Bắc Giang: Quyết tâm ngăn chặn Dịch tả lợn Châu Phi

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Tính từ đầu tháng 2 đến nay, tức là chưa đầy 2 tháng, cả nước đã có 17 tỉnh, thành phố công bố có Dịch tả lợn Châu Phi. Điều này cho thấy tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch bệnh này. Mặc dù dịch chưa xuất hiện tại tỉnh Bắc Giang, song trước diễn biến phức tạp của Dịch tả lợn Châu Phi, tỉnh Bắc Giang đã vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh.
Các địa phương xây dựng các chốt trạm kiểm dịch động vật. Ảnh: BGP/Trâm Anh

Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Lợn bị nhiễm bệnh có triệu chứng như sốt cao, khó đứng dậy, nôn mửa; người có màu xanh tím. Tuy lợn bị bệnh không lây nhiễm sang người, nhưng tỷ lệ chết lên đến 100%, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người chăn nuôi.

Tỉnh Bắc Giang hiện có trên 1,1 triệu đầu lợn, đứng thứ 3 cả nước về tổng đàn. Hơn nữa lại là tỉnh nằm trên tuyến đường lưu thông, kết nối với nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Đặc biệt đến thời điểm này, đã có 5 tỉnh, thành phố có bệnh dịch tiếp giáp với tỉnh Bắc Giang là Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Nguyên và Lạng Sơn. Do đó, nguy cơ lây lan Dịch tả lợn Châu Phi rất lớn.

Xác định phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ đàn vật nuôi, giảm thiệt hại trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh Bắc Giang đã sớm ban hành phương án phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi của UBND tỉnh. Thành lập Ban Chỉ đạo; Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo và phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Đồng thời cấp hóa chất, vôi bột và chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền các hộ chăn nuôi chủ động phòng dịch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái khẳng định, quan điểm của tỉnh là bình tĩnh, chủ động
trong phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: BGP/Trâm Anh

Ngay sau cuộc họp cấp bách phòng, chống dịch của Trung ương, UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã triển khai cuộc họp cấp bách chỉ đạo phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh. Tại đây, Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Dương Văn Thái khẳng định, phòng chống Dịch tả lợn Châu Phi là nhiệm vụ cấp bách, do đó phải tập trung cao các biện pháp phòng dịch, với quan điểm chỉ đạo của tỉnh là bình tĩnh, chủ động, không lúng túng, triển khai đồng bộ các biện pháp có sự tham gia các cấp, ngành, sự vào cuộc hệ thống chính trị. Quan điểm của tỉnh là không để dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh. Do đó, triển khai các biện pháp phòng dịch trước khi đến chống dịch.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái, biện pháp phòng hiệu quả trước hết là khống chế nguồn lây bệnh bên ngoài vào. Tỉnh thành lập đội kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch động vật. Các huyện, thành phố lập tổ kiểm tra lưu động và thành lập điểm chốt chặn trên tuyến đường. Phó Chủ tịch cũng yêu cầu Sở Công Thương chỉ đạo tăng cường kiểm tra các chợ, khu công nghiệp thị trường lớn tiêu thụ sản phẩm. Sở Y tế tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên thịt lợn. Đặc biệt phải triển khai ngay việc ký cam kết “5 không” giữa các hộ chăn nuôi, chủ trang trại với chính quyền các xã. Đó là không giấu dịch; không giết mổ, vận chuyển lợn bệnh; không mua bán lợn chết; không vứt xác lợn bệnh ra môi trường và không sử dụng thức ăn dư thừa cho lợn.            

Với tinh thần chỉ đạo, quyết tâm không để Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập vào địa bàn, tỉnh Bắc Giang đang nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh. Trong đó, cùng với các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêu độc khử trùng thì giải pháp kiểm dịch tận gốc quá trình vận chuyển lưu thông lợn tại các điểm chung chuyển và trang trại chăn nuôi đang được triển khai quyết liệt.

Bên cạnh đó, huy động 100% đội ngũ cán bộ thú y và hệ thống thú y cơ sở để tăng cường công tác tuyên truyền trang bị kiến thức về phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi cho người chăn nuôi, đồng thời chuẩn bị hàng tấn vôi bột, hóa chất tiêu độc khử trùng và hướng dẫn bà con các biện pháp phun hóa chất và rắc vôi bột đạt hiệu quả cao.

Sử dụng các biện pháp tiêu độc khử trùng, đặc biệt là sử dụng vôi bột để phòng, chống dịch bệnh.
Ảnh: BGP/Trâm Anh

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh. Với quy mô 200.000 con lợn, đàn lợn của huyện Tân Yên chiếm 1/5 tổng đàn của tỉnh. Ông Dương Ngô Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho biết: “Nhằm ngăn chặn dịch bệnh, huyện đã thành lập 1 đoàn kiểm tra liên ngành cơ động, 4 đoàn kiểm tra của huyện kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tại các xã, thị trấn, các điểm buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm nhập lợn. 100% các trang trại, hộ chăn nuôi đã rắc vôi bột khử trùng. Huyện mua bổ sung 3.000 lít hóa chất, mỗi xã dự trữ 3 - 5 tấn vôi bột phục vụ phòng, chống dịch. Đồng thời đến nay, 24/24 xã đã triển khai ký cam kết thực hiện phòng, chống dịch”.

Huyện Hiệp Hòa có địa bàn giáp ranh với địa phương đang có dịch là huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Ông Ngô Tiến Dũng - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết: Huyện đã thành lập các chốt trạm kiểm soát dịch bệnh nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn huyện. UBND các xã chuẩn bị dự phòng trên 100 tấn vôi bột và đã rắc trên 70 tấn vôi bột tại các đường thôn, xóm; phun trên 400 lít hóa chất tại các điểm chợ, buôn bán thịt lợn. Bố trí sẵn sàng các điểm tiêu hủy lợn khi có trường hợp lợn ốm, chết. 

Mới đây, Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang đã thành lập 10 đoàn công tác kiểm tra đồng loạt về công tác phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi tại 10 huyện, thành phố trong tuần này. Thành phần gồm có đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh và một số đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy để kiểm tra công tác phòng Dịch tả lợn Châu Phi. Điều này cho thấy sự quyết tâm ngăn chặn Dịch tả lợn Châu Phi của tỉnh Bắc Giang.

Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần có nhận thức đúng về dịch bệnh, không nên tẩy chay thịt. Bởi hiện nay, tỉnh Bắc Giang chưa có dịch, hơn nữa dịch tả lợn Châu Phi không lây lan sang người. Bên cạnh đó, quy trình chăn nuôi ngày càng được chuyển dịch theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc tẩy chay thịt lợn sẽ khiến giá lợn giảm mạnh, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi./.

Trâm Anh

Trung bình (0 Bình chọn)