Đường dẫn liên kết (Breadcrumb) tạm thời không có.

Các ý kiến, kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XVIII đang được xem xét, giải quyết lĩnh vực văn hóa - xã hội

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

STT

Kiến nghị đang được xem xét, giải quyết

Thời hạn hoàn thành

Cơ quan được giao giải quyết

III

Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

 

 

1

Cử tri huyện Yên Dũng đề nghị UBND tỉnh: Quan tâm, hỗ trợ dạy nghề cho nông dân bị Nhà nước thu hồi đất sản xuất.

Trong những năm gần đây, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động cả nước nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã được triển khai, thực hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Trong đó, có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất.

Sau khi có Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; ngày 31/12/2014, tỉnh Bắc Giang đã có Quyết định số 869/2014/QĐ-UBND ban hành Quy định một số điểm cụ thể về thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Tại Điều 20 Quyết định số 869/2014/QĐ-UBND có nêu: "Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm bằng tiền. Mức hỗ trợ bằng 03 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong Bảng giá đất UBND tỉnh quy định đối với toàn bộ diện tích đất thu hồi nhưng không quá 02 ha đối với đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản; 30 ha đối với đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm".

Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất; Quyết định số 46/2015 duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020"; hàng năm, tỉnh Bắc Giang đều ban hành Quyết định về việc phê duyệt mức chi và danh mục nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Các chính sách đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp theo quy định nếu có nhu cầu học nghề, đăng ký với UBND xã để được hỗ trợ đào tạo.

- Đối với đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, mức hỗ trợ chi phí như sau:

+ Hỗ trợ chi phí cả khóa đào tạo (theo định mức thu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp nhưng tối đa không vượt quá định mức theo Quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt mức chi và danh mục nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh hàng năm);

+ Hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học;

+ Hỗ trợ tiền đi lại: Nếu địa điểm đào tạo xa nơi cư trú từ 15km trở lên, người học được hỗ trợ 200.000 đồng/người/khóa học; nếu địa điểm đào tạo xa nơi cư trú từ 05km trở lên đối với người học cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, người học được hỗ trợ 300.000 đồng/người/khóa học.

- Đối với đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng: Được hỗ trợ học phí cho một khóa học. Mức học phí được hỗ trợ bằng mức thu học phí thực tế của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng tối đa không quá mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập theo quy định của pháp luật. Được vay vốn theo quy định của chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên.

Trong giai đoạn 2015 - 2017, tỉnh Bắc Giang đã đào tạo nghề, trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên cho 13.256 lao động nông thôn, trong đó có 917/917 lao động thuộc các hộ bị thu hồi đất sản xuất. Riêng huyện Yên Dũng có 390/390 lao động thuộc các hộ bị thu hồi đất sản xuất đã được hỗ trợ đào tạo nghề.

Thực hiện thường xuyên

Sở Lao động - TB&XH

2

Cử tri huyện Yên Thế đề nghị: Tăng cường đội ngũ bác sỹ giỏi cho các bệnh viện tuyến huyện để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân tránh quá tải cho bệnh viện tuyến trên.

Trong những năm gần đây, công tác tăng cường bác sỹ tại các bệnh viện đa khoa huyện luôn được UBND tỉnh, Sở Y tế quan tâm bổ sung. Hằng năm, Sở Y tế phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức tuyển dụng nhân lực là bác sỹ. Chất lượng của đội ngũ bác sỹ có trình độ sau đại học của các bệnh viện tuyến huyện ngày càng tăng theo từng năm, từ 32,5% năm 2016 lên 44% năm 2017.

Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, việc tuyển dụng đối với các bác sỹ giỏi để làm việc tại các bệnh viện tuyến huyện gặp nhiều khó khăn, hầu hết các bác sĩ tốt nghiệp hệ chính quy chỉ đăng ký dự tuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh. Do môi trường làm việc tại các bệnh viện huyện chưa hấp dẫn, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn, thu nhập không cao, trong khi chưa có chính sách thu hút bác sỹ về công tác tại các bệnh viện huyện. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều bác sỹ có trình độ (Trưởng khoa, Phó trưởng khoa) đang làm việc tại các bệnh viện, đặc biệt tại các bệnh viện tuyến huyện xin nghỉ việc ngày càng tăng. Các yếu tố trên làm cho số lượng các bác sỹ tại các bệnh viện huyện thiếu cả về số lượng và yếu về chất lượng.

Để tăng cường đội ngũ bác sỹ giỏi cho các bệnh viện tuyến huyện đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai đồng bộ các giải pháp, cụ thể:

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 54/QĐ-UBND ngày 18/01/2016 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc phê duyệt Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực y tế tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2020; trong đó tập trung đào tạo bác sỹ có trình độ chuyên khoa sâu; ưu tiên tuyển các bác sỹ nội trú về công tác tuyến huyện; tăng cường đào tạo chuyển giao kỹ thuật theo kíp từ bệnh viện tuyến tỉnh xuống các bệnh viện huyện.

- Tăng cường cử các bác sỹ tuyến tỉnh xuống hỗ trợ chuyên môn với các bệnh viện huyện hỗ trợ theo Đề án 1816.

- Thực hiện tốt đề án xã hội hóa của các bệnh viện tuyến huyện: Mời các bác sỹ có trình độ chuyên môn cao từ tuyến trung ương, các bác sỹ đã nghỉ hưu về thực hiện khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện.

- Giao quyền tự chủ cho các bệnh viện; xây dựng môi trường làm việc thân thiện, có chế độ thu hút với các bác sỹ về công tác tại các bệnh viện tuyến huyện.

- Tranh thủ sự giúp đỡ của các dự án; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất; trang thiết bị, kỹ thuật và nhân lực cho các bệnh viện huyện.

Thực hiện thường xuyên

Sở Y tế

3

Cử tri thành phố Bắc Giang đề nghị: UBND tỉnh xem xét, cho phép mở rộng nghĩa trang nhân dân xã Tân Tiến để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận các ngôi mộ di chuyển đến do thực hiện giải phóng mặt bằng tại các dự án trên địa bàn; đồng thời đáp ứng nhu cầu lâu dài của nhân dân trên địa bàn xã.

Trên cơ sở ý kiến cử tri kiến nghị, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND thành phố Bắc Giang xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Kết quả như sau:

Năm 2016, thành phố Bắc Giang đã quy hoạch, triển khai thực hiện dự án Hạ tầng Nghĩa trang, đường vào khu tập kết mộ xã Tân Tiến - phục vụ GPMB dự án đầu tư xây dựng công trình Khu số 1, 2, 3 thuộc khu đô thị phía Nam, thành phố Bắc Giang trên diện tích khoảng 2,24ha với quy mô đáp ứng 3.500 ngôi mộ cát táng (trong đó đã xây dựng 2.000 mộ) tại khu vực ngoài đê bối, thuộc thôn Trước và thôn Văn Sơn, xã Tân Tiến. Hiện dự án đã thi công cơ bản hoàn thành và di chuyển gần 2.000 mộ về nghĩa trang.

Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố Bắc Giang đang thực hiện công tác bồi thường GPMB nhiều dự án quan trọng, đặc biệt là các dự án mở rộng phát triển đô thị tại Khu phía Nam thành phố. Để thực hiện các dự án theo quy hoạch đô thị, phải di chuyển hàng nghìn ngôi mộ. Thời gian qua, thành phố Bắc Giang đã đầu tư mở rộng một số nghĩa trang nhân dân hiện có nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Vì vậy, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án. Trong khi đó, Nghĩa trang nhân dân hiện có của thành phố Bắc Giang (Nghĩa trang Tân An) đã quá tải; dự án Hạ tầng Nghĩa trang, đường vào khu tập kết mộ xã Tân Tiến mới xây dựng chỉ đáp ứng di chuyển mộ tại dự án Khu số 1, 2, 3 thuộc Khu đô thị phía Nam thành phố. Qua rà soát, tại khu vực xung quanh Nghĩa trang xã Tân Tiến mới xây dựng, bên cạnh đê bối còn có nghĩa trang hiện trạng thôn Văn Sơn, thôn Ngò rộng khoảng 1ha; khu vực đất nông nghiệp hiện có rải rác các khu mộ nhỏ lẻ nằm xen kẹp tại các thửa ruộng, phần đất còn lại có điều kiện mặt bằng, cảnh quan thuận lợi cho việc mở rộng đất Nghĩa trang nhân dân đáp ứng nhu cầu nghĩa trang trên địa bàn. Vì vậy, việc cử tri có ý kiến đề nghị xem xét, cho phép mở rộng Nghĩa trang nhân dân xã Tân Tiến tại khu vực trên để đáp nhu cầu hiện nay và lâu dài là cần thiết.

Trước thực trạng trên, UBND thành phố Bắc Giang đã báo cáo Thường trực UBND tỉnh cho chủ trương quy hoạch xây dựng mở rộng Nghĩa trang nhân dân xã Tân Tiến. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch nghĩa trang vùng tỉnh Bắc Giang đến năm 2030 tại Quyết định số 198/QĐ-UBND ngày 30/3/2018, trong đó có quy hoạch cải tạo, mở rộng Nghĩa trang Tân Tiến, thành phố Bắc Giang với quy mô nghĩa trang cấp III, diện tích khoảng 15ha đáp ứng nhu cầu tiếp nhận các ngôi mộ di chuyển đến do thực hiện GPMB tại các dự án trên địa bàn; đồng thời đáp ứng nhu cầu lâu dài của nhân dân trên địa bàn xã.

Hiện, UBND thành phố Bắc Giang đã đưa dự án đầu tư xây dựng mở rộng Nghĩa trang xã Tân Tiến bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và giao Ban QLDA ĐTXD số 1 thành phố lập chủ trương đầu tư xây dựng trong thời gian tới.

 

UBND thành phố Bắc Giang

 
Trung bình (0 Bình chọn)