Hướng dẫn sử dụng kinh phí sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 43/2017/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020.
Xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền.

Theo đó, đối tượng áp dụng là các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng và thụ hưởng nguồn kinh phí sự nghiệp của ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình.

Cụ thể, đối với nội dung chi lập kế hoạch, quản lý, sử dụng, thanh quyết toán xây dựng cơ sở hạ tầng NTM, Thông tư quy định, trên cơ sở mức hỗ trợ của ngân sách Trung ương, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chủ động chỉ đạo lập kế hoạch kinh phí quy hoạch của tỉnh; quy định mức kinh phí quy hoạch cho cấp xã phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Bố trí, bổ sung kinh phí ngân sách địa phương để lập quy hoạch xây dựng vùng của địa phương. Rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch sản xuất trong đồ án quy hoạch xã NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp cấp huyện, cấp vùng của địa phương và cấp tỉnh. Việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí cho các nhiệm vụ, dự án quy hoạch thực hiện theo quy định tại Thông tư số 24/2008/TT-BTC ngày 14/3/2008 của Bộ Tài chính. Nguồn kinh phí thực hiện do ngân sách Nhà nước đảm bảo từ nguồn chi các hoạt động kinh tế.

Đối với lĩnh vực phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, bao gồm các nội dung chi như: Hỗ trợ dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; thực hiện Chương trình khoa học, công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn; hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015- 2020; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm; hỗ trợ sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị đào tạo, phương tiện vận chuyển đào tạo lưu động; xây dựng, nhân rộng các mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn…

Về nội dung giảm nghèo và an sinh xã hội, Thông tư quy định mức hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách xây dựng chuồng, trại chăn nuôi hợp vệ sinh, góp phần đảm bảo tỷ lệ hộ có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đạt chuẩn theo các mức: Các hộ nghèo, gia đình chính sách được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 70% giá thành chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; hộ cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 35% giá thành chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh. UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được UBND cấp tỉnh ủy quyền phê duyệt thiết kế mẫu và giá thành xây dựng chuồng trại, chăn nuôi hợp vệ sinh phù hợp với điều kiện của địa phương làm căn cứ hỗ trợ.

Ngoài ra, Thông tư còn quy định rõ mức chi và nội dung chi liên quan đến phát triển giáo dục ở nông thôn; phát triển y tế nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn; nâng cao đời sống văn hóa của người dân NTM; vệ sinh môi trường nông thôn, khắc phục ô nhiễm làng nghề; nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, đoàn thể trong  xây dựng NTM; công tác truyền thông trong xây dựng NTM;…

Xem chi tiết Thông tư tại đây./.

Trung bình (0 Bình chọn)