Tổng cục Thuế cảnh báo hành vi giả danh cán bộ, cơ quan thuế để lừa đảo

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
(Chinhphu.vn) - Trong thời gian vừa qua, ngành Thuế liên tục tuyên truyền và đưa ra những cảnh báo về tình trạng giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để thực hiện hành vi lừa đảo người nộp thuế, nhưng vẫn có người dân mắc bẫy các đối tượng này, nhất là trong tháng cao điểm quyết toán thuế.

Tổng cục Thuế cảnh báo hành vi giả danh cán bộ, cơ quan thuế để lừa đảo- Ảnh 1.

Tổng cục Thuế khẳng định, không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân ngoài ngành Thuế nào thu thuế hộ.

Thủ đoạn chính của các đối tượng là giả mạo cán bộ thuế để gọi điện thoại, nhắn tin, kết bạn Zalo, cung cấp đường link và hướng dẫn người nộp thuế quyết toán thuế, hướng dẫn cài đặt các phần mềm giả mạo ứng dụng của cơ quan thuế, nhằm lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng với mục đích chiếm đoạt tài sản.

Thậm chí có đối tượng còn giả mạo là cơ quan chức năng gửi đường link dịch vụ công VneID giả mạo để người dân truy cập tích hợp với quảng cáo là 'tích hợp căn cước công dân và mã số thuế' hoặc hướng dẫn cách điều chỉnh thông tin trên ứng dụng VneID, sau đó gửi đường link dịch vụ công sửa VneID giả mạo rồi từ đó chiếm quyền điều khiển điện thoại và lấy hết tiền trong tài khoản ngân hàng.

Không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân ngoài ngành Thuế nào thu thuế hộ

Trước tình trạng trên, Tổng cục Thuế một lần nữa khẳng định, không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân ngoài ngành Thuế nào thu thuế hộ. Đồng thời cảnh báo đến người nộp thuế khi nhận được các cuộc gọi như trên cần liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế qua kênh chính thức để được hỗ trợ tránh bị kẻ gian lợi dụng.

Tổng cục Thuế khuyến cáo, người nộp thuế khi nhận được các tin nhắn, cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung hướng dẫn trong tin nhắn. Người nộp thuế cũng cần lưu ý rằng, Trang thông tin điện tử chính thức của cơ quan thuế sử dụng giao thức "https" và tên miền quốc gia Việt Nam ".vn". (Ví dụ: Trang TTĐT Tổng cục Thuế có tên miền: https://www.gdt.gov.vn)

Việc mạo danh, giả danh nêu trên là những hành vi trái pháp luật, lợi dụng danh nghĩa cán bộ, công chức thuế, cơ quan thuế các cấp và các cơ quan chức năng để trục lợi cá nhân, lừa đảo người nộp thuế…, hành vi này đã và đang gây thiệt hại, làm cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh và tài sản của tổ chức, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, gây tổn hại đến uy tín, hình ảnh của cán bộ công chức của cơ quan thuế.

Nhằm giúp người nộp thuế phòng tránh vấn nạn lừa đảo trực tuyến, đặc biệt trong thời điểm quyết toán thuế, Tổng cục Thuế đề nghị, các trường hợp nhận được các tin nhắn, cuộc thoại trên các nền tảng mạng xã hội và cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người nộp thuế cần lưu lại các bằng chứng như tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi, phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý, đồng thời cung cấp các bằng chứng đã có tới các cơ quan chức năng của Bộ Công an và cơ quan thuế nơi gần nhất đề nghị xử lý hành vi sai phạm của các đối tượng theo quy định pháp luật.

Tổng cục Thuế khẳng định, ngành Thuế đã và đang phối hợp tích cực với các lực lượng chức năng để quyết liệt đấu tranh, phát hiện và xử lý các đối tượng phạm tội này.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, thận trọng trước các tình huống. Khi nhận các cuộc điện thoại nghi ngờ là giả mạo, người dân cần bình tĩnh trước các thông tin kể cả đối với thông tin có tính chất tạo áp lực đe dọa. Người nộp thuế không nên vội vàng cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại, email, không làm theo hướng dẫn cài đặt các ứng dụng, đường link giả mạo và cần thông báo ngay cho cơ quan Công an địa phương để được hỗ trợ và tư vấn.

Trung bình (0 Bình chọn)

Mở ra cơ hội hợp tác phát triển du lịch Việt Nam-Trung Quốc

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
(Chinhphu.vn) - Từ ngày 27-30/3, phái đoàn của Tập đoàn Du lịch Trung Quốc (CTG) và Tập đoàn Miễn thuế Trung Quốc (CDF- thành viên của CTG) sẽ có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Mở ra cơ hội hợp tác phát triển du lịch Việt Nam-Trung Quốc- Ảnh 1.

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với nnhiều du khách du lịch Trung Quốc

Phái đoàn gồm: bà Liu Kun, Phó Tổng Giám đốc CTG (trưởng đoàn); bà Zhao Feng, Phó Tổng Giám đốc CDF và ông Diao Shuo, Trợ lý Tổng Giám đốc Tập đoàn.

Theo lịch trình, phái đoàn sẽ có các buổi làm việc tại Hà Nội và TPHCM. Đặc biệt, tại TPHCM, phái đoàn sẽ có các buổi làm việc với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) nhằm thảo luận về việc mở cửa các cửa hàng miễn thuế tại TPHCM, Cam Ranh-Nha Trang, biên giới Móng Cái và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp du lịch, các dịch vụ phục vụ ngành du lịch giữa hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc.

Đây cũng là dịp để mở ra cơ hội hợp tác phát triển thị trường du lịch và mua sắm thương mại giữa hai nước.

CTG là một doanh nghiệp được nhà nước Trung Quốc trực tiếp quản lý và là một trong những doanh nghiệp thuộc sở hữu của Chính phủ. Sau hơn 100 năm phát triển, CTG đã hình thành một cấu trúc tập đoàn bao gồm 8 lĩnh vực kinh doanh chính với mạng lưới phủ sóng Trung Quốc và gần 30 quốc gia trên thế giới.

CDF là công ty thuộc CTG, kinh doanh bán lẻ du lịch miễn thuế. Sở hữu các giấy phép miễn thuế toàn diện, công ty đã thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài với hơn 1.200 thương hiệu nổi tiếng thế giới. Hiện nay, công ty đã mở hơn 200 cửa hàng miễn thuế ở Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Macau, Đài Loan (Trung Quốc) và nước ngoài, đứng đầu ngành công nghiệp toàn cầu.

Trung bình (0 Bình chọn)

Chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu có hiệu lực 05 năm

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
(Chinhphu.vn) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHĐT quy định hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và thi, cấp, thu hồi chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu. Theo đó, chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu có hiệu lực 05 năm.

Chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu có hiệu lực 05 năm- Ảnh 1.

 

Thông tư nêu rõ, chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu được cấp cho cá nhân bao gồm:

Cá nhân tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định trong đấu thầu lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Điều 19 Luật Đấu thầu và quy định tại Điều 19 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu;

Cá nhân tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư kinh doanh theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 23/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực;

Cá nhân tham gia tổ chuyên gia trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định tại Điều 33 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu được cấp trong một hoặc các trường hợp sau đây:

Cấp chứng chỉ lần đầu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện: có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đạt kỳ thi nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu theo quy định của Thông tư này;

Cấp lại chứng chỉ được thực hiện trong trường hợp chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu đã được cấp còn thời hạn nhưng bị mất hoặc hư hỏng hoặc bị ghi sai thông tin;

Cấp gia hạn hiệu lực chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu được thực hiện trong trường hợp chứng chỉ hết hiệu lực theo quy định. Cá nhân thực hiện đăng ký gia hạn hiệu lực chứng chỉ trên Hệ thống trong thời hạn tối thiểu 15 ngày trước ngày hết hiệu lực của chứng chỉ. Sau thời hạn này, cá nhân không được đăng ký gia hạn hiệu lực chứng chỉ và phải dự thi, cấp chứng chỉ lần đầu theo quy định nếu có nhu cầu.

Chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu có hiệu lực trong thời hạn 05 năm kể từ ngày được cấp lần đầu hoặc được gia hạn. Trường hợp cấp lại chứng chỉ thì ghi thời hạn theo chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu được cấp trước đó.

Cơ quan cấp, thu hồi chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu là: Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Mức thu chi phí thi, cấp chứng chỉ tối đa là 800.000 đồng/thí sinh

Theo Thông tư, mức thu chi phí thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu lần đầu tối đa là 800.000 đồng/thí sinh/kỳ thi.

Mức thu chi phí cấp lại hoặc cấp gia hạn chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu là 100.000 đồng/lần.

Mức thu quy định trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng phải nộp theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật này. Trường hợp cần điều chỉnh mức thu chi phí quy định này để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu thực tiễn công tác tổ chức thi, Cục Quản lý đấu thầu trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, quyết định.

Theo Chinhphu.vn

Trung bình (0 Bình chọn)

Giáo viên có bắt buộc hướng dẫn đề tài để giữ hạng?

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
(Chinhphu.vn) - Ông Đoàn Xuân Nhựt (Bến Tre) hỏi, giáo viên THPT hạng II mỗi năm có cần hướng dẫn ít nhất một đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh để giữ hạng hay không, có thể thay thế bằng các yêu cầu khác không? Nếu không hoàn thành được tiêu chuẩn trên thì hình thức xử lý như thế nào?

Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT ngày 14/4/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập quy định như sau:

"Nhiệm vụ của giáo viên được quy định đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp là những công việc giáo viên thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng và trong suốt thời gian giữ hạng nếu được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phân công. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có thể phân công giáo viên thực hiện nhiệm vụ của hạng cao hơn nếu giáo viên có khả năng thực hiện. Đối với những nhiệm vụ theo hạng chức danh nghề nghiệp mà trường mầm non, phổ thông công lập không được giao hoặc không đủ điều kiện thực hiện thì người đứng đầu trường mầm non, phổ thông công lập quyết định việc quy đổi sang các nhiệm vụ khác có liên quan để làm căn cứ đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của giáo viên".

Do đó, căn cứ vào các công việc nhiệm vụ thực tế mà nhà trường được giao, hiệu trưởng phân công, bố trí nhiệm vụ cho giáo viên bảo đảm phù hợp với hạng chức danh nghề nghiệp mà giáo viên được bổ nhiệm và phù hợp với năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên. 

Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của giáo viên là một trong những căn cứ quan trọng để thực hiện công tác đánh giá giáo viên theo quy định.

 

Trung bình (0 Bình chọn)

Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 26/3/2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu- Ảnh 1.

 

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Công an, Thông tin và Truyền thông; Tổng Thanh tra Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chủ tịch, Tổng Giám đốc: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn; Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam.

Công điện nêu: Thực hiện quy định của Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ về sử dụng hóa đơn điện tử, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các Bộ, cơ quan, doanh nghiệp thực hiện các giải pháp quyết liệt, đồng bộ trong quản lý mặt hàng xăng dầu để đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và quản lý sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu nhất là các Công điện và Nghị quyết gần đây: các Công điện của Thủ tướng Chính phủ: số 1123/CĐ-TTg ngày 18 tháng 11 năm 2023, số 1284/CĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2023, số 1437/CĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2023, số 09/CĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2024 và Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường gây tác động ảnh hưởng đến giá cả và nguồn cung xăng dầu thế giới và trong nước; nhiều doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu chưa thực hiện nghiêm quy định; hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu còn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp…

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, điều hành xăng dầu, bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước và thực hiện nghiêm quy định về quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch, Tổng Giám đốc: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và Thủ trưởng các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ, Công điện, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu trên; trong đó tập trung thực hiện ngay một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Bộ trưởng Bộ Công Thương

a) Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình thị trường xăng dầu thế giới và trong nước để chủ động có các biện pháp từ sớm, từ xa theo thẩm quyền và quy định nhằm đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

b) Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên cả nước chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu; thực hiện nghiêm túc quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, đặc biệt là trong việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu các giải pháp đơn giản hóa hơn nữa cách thức thanh toán thông qua việc ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ và triệt để trong việc lập hóa đơn điện tử kết nối với ngành thuế.

c) Phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các lực lượng chức năng xem xét xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử, kể cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2024; đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

d) Khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện, đề xuất xây dựng Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu theo đúng chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 172/TB-VPCP ngày 14 tháng 10 năm 2023 và quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp; trình Chính phủ trong Quý II năm 2024.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan triển khai ngay các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả yêu cầu các đơn vị kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử, lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo quy định. Thúc đẩy mạnh mẽ và thực hiện triệt để việc chuyển đổi số trong việc lập hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế.

b) Chỉ đạo cơ quan thuế phối hợp với cơ quan công an và các cơ quan liên quan khác đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về hóa đơn điện tử, lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu theo đúng quy định của pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2024 và các chỉ đạo có liên quan của Thủ tướng Chính phủ; xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định pháp luật nếu không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện.

c) Tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu xem xét, quyết định điều chỉnh các loại chi phí liên quan trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu theo đúng quy định tại các Nghị định về kinh doanh xăng dầu và các quy định pháp luật liên quan, bám sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

3. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính chỉ đạo các cơ quan báo chí và phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam để thông tin chính thống, kịp thời về các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành địa phương về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và thực hiện quy định của pháp luật về hóa đơn điện tử để tạo sự đồng thuận trong dư luận, tránh đưa tin không đúng gây bất ổn thị trường. Các Bộ: Công Thương, Tài chính chủ động tích cực cung cấp thông tin kịp thời cho Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí theo quy định.

4. Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam triển khai ngay việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định và kết nối với cơ quan thuế thông qua chuyển đổi số; có phương án sản xuất, dự trữ, phân phối, điều tiết xăng dầu phù hợp, khoa học, hiệu quả, bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

5. Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Công an, Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới, gian lận thương mại, vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu, quy định về hóa đơn điện tử…; tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu (chất lượng xăng dầu, thời gian bán hàng, giá bán lẻ xăng dầu, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu…); đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân thực hiện hoạt động kinh doanh, vận chuyển, lưu thông, phân phối xăng dầu và bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn theo quy định.

6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường chỉ đạo các sở, ban ngành tại địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng về Thuế, Công an, Công Thương và cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện quy định về hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế thông qua chuyển đổi số đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu tại địa phương theo đúng các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2024 và của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1123/CĐ-TTg ngày 18 tháng 11 năm 2023 và số 1284/CĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2023.

7. Chủ tịch, Tổng Giám đốc các Tập đoàn, doanh nghiệp: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, phương án kinh doanh, vận hành an toàn, ổn định, hiệu quả các nhà máy; bám sát tình hình thị trường xăng dầu thế giới và trong nước, chủ động xử lý kịp thời các tình huống phát sinh theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật.

8. Hiệp hội xăng dầu Việt Nam tăng cường công tác thông tin diễn biến tình hình thị trường xăng dầu thế giới đến các hội viên, bảo đảm các thông tin chính xác, kịp thời, chính xác góp phần tạo cơ sở định hướng cho hoạt động kinh doanh của các thương nhân kinh doanh xăng dầu. Quán triệt các hội viên nghiêm túc thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, đạo đức kinh doanh của các thương nhân quy định tại các Nghị định về kinh doanh xăng dầu và các quy định khác của pháp luật có liên quan, đặc biệt là việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng thời hạn quy định về hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

9. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền./.

Trung bình (0 Bình chọn)