của ông thế nào thưa ông Cấn Văn Lực?

Ông Cấn Văn Lực: Chi phí sản xuất kinh doanh tăng thì doanh nghiệp hơn bao giờ hết phải tìm cách giảm thiểu chi phí bằng cách ứng dụng công nghệ, nâng cao ý thức người lao động, tiết kiệm điện; qua đó hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chính phủ cũng cần nghiên cứu tiến tới bỏ đi cơ chế bù chéo hiện nay, người tiêu dùng đang phải bù một phần nào đó cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.

Quan điểm của ông thế nào trước ý kiến nên coi đây là áp lực để các doanh nghiệp đổi mới công nghệ theo hướng tiết kiệm điện, thân thiện với môi trường hơn, thưa ông Bạch Thăng Long?

Ông Bạch Thăng Long: Các DN nói chung muốn phát triển bền vững thì phải quan tâm đến việc làm thế nào để giảm được rác thải và chất thải ra môi trường, chúng ta phải chủ động làm điều đó. Đối với chi phí về điện tăng, nếu DN không thay đổi thì khả năng cạnh tranh của DN sẽ giảm, vì vậy, tôi đồng tình chi phí về điện tăng DN phải chịu áp lực đổi mới về công nghệ để tiết kiệm điện hơn. Thay đổi quy trình sản xuất để tạo ra năng suất cao hơn, sử dụng thiết bị công nghệ tiên tiến sử dụng ít điện năng, tận dụng tối đa năng lượng thiên nhiên để giảm chi phí DN, tăng sức cạnh tranh DN. Đối với các DN nhỏ thì đây càng là áp lực lớn để thay đổivề cách nhìn để có sự đổi mới về cạnh tranh.

Sau lần tăng giá điện này thì các chính sách hỗ trợ về giá điện với hộ nghèo, hộ chính sách sẽ được thực hiện thế nào thưa ông Nguyễn Anh Tuấn? 

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Một trong những căn cứ để điều chỉnh giá điện là xem xét hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ chính sách. Việc tính toán cơ cấu bán lẻ điện thực hiện theo Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ và vẫn đang hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách là 30 kWh/tháng với điều kiện họ sử dụng dưới 50 kWh/tháng. Với biểu giá điện mới này, hằng tháng Nhà nước đang hỗ trợ cho mỗi một hộ trên 50.000 đồng trực tiếp để mua điện. Theo thông kê của Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH, năm 2018 chúng ta có khoảng 2,17 triệu hộ nghèo, hộ chính sách. Vậy ngân sách hàng năm bỏ trên 1.200 tỷ đồng để hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách. Bên cạnh đó, chính sách bán giá điện cho các hộ sử dụng điện ít với mức dưới giá bán bình quân. Theo báo cáo của EVN, năm 2018 chúng ta có 9,22 triệu hộ sử dụng điện dưới 100 kW/h, chiếm 35,6% tổng lượng khách hàng sinh hoạt. Mức giá này đã được tính toán kỹ để hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách.
 

Liên quan đến trao đổi của ông Lực, quy định tại Luật Điện lực đã cho phép triển khai thị trường điện, theo đó chúng ta đang triển khai thị trường bán buôn bước đầu, theo lộ trình thì chúng ta tiến hành thị trường bán lẻ điện. Trong thị trường bán lẻ, khách mua hàng được mua trực tiếp từ các đơn vị phát điện và phải trả phí dịch vụ về dịch vụ. Chúng tôi đang nghiên cứu và đưa vào thí điểm trong năm 2019 hoặc 2020 việc các đơn vị phát điện trực tiếp bán điện cho khách hàng. Trên cơ sở thí điểm này, chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá hiệu quả và những điểm chúng ta cần sửa đổi, đặc biệt về những thể chế, cơ chế hiện nay để tiếp tục mở rộng mô hình này tiến tới kinh doanh điện theo thị trường điện của luật điện lực.

Người tiêu dùng không chỉ đòi hỏi giá thấp mà họ còn đòi hỏi sự công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh điện khi đó họ sẽ trả giá cho sản phẩm mua một cách thỏa đáng, xin được biết quan điểm của ông Cấn Văn Lực về ý kiến này?

Ông Cấn Văn Lực: Cái người dân hay DN mong muốn không phải là giá điện thấp mà là giá hợp lý và chất lượng sản phẩm hợp lý. Về khách quan, tôi thấy ngành điện đã có nhiều cải tiến trong minh bạch hóa thông tin trong 5 năm vừa qua. Tuy nhiên, nhiều người dân mong muốn việc minh bạch, thông tin để dễ hiểu hơn, rất mong ngành điện sẽ chuẩn hóa cung cấp thông tin cho người dân, cho DN dễ hiểu để có tính đồng thuận cao hơn. Thứ hai, muốn minh bạch được chúng ta cần phải có phương thức truyền thông phù hợp, giảm các kênh không chính thống đưa thông tin sai lệch khiến người dân hiểu lầm. Cuối cùng, minh bạch là phải đúng thời điểm, đúng lúc, đúng đối tượng, cung cấp thông tin cần thiết không tràn lan. Chúng ta nên tham chiếu những cái đó để minh bạch hơn nữa. Tuy nhiên, một mình ngành điện là không đủ, các bộ ngành, địa phương cũng phải minh bạch thì mới đồng bộ, tránh người dân nghĩ là ngành điện đang giấu thông tin.

Trong thời gian qua Bộ Công Thương đã triển khai công tác công khai minh bạch trong điều hành giá điện như thế nào thưa ông Nguyễn Anh Tuấn?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Đối với việc công khai minh bạch trong kinh doanh điện cũng như kinh doanh xăng dầu thì Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 01 để công khai minh bạch, đặc biệt là vấn đề điện. Hiện nay trên trang web của Bộ Công Thương đã đăng tải đầy đủ những thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh điện, khách hàng mua điện và người dân có thể truy cập vào để biết chi phí thực tế của ngành điện. Chúng tôi cũng đã đăng tải đầy đủ các văn bản quy định của Nhà nước về quy định tính toán giá điện như thế nào, cách kiểm tra công bố, công khai giá thành sản xuất kinh doanh điện. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ Công Thương để cải tiến trang web này để hình thức trang web thân thiện hơn, dễ hiểu hơn với người dùng, với khách hàng. Thứ hai, đối với chi phí sản xuất kinh doanh điện của ngành điện, cụ thể là EVN, hằng năm theo Quyết định số 24, chúng tôi yêu cầu EVN và các đơn vị thành viên phải kiểm toán trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh điện, và các báo cáo này đều được thực hiện bởi các đơn vị kiểm toán độc lập, chủ yếu là của quốc tế.

Trên cơ sở kết quả này, Bộ Công Thương thành lập tổ kiểm tra chuyên ngành để kiểm tra giá thành kinh doanh điện của EVN cũng như các đơn vị thành viên. Sau khi kết thúc kiểm tra, chúng tôi công bố báo cáo kết quả kiểm tra và tổ chức họp báo và đưa ra thông cáo báo chí. Trong kết quả này, chúng ta đưa ra được chi phí nào được tính vào giá điện, lãi lỗ của EVN, đây cũng là cơ sở để chúng ta xem xét, điều chỉnh giá điện trong những lần tiếp theo, bao gồm cả tăng và giảm giá điện.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng cải tiến công tác về thông tin truyền thông để bằng nhiều hình thức truyền tải đầy đủ thông tin đến các khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là các DN. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm biện pháp để truyền tải nhiều hơn nữa các thông tin đến khách hàng sử dụng điện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng ví dụ như buổi tọa đàm này.

Một số ý kiến cho rằng để giảm áp lực tăng giá điện EVN cần có các giải pháp đồng bộ để giảm tổn thất điện năng, nâng cao năng suất lao động, năng lực quản trị doanh nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, chống thất thoát, lãng phí điện. Xin ông Đinh Quang Tri cho biết kết quả thực hiện của EVN trong thời gian qua và kế hoạch triển khai trong thời gian tới?

Ông Đinh Quang Tri: Trong thời gian qua EVN đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc với mục tiêu hoàn thành các kế hoạch Chính phủ giao về sản xuất điện năng, cung ứng điện cho nền kinh tế, đặc biệt là chỉ tiêu về tiết kiệm chi phí. Những khoản tiết kiệm được EVN dùng để xử lý các vấn đề tài chính như chênh lệch tỉ giá phát sinh cho các nhà máy của EVN mà không phải điều chỉnh giá điện. Chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu Chính phủ giao về tổn thất điện năng, năm 2018 là 6,83%, so với một số nước trên thế giới, tổn thất điện năng của Việt Nam còn tốt hơn Nga, Ấn Độ…

Để hoàn thành được như thế, EVN đã phải nỗ lực rất lớn trong mở rộng đầu tư lưới điện đến các vùng nông thôn và cải tạo các lưới điện thành phố để giảm quá tải các đường dây và trạm biến áp thì sẽ giảm tổn thất điện năng. Việt Nam là nước có chỉ số tiếp cận điện năng tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á với 99,9% người dân có điện trừ một số đảo nhỏ và miền núi. Chỉ số tiết kiệm điện năng năm nay chúng ta đứng thứ 27 trong số 190 nước được Ngân hàng Thế giới xếp hạng. Những cải tiến của ngành điện cũng như các bộ ngành để người dân, DN tiếp cận điện một cách nhanh hơn, thuận lợi hơn đã được triển khai rất quyết liệt.

Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của người dân, mở rộng dịch vụ khách hàng đến từng người dân. Chúng tôi đã có các trang web để người dân đăng ký hợp đồng mua bán điện hoặc kiểm tra, thánh toán tiền điện trên trang web. Các trung tâm chăm sóc khách hàng của EVN sẽ đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong 24h.

Về minh bạch trong sản xuất cũng như công bố thông tin, EVN hằng năm đều thuê kiểm toán quốc tế hàng đầu thế giới để kiểm toán toàn bộ báo cáo tài chính, sản xuất kinh doanh của EVN, chúng tôi cũng chuyển đổi những báo cáo này sang báo cáo tài chính quốc tế để gửi cho các tổ chức tài chính khác. Chúng tôi minh bạch toàn bộ hoạt động của EVN và năm 2018, lần đầu tiên chúng tôi thực hiện xếp hạng tín nhiệm của EVN trên quốc tế và chúng tôi được đánh giá ở mức ổn định. Đây là chỉ số tín nhiệm cao của EVN để có thể huy động vốn quốc tế đảm bảo các dự án sắp tới có thể huy động vốn để xây dựng và đảm bảo đủ điện. Một việc nữa mà hiệu quả sản xuất kinh doanh liên quan chặt chẽ đến việc tiêu thụ điện của các hộ tiêu thụ. Khi người tiêu thụ dùng nhiều điện, nếu các nhà máy không sẵn sàng công suất thì không thể đủ điện để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Doanh nghiệp của ông sẽ triển khai biện pháp gì khi giá điện sẽ điều chỉnh lần này, thưa ông Bạch Thăng Long?

Ông Bạch Thăng Long: Năm 2019, chúng tôi đánh giá là năm khó khăn. Thứ nhất, do nhiều lao động nên chúng tôi gặp áp lực trong việc tăng lương tối thiểu. Áp lực thứ hai là xu thế giảm giá gia công của chủng loại hàng may mặc. Vì vậy, những giải pháp để giảm chi phí trong đó có chi phí sử dụng điện được các DN rất quan tâm và có kế hoạch cụ thể. Chúng tôi có những giải pháp chính như sau: Thứ nhất, thường xuyên tuyên truyền ý thức tiết kiệm điện của toàn thể cán bộ, nhân viên trong cơ quan cũng như tại gia đình. Thứ hai là các quy trình sản xuất kinh doanh, đầu tư về kỹ thuật công nghệ, cải tiến phương thức quản lý, mô hình sản xuất làm sao để tăng năng suất lao động. Thứ ba là sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm thay thế cho các thiết bị cũ gây tiêu hao nhiều điện năng.

Từ góc độ một chuyên gia kinh tế, ông có mong muốn gì để ngành điện phát triển hài hòa và bền vững, thưa ông Cấn Văn Lực?

Ông Cấn Văn Lực: Tôi có 5 kiến nghị, đề xuất với ngành điện. Thứ nhất, là cơ chế, chính sách, chúng ta mong muốn có ngành điện mang tính chất thị trường hơn. Thứ hai là minh bạch hơn. Thứ ba là cạnh tranh hơn. Thứ tư, chúng ta nên có một chương trình quốc gia để nâng cao ý thức người dân và DN trong việc tiết kiệm điện. Cuối cùng là năng lượng tái tạo của chúng ta được quan tâm để sử dụng nhiều hơn nữa.

Theo chinhphu.vn

Trung bình (0 Bình chọn)