Bắc Giang: Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2016-2025

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng ngày 13/11, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, thành phố Bắc Giang, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2016-2025.

Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Ánh Dương; lãnh đạo các tỉnh: Thái Bình, Đồng Tháp, Gia Lai, Lạng Sơn cùng đại diện 55 Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) các tỉnh, thành phố, các nhà khoa học, các cơ quan hỗ trợ, chuyển giao khoa học công nghệ.

Đại diện lãnh đạo Bộ KH&CN, UBND tỉnh Bắc Giang điều hành tham luận tại hội nghị. Ảnh: BGP/Diệu Hoa.

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở đó đề ra phương hướng và triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025.

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi chiếm hơn 60% diện tích của cả nước, có tầm quan trọng đặc biệt về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đồng thời có tiềm năng rất lớn cần được tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ để khai thác phát triển. Tuy nhiên, hiện trạng phát triển của nông thôn miền núi và vùng dân tộc thiểu số chưa tương xứng với vai trò, vị trí, tiềm năng. Do vậy, một trong những giái pháp quan trọng hàng đầu là làm sao đưa nhanh được tiến bộ KH&CN, thúc đẩy ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại vào thực tiễn sản xuất, đời sống.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày nông sản của tỉnh Bắc Giang. Ảnh: BGP/Diệu Hoa.

Chương trình Nông thôn miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định thực hiện trong thời gian 10 năm từ 2016- 2025, đến nay đã triển khai được một nửa thời gian. Qua 5 năm thực hiện Chương trình đã tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội (KT-XH) thiết thực trên địa bàn, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu KH&CN vào sản xuất và thúc đẩy phát KT-XH khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đến nay, đã có 400 dự án được phê duyệt triển khai trên địa bàn 61 tỉnh, thành phố, với tổng kinh phí đầu tư trên 3 nghìn tỷ đồng. Các dự án hỗ trợ chuyển giao được triển khai trong nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, công nghệ bảo quản, chế biến... Dự kiến khi các dự án kết thúc sẽ xây dựng được trên 1,3 nghìn mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN; chuyển giao được trên 2,1 nghìn lượt công nghệ mới, tiên tiến; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý cho 1,8 nghìn cán bộ quản lý; đào tạo được trên 3,5 nghìn kỹ thuật viên cơ sở ở địa phương; tập huấn cho trên 78,6 nghìn lượt nông dân tiếp nhận và làm chủ được công nghệ.

Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình gặp phải những khó khăn, hạn chế về công tác xây dựng, ban hành văn bản; khó khăn về tài chính; công tác phối hợp, quản lý dự án; việc duy trì, nhân rộng mô hình, dự án.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày nông sản của tỉnh Bắc Giang. Ảnh: BGP/Diệu Hoa.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng: một số dự án, chương trình còn phải điều chỉnh địa điểm, quy mô sản xuất; chậm tiến độ thực hiện. Chưa có nhiều dự án liên kết vùng, liên kết giữa các tổ chức, doanh nghiệp và người sản xuất; kinh phí thực hiện còn thấp, tiến độ cấp kinh phí còn chậm theo mùa vụ.

Các đại biểu kiến nghị, cần duy trì và phát huy cơ chế phân định rõ chức năng quản lý của các Sở KH&CN; tăng tỷ lệ kinh phí hỗ trợ cho các dự án, đặc biệt đối với các địa bàn khó khăn; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, thẩm định, cấp kinh phí triển khai các dự án; có cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhân rộng kết quả sau dự án kết thúc. Đồng thời, các đơn vị quản lý của Bộ KH&CN, Sở KH&CN tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về việc tổ chức thực hiện dự án; các đơn vị quản lý ở Trung ương và địa phương tăng cường công tác kiếm tra, giám sát các dự án, coi trọng công tác tổng kết, rút kinh nghiệm, thông tin tuyên truyền tới người dân nhằm phát huy sự lan tỏa của dự án.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Ánh Dương phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, những năm qua, KH&CN có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt mức cao, bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 13,5%, vượt mục tiêu đề ra và luôn nằm trong các tỉnh đứng đầu cả nước. Chất lượng tăng trưởng dần được cải thiện theo hướng bền vững trên cơ sở thu hút được nhiều dự án đầu tư sản xuất chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi. Theo đó, đời sống của người dân khu vực nông thôn, miền núi dần được cải thiện, sung túc hơn.

Đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh, tỉnh Bắc Giang xác định phát triển công nghiệp là trụ cột, nông nghiệp là trụ đỡ, vì vậy mong muốn thời gian tới Bộ KH&CN tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tỉnh ứng dụng tiến bộ KH&CN vào thực hiện hiệu quả các dự án để nhân rộng trong thực tế, góp phần nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: BGP/Diệu Hoa.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh: Chương trình Nông thôn miền núi cơ bản đã đạt được mục tiêu, nội dung đặt ra đến năm 2020. Tuy nhiên, để đạt được toàn bộ mục tiêu, nội dung đặt ra đến năm 2025, Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương liên quan cần có những giải pháp phù hợp hơn trong việc tổ chức, lựa chọn dự án, lựa chọn công nghệ cho các lĩnh vực; bổ sung, chỉnh sửa hành lang pháp lý để thuận lợi cho thực hiện Chương trình; xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết hàng năm và cho cả giai đoạn 2021- 2025. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các tổ chức chủ trì, tổ chức hỗ trợ chuyển giao công nghệ để triển khai dự án đạt kết quả tốt hơn.

Bên cạnh đó, các Sở KH&CN chủ động tham mưu cho UBND cấp tỉnh đề xuất và tổ chức thực hiện các dự án phù hợp với chủ trương phát triển. Các tổ chức chủ trì dự án, hỗ trợ chuyển giao công nghệ phải phối hợp chặt chẽ, huy động nguồn lực đối ứng cùng với sự hỗ trợ của nhà nước để triển khai thành công các dự án, và có kế hoạch nhân rộng các mô hình của dự án sau khi kết thúc.

Diệu Hoa

Trung bình (0 Bình chọn)