Bắc Giang: Điểm giao thông quan trọng vận chuyển ở phía Bắc

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Bắc Giang là tỉnh trung du miền núi, có vị trí chuyển tiếp giữa các tỉnh phía Đông Bắc với các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội; nằm giữa trung tâm giao lưu của vùng tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; là điểm giao thông quan trọng vận chuyển ở phía Bắc.

Lễ thông xe dự án nâng cấp quốc lộ 1 đoạn Hà Nội – Bắc Giang

Đa dạng các loại hình giao thông

Về giao thông đường bộ, đến hết năm 2014, tổng chiều dài đường bộ tỉnh Bắc Giang có 10.784,79 km, trong đó: Quốc lộ có 05 tuyến chạy qua km gồm: QL 1A, QL 31, QL 37, QL 279 và QL 17 với tổng chiều dài 308,9 km; 18 tuyến đường tỉnh, dài 367,66 km; đường huyện, dài 736,9 km; đường xã dài 2.053,72 km; đường đô thị khoảng 308,18 km và 7.009,43 km đường thôn. Ngoài ra, còn có hệ thống đường chuyên dùng ở các khu công nghiệp và đường nội đồng.

Giao thông đường thủy nội địa có 03 con sông chính (sông Thương, sông Cầu và sông Lục Nam), trong đó có 222 km do Trung ương quản lý và 130 km do địa phương quản lý.

Giao thông đường sắt có 03 tuyến: Hà Nội – Đồng Đăng dài 167 km (qua Bắc Giang 40 km); Kép – Hạ Long dài 106 km (qua Bắc Giang 32,77 km); Kép – Lưu Xá (chưa khôi phục hoạt động).

Về hoạt động vận tải, hiện tỉnh Bắc Giang có 17 tuyến vận tải đường bộ liên tỉnh và 09 tuyến nội tỉnh. Hệ thống cảng, bến đường thủy nội địa tương đối hiện đại, đồng bộ đủ năng lực trung chuyển, xếp dỡ hàng hóa cho tàu, thuyền có trọng tải lớn như: Cảng Á Lữ; cảng Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Bến Đám, Bến Tuần,… trong đó, cảng Á Lữ với diện tích khoảng 20.000m2, chiều dài khoảng 200m cùng 2 kho hàng với tổng diện tích 4.440m2 có năng lực thông qua cảng với khối lượng hàng hóa khoảng 250 nghìn tấn/năm; cảng chuyên dùng của Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc có năng lực thông qua cảng khoảng 70-100 nghìn tấn/năm, cùng hàng chục cảng, bến có quy vừa và nhỏ phục vụ nhu cầu vận chuyển nội địa đã góp phần quan trọng vào việc đa dạng hóa các loại hình vận tải, giảm sức ép cho vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh. 

Quy hoạch đồng bộ

Nhận thức rõ vai trò của giao thông đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, Ngày 14/3/2012, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 71/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Tháng 7/2015, tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết thông qua “Điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”

.

Hệ thống giao thông được đầu tư nâng cấp, mở rộng góp phần đẩy nhanh kinh tế phát triển

Theo đó, mục tiêu giai đoạn 2015 – 2020 tập trung nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, một số tuyến đường huyện, đường đến trung tâm các xã khó khăn, đầu tư mở mới một số tuyến phục vụ kết nối, công nghiệp, khu vực dân c­ư, đô thị. Phát triển đường thủy nội địa và đường sắt đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách.

Giai đoạn 2021 – 2030, hoàn chỉnh, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, nâng cao chất lượng khai thác, đảm bảo vận tải thông suốt toàn bộ mạng lưới đối nội và đối ngoại.

Cụ thể, về phát triển kết cấu hạ tầng, đối với đường bộ sẽ hoàn thành cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, 2- 4 làn xe; triển khai xây dựng nền đường vành đai V thủ đô Hà Nội tiêu chuẩn 4 - 6 làn xe; cải tạo, nâng cấp, đưa vào cấp đường tỉnh với mục tiêu ở vùng đồng bằng đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV trở lên; miền núi đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp V.

Chuyển một số đường huyện quan trọng lên thành đường tỉnh, kết hợp mở một số tuyến, đoạn tuyến mới ở những khu vực cần thiết; cứng hóa mặt đường đường huyện đạt khoảng 87 - 90%; đường xã đạt 58,5-65%; nâng cấp đường thôn, bản đạt tiêu chuẩn giao thông nông thôn loại B, cứng hóa mặt đường đạt 55- 60%, thực hiện duy tu bảo dưỡng trên 70% khối lượng.

Phát triển giao thông đô thị được xây dựng phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian và bố trí hạ tầng kỹ thuật của đô thị.

Sẽ tiến hành xây dựng mới 06 bến xe khách và mở rộng, nâng cấp các bến xe khách hiện có; mở thêm 51 tuyến vận tải liên tỉnh kết nối với 37 tỉnh, thành phố trong cả nước; xây dựng cảng cạn để đáp ứng nhu cầu lưu trữ và phân phối hàng hóa tại Đồng Sơn (thành phố Bắc Giang) và thị trấn Kép (huyện Lạng Giang) với quy mô 30 ha vào năm 2020 và 50 ha vào năm 2030; xây dựng trung tâm Logistics tại thành phố Bắc Giang và huyện Lạng Giang (dọc quốc lộ 1).

Đối với đường thủy nội địa, nạo vét luồng lạch, chỉnh trị dòng sông đảm bảo cho các phương tiện có tải lớn. Xây dựng thêm cảng mới, các bến bãi, bến khách ngang sông, kết hợp giao thông đường thủy với giao thông đường bộ nhằm đáp ứng tốt nhu cầu vận tải.

Về phát triển vận tải và phương tiện, phấn đấu khối lượng vận chuyển hàng hóa đường bộ đến năm 2020 đạt 25,4 triệu tấn, năm 2030 đạt 77 triệu tấn, tăng trưởng bình quân đến năm 2020 là 8,28%/năm, giai đoạn 2021-2030 là 11,73%/năm. Khối lượng vận chuyển hành khách đến năm 2020 đạt 47,3 triệu hành khách, đến năm 2030 đạt 139,4 triệu hành khách, tăng trưởng bình quân đến năm 2020 là 11,69%/năm, giai đoạn 2021- 2030 là 11,43%/năm. Đến năm 2020 đảm bảo vận chuyển được khoảng 40% nhu cầu vận tải khách công cộng đô thị.

Khối lượng vận chuyển hàng hóa đường thủy nội địa đến năm 2020 đạt 3,97 triệu tấn, tăng trưởng bình quân là 11,97%/năm; đến năm 2030 đạt 6,37 triệu tấn, tăng trưởng bình quân là 18,5%/năm.

Khối lượng vận chuyển hàng hóa đường sắt đến năm 2020 đạt 168.970 tấn, tăng trưởng bình quân là 18%/năm; khối lượng vận chuyển hành khách đến năm 2020 đạt 105.000 người, tăng trưởng bình quân là 11%/năm./.

Trung bình (0 Bình chọn)