Cứng hóa giao thông nông thôn: Ý Đảng - Lòng dân là một

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Tháng 3/2017, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Đề án phát triển giao thông nông thôn, trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ cứng hóa 60,3% đường thôn xóm. Thông qua các nguồn vốn lồng ghép, đặc biệt là việc triển khai nghị quyết 07/NQ-HĐND tỉnh về cứng hóa giao thông nông thôn, tỉnh Bắc Giang đã huy động được nguồn lực lớn lao đầu tư xây dựng giao thông nông thôn. Thời điểm hiện tại, tỷ lệ đường thôn xóm được cứng hóa đã cán mốc trên 60%; uớc đến năm 2019, toàn tỉnh sẽ đạt tỷ lệ cứng hóa trên 70% đường thôn xóm.
Nhân dân xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn đang tập trung cao nhân lực, phương tiện, vật tư
để đẩy nhanh tiến độ xây dựng giao thông nông thôn. Ảnh; BGP/Nguyễn An

Đường mở rộng đến đâu dân hiến đất đến đó

Qua nắm bắt tình hình tại các địa phương cho thấy, hiện nay các địa phương đang tập trung cao nhân lực, phương tiện, vật tư tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường trục, liên thôn, đường trục nội đồng.

Hầu hết các nút thắt trước đây về tiến độ cấp xi măng, chất lượng xi măng đã được tháo gỡ bằng chính sách linh hoạt. Nhờ đó, các địa phương linh hoạt tiếp cận với các đơn vị cung ứng dễ dàng, thuận tiện và chất lượng cũng được bảo đảm, giá thành cạnh tranh. Tình trạng khan hiếm về xi măng đã được giải quyết.

Cùng với đó, việc điều chỉnh Nghị quyết 07/2017/NQ-HĐND để rút ngắn thời gian thực hiện cũng như bổ sung hỗ trợ các thôn vùng đặc biệt khó khăn đã trở thành cú hích quan trọng, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần tự lực của người dân, nhất là địa bàn miền núi, thôn bản đặc biệt khó khăn.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: “Quán triệt nghị quyết cứng hóa giao thông của tỉnh, đồng thời xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, là cơ hội để Lục Ngạn cải thiện, nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, Thường vụ Huyện ủy đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng cụ thể, sâu sát. Huyện ủy đã phân công từng đồng chí trong Ban Thường vụ trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi một nhóm xã và chịu trách nhiệm trước Huyện ủy về tiến độ, chất lượng thi công. Bên cạnh xi măng và kinh phí (100 triệu đồng/1km) hỗ trợ của tỉnh đối với thôn đặc biệt khó khăn, huyện còn dành kinh phí hỗ trợ 150 triệu đồng/1km đường đối với thôn đặc biệt khó khăn và 100 triệu đồng đối với các thôn còn lại… Phấn đấu, hết năm 2019, toàn huyện sẽ cứng hóa mới được 750km đường giao thông nông thôn, nâng tỷ lệ đường nông thôn được cứng hóa lên 70%.”

Ông Lê Xuân Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Mộc trao đổi: “Nghị quyết cứng hóa giao thông nông thôn của tỉnh thực sự là một chính sách hợp lòng dân, người dân các thôn trên địa bàn xã vô cùng phấn khởi, đồng thuận rất cao trong hiến đất, tháo dỡ công trình và đóng góp đối ứng để xây dựng, mở rộng đường giao thông. Trong quá trình thực hiện, xuất hiện nhiều Mạnh Thường Quân đã ứng trước tiền cá nhân cho các hộ dân khó khăn vay để góp tiền đối ứng. Do đó, tiến độ xây dựng được đẩy nhanh…”

Ông Cam Văn Thắng (giữa) hào hứng chia sẻ về việc ủng hộ xây dựng đường giao thông nông thôn.
Ảnh: BGP/Nguyễn An

Ông Cam Văn Thắng, đội 2, thôn Xuân Thành, xã Tân Mộc hào hứng chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của nhà nước, nhân dân chúng tôi từ nay không còn phải khổ sở vì đường sá lầy lội về mùa mưa, bụi bặm về mùa khô như trước đây. Việc tiêu thụ cây trồng vật nuôi từ nay sẽ gặp nhiều thuận lợi, không còn tình cảnh tư thương ép giá với lí do khó khăn trong việc vận chuyển… Ngoài việc đóng góp theo quy định, thôn cần bao nhiêu đất để mở rộng đường chúng tôi cũng sẵn lòng ủng hộ.”

Theo lãnh đạo huyện Lục Ngạn, hưởng ứng phong trào xây dựng giao thông nông thôn, nhiều hộ dân đã tự nguyện ủng hộ với số tiền hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Tiêu biểu như các hộ dân ở xã Quý Sơn, Thanh Hải, Tân Mộc…

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn Sở Giao thông vận tải, chất lượng bê tông tại các tuyến đường mới được cứng hóa đều bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật ở mức cao; kết cấu vật liệu có độ bền lớn theo thời gian sử dụng.

Gỡ nút thắt

Đề án phát triển giao thông nông thôn mà trực tiếp là Nghị quyết về cứng hóa giao thông nông thôn của tỉnh ra đời hoàn toàn phù hợp, là quyết sách rất “trúng” lòng dân; bảo đảm tầm nhìn dài hạn trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa bàn nông thôn.

Tuy nhiên cũng cần thẳng thắn nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại trong quá trình triển khai để có những giải pháp tháo gỡ, nhằm phát huy cao nhất mục tiêu, ý nghĩa của chính sách này.

Theo kế hoạch, năm 2018, toàn tỉnh sẽ thực hiện cứng hóa thêm gần 1,3 nghìn km đường giao thông nông thôn. Tuy nhiên, do thời tiết mưa kéo dài, nên đến hết tháng 10/2018, các huyện mới cứng hóa được gần 600km, ước đạt khoảng 46% khối lượng thi công; kế hoạch hỗ trợ xi măng cả năm gần 305 nghìn tấn đến nay mới thực hiện được gần 143,9 nghìn tấn, đạt gần 47,2% kế hoạch.

Kết quả 10 tháng đầu năm 2018, 5/9 huyện có khối lượng giải ngân dưới 50%, thấp nhất là huyện Yên Thế (29,49%); 4 huyện có khối lượng giải ngân trên 50% là: Hiệp Hòa, Tân Yên, Sơn Động, Yên Dũng.

Qua nắm bắt thực tế tại các địa phương cho thấy, bên cạnh những yếu tố khách quan, vẫn còn nhiều yếu tố chủ quan làm ảnh hưởng tới tiến độ triển khai. Theo đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, vai trò, mục tiêu của Nghị quyết cứng hóa giao thông nông thôn còn mơ hồ, thiếu sâu sát trong tuyên truyền, động viên sức dân. Bên cạnh số đông người dân đồng thuận cao, tích cực góp công góp của để làm đường, vẫn còn một bộ phận có biểu hiện trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ từ ngân sách mà không tích cực tham gia đóng góp đối ứng; một số đoạn đường chưa bảo đảm đúng tiêu chí đầu tư theo quy định của nghị quyết…

Ngoài ra, quy trình tự thiết lập hồ sơ thanh quyết toán tại một số thôn, xã còn lỏng lẻo, chưa bảo đảm sự minh bạch về kinh phí hỗ trợ của ngân sách với phần đóng góp của người dân gây khó khăn cho việc thanh quyết toán sau khi công trình hoàn thành, thậm chí có thể phát sinh những tiêu cực…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn (thứ 2 hàng trước từ phải sang)
trực tiếp thị sát chất lượng thi công đường giao thông tại thôn Xuân Thành, xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn.
Ảnh: BGP/Nguyễn An

Nắm bắt tình hình trên, những ngày gần đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn đã trực tiếp xuống cơ sở thị sát tiến độ, cách thức triển khai nghị quyết nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên.

Chỉ đạo các địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh lưu ý cấp ủy, chính quyền các xã cần nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, mục tiêu của nghị quyết cứng hóa giao thông nông thôn nhằm tạo động lực phát triển, nâng cao đời sống của nông dân, thay đổi diện mạo nông thôn. Các địa phương cần coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với một tinh thần quyết tâm cao nhất, dồn lực để hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra.

Bên cạnh việc tuyên truyền vận động sự đồng thuận đóng góp của người dân, các địa phương cần căn cứ vào khả năng ngân sách của mình để dành kinh phí hỗ trợ cho phù hợp; trong triển khai cần bám sát các nội dung nghị quyết và các căn cứ pháp lý bảo đảm đầu tư đúng đối tượng, đúng mục tiêu, chất lượng phải tương ứng với kinh phí đầu tư; tuyệt đối không làm phát sinh nợ đọng ngân sách trong thực hiện nghị quyết. Trong thiết lập hồ sơ thanh quyết toán cần bảo đảm tính minh bạch, dân chủ, công khai; tuân thủ chặt chẽ quy trình, quy định của pháp luật về tài chính.

Đồng chí cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ giám sát chất lượng công trình cho các tổ giám sát nhân dân; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy trình kỹ thuật thi công, thủ tục thanh quyết toán tại cơ sở nhằm kịp thời điều chỉnh, sửa chữa những bất cập, sai sót trong quá trình triển khai…

Dồn lực hoàn thành kế hoạch

Thông tin từ các địa phương cho thấy, hiện nay, điều kiện thời tiết bắt đầu bước vào mùa khô, rất thuận lợi cho công tác thi công, các địa phương đang tích cực tập trung nhân lực, phương tiện, vật tư để đẩy nhanh tiến độ.

Theo thông tin từ Sở Giao thông vận tải, riêng tháng 10/2018, đã có 3/9 huyện có khối lượng thi công đạt trên 100% kế hoạch, gồm: Lạng Giang (142,97%), Yên Thế (110,9%), Sơn Động (109,74%).

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: “Với điều kiện thời tiết thuận lợi như hiện nay, cùng sự đồng thuận cao của nhân dân thì việc hoàn thành kế hoạch năm 2018 của huyện hoàn toàn khả thi. UBND huyện đang tham mưu với UBND tỉnh phương án xin ứng trước khối lượng xi măng của kế hoạch 2019 để triển khai và hoàn thành luôn vào dịp từ nay đến đầu năm 2019.”

Đoạn đường trục thôn tại xã Tiên Nha (huyện Lục Nam) mới được bê tông hóa bảo đảm quy mô và chất lượng.
Ảnh: BGP/Nguyễn An

Với mục tiêu ban đầu nghị quyết đề ra trong 05 năm (2017 - 2021) ngân sách tỉnh sẽ dành kinh phí hỗ trợ 500 nghìn tấn xi măng để cứng hóa đường trục thôn, đường trục nội đồng, song do được sự đồng thuận, ủng hộ cao của người dân, nghị quyết được điều chỉnh rút ngắn thời gian thực hiện còn 3 năm và nguồn xi măng hỗ trợ theo khả năng góp vốn đối ứng của người dân. Tính tổng nguồn xi măng hỗ trợ của tỉnh, kinh phí đặc thù đối với địa bàn đặc biệt khó khăn thì tỷ lệ bình quân nguồn vốn giữa nhà nước và nhân dân khoảng 50 - 50. Với tỷ lệ này được hiểu đây là chính sách nhà nước và nhân dân cùng làm.

Nhìn vào khí thế phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn hiện nay, chúng ta càng thấm thía lời dạy trở thành chân lý được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Và hiển nhiên, để động viên được sức dân tích cực tham gia xây dựng quê hương, đất nước với một tinh thần tự lực, tự cường thì vai trò của người cán bộ đứng đầu là then chốt. Ở đâu, khi nào người đứng đầu gương mẫu, trách nhiệm, sâu sát với công việc; liêm chính, tận tâm, thấu hiểu lòng dân; mạnh dạn, sáng suốt đề ra các chính sách phù hợp và quyết tâm thực hiện thì ở đó, khi ấy công việc chạy, xã hội phát triển. Đó là mạch nguồn dẫn lối Ý Đảng - Lòng Dân là một.

 

Nguyễn An

Trung bình (0 Bình chọn)